Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCuộc chiến chống quan chức địa phương chống đối của ông Tập

Cuộc chiến chống quan chức địa phương chống đối của ông Tập

Sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập phải mở ra mặt trận mới chống thói tắc trách và chống đối của quan chức cấp tỉnh.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi đầu tháng 1 phát một phóng sự điều tra rất chi tiết về việc nhiều quan chức cấp cao của tỉnh Thiểm Tây, cả đương nhiệm lẫn đã bị cách chức, có những hành vi cản trở, lừa dối những chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo phóng sự này, các quan chức Thiểm Tây trong 4 năm qua đã 5 lần cố tình thực hiện sai chỉ đạo của ông Tập về việc điều tra quá trình thi công trái phép các biệt thự hạng sang tại khu vực núi Tần Lĩnh. Sự việc chỉ bị phanh phui hồi tháng 7 năm ngoái, khi một đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) tới đây để điều tra về sự chậm trễ trong thi hành chỉ đạo của Chủ tịch, khiến nhiều quan chức bị kỷ luật hoặc truy tố với tội danh tham nhũng.

Phóng sự được phát ngay sau hội nghị thường niên của CCDI, trong đó ông Tập tuyên bố cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã đạt “thắng lợi áp đảo” và sẽ chuyển sang cuộc chiến mới chống lại sự tắc trách của các quan chức địa phương. CCDI cũng khẳng định cuộc chiến chống “bệnh hình thức và quan liêu” sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ trong năm 2019.

Theo bình luận viên Wang Xiangwei của SCMP, phóng sự của CCTV và tuyên bố của CCDI cho thấy ông Tập đang phải đối mặt với thách thức lớn từ sức ì và sự chống đối của các quan chức ở địa phương, dù ông đã nắm trong tay quyền lực tuyệt đối ở trung ương thông qua chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”. Các quan chức này có thể khúm núm và nịnh bợ trước mặt ông, nhưng sau lưng, nhiều người tiếp tục chống lại các chính sách và chỉ đạo của ông.

Hôm 15/1, Triệu Chính Vĩnh (Zhao Zhengyong) cựu bí thư tỉnh Thiểm Tây, bị truy tố với tội danh tham nhũng. Hãng thông tấn Xinhua chỉ đưa vỏn vẹn một dòng tin về việc Triệu bị bắt và không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng nhiều người tin rằng cựu bí thư tỉnh ủy này đã khiến ông Tập tức giận vì các chỉ đạo của ông đều bị phớt lờ ở Thiểm Tây khi Triệu đương chức. Có một số nguồn tin cho biết Triệu còn liên quan tới một vụ bê bối liên quan tới khu mỏ có giá trị ước tính lên tới 100 tỷ nhân dân tệ.

Cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh. Ảnh: ChinaNews.

Cựu bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh. Ảnh: ChinaNews.

Bình luận viên Wang cho rằng phóng sự của CCTV mang ẩn ý chính trị rất lớn, bởi lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi công khai những bê bối một cách chi tiết như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông nước này tràn ngập những bài viết của các quan chức ca ngợi chính sách của ông Tập và cam kết sẽ thực hiện đến cùng những quyết sách của ông. Nó cho thấy quyết tâm của ông Tập trong việc chống lại thói quan liêu, tắc trách và phát đi lời cảnh báo mạnh mẽ cho những quan chức khác, nhưng đồng thời cũng thể hiện mức độ chống đối và bất đồng của giới chức địa phương với chương trình nghị sự của Chủ tịch Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây thường đăng những bài viết chỉ trích các công chức “hai mặt”, những người bên ngoài thì hồ hởi tung hô Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng lại bê trễ thực hiện các sắc lệnh của ông, thậm chí còn cố tình phá hoại những chỉ đạo từ trung ương.

CCTV cho biết vào tháng 5/2014, ông Tập ban hành chỉ đạo đầu tiên cho các lãnh đạo tỉnh Thiểm Tây về việc chấn chỉnh hoạt động xây dựng ở thành phố Tây An tại núi Tần Lĩnh, khu vực có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và là môi trường sống quan trọng của loài gấu trúc khổng lồ. Thông thường, những chỉ đạo như vậy sẽ là ưu tiên hàng đầu và phải được phổ biến đến các cơ quan trong bộ máy chính quyền.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh ủy Thiểm Tây và thành ủy Tây An lúc đó chỉ yêu cầu thuộc cấp xem xét chỉ đạo này của ông Tập mà không phổ biến cho các quan chức cấp cao khác. CCDI cho rằng đây là dấu hiệu của hành vi không tôn trọng quyền lực của ông Tập và yêu cầu cơ quan kiểm tra kỷ luật tỉnh ủy Thiểm Tây lập nhóm công tác kiểm tra.

Hai tháng sau, nhóm công tác công bố báo cáo xác định 202 công trình xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh, hầu hết là nhà ở do nông dân xây tự phát, mà không đả động gì đến những biệt thự do các nhà đầu tư bất động sản cấu kết với giới chức địa phương dựng lên. Đến tháng 10/2014, ông Tập ra chỉ thị thứ hai, yêu cầu chính quyền Thiểm Tây có hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng xâm phạm khu bảo tồn ở Tây An, nhưng giới chức địa phương phớt lờ và thực hiện theo báo cáo đã được công bố.

Họ thậm chí còn cấp phép cho các nhà đầu tư xây dựng thêm hàng loạt biệt thự hạng sang ở núi Tần Lĩnh, tạo nên cơn sốt bất động sản ở khu vực này, với các dự án được quảng bá công khai trên truyền thông địa phương. Như “xát thêm muối vào vết thương”, bí thư thành ủy và thị trưởng Tây An còn cùng đăng một bài viết trên báo tỉnh kể về “nỗ lực” của họ trong việc thực thi những biện pháp kiên quyết để chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép vào tháng 11/2014.

Loạt biệt thự được xây dựng trái phép ở chân núi Tần Lĩnh trước khi bị phá dỡ. Ảnh: SCMP.

Loạt biệt thự được xây dựng trái phép ở chân núi Tần Lĩnh trước khi bị phá dỡ. Ảnh: SCMP.

Những hành động “dối trên, lừa dưới” như vậy tiếp tục kéo dài ở thành phố Tây An và tỉnh Thiểm Tây cho tới giữa năm ngoái, khi nhóm công tác của CCDI được ông Tập triển khai tới đây và nhanh chóng phát hiện 1.194 biệt thự xây dựng trái phép. Những công trình này sau đó bị san phẳng và gần 1.000 quan chức cấp tỉnh bị thẩm vấn, trong đó hàng trăm người bị điều tra do bị nghi ngờ liên quan đến các dự án bất động sản trái phép.

Truyền thông Trung Quốc không đề cập gì tới những người mua nhà, vốn phải bỏ ra tới 10 triệu tệ để sở hữu một căn biệt thự ven núi Tần Lĩnh. Khi họ ký hợp đồng mua nhà, mọi thứ đều hợp pháp và đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng những người này nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận mất trắng mà không được đền bù vì hành vi sai phạm của các quan chức Thiểm Tây.

Thiểm Tây không phải là địa phương duy nhất ở Trung Quốc tồn tại tình trạng này. CCDI năm 2017 mở cuộc điều tra với các quan chức hàng đầu tỉnh Cam Túc vì đã nhiều lần phớt lờ chỉ thị của ông Tập trong việc xử lý các nhà máy gây ô nhiễm ở dãy Kỳ Liên Sơn. Sau cuộc điều tra, Vương Tam Vận (Wang Sanyun), bí thư tỉnh ủy Cam Túc, bị đưa ra xét xử vào tháng 10/2018 với tội danh tham nhũng và phải đối mặt với án tù nhiều năm.

Theo bình luận viên Wang, những vụ ở Thiểm Tây và Cam Túc cho thấy ông Tập sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cam go phía trước để đưa quyền lực của mình tới các địa phương, dù ông được mệnh danh là “Chủ tịch của mọi thứ”. “Giới chức địa phương ở Trung Quốc từ lâu đã biến việc né tránh các chỉ thị từ trung ương thành một nghệ thuật, như câu nói có từ thời nhà Nguyên ‘Trời thì cao, còn hoàng đế thì xa’”, Wang viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới