Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBa kịch bản của Anh sau 'nỗi nhục' kế hoạch Brexit bị...

Ba kịch bản của Anh sau ‘nỗi nhục’ kế hoạch Brexit bị quốc hội bác

Thủ tướng Theresa May đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập kêu gọi trong khi đất nước tiến gần hơn đến nguy cơ “tay không” rút khỏi EU trong 10 tuần nữa.

Sau khi kế hoạch Brexit không được thông qua tại quốc hội hôm 15/1, Thủ tướng Anh Theresa May phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể khiến bà mất chức. Lần gần nhất sự kiện tương tự xảy ra là cách đây gần 26 năm, theo AFP.

Trang nhất Daily Telegragh để dòng chữ “Nỗi nhục nhã trọn vẹn” sau cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, trong đó 432 nghị sĩ phản đối thỏa thuận mà bà May đã đạt được với Brussels để Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) vào ngày 29/3. Chỉ 202 người ủng hộ kế hoạch của bà May, người đã dẫn dắt các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh với EU trong hơn 2 năm qua.

“Cuộc ly hôn” đau đớn nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ đang đối mặt với nguy cơ hỗn loạn khi Anh có thể phải rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào trong tay.

Một tháng, 2 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà May, do lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn kêu gọi, dự kiến diễn ra lúc 19h ngày 16/1 (giờ địa phương), theo AFP.

Theo Luật Nghị viện Có Thời hạn năm 2011 của Anh, nếu chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, một quy trình 2 tuần sẽ được khởi động và có thể dẫn đến cuộc tổng tuyển cử mới trên toàn quốc để chọn ra thủ tướng tiếp theo.

Trong 14 ngày này, chính phủ của bà May phải giành lại được sự tín nhiệm của hạ viện, với đa số ủng hộ, trong một cuộc bỏ phiếu khác. Nếu không, về mặt lý thuyết, ông Corbyn có thể tự xây dựng liên minh với các đảng đối lập khác để lên nắm quyền.

Trong trường hợp không bên nào có thể thành lập chính phủ mới với tình trạng hiện tại của hạ viện, quốc hội tự động giải tán và tổng tuyển cử toàn quốc sẽ diễn ra.

Bà May đang điều hành chính phủ thiểu số phụ thuộc vào sự ủng hộ của đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) ở Bắc Ireland.

Từ năm 1900, có ba lần chính phủ Anh thất bại trong bỏ phiếu bất tín nhiệm: hai lần năm 1924 và một lần năm 1979. Trong lần gần nhất, Thủ tướng Jim Callaghan thất bại chỉ với một phiếu chênh lệch: 311-310.

Lần cuối cùng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra là vào năm 1993, cũng trong giai đoạn quan hệ giữa Anh và châu Âu gặp sóng gió. Tuy nhiên, chính phủ Thủ tướng John Major đã vượt qua với 339 phiếu thuận/299 phiếu chống.

Bà May, người lên nắm quyền thay ông David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về Brexit năm 2015, từng kêu gọi tổng tuyển cử hồi tháng 6/2017 nhằm tăng cường vị thế của mình trong quá trình thương lượng với Brussels.

Song bà đã thất bại và để mất thế đa số. Đảng Bảo thủ của bà hiện nắm 316 ghế trong hạ viện, nhưng cần 320 phiếu mới giành được đa số. DUP, vốn có thỏa thuận ủng hộ bà May trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và ngân sách, giữ 10 ghế.

Bà May từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nội bộ đảng Bảo thủ hôm 12/12 để tiếp tục lãnh đạo đảng. Theo AFP, bà May sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này để giữ ghế thủ tướng.

“Chúng ta cần xác nhận liệu chính phủ này có còn được hạ viện tín nhiệm nữa hay không. Tôi tin là vẫn còn”, bà nói sau thất bại.

3 kịch bản Brexit

Sau diễn biến ở Anh, câu hỏi nhiều người đặt ra nhất là điều gì sẽ xảy đến với Brexit? Có 3 khả năng: bà May đạt được thỏa thuận mới với EU; Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào và Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.

Trong kịch bản thứ nhất, chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU nói thỏa thuận mà họ đạt được là tốt nhất có thể. Và dù thỏa thuận bị quốc hội Anh bác bỏ, bà May hôm 15/1 vẫn cho rằng đây là lựa chọn duy nhất.

Các thành viên của đảng Bảo thủ nói thỏa thuận giữ Anh ở lại quá gần EU trong khi các đảng đối lập nói thỏa thuận không bảo vệ được quan hệ kinh tế giữa Anh với liên minh. Cả hai bên đều không muốn duy trì biên giới mở với Cộng hòa Ireland, một nội dung trong thỏa thuận.

Bà May cảnh báo EU không đề xuất bất kỳ “thỏa thuận thay thế” nào, nhưng bà cũng nói bà sẵn sàng thảo luận với các nghị sĩ “có thể đàm phán một chân thành” và có thể thương lượng lại với EU.

Trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua trước ngày 29/3, nước Anh sẽ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất về Brexit, việc có thể dẫn đến suy thoái kinh tế ở Anh cũng như tại châu Âu.

Kế hoạch của bà May vốn nhằm giúp giữ nguyên các quy định về thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó, trong giai đoạn chuyển đổi kéo dài đến hết năm 2020.

Việc chuyển đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động đến hầu như mọi lĩnh vực kinh tế và có thể khiến giá cả các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại Anh tăng lên cũng như gây ra sự gián đoạn tại các trung tâm hậu cần như cảng biển.

Chính phủ Ireland hôm 15/1 nói họ sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, cảnh báo về nguy cơ Brexit “hỗn loạn”.

Hiện có những đồn đoán ở cả London và Brussels rằng bà May có thể tìm cách để trì hoãn Brexit, tránh kịch bản “tay không ra đi”.

Một khả năng khác là Anh sẽ tổ chức tái trưng cầu dân ý về Brexit. Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác sau cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến kết quả chấn động năm 2016 với 52% cử tri muốn Anh rời EU.

Không có quy định nào buộc Anh không được tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu điều này có dân chủ hay không. Cuộc bỏ phiếu Brexit mới cũng có thể tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ trong công chúng Anh tương tự lần trước.

Ba kich ban cua Anh sau ‘noi nhuc’ ke hoach Brexit bi quoc hoi bac hinh anh 4
Những người phản đối Brexit tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội Anh tối 15/1. Ảnh: Bloomberg.
Bà May đã cảnh báo việc tái trưng cầu dân ý “sẽ gây ra những tổn hại không thể bù đắp đối với sự liêm chính của nền chính trị chúng ta”.

Trong kịch bản này, việc đầu tiên cần làm là lùi lại ngày Anh ra đi, dù các nhà ngoại giao EU cảnh báo chỉ có thể lùi thêm một vài tháng.

“Tôi kêu gọi Anh làm rõ ý định của họ càng sớm càng tốt. Thời gian đã gần hết rồi”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nói, khẳng định thỏa thuận mà bà May đã đạt được với Brussels là “cách duy nhất để đảm bảo Anh rút khỏi EU một cách trật tự”.

RELATED ARTICLES

Tin mới