Wednesday, January 8, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMong muốn thống nhất Đài Loan của TQ có thể châm ngòi...

Mong muốn thống nhất Đài Loan của TQ có thể châm ngòi một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ

Các chuyên gia nhận định Đài Loan sẽ không cúi đầu trước áp lực từ Trung Quốc và sẽ châm ngòi một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ, nếu Trung Quốc khăng khăng có ý định thâu tóm hòn đảo.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. (Ảnh: AP)

“Về các hành động mất kiểm soát của Trung Quốc, chúng tôi cần nhắc cộng đồng quốc tế đối mặt nghiêm túc và nỗ lực cùng nhau để đẩy lùi và kiềm chế những hành động này”, ông Alex Huang, người phát ngôn của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 17/1 cho hay.

Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết 66 trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới, bao gồm Facebook và Nike dùng sai cách gọi Đài Loan, 53 công ty mắc lỗi sai khi gọi Hong Kong và 45 công ty dùng sai cách gọi đối với 2 vùng lãnh thổ này.

Global Times, ấn phẩm phụ của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi các công ty trên thay đổi cách gọi sai lầm gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh liên tiếp gây áp lực với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn giành được vị trí lãnh đạo năm 2016 và những động thái này được đẩy lên cao trào mới từ đầu năm 2019.

Ngày 2/1/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói không ai có thể thay đổi sự thật rằng Đài Loan “là một phần của Trung Quốc”, nói thêm Bắc Kinh sẽ không từ bỏ vũ lực như một lựa chọn để “tái thống nhất” hòn đảo về Trung Quốc đại lục.

Tuyên bố cứng rắn này từ Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ phát động một chiến dịch quân sự để thống nhất Đài Loan trong thời gian tới.

Trong một báo cáo đưa ra hôm 15/1, Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại việc Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh quân đội, không ngừng cải tiến trong nhiều năm trở lại đây trong nỗ lực thống nhất Đài Loan với đại lục.

“Sự thống nhất của 2 bờ eo biển Đài Loan và ngăn chặn nỗ lực Đài Loan tuyên bố độc lập đóng vai trò là động lực chính của nỗ lực hiện đại hóa quân sự Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ phát triển một loạt các hệ thống để ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài”, CNN dẫn báo cáo “Sức mạnh Quân sự Trung Quốc” của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết.

Phát biểu với các phóng viên cũng trong hôm 15/1, một quan chức tình báo quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết mối quan tâm chính của Trung Quốc là nâng cấp thiết bị, công nghệ quân sự, cải cách huấn luyện và phát triển quân đội. Điều này giúp Bắc Kinh tự tin hơn về khả năng đối phó với các vấn đề nóng trong khu vực, đặc biệt là Đài Loan.

Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc có thể dễ dàng phóng tên lửa sang Đài Loan nhưng họ chưa có đủ khả năng để mở một chiến dịch quân sự nhằm thu hồi Đài Loan.

Đài Loan là một hòn đảo rộng 36.000 km2, cách bờ biển Đông Nam lục địa Trung Quốc chưa đầy 200 km. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, cảnh báo mọi hành động thúc đẩy Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc sẽ đối mặt với “sự trừng phạt của lịch sử”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh từ chối công nhận hòn đảo là một phần của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ vẫn đang tiếp tục cung cấp vũ khí quân sự cho Đài Loan, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng hòn đảo này hiện không khác gì một quả bom hẹn giờ.

Peter Mattis, cựu chuyên gia phân tích của CIA và là thành viên của Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown cho rằng Đài Loan là thách thức lớn nhất trước mắt mà thế giới đang phải đối mặt liên quan tới mối đe dọa Trung Quốc đang trỗi dậy, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Có một số lý do chính đáng để lo ngại về một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan sẽ xảy ra trong vài năm tới. Liên tiếp các sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, cuộc bầu cử ở Đài Loan năm 2020, bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Nếu ông Tập thực sự muốn để lại một “điều gì đó” như ông Đặng Tiểu Bình, có lẽ ông ấy sẽ phải hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng”, ông Mattis phân tích.

Theo ông Mattis, ông Tập đang ở một tình thế khó khăn. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề của Đài Loan liên quan tới Trung Quốc kể từ năm 2012 và đang đối mặt với thách thức không thể thu hồi hòn đảo.

Trong khi đó, phần lớn người dân Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ không quá mặn mà với việc trở về với Trung Quốc. Theo một thống kê mới đây, 70% người dân Đài Loan dưới 40 tuổi tham gia một cuộc khảo sát nói rằng họ sẵn sàng bảo vệ hòn đảo nếu quân đội Trung Quốc mở chiến dịch thu hồi.

Ông Brendan Taylor, Phó Giáo sư tới từ Đại học Austrailia cảnh báo rằng Đài Loan có thể châm ngòi cho một cuộc chiến không giống bất cứ cuộc chiến nào thế giới từng chứng kiến nếu Trung Quốc khăng khăng có ý định thu hồi và Mỹ can thiệp.

Tuy nhiên ông này cũng cảnh báo rằng dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ có thể đưa ra những quyết định khó lường và không loại trừ khả năng ông Trump sẵn sàng đán đổi sự hỗ trợ của Mỹ với Đài Loan hiện nay để đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới