Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBộ trưởng Hải quân Mỹ: Mỹ có thể đưa tàu sân bay...

Bộ trưởng Hải quân Mỹ: Mỹ có thể đưa tàu sân bay tới eo biển Đài Loan!

Sau 3 ngày thăm Trung Quốc, gặp gỡ hội đàm với các quan chức quân đội, tới các viện nghiên cứu và nhà trường của hải quân Trung Quốc, hôm 18.1, Đô đốc John Richardson, Bộ trưởng Hải quân Mỹ đã nói với các nhà báo, mặc dù kỹ thuật quân sự của Trung Quốc đã dần vượt qua các nước khác, thậm chí gây thành mối uy hiếp đối với Mỹ, nhưng việc đưa tàu sân bay đi dọc eo biển Đài Loan vẫn sẽ là sự lựa chọn của quân đội Mỹ!

Sau khi thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Hải quân Mỹ đã để ngỏ khả năng đưa tàu sân bay vào eo biển Đài Loan.

Trang tin Đa Chiều dẫn hãng Reuters ngày 18.1 cho biết, John Richardson nói ông đã kêu gọi phía Trung Quốc: nếu chạm trán trên biển, cần phải tuân thủ quy tắc quốc tế để đảm bảo an toàn. John Richardson đã tiết lộ điều này khi gặp gỡ báo chí tại Tokyo.

Ông còn nói, việc cử một tàu sân bay tới đi xuyên dọc eo biển Đài Loan vẫn là sự lựa chọn của hải quân Mỹ. John Richardson không cho rằng có bất cứ hạn chế nào trong việc đưa loại tàu quân sự gì tới eo biển Đài Loan, vì eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế.

Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là một trọng điểm thảo luận giữa ông John Richardson với giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15.1 đã đăng tải thông báo của bộ này viết: chiều 15.1, tướng Lý Tác Thành , Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy đã gặp gỡ Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Richardson tại tòa nhà Bát Nhất.

Lý Tác Thành nói, những sóng gió trong suốt quá trình 40 năm kể từ khi Trung Quốc và Mỹ lập quan hệ ngoại giao, lợi ích chung Trung – Mỹ lớn hơn bất đồng, mâu thuẫn, hợp tác là sự lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên.

Quan hệ quân đội hai nước là bộ phận hợp thành quan trọng của quan hệ hai nước, nguyên thủ hai nước coi trọng cao độ quan hệ giữa hai quân đội, đưa ra những chỉ dẫn quan trọng cho việc phát triển quan hệ hai quân đội.

Quân đội hai nước cần tôn trọng lẫn nhau, tăng cường lòng tin, tăng cường giao lưu, quản lý tốt nguy cơ, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai quân đội trở thành cỗ máy giữ ổn định quan hệ hai nước.

John Richardson nói, phía Mỹ coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ hai quân đội có tính xây dựng, lấy kết quả làm hướng đi và nguyện cùng phía Trung Quốc tăng cường sự giao lưu giữa hai quân đội, sử dụng tốt con đường trao đổi đối thoại hiện có, tăng thêm sự hiểu biết, giảm thiểu sự hiểu lầm hoặc phán đoán sai, quản chặt nguy cơ bất đồng.

Thông báo cũng cho biết, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Lý Tác Thành nhấn mạnh, vấn đề Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc, có liên quan đến lợi ích cốt lõi của phía Trung Quốc và tình cảm của nhân dân Trung Quốc, không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Nếu có người muốn chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không tiếc mọi giá giữ gìn sự thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Đối với quan điểm của ông Lý Tác Thành, Trung tá Christopher Logan , người phát ngôn về vấn đề châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 17.1 đã lên tiếng đáp trả: “Mỹ sẽ kiên định giúp đỡ Đài Loan có khả năng tự phòng vệ, cung cấp vũ khí có tính chất phòng ngự cho Đài Loan để chống lại mọi hành động vũ lực gây nguy hại đối với an ninh, chế độ kinh tế – xã hội của Đài Loan”.

Christopher Logan nói: “Mỹ cho rằng, duy trì trật tự quốc tế lấy quy tắc làm cơ sở hiện nay là lợi ích căn bản của Mỹ. Một trong những đặc điểm của trật tự quốc tế này là có một Đài Loan kiên cường, phồn vinh và dân chủ”.

Ông Logan nói: “Chính sách đối với Đài Loan của Mỹ là bắt nguồn từ “Luật quan hệ với Đài Loan” năm 1979, 3 bản thông cáo chung Mỹ – Trung và “6 điều đảm bảo”, chính sách của chính phủ Mỹ vẫn duy trì nhất quán trong 7 đời tổng thống”.

Ông nói: “Chúng tôi vẫn kiên quyết duy trì những cam kết với Đài Loan theo Luật quan hệ với Đài Loan. Mỹ sẽ kiên định giúp đỡ khả năng tự phòng vệ của Đài Loan, cung cấp các vũ khí phòng ngự, đồng thời cũng duy trì khả năng tự thân của nước Mỹ để chống lại bất cứ hành động vũ lực hay mọi hình thức hiếp đáp gây nguy hại đến chế độ kinh tế – xã hội và an toàn của nhân dân Đài Loan”.

Ngày 18.1, khi trả lời câu hỏi của báo chí “Liệu sắp tới Mỹ có có kế hoạch đưa tàu sân bay tới eo biển Đài Loan hay không?”, ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Á – Thái Bình Dương cũng khẳng định:

“Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế, tàu chiến Mỹ có quyền đi qua” và “Mỹ có ý coi việc bán vũ khí, thiết bị quân sự cho Đài Loan là chuyện bình thường hóa”.

Về quan hệ hai bên bờ eo biển, Randall G. Schriver nói: “Mỹ đã nhìn thấy chiến thuật gây sức ép của Trung Quốc đối với Đài Loan, việc gây sức ép và cách dùng từ của Trung Quốc khác với đường lối có tính xây dựng trước đây. Đó là điều Mỹ rất quan ngại.

Đáp trả của Mỹ là: giữ vững cam kết theo Luật quan hệ với Đài Loan và hợp tác với Đài Loan theo các chính sách và chỉ đạo liên quan”. Ông cho rằng, đối thoại hòa bình là con đường tốt nhất, Mỹ khuyến khích hai bên eo biển nỗ lực theo con đường đó, nhưng hành vi của Trung Quốc hiện nay không nhất trí, thể hiện thái độ cứng rắn, không có ý muốn đối thoại hòa bình hoặc giải quyết bằng phương thức hòa bình.

Điều đáng chú ý là, ngay trước hôm ông John Richardson tới thăm Bắc Kinh. Mỹ đã chuyển giao kỹ thuật để Đài Loan “tự chế tạo tàu ngầm”. Ngày 14.1, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, khi có phóng viên hỏi:

“Theo tin được biết, Mỹ đã đồng ý cho một số công ty công nghiệp quân sự chuyển giao công nghệ cho dự án tự đóng tàu ngầm của Đài Loan, nhiều công ty Mỹ, châu Âu, Nhật, Ấn Độ đều có ý muốn tham gia dự án này, phía Trung Quốc có bình luận gì?”.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào bán vũ khí cho Đài Loan; kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào có quan hệ quân sự với Đài Loan dưới bất cứ hình thức gì. Lập trường đó là nhất quán và rõ ràng”.

Bà còn nói: “Chúng tôi yêu cầu Mỹ và các nước liên quan hãy nhận thức đầy đủ về tính nhạy cảm và nguy hại của sự việc này, thiết thực tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc, không cho phép các công ty liên quan tham gia vào dự án tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan dưới bất cứ hình thức nào; ngừng ngay quan hệ quân sự với Đài Loan dưới mọi hình thức, thận trọng xử lý ổn thỏa vấn đề có liên quan đến vấn đề Đài Loan để tránh gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương với Trung Quốc và hòa bình ổn định ở biển Đài Loan”.

Reuters cho biết, trong hơn 20 năm qua, tàu sân bay Mỹ mới chỉ 2 lần đi qua eo biển Đài Loan. Lần gần đây nhất là vào năm 2007, khi đó là tàu mang tên George W. Bush; còn lần trước là vào năm 1996, khi xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan sau cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp theo hình thức toàn dân bỏ phiếu đầu tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới