Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngLập luận phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử...

Lập luận phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh ngụy biện cho rằng Trung Quốc là nước “đầu tiên” phát hiện, đặt tên và quản lý các đảo ở Biển Đông.

“Quyền phát hiện đầu tiên”

Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” của mình đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua phương thức “Quyền phát hiện đầu tiên”. Phương thức này đã được phát triển trở thành lập trường nhất quán nhất của Trung Quốc khi nhắc đến chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa. Lập luận này gần như là lập luận trước tiên, chủ yếu và xuyên suốt của Trung Quốc, xuất hiện ở hầu hết các văn bản chính thức có đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.Điển hình là Sách trắng 1980 có ghi: Thứ nhất, các quần đảo Tây Sa và Nam Sa đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại. Thời Hán Vũ đế, hai thế kỷ trước Công nguyên, người Trung Quốc bắt đầu chèo thuyền ở Nam Hải. Người Trung Quốc thông qua thực tiễn các chuyến hải hành trường kỳ, trước sau đã phát hiện ra quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa”. Công hàm A/68/907 Trung Quốc gửi Tổng Thư ký LHQ ngày 24/7/2014 có ghi: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác, phát triển và thực thi tài phán trên quần đảo Tây Sa”, đồng thời khẳng định lại: “Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai thác, phát triển và thực thi tài phán trên quần đảo Tây Sa. Nhà nước Trung Quốc, kể từ triều đại Bắc Tống (960-1126) đã thiết lập sự kiểm soát quản lý trên quần đảo Tây Sa”.

Bên cạnh đó, một số quan điểm khác lại cho rằng thời điểm sớm nhất mà Trung Quốc khẳng định mình đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa là triều đại nhà Hạ (từ năm 2100-1660 trước Công nguyên). Trong cuốn “Dật Chu thư” được viết ở đầu triều đại nhà Tần có ghi nhận rằng: Nhà Hạ có nhận cống nạp từ Nam Hải (từ các tộc người là chư hầu của nhà Hạ) gọi là Châu Ki Đại Bối các vật phẩm là rùa, đồi mồi và các tộc người đó vẫn duy trì cống nạp cho đến nhà Thương (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ thứ XI trước Công nguyên), nhà Chu (từ thế kỷ XI đến năm 221 trước Công nguyên), nhà Tần (từ năm 221 đến năm 206 trước Công nguyên) và nhà Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên). Cho dù thời điểm đầu tiên phát hiện quần đảo Hoàng Sa chưa được nhất quán là triều nhà Hạ hay nhà Hán nhưng lập luận của Trung Quốc vẫn tập trung vào sự “tác động” sớm nhất vào quần đảo này và chí ít, điều đó cũng tạo ra được danh nghĩa chủ quyền phôi thai và sẽ được củng cố bằng những hành xử chủ quyền tiếp theo.

Ngoài ra, cơ sở pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ có khả năng củng cố cho lập luận về quyền phát hiện đầu tiên của Trung Quốc là luật quốc tế theo thời điểm (intertemporal international law). Trung Quốc cho rằng, theo luật quốc tế và tập quán quốc tế thời kỳ cách đây khoảng 2100 năm là: “Chủ quyền thuộc về người phát hiện”, đó là ngư dân Trung Quốc, và vì vậy Trung Quốc phải có chủ quyền trên đó. Trung Quốc cũng lập luận rằng luật quốc tế theo thời điểm yêu cầu khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ, nguồn luật thích hợp không phải là luật xảy ra khi tranh chấp phát sinh hoặc được đệ trình để giải quyết mà là nguồn luật trên thực tế đồng thời với các hoạt động hành xử chủ quyền. Luật quốc tế thời kỳ trước thế kỷ thứ XVIII, chỉ cần phát hiện hoặc phát hiện với một vài dấu hiệu tượng trưng là đã đủ cấu thành danh nghĩa chủ quyền. Bằng luật quốc tế thời điểm đó, Trung Quốc có sự phát hiện các đảo ở Biển Đông từ rất xưa và đã thực hiện nhiều hơn chỉ là các dấu hiệu tượng trưng để thực thi chủ quyền. Do đó, không thể nghi ngờ, Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông trước khi có các yêu sách từ các nước ngoài, cho dù Trung Quốc chưa hề nhận thức được sự tồn tại của các luật pháp quốc tế thời điểm đó.

Quyền phát hiện phải đi liền với các hoạt động hành xử chủ quyền nhằm chứng minh cho năng lực làm chủ vùng lãnh thổ đó. Theo đó, Trung Quốc cũng viện dẫn rất nhiều sự kiện mang tính lịch sử – pháp lý chứng minh cho quá trình làm chủ suốt hơn 2000 năm kể từ khi “phát hiện” ra quần đảo Hoàng Sa.

Như đã khẳng định, một danh nghĩa chủ quyền nhất thiết phải được tiếp nối và phát triển bằng những hành xử chủ quyền một cách hòa bình, công khai, thường xuyên và liên tục. Trung Quốc lập luận mình là quốc gia đầu tiên trong việc tác động đến quần đảo Hoàng Sa là chưa đủ. Do vậy, một chuỗi các sự kiện lịch sử, có cả những sự kiện lịch sử mang tính pháp lý cũng được viện dẫn nhằm hợp thức hóa danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc.

Thứ nhất, người Trung Quốc đã đặt tên cho các đảo sớm nhất. Từ thời Tây Chu và Đông Chu (từ năm 1066-221 trước Công nguyên), giới cầm quyền Trung Quốc đã đặt ra tên Nam Hải (chỉ Biển Đông). Vào triều đại nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đã sử dụng cụm từ “Tam Thần Sơn” để chỉ các đảo, bãi san hô ở Biển Đông. Buổi đầu triều đại Đông Hán (từ năm 23 đến năm 220), Trung Quốc gọi Biển Đông là “Trướng Hải” và gọi các đảo là “Trướng Hải Kì Thủ” (nguyên văn tiếng Trung: “涨海崎头”, phiên âm: Zhang Hai Ki Tou). Thời đại nhà Kim (từ năm 265 đến năm 420), các đảo ở Biển Đông được gọi dưới cái tên là “San Hô Châu” (nguyên văn tiếng Trung: 珊瑚洲, phiên âm: Shan Hu Zhou). Ởcác triều đại tiếp theo đó được Trung Quốc viện dẫn ở Sách trắng 1980, quần đảo Hoàng Sa được gọi dưới nhiều cái tên khác nhau và có khi sáp nhập chung với quần đảo Trường Sa, như là: “Cửu Nhũ Loa Châu”, “Thạch Đường”, “Thiên Lý Thạch Đường”, “Vạn Lý Thạch Đường”, “Trường Sa”, “Thiên Lý Trường Sa” “Vạn Lý Trường Sa” và mỗi bãi đá ngầm, bãi cát ở hai quần đảo lại được đặt nhiều tên sinh động và hình tượng…

Từ năm 1909 thì cái tên Tây Sa mới bắt đầu xuất hiện để gọi quần đảo Hoàng Sa. Và kể từ đó, cái tên Tây Sa đối với Trung Quốc đã trở thành tên gọi chính thức cho quần đảo này đến ngày nay. Việc này gắn liền với sự kiện Đô đốc thủy sư Lý Chuẩn có chuyến đi ra quần đảo Tây Sa. Quá trình đặt lại tên hoặc chuẩn hóa tên gọi cho những đảo cụ thể và những thực thể khác ở Biển Đông vẫn đang tiếp tục thể hiện sức mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với chúng.

Thứ hai, người dân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động khai thác từ hàng ngàn năm. Sách trắng 1980 cũng dẫn ra một số tài liệu cùng những trích dẫn có liên quan để chứng minh cho hoạt động khai thác lâu đời của ngư dân Trung Quốc. Thời đại Tam Quốc (Công nguyên từ năm 220 đến 265) có cuốn “Nam Châu dị vật chí” của Vạn Chấn và cuốn “Phù Nam truyện” của Khang Thái, đặc trưng địa mạo của quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa đã được mô tả. Sau khi phát hiện quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa, người dân Trung Quốc đã khắc phục muôn trùng khó khăn để đến được hai quần đảo này cần mẫn khai phá và làm ăn. Nước ta vào thời nhà Tống có cuốn “Mộng lương lục” và thời nhà Nguyên có cuốn “Đảo di chí lược”; thời nhà Minh có cuốn “Đông Tây dương khảo” và “Thuận phong tương tống”; thời nhà Thanh có cuốn “Chỉ Nam chính pháp”, “Hải quốc văn kiến lục” viết dựa theo lịch đại “Canh lộ bạ” của ngư dân, đã ghi lại tình hình làm ăn, những chuyến hàng hải đến quần đảo Tây Sa và Nam Sa của ngư dân Trung Quốc hàng ngàn năm cũng như vị trí của hai quần đảo này và bức tranh phân bố các đảo đá.

Song song đó, Trung Quốc cũng cho rằng nhờ vào sự phát triển của công nghệ đóng tàu của mình, Trung Quốc là nước đầu tiên có những chuyến thám hiểm, du hành ngang qua vùng Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc thấy rằng là hoàn hoàn phù hợp, hoàn toàn xác đáng để làm chủ các đảo ở Biển Đông khi có những điều kiện thuận lợi để khám phá, phát triển, nghiên cứu, đặt tên, kiểm soát, làm luật cũng như sử dụng các đảo này. Từ thời nhà Hạ, là một xã hội nguyên thủy, cư dân thời đó chủ yếu sống nhờ vào tự nhiên, thời kỳ đó còn được biết tới như “Ngư lạp thời đại” – thời đại săn bắt cá (nguyên văn tiếng Trung: 渔猎时代, phiên âm: Yu lie shi dai).

Thứ ba, Trung Quốc đã tìm được các bằng chứng khảo cổ học. Cũng trong Sách trắng 1980, Trung Quốc đã công bố: “Mấy năm gần đây, đã phát hiện di chỉ cư trú thời đại Đường – Tống của nước ta và những vật dụng sinh hoạt như: gốm, dao sắt, nồi và đồ dùng hàng ngày khác cũng như các hiện vật thời đại nhà Minh, nhà Thanh, giếng nước, đền, lăng mộ và các văn vật lịch sử khác”.

Người Trung Quốc đã tìm thấy vết tích tiền cổ và vật dụng cổ có từ thời Vương Mạng (năm thứ III trước Công nguyên – năm 23 sau Công nguyên) trên các quần đảo. Báo cáo sơ bộ của chuyến khảo cổ học thứ hai trên quần đảo Tây Sa của tỉnh Quảng Đông ghi rằng: “qua hai cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ học đã khảo sát hầu hết các đảo, đá, bãi ngầm, các vũng của quần đảo Tây Sa và hầu như ở đâu họ cũng tìm thấy các đồ vật cổ và các lịch sử của quần đảo Tây Sa, bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta từ ngàn đời nay. Nhân dân ta chính là những người chủ của chúng”.

Thứ tư, Trung Quốc đã đặt các đảo ở Biển Đông dưới sự quản lý từ chính quyền trung ương, địa phương sớm nhất. Dưới triều đại nhà Tần, Tây Sa (và Nam Sa) được đặt dưới sự quản lý của phủ Quỳnh Châu (bây giờ là Hải Nam). Dưới triều đại Minh và Thanh, hạt Vạn Châu, phủ Quỳnh Châu không chỉ quản lý Thiên Lý Trường Sa (nguyên văn tiếng Trung: 千里长沙, phiên âm: Qian Li Chang Sha), tức Tây Sa, mà còn có vùng biển xung quanh Tây Sa. Chính phủ của Trung Quốc kế tiếp đã dựa vào sự làm chủ này mà phân chia quản lý. Cần phải nhấn mạnh rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông chưa bao giờ thay đổi hoặc gián đoạn bất chấp những sự kiện hiện đại như sự chiếm đóng của Pháp và Nhật cũng như yêu sách và sự chiếm đóng từ các nước có cùng yêu sách. Kể từ lần đầu tiên khi các đảo ở Biển Đông trở thành mục tiêu của nước ngoài cho đến nay, Trung Quốc liên tục và nhất quán khẳng định chủ quyền và phản bác tất cả yêu sách, sự chiếm đóng và can thiệp từ nước ngoài.

Thứ năm, hoạt động quản lý. Sách trắng 1980 cũng lần lượt đưa ra các sự kiện Trung Quốc đã quản lý quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, có các sự kiện chính, đáng lưu tâm như sau: Đầu triều đại Bắc Tống (từ năm 960 đến năm 1127), Hải quân Trung Quốc tuần tra khắp vùng biển quần đảo Tây Sa. Cuốn “Võ kinh tổng yếu” do hoàng đế Bắc Tống Nhân Tông ngự bút có ghi: Triều đình Bắc Tống “lệnh cho vương soái xuất thủ, tuần tra và canh giữ các doanh trại thủy sư” ở Quảng Nam (nay là Quảng Đông), “quản lý tàu cá, nhập các chiến hạm trên biển”, “xuôi theo gió Đông đi về hướng Tây Nam từ Truân Môn, bảy ngày đến Cửu Nhũ Loa Châu”. “Cửu Nhũ Loa Châu” ngày nay là quần đảo Tây Sa. Điều này chỉ ra rằng triều đình Bắc Tống đã đặt quần đảo Tây Sa vào phạm vi quản hạt của mình do đó phải cử hải quân với các chiến hạm để tuần tra các đồn trú.

Buổi đầu triều đại nhà Nguyên đã tiến hành đo đạc thiên văn ở 27 địa phương trên toàn quốc. Nhà Nguyên năm thứ XVI (1279), Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt thân phái các nhà thiên văn học nổi tiếng, cùng làm trong Thái Sử Viện, có Quách Thủ Kính tới Nam Hải để tiến hành đo đạc. Theo Nguyên sử, các điểm đo ở Nam Hải “trên vùng Nam Du”, “đo ở cực Bắc Nam Hải ra đến mười lăm độ”. “Nam Hải” chính là điểm thiên văn ở quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều này cho thấy ở triều đại nhà Nguyên quần đảo Tây Sa nằm trong cương vực của Trung Quốc.

Triều đại nhà Minh và nhà Thanh, các quan Trung Quốc biên soạn cuốn “Quảng Đông thông chí”, “Quỳnh Châu phủ chí” và “Vạn châu chí”, đều có trong các mục “cương vực” hoặc “Dư địa sơn xuyên”: “Có Vạn Châu có Thiên Lý Nam Sa, Vạn Lý Thạch Đường”. Điều này cho thấy rằng các quần đảo Tây Sa và Nam Sa vào thời điểm đó thuộc tỉnh Quảng Đông, Quỳnh Châu, phủ Vạn Châu (nay là Vạn Ninh, đảo Hải Nam, huyện Lăng Thủy).

Giữa năm Khang Hy thứ 49 đến năm Khang Hy thứ 51 đời nhà Thanh (1710-1712), Phó Tướng thủy sư Quảng Đông Ngô Thăng tuần tra biển: “Từ Quỳnh Nhai, theo lịch trống đồng, qua Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, khoảng ba ngàn dặm, đi kiểm tra”. Ở đây gọi là Thất Châu Dương nay thuộc hải vực quần đảo Tây Sa, lúc đó quân lính Quảng Đông phụ trách tuần tra.

“Năm Quang Tự thứ chín (1883), nước Đức đã đến các quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa để điều tra đo đạc nhưng sau khi có sự phản đối của chính phủ nhà Thanh, Đức đã phải dừng điều tra”. “Tháng 4/1909, Lưỡng Quảng Tổng đốc Trương Nhân Tuấn cử Đô đốc thủy sư Lý Chuẩn, dẫn đến hơn 170 người, vượt sóng đi thu gom vàng, sâm; ba chiếc thuyền tuần tra kiểm kê trên biển Tây Sa và xác định mười lăm hòn đảo, tên là Lặc Thạch, và cắm cờ tại đảo Vĩnh Hưng khẳng định chủ quyền”.

Năm 1911, chính quyền tỉnh Quảng Đông Trung Quốc tuyên thị rằng quần đảo Tây Sa được đặt dưới sự quản hạt của huyện đảo Hải Nam. Năm 1921, Bộ Nội vụ Chính phủ tỉnh Quảng Đông Trung Quốc phê duyệt cho các doanh nhân Hà Lan – Thụy Sĩ phát triển trong ngành thủy sản ở quần đảo Tây Sa, khai hoang, khai thác mỏ và công nghiệp khác. Sau đó phát hiện ra rằng sự chuyển giao quyền từ Hà Lan – Thụy Sĩ cho các doanh nhân Nhật Bản, chính là triệt tiêu quyền kinh doanh.

Tháng 5/1928, Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã gửi quân đội, các quan chức chính phủ và các chuyên gia kỹ thuật để điều tra, đưa tàu chiến đến quần đảo Tây Sa để khảo sát thực địa và trình bày một báo cáo khảo sát chi tiết. Phần lớn của sự kiện lịch sử đủ để chứng minh: quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa đã được sớm phát hiện, phát triển và hoạt động đầu tiên từ Trung Quốc. Hàng ngàn năm qua, Chính phủ Trung Quốc trên hai quần đảo này đã thực hiện thẩm quyền, người dân Trung Quốc là những chủ nhân không thể tranh cãi của hai quần đảo này.

Thứ sáu, Trung Quốc cho là mình là quốc gia đầu tiên được biết đến đã vẽ bản đồ Biển Đông và các đảo trong đó. Từ thời nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh cũng như nhà Thanh, các đảo ở Biển Đông được gọi dưới cái tên là Vạn lý Trường Sa và Vạn lý Thạch Đường đã xuất hiện trong các bản đồ chính thống của Trung Quốc. “Chư Phiên đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 諸番图, phiên âm: Zhu Pan tu) – bản đồ thời Bắc Tống được nhắc đến như một trong những bản đồ cổ có liên hệ đến các đảo ở Biển Đông như là một thực thể thuộc đế chế Trung Hoa. Nhà Nguyên có bản đồ “Nguyên đại cương vực đồ tự” (nguyên văn tiếng Trung: 元代疆域图叙, phiên âm: Yuan dai jiang yu tu xu), “Hỗn nhất cương lý đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 混一疆理图, phiên âm: Hun yi jiang li tu) năm 1380 và “Dư địa đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 舆地图, phiên âm: Yu di tu) đã có bao gồm quần đảo Hoàng Sa trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc. Nhà Minh có bản đồ “Hỗn nhất cương lý lịch đại quốc đô chi đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 混一疆理历代国都之图, phiên âm: Hun yi jiang li li dai guo du zhi tu). Nhà Thanh có cuốn “Hải quốc văn kiến lục”, trong đó có bản đồ “Tứ hải tổng đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 四海总图, phiên âm: Si hai zong tu).

Sách trắng 1980 có dẫn ra: Quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại, trong đó ghi chép lại trong những cuốn sách lịch sử, không chỉ nhìn thấy rất nhiều hồ sơ mà còn có bằng chứng có thể được hỗ trợ bằng nhiều bản đồ chính thức, chẳng hạn như: Nhà Thanh năm Càn Long (1755) có “Hoàng Thanh các trực tỉnh phân đồ”, năm Gia Khánh thứ 15 (1810) có “Đại Thanh vạn niên nhất thống địa lý toàn đồ” và năm Gia Khánh thứ 22 (1817) có “Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ” và các bản đồ khác. Tháng 4/1935, Ủy ban thẩm định bản đồ đất và nước của Trung Quốc đã cho ra đời bản đồ “Trung Quốc Nam Hải các đảo tự đồ” (nguyên văn tiếng Trung: 中国南海各岛屿图, phiên âm: Zhong Guo Nan Hai ge dao yu tu). Đây là bản đồ chính thức đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc có đường chữ U thể hiện rõ yêu sách của mình.

Thứ bảy, những phản ứng của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền tại Tây Sa. Sách trắng 1980 có ghi nhận: Khi thực dân Pháp tham lam lãnh thổ của Trung Quốc và nhận ra được tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Tây Sa đã cố gắng xâm chiếm những đảo này bằng cách lợi dụng thời cơ Nhật Bản đang chiến đấu ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc bắt đầu với sự kiện ngày 18/9/1931. Trong một công hàm gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ngày 04/12 cùng năm, Chính phủ Pháp cho rằng Đế chế An Nam đã có cái gọi là “quyền phát hiện” đối với quần đảo Tây Sa và từ đó yêu sách chủ quyền đối với các đảo của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã cật lực chỉ trích và chỉ ra rằng quần đảo Tây Sa đã từ lâu nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc. Trong công hàm ngày 30/11/1932 gửi đến Lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu, chuyên viên thanh tra Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chu Triệu Tân đã khẳng định rằng: “Không có bất kì nghi ngờ nào nữa, Tây Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”.

Sự công nhận của quốc tế

Sự công nhận của các quốc gia khác, như đã đề cập, cũng là một bằng chứng làm mạnh thêm yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Đối với Hoàng Sa, Trung Quốc đã viện dẫn những sự việc sau:

Thứ nhất, sự công nhận dưới dạng điều ước. Về mặt này, Trung Quốc đã viện dẫn các trường hợp sau: Trong một phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hiệp ước Pháp – Thanh đã được đề cập đến như là một cơ sở pháp lý cho chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Cùng với đó, một ấn phẩm của Trung Quốc in năm 1956 có nêu: “Ở Quảng Đông, Pháp và triều đình Mãn Thanh đã đồng ý là các điểm tranh chấp nằm ở phía Đông và Đông Bắc Móng Cái, phía bên kia đường biên giới như đã được ủy ban hoạch định ấn định, được quy thuộc cho Trung Quốc. Những hòn đảo nằm về phía Đông của kinh tuyến Pari 105043’ Đông (tức kinh tuyến 108003’13’’ Đông Greenwich), nghĩa là đường thẳng Bắc – Nam đi qua mũi phía Đông của đảo Trà Cổ hay Ouanchan và tạo thành biên giới cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Cô Tô và các đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam. Theo đó, Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đường phân định đó nên thuộc về Trung Quốc.

Trong Công hàm A/68/956 của Trung Quốc gửi tổng thư ký LHQ có đề cập đến sự kiện: “Tuân theo Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam và Văn bản đầu hàng của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II, quần đảo Tây Sa bị Nhật chiếm đóng vào năm 1939, đã được trao trả cho Trung Quốc một cách hợp pháp. Chính quyền Trung Quốc đã cử những chiến hạm chính thức cao cấp ra quần đảo Tây Sa vào tháng 11/1946 để tổ chức lễ nhận các đảo. Một tấm bia đã được dựng lên để ghi nhớ lại sự chuyển giao này và quân đội cũng được thiết lập tại đó. Quần đảo Tây Sa kể từ đó nằm dưới sự kiểm soát quản lý của Chính quyền Trung Quốc”.

Thứ hai, sự công nhận dưới dạng khác, ngoài điều ước. Cũng trong Công hàm A/68/956 của Trung Quốc gửi tổng thư ký LHQ có đề cập đến sự kiện: Trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, khoảng cuối thế kỷ XIX, Pháp thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, vào ngày 22/8/1921, người đứng đầu Nhà nước Pháp và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Aristide Briand đã thừa nhận: “Chúng tôi khó có thể có yêu sách chủ quyền đối với những đảo này nếu từ năm 1909, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các quyền như chủ nhân các đảo”.

Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa Bình với Nhật Bản xác định rằng Nhật Bản nên từ bỏ quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Người đứng đầu của phái đoàn Liên bang Soviet Andrei Gromyko đã chỉ ra tại hội nghị rằng Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Mặc dù trong bản dự thảo Hiệp ước Anh – Mỹ với Nhật Bản không đề cập đến chủ quyền của những đảo này sau khi Nhật Bản từ bỏ nhưng vào năm 1952, sau khi Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký kết; bản đồ thứ 15, Đông Nam Á, của Standard World Atlas, được ký bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Katsuo Okazaki, đánh dấu Tây Sa và Nam Sa như lãnh thổ của Trung Quốc mà Nhật Bản phải từ bỏ như quy định tại Hiệp ước Hòa bình cũng như là Đông Sa và Trung Sa. Vì những quần đảo này có nguồn gốc là lãnh thổ Trung Quốc và phải được trả về lại Trung Quốc.

Kể từ đầu thế kỷ XX, hầu hết các bách khoa toàn thư đều thừa nhận quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa như là lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ, Atlas của nhiều quốc gia cũng đánh dấu Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Ví dụ: Welt-Atlas, xuất bản tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 1954, Soviet Atlas Mira từ năm 1954 đến năm 1967, Atlas Địa chất của Rumani vào năm 1957, Bản đồ thế giới của Pháp xuất bản tại Viện Địa lý quốc gia, Hoack Grosser Weltatlas xuất bản bởi Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1968, Gran Atlas Aguilar xuất bản tại Tây Ban Nha và Atlas Trung Quốc năm 1973 xuất bản bởi người Nhật – Heibou Sha. Nói tóm lại, quần đảo Tây Sa và Nam Sa đã được công nhận là lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều bản đồ và sách đương thời tại nhiều quốc gia.

Nhìn chung, phía trên là những lập luận cơ bản của Trung Quốc dựa trên những bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý từ phía quốc gia này. Lập luận càng có cơ sở từ luật pháp quốc tế thì càng có sức mạnh. Như vậy, việc phân tích cơ sở pháp lý trong lập luận của Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng.

Kết luận:

Việc Trung Quốc cố tình tuyên truyền, viện dẫn sai và tìm cách “bẻ cong” luật pháp quốc tế trong việc công nhận “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không phải mới. Cách tiếp cận và viện dẫn của Trung Quốc vẫn chỉ nhằm mục địch đánh lừa cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa. Hành động trên của Trung Quốc không những không được cộng đồng quốc tế chấp nhân mà còn khiến các nước hiểu rõ bản chất và âm mưu của Bắc Kinh ở Biển Đông. Thông qua các lập luận, tuyên truyền của Trung Quốc càng làm rõ hơn chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới