Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngThực trạng hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc và...

Thực trạng hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc và tác động đến an ninh Biển Đông

Ngoài việc đưa ra các yêu sách chủ quyền phi pháp đối với 80% Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động quân sự trái pháp luật ở trong khu vực. Trong đó nổi bật nhất là việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiến hành cải tạo phi pháp, quân sự hóa trái phép trên nhiều đảo, đá ở Biển Đông, đe dọa nghiệm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Chủ trương hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông

Trung Quốc đã tham gia ký kết và chịu sự ràng buộc của những nhiều văn kiện pháp lý và điều ước quốc tế. Trước tiên, chủ yếu và có giá trị pháp lý quốc tế cao nhất là các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, các nguyên tắc của luật biển quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, là một bên của DOC năm 2002 cũng như Quy tắc hướng dẫn thực thi DOC, Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 (COLREGS 72) được sửa đổi bổ sung vào các năm 1981, 1987, 1989, 1993, 2001 và Bộ quy tắc về Tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) năm 2014. Đặc biệt là những thỏa thuận song phương với Philippines và Việt Nam: Sau năm 1995, Trung Quốc và Philippines đã cùng ký kết thỏa thuận song phương với nội dung không cho phép sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp và kêu gọi đưa ra các biện pháp hòa bình theo các quy định trong UNCLOS và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 11/10/2011.

Bên cạnh đó, điều chỉnh các vấn đề về hoạt động quân sự trên biển, Trung Quốc đã ban hành các văn bản pháp luật, tiêu biểu như: Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc năm 1958, Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Tuyên bố của Chính phủ CHND Trung Hoa về đường cơ sở để tính lãnh hải năm 1996.

Chủ trương hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông có một số điểm nhấn sau:

Sách trắng quốc phòng năm 2015 “Chiến lược quân sự Trung Quốc” ghi nhận rằng: Chuẩn bị cho chiến tranh quân sự là một thực tiễn cơ bản và là một sự bảo đảm trọng yếu cho việc duy trì hòa bình, ngăn chặn nguy cơ và đánh thắng trong các cuộc chiến tranh. Để mở rộng và thúc đẩy việc chuẩn bị cho chiến tranh quân sự, cần phải tuân thủ yêu cầu chiến đấu và chiến thắng, kiên trì giải quyết các vấn đề trọng điểm và nan giải như chỉ đạo, không ngừng chuẩn bị thường xuyên, sát thực tế, nâng cao toàn diện năng lực uy hiếp và thực chiến.

Riêng đối với không gian biển, sách trắng quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 còn nhận định rằng: Biển có mối liên hệ đến sự phát triển lâu dài và bền vững của quốc gia. Cần phải phá vỡ tư duy truyền thống “trọng lục kinh hải”, hết sức đề cao quản lý biển, bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Kiến thiết hệ thống lực lượng quân đội trên biển hiện đại tương xứng với an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển; bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền và lợi ích trên biển.

Từ đó thấy rằng, Trung Quốc hết sức coi trọng việc nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội: “chiến đấu và chiến thắng”, “nâng cao năng lực uy hiếp và thực chiến”.

Riêng đối với các vùng biển, Trung Quốc nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống quân đội trên biển hiện đại và tương xứng. Trên thực tế, Trung Quốc không thừa nhận đang có tranh chấp trên biển với bất kỳ quốc gia nào. Theo đó, có thể nhận ra rằng, đối với những vùng biển đang có tranh chấp mà Trung Quốc không thừa nhận có tranh chấp, nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ cho những quyền và lợi ích mà Trung Quốc cho là mình có. Điều này thể hiện rất rõ khuynh hướng sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí sử dụng quân đội chính quy trước các vấn đề trên biển.

Là thành viên tham gia UNCLOS, song Trung Quốc cho rằng quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên của quốc gia ven biển ở vùng đặc quyền kinh tế phải được đặt cao hơn các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không; các quốc gia ven biển có quyền quy định tất cả hoạt động quân sự của nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế. Đó là bởi vì các hành động quân sự ở vùng nước này là vi phạm UNCLOS, theo cách diễn giải luật quốc tế của Trung Quốc, thì những hoạt động đó không “sử dụng biển hòa bình” (peaceful use of sea) hoặc không vì “mục đích hòa bình” (peaceful purpose). Chính phủ Trung Quốc cho rằng các tàu quân sự nước ngoài phải cần sự chấp thuận từ Bắc Kinh khi vào lãnh hải theo quy định tại Điều 6 Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992. Thêm vào đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ và coi tất cả các hoạt động liên quan đến việc thăm dò, thu thập thông tin tình báo, trinh sát trong vùng đặc quyền kinh tế là phạm pháp. Hiện nay Trung Quốc đang đưa ra các lập luận để áp dụng những quy định về giới hạn này cho tất cả không phận phía trên vùng đặc quyền kinh tế.

Trong Công hàm CML/8/2011, Trung Quốc gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc ngày 14/4/2011 đã thể hiện rõ quan điểm: Kể từ năm 1930, Chính phủ Trung Quốc đã công bố rộng rãi nhiều lần phạm vi địa lý của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc và tên các bộ phận của chúng. Quần đảo Nam Sa của Trung Quốc do đó đã được xác định rõ ràng. Thêm vào đó, căn cứ vào UNCLOS, cũng như Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (1992) và Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc (1998), quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hoàn toàn có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Về mặt chính sách pháp luật của Trung Quốc về biển có thể thấy nước này đã vi phạm nhiều quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể:

Thứ nhất, những quy định trong pháp luật của Trung Quốc về biển là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Các Điều 1 và Điều 4 Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc năm 1958, Điều 2 Luật về Lãnh hải và vùng tiếp giáp 1992, Phần II Tuyên bố của Chính phủ CHND Trung Hoa về đường cơ sở để tính lãnh hải 1996 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi khẳng định sự quản lý của nước này.

Thứ hai, Tuyên bố của Chính phủ CHND Trung Hoa về đường cơ sở để tính lãnh hải 1996 đã giải thích và áp dụng sai quy định của UNCLOS, cụ thể là các Điều

7 và Điều 46 UNCLOS khi áp dụng đường cơ sở quần đảo cho quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai khi yêu cầu tàu quân sự nước ngoài cần phải có sự cho phép của Chính phủ CHND Trung Hoa mới được vào lãnh hải. Trong khi, “đi qua không gây hại” theo quy định từ Điều 17 đến Điều 32 UNCLOS trong lãnh hải là một quyền cơ bản của các tàu nước ngoài.

Thứ ba, yêu sách “Đường chữ U” của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS cũng đã đưa ra phán quyết không thừa nhận quyền lịch sử của Trung Quốc được mô phỏng như “Đường chữ U” này.

Thực trạng hoạt động quân sự của Trung Quốc và tác động đến an ninh Biển Đông

Phải thấy rằng, trái ngược với chủ trương “hòa bình” được Trung Quốc tuyên bố rộng rãi như phía trên, thời gian gần đây, nước này đã tiến hành một số lượng rất lớn hoạt động quân sự dưới nhiều quy mô khác nhau. Vào tháng 02/1992, Trung Quốc đã thông qua Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, theo đó Trung Quốc đã nhắc lại các yêu sách của nước này trên Biển Đông và cho rằng mình có quyền sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ các đảo và vùng nước xung quanh các đảo đó. Thậm chí vào năm 2012, chính quyền trung ương Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa”. Thành phố này được điều hành bởi chính phủ Trung ương và Ủy ban quân sự Trung ương cho phép thành phố hình thành các khu đồn trú quân sự. Qua cách thức tổ chức này, Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Thứ nhất, hoạt động chiếm giữ và xây dựng các điểm đảo ở Biển Đông. Trung Quốc cũng khẳng định mình có “chủ quyền” bất khả tranh biện đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng đa số các thực thể địa lý ở Biển Đông. Năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng khoảng trống bố phòng mà quân đội Pháp vừa mới rút đi để đưa quân chiếm đóng phía Đông quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1974, một cuộc hải chiến đã diễn ra giữa quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc. Kể từ sau cuộc hải chiến đó, quân đội Trung Quốc đang chiếm giữ toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng sức mạnh quân đội, để chiếm đóng sáu thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Xu Bi, Huy Gơ (Tư Nghĩa), Ga Ven có sự phản kháng từ phía quân đội Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn lúc chìm lúc nổi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa có sự kháng cự từ quân đội Philippines. Năm 2005, Trung Quốc mở rộng chiếm đóng bãi cạn lúc chìm lúc nổi Bàn Than thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tồn tại nhiều tranh cãi về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi Én Đất. Nhiều nguồn tin từ các nhà nghiên cứu và nhà báo cho biết bãi Én Đất vẫn chưa có bên nào chiếm đóng. Điều này cũng phù hợp với thông tin từ vệ tinh tháng 02/2014 cho thấy chưa có công trình kiên cố nào trên bãi. Nói tóm lại, Trung Quốc hiện tại đang chiếm đóng phi pháp trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và chín thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, việc chiếm đóng bằng vũ lực này hoàn toàn đi ngược lại với luật pháp quốc tế hiện đại và sẽ không bao giờ được xem như một phương thức hợp pháp xác lập chủ quyền.

Như đã khẳng định, sự chiếm đóng của Trung Quốc trên các đảo, đá và bãi cạn lúc chìm lúc nổi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều vi phạm luật pháp quốc tế và do đó, mọi hoạt động quân sự diễn ra ở hai quần đảo này đều không thể có lý lẽ nào để biện hộ. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều động thái nhằm thay đổi nguyên trạng.

Tại quần đảo Hoàng Sa, lợi dụng tình trạng kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự. Điển hình là: năm 2014, Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm; năm 2016, nước này xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Còn tại quần đảo Trường Sa, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này đã chiếm đóng, theo thông tin từ Phòng Thông tin khoa học quân sự, Quân khu VII, Bộ Quốc phòng Việt Nam, các thực thể được xây dựng gồm: đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Qua những hình ảnh vệ tinh mới chụp của Bộ Quốc phòng Philippines, có thể thấy các bãi cạn này đã bị Trung Quốc cơi nới, mở rộng gấp gần 20 lần so với diện tích ban đầu chỉ trong một thời gian ngắn. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ tại đảo đá Ba Bình, vào năm 2013, Trung Quốc đã lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời; từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc tiếp tục xây dựng nhiều tòa nhà, cầu tàu mới.

Như đã khẳng định, Trung Quốc không xác lập chủ quyền một cách hợp pháp đối với các đá và bãi cạn ở Biển Đông. Do vậy mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động quân sự đều vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của quốc gia khác. Không dừng lại ở đó, đây là hành vi “làm thay đổi nguyên trạng”, “làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”. Điều này vi phạm nguyên tắc Pacta sunt servanda vì làm trái với các cam kết quốc tế, cụ thể là tại Điều 5 của DOC. Phải thấy rằng, trong luật pháp quốc tế, chỉ có quốc gia ven biển mới có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình và vùng biển cả căn cứ theo Điều 60, Điều 80 và điểm d khoản 1 Điều 87 UNCLOS. Các vị trí mà Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo thì nước này không có đặc quyền xây dựng các đảo nhân tạo vì không nằm trong các nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và không phải là biển cả. Do đó, hành vi này vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.

Biển Đông là một trong những huyết mạch giao thương hàng hải của thế giới. Việc xây dựng các đảo nhân tạo có tác động trực tiếp đến các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không. Phải thấy rằng, việc xây dựng các đảo nhân tạo, từng bước quân sự hóa để hiện thực hóa yêu sách “Đường chữ U” và tham vọng của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ hoạt động hàng hải và hàng không đi qua Biển Đông. Đây mới chính là điều đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, hoạt động hiện đại hóa quân đội. Các nhân tố quan trọng của khía cạnh quân sự trong các căng thẳng gần đầy là việc hiện đại hóa hải quân một các vững chắc của Trung Quốc và việc trưng bày sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc thông qua các chuyến hải trình giám sát và các cuộc tập trận.

Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đều hiện đại hóa lực lượng hải quân của hai nước trong thập kỷ vừa qua, song các nỗ lực của Trung Quốc lại vượt rất xa Việt Nam đến một mức độ rất lớn. Trong nội bộ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hạm đội Biển Nam (SSF) có căn cứ ở Zhanjiang, Quảng Đông, hiện nay đang có một số trong những tàu chiến bề mặt có khả năng tốt nhất Trung Quốc, bao gồm năm trong số bảy tàu khu trục hiện đại mà Trung Quốc đã tự phát triển trong mười năm qua.

Hạ tầng của SSF gần đây cũng được nâng cấp, bao gồm mở rộng căn cứ hải quân quan trọng Yulin ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Dù căn cứ được mở rộng để phù hợp với hạm đội các tàu ngầm hiện đại đang mở rộng (bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin mới, hoặc SSBNs, được phát triển cuối những năm 2000), nó cũng có sân tàu mới phục vụ cho các chiến dịch trên mặt biển. Với những nhà quan sát khu vực, việc mở rộng căn cứ này biểu tượng hóa cho lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và sự tập trung của nước này vào việc định vị sức mạnh hải quân ở Biển Đông. Chắc chắn, nguyên nhân chính cho việc mở rộng căn cứ hải quân Yulin là để tăng cường sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc (bằng việc coi như một căn cứ của SSBNs) và để tạo chỗ trú cho hạm đội tàu ngầm đang mở rộng (hạm đội này sẽ đóng vai trò quan trọng trong một xung đột bất kỳ với Đài Loan). Tuy nhiên, với vị trí địa lý của căn cứ ở đảo Hải Nam, tỉnh xa nhất về phía Nam của Trung Quốc giữ phần phía Bắc của Biển Đông, việc mở rộng trên cũng thể hiện khả năng mới rằng Trung Quốc có thể đứng vững trong các tranh chấp Biển Đông, thậm chí còn triển khai nhiều lực lượng hơn nữa ở khu vực này trong tương lai.

Sự hiện đại hóa của quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa và sự mở rộng kéo theo của sức mạnh quân sự Trung Quốc ở vùng châu Á – Thái Bình Dương đã và đang được ghi nhận lại. Chi tiết vấn đề này có nghĩa là giảm vai trò của lục quân để xây dựng lực lượng hải quân, không quân và tên lửa. Cụ thể Hải quân quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tăng cường mua sắm tàu ngầm chiến đấu.

Tốc độ và quy mô của việc hiện đại hóa hải quân còn được biểu hiện qua tốc độ gia tăng của chi phí dành cho quốc phòng của Trung Quốc. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có chiều hướng tăng nhanh (xem Phụ lục số 03a và Phụ lục số 03b). Chỉ trong thời gian sáu năm, chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã tăng hơn hai lần so với mức ở       năm 2008. Bên cạnh đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới và đồng thời cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới trong giai đoạn 2008-2015.

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng được củng cố theo chiều hướng mang tính chiến đấu nhiều hơn phòng thủ. Trung Quốc là nước duy nhất trong các quốc gia tiếp giáp Biển Đông được sở hữu vũ khí hạt nhân. Hoạt động hiện đại hóa quân đội trong khi đang chiếm giữ trái phép lãnh thổ của quốc gia khác là vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Nhìn rộng ra, Biển Đông còn tồn tại nhiều tranh chấp, Trung Quốc là một bên trong tranh chấp đó, việc hiện đại hóa quân đội một cách mạnh mẽ gây sức ép rất lớn cho các quốc gia khác trong tranh chấp phải hiện đại hóa quân đội nhằm phòng vệ và tự vệ. Điều này tạo đà cho việc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia, gây phương hại đến hòa bình và an ninh trong khu vực. Dựa vào thế mạnh quân sự này, Trung Quốc ngày càng có những hành vi làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông.

Thứ ba, một số hoạt động quân sự có quy mô sâu rộng từ năm 2008 đến nay. Các hoạt động diễn tập là cách chính mà Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thực hiện thể hiện năng lực hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc để răn đe các bên tuyên bố chủ quyền khác. Dữ liệu về các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc khó có thể thu thập được bởi vì nó không được báo cáo một cách có hệ thống trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các năm qua, phạm vi, mức độ và nhịp độ của các cuộc tập trận trong khu vực dường như đã tăng lên. Các hoạt động tập trận này thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và được thực hiện ở Biển Đông, phục vụ cho các tuyên bố chủ quyền và quyền trên các vùng biển.

Phạm vi và nội dung của các cuộc diễn tập của Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc biểu hiện sức mạnh hải quân đang lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực. Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tăng số lượng các cuộc diễn tập do các lực lượng đặc nhiệm có vài tàu chiến hoạt động cùng nhau, và số lượng các cuộc diễn tập ở Biển Đông, bao gồm cả các vùng nước tranh chấp. Rất nhiều, không phải tất cả, các cuộc diễn tập này phản ánh sức mạnh đang lên của Hải quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, điều đã được tạo ra bởi quá trình hiện đại hóa từ cuối những năm 1990.

Bên cạnh đó là một số hoạt động đáng chú ý của các tàu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 11/6/2009, một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc va chạm với thiết bị cảm biến sóng siêu âm của tàu khu trục USS John S.McCain gần Vịnh Subic ngoài khơi bờ biển Philippines. Ngày 31/5/2011, ba tàu quân sự của Trung Quốc sử dụng súng để đe dọa các đội gồm bốn tàu đánh cá Việt Nam trong khi họ đang đánh bắt cá trong vùng biển của quần đảo Trường Sa. Tháng 6/2012, Trung Quốc tuyên bố triển khai các tàu tuần tiễu hải quân sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông. Đáng chú ý nhất là sự kiện từ ngày 01/5-15/7/2014, một lực lượng hơn 80 tàu trong đó có bảy tàu chiến bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, cố ý đâm va và phun vòi rồng vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian rất ngắn ngay trước và sau phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS, Trung Quốc đã tiến hành tập trận với quy mô lớn. Cụ thể, ngày 5-11/7/2016 Trung Quốc diễn tập với nhiều khí tài tối tân và tháng 8/2016, hải quân Trung Quốc đã có cuộc tập trận chung với Nga ở đảo Hải Nam và Hoàng Sa.

Việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí là quân đội chính quy, đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được pháp điển hóa trong Hiến chương Liên Hợp quốc và Tuyên bố 1970, cụ thể:

Một là, vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Trung Quốc đã dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, từ đó, tiến hành hàng loạt hoạt động quân sự nhằm “bảo vệ” cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của những quốc gia nhỏ hơn.

Hai là, vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.

Ba là, vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, quy định tại khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc 1945: “Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính tr của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp quốc”. Trung Quốc đã và đang sử dụng vũ lực trên các vùng biển thông qua hàng loạt hoạt động quân sự, trực tiếp xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích trên biển của quốc gia khác, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như trên thế giới trước nguy cơ chiến tranh quân sự.

Bốn là, nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda). Trung Quốc đã tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế cả song phương lẫn đa phương. Việc sử dụng vũ lực, sẵn sàng điều động lực lượng quân đội ngoài vi phạm những quy định chung của luật quốc tế còn vi phạm tất cả các cam kết song phương và đa phương của nước này.

Bên cạnh đó, hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc cũng vi phạm các nguyên tắc và quy định của luật biển quốc tế, cụ thể:

Một là, vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Trước cường độ hoạt động quân sự trên biển của Trung Quốc, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe và tính mạng con người và rủi ro tổn thất hàng hóa. Đặc biệt, đối với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa và yêu sách vùng nước xung quanh các đảo nhân tạo đó đã làm rối loạn tuyến đường giao thông huyết mạch này. ADIZ ở Biển Hoa Đông và nguy cơ Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông gây ra sự mất ổn định cũng như an ninh và an toàn của các tuyến bay.

Hai là, vi phạm vào các “đặc quyền kinh tế” của quốc gia khác. Trong luật biển quốc tế, chỉ có quốc gia ven biển mới có đặc quyền xây dựng đảo nhân tạo trong nội thủy, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình căn cứ theo Điều 60 và Điều 80 UNCLOS 1982. Các vị trí mà Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động quân sự để bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo thì không nằm trong các nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên nước này không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo.

Ba là, vi phạm nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. UNCLOS 1982 tại Điều 279 quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng cường hoạt động quân sự trên biển, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển.

Hoạt động quân sự phi pháp trên biển của Trung Quốc còn có tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế và môi trường sống.

Về thương mại quốc tế, trước tình hình an ninh hàng hải và an ninh hàng không không được đảm bảo, có thể khẳng định rằng thương mại quốc tế cũng bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Như đã nhiều lần đề cập, Biển Đông là một tuyến đường huyết mạch trong thương mại quốc tế. Hoạt động quân sự của Trung Quốc đã gây mất trạng thái an ninh của Biển Đông và đương nhiên để lại nhiều hệ lụy cho thương mại quốc tế.

Về môi trường sống, hành động bồi lắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc gây hủy diệt các rạn san hô và thềm lục địa. Ít nhất 121ha san hô đã bị phá hủy, chiếm gần 30% số lượng các rạn san hô tự nhiên. Từ tháng 02/2014 đến tháng 5/2015, cứ 10,7km2 đất được bồi lắp để xây đảo nhân tạo thì có khoảng 11,6km2 (26,9%) rạn san hô bị hủy diệt. Từ đó, dòng chảy thủy triều bị thay đổi có thể gây xói lở ở một số bờ biển, sinh vật biển cũng bị tác động xấu bởi tiếng ồn của viêc xây dựng, nhiệt độ nước biển tăng lên, hóa chất và những thay đổi về điều kiện tự nhiên của biển. Bên cạnh đó, sự thay đổi của nguồn sản vật biển ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bình thường và lâu đời của ngư dân các nước trong khu vực.

Có thể đi đến kết luận rằng, Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều hoạt động quân sự phi pháp trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Những hoạt động này được xúc tiến trên cơ sở chính sách pháp luật về hoạt động quân sự trên biển rất chú trọng nâng cao năng lực chiến đấu trong chiến tranh, thể hiện rất rõ thái độ sẵn sàng đe dọa, sử dụng vũ lực và quân sự hóa. Điều này xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của quốc gia khác, đe dọa đến an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới