Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐòn đau thương chiến: Lo sốt vó trước cả "núi" tin dữ,...

Đòn đau thương chiến: Lo sốt vó trước cả “núi” tin dữ, chính phủ TQ cuống cuồng ra quân

Bắc Kinh đang phải gia tăng nỗ lực trấn an dư luận trong nước rằng tình trạng kinh tế trì trệ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì hội thảo về báo cáo công tác chính phủ, ngày 15/1/2019 (Ảnh: Xinhua)

Quan chức cấp cao Trung Quốc đồng loạt “đăng đàn”

Trung Quốc đang phải đối diện với kỳ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ qua, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa được giải quyết.

Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp báo lớn trong hai ngày vừa qua, với các quan chức cấp cao từ sáu bộ ngành gửi thông điệp tin tưởng vào viễn cảnh tương lai của nền kinh tế số 2 thế giới, đồng thời đưa ra lý giải của Bắc Kinh về những thông tin tiêu cực như doanh số tiêu thụ ô tô lần đầu tiên sụt giảm hai năm liên tiếp trong gần 3 thập kỷ qua, hay tình trạng thiếu công ăn việc làm trở nên căng thẳng.

Xin Guobin, thứ trưởng Bộ công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, nói linh vực công nghiệp “hoạt động tốt hơn một chút so với kỳ vọng” và tình trạng kinh tế giảm tốc gần đây chỉ là “biến động ngắn hạn”.

Ông Xin lạc quan rằng năm 2019 sẽ có “nhu cầu mới ở các thành thị cấp 3 và cấp 4 ở Trung Quốc” khi mà “các mẫu xe ô tô cũ được thay thế”.

Thứ trưởng Bộ lao động Qiu Xiaoping cho biết, “tình hình tạo công ăn việc làm năm qua tương đối tốt”, dẫn chứng rằng hơn 13 triệu việc làm đã được tạo ra trong năm 2018, giúp tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3.8%.

Thông điệp tích cực cũng thể hiện trong cuộc họp báo của Ủy ban cải cách phát triển nhà nước (NDRC), Bộ tài chính Trung Quốc, và Ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Lian Weiliang, phó chủ nhiệm NDRC, cho biết các cơ quan hoạch định kinh tế đã tăng tốc phê duyệt những dự án mới. Ông Lian bác bỏ tin tức Trung Quốc đang phải dốc toàn lực kích thích nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

Hai cuộc họp báo trong các ngày 15-16/1 diễn ra ngay sau một loạt cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) với các quan chức cấp cao nhằm cải chính một số “quan điểm sai lầm” về tình hình kinh tế.

Ning Jizhe, người đứng đầu Cục thống kê nhà nước Trung Quốc, bác bỏ nhận định tốc độ lão hóa dân số tăng nhanh sẽ trở thành gánh nặng cho sự tăng trưởng của đất nước. Bộ trưởng tài chính Liu Kun thì cho biết thuế được cắt giảm ở Trung Quốc trong năm 2018 còn lớn hơn mức giảm thuế của chính quyền tổng thống Donald Trump tại Mỹ.

“Quy mô [giảm] thuế của Trung Quốc còn vượt xa Mỹ,” ông Liu nói với CCTV, chống lại luận điểm rằng mức giảm thuế của Trung Quốc là không đáng kể.

Nỗ lực của hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc được thực hiện nhằm củng cố “bức tranh màu hồng”, sau khi hàng loạt số liệu kinh tế nghèo nàn xuất hiện khiến ban lãnh đạo nước này phải quyết định những chính sách thiên về thúc đẩy tăng trưởng để bảo đảm những con số làm xoa dịu thị trường trong nước.

Chỉ số xuất nhập khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến bởi rào cản thuế quan của Mỹ gây trở ngại cho xuất khẩu và hạ thấp nhu cầu quốc nội.

Quy mô lĩnh vực sản xuất co lại lần đầu trong 19 tháng, làm dấy lên câu hỏi về khả năng kiểm soát giảm tốc tăng trưởng của chính phủ.

Ngoài doanh số ô tô đi xuống trong năm 2018, hãng Apple cũng đưa ra cảnh báo đầu tiên trong vòng 12 năm đề cập nhu cầu tiêu thụ sụt giảm tại thị trường Trung Quốc.

Lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính Trung Quốc cũng bị đả kích mạnh trong năm qua. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm hơn 25%, thổi bay hơn 2.000 tỉ USD giá trị thị trường. Đồng nhân dân tệ cũng mất giá khoảng 10% so với đồng USD.

Trung Quốc dự kiến công bố số liệu tăng trưởng GDP năm 2018 vào tuần tới. Số liệu tăng trưởng quý 3 năm ngoái do chính phủ công bố ghi nhận mức tăng 6.5%, thấp nhất trong một thập kỷ.

Kịch bản tồi tệ nhất vẫn còn phía trước

Các nhà phân tích dẫn chứng tình trạng chậm chạp trong xử lý các vấn đề về tái cấu trúc hay xử lý “núi” nợ trong nước – có thể chiếm đến 300% GDP, cùng nhiều vấn đề nhức nhối khác có nguy cơ sẽ bùng lên trong thời gian tới.

Banny Lam, giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu tại CEB International Investment, đánh giá thông điệp lạc quan từ giới chức trong những ngày vừa qua sẽ giúp củng cố lòng tin ở một mức độ xác định.

“Công chúng [Trung Quốc] có xu hướng dựa vào những thông điệp từ ban lãnh đạo, nếu không họ có thể sẽ nghĩ rằng mọi chuyện đang diễn ra không suôn sẻ,” ông Lam nói, bổ sung rằng các cuộc họp báo vừa qua thể hiện chính phủ đã gia tăng nỗ lực để buộc các bộ ngành phải hợp tác với nhau, cho thấy Bắc Kinh có thể linh hoạt đưa ra nhiều hướng giải pháp nhằm vào những khu vực yếu kém cụ thể.

“Liệu những nỗ lực này có thể chuyển hóa thành kết quả tốt hay không thì chúng ta không thể biết được cho đến sau tháng 2,” ông nói. “Nhưng nó sẽ giúp thị trường khỏi hoang mang trước tình hình kết quả đàm phán thương mại [Mỹ-Trung Quốc] vẫn chưa xác định.”

Tại Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc hồi tháng trước, ban lãnh đạo nước này đã nhất trí “biến sức ép thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao” bằng cách đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước, nâng cấp lĩnh vực công nghiệp sản xuất và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Max Zenglein, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, thì nhận định động thái của nhà nước Trung Quốc nhằm củng cố tăng trưởng có thể khiến nguồn đầu tư nước ngoài trở nên bấp bênh, bởi hàng loạt dự án mới do chính phủ rót vốn đã được NDRC phê chuẩn.

Tín hiệu hạ mục tiêu tăng trưởng?

Chủ trì một phiên tọa đàm hôm 15/1, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nghe ý kiến và kiến nghị từ các học giả, doanh nghiệp về dự thảo báo cáo công tác chính phủ. Phiên họp có sự tham gia của Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, phó thủ tướng Hàn Chính.

Ông Lý nói Trung Quốc sẽ tiếp tục sáng tạo và phát triển các chính sách kiểm soát vĩ mô để bù đắp những bất ổn bên ngoài và cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế “ở mức độ hợp lý”.

“Trung Quốc sẽ tăng tốc chuyển đổi mô hình phát triển, đi sâu cải cách và mở cửa, và thúc đẩy phát triển chất lượng cao,” ông nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường mậu dịch công bằng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi tạo dựng sức sống lớn hơn cho thị trường để chống lại sức ép tăng trưởng giảm tốc.

Thông điệp của ông Lý Khắc Cường được cho là tín hiệu, cũng như bước chuẩn bị tâm lý cho thị trường Trung Quốc trước khả năng hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 để phù hợp với tình hình trong nước cũng như cuộc chiến thương mại chưa ngã ngũ.

Theo một khảo sát đối với 21 nhà kinh tế học do trang Yicai (Trung Quốc) tổ chức, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khoảng 6.3% trong năm 2019.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào đầu tháng 3 tới, ông Lý Khắc Cường sẽ đọc báo cáo công tác chính phủ năm 2018, và nêu chỉ số mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019.

RELATED ARTICLES

Tin mới