Saturday, July 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐánh giá của giới chuyên gia, học giả Đài Loan về chính...

Đánh giá của giới chuyên gia, học giả Đài Loan về chính sách của một số nước liên quan vấn đề Biển Đông

Trong những năm gần đây, giới học giả Đài Loan cũng đã tích cực nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách của Đài Bắc đối với vấn đề Biển Đông nhằm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông.

Về chủ trương “chủ quyền” ở Biển Đông của Đài Loan

Học giả Du Khoan Tứ cho rằng về lịch sử và pháp luật, từ năm 1950 trở về trước, cả hai bờ (Đài Loan và Trung Quốc Đại lục) đều có cùng nhận định rằng chủ quyền ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc, nhận thức chung này được thể hiện ở 4 phương diện: (1) Cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều cho rằng các quần đảo ở Biển Đông vốn là “đất vô chủ” (terra nullius) và người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, hiện trên các quần đảo này còn nhiều dấu tích lịch sử, khảo cổ học của người Trung Quốc. (2) Các chính quyền của Trung Quốc từ thế kỷ XIII đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai đã có một thời kỳ dài thực hiện chức năng nhà nước đối với các quần đảo này. (3) Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù các quần đảo này lần lượt bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản xâm chiếm, nhưng chiếm đóng các quần đảo này là quân đội Nhật Bản đã đ ầu hàng Trung Hoa Dân quốc, từ đó nước này khôi phục chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông từng bị Nhật Bản chiếm đóng trước đó. (4) Kể từ sau Thế chiến 2, nước này liên tục thi hành một loạt biện pháp chính sách, bao gồm 1946-1947 cử chiến hạm đến tuần tra ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phái quân đội đến đóng giữ, nhập cách quần đảo này vào bản đồ tỉnh Quảng Đông, thành lập “Khu hành chính các quần đảo Đông Sa, Trường Sa”; năm 1949 lại đưa các đảo vào “Khu hành chính đặc biệt Hải Nam”, đồng thời đặt tên và vẽ lại bản đồ các đảo. Kể từ sau 1950, bởi vì tình hình đất nước phân liệt và đối đầu hai bờ, Trung Hoa Dân quốc ở Đài Bắc tiếp tục truyền thống vốn có, thi hành chức năng nhà nước ở Biển Đông.

Lâm Chính Nghĩa thông qua phân tích chính sách, sức mạnh quân sự của các nước có tranh chấp ở Biển Đông cho rằng trong khi các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng đổi mới về mặt quốc phòng để cạnh tranh nguồn tài nguyên biển và củng cố chủ quyền các đảo đã chiếm lĩnh, và trong tình hình Đài Loan đang tích cực theo đuổi việc cân bằng chính sách Đại lục và chính sách hướng Nam, thì chiến lược ngoại giao và quốc phòng của Đài Bắc đang đứng trước thử thách mới. Nếu như Đài Bắc thi hành chính sách cứng rắn ở Biển Đông để đối chọi lại với các quốc gia khác trong khu vực, có thể sẽ ảnh hưởng đến xung đột giữa Đài Loan với các nước Đông Nam Á có liên quan, tức là có thể tạo thành phản ứng mạnh mẽ hơn của các nước có tranh chấp, khiến cho Đài Loan không thể đạt được mục tiêu chính sách “kiên định duy trì chủ quyền ở Biển Đông”. Lâm Chính Nghĩa nhận định nếu Đài Loan áp dụng một chiến lược ngoại giao, quốc phòng cần bằng ở Biển Đông thì sẽ không khiến cho tình hình Biển Đông căng thẳng, ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Đài Bắc.

Tống Yên Huy trong bài “Hội nghị Biển Đông và sự tham gia của Đài Loan: nhìn lại và triển vọng” nhìn lại 6 lần “Hội nghị Biển Đông” diễn ra từ năm 1990 đến 1996 và sự tham gia của Đài Loan, nhận xét mục đích của “Hội nghị Biển Đông” là thông qua sự đối thoại của các nước có liên quan, chuyển hóa xung đột tiềm tại ởkhu vực thành khả năng hợp tác trong vùng, đồng thời thông qua tiến hành quá trình đối thoại để ngăn chặn sự phát sinh xung đột, nhằm duy trì sự hòa bình và ổn định trong khu vực. Sự tham gia của Đài Loan gặp phải những khó khăn còn chờ xử lý các vấn đề như hai bờ có thể tham gia hội nghị với địa vị ngang bằng, hai bờ có thể áp dụng lập trường chính sách thống nhất … Tống Yên Huy đã đánh giá nhưng thành quả và hạn chế của hội nghị, thảo luận những nan đề mà Đài Loan gặp phải khi tham gia hội. Ngoài việc đánh giá triển vọng trong tương lại của “Hội nghị Biển Đông” , bài viết cũng đưa ra những kiến nghị đối với Đài Loan khi tham gia vào những Hội nghị Biển Đông tới.

Trần Lệ Đồng cho rằng Đài Loan bốn bề bao quanh bởi biển cả, với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, về chủ quyền vùng biển, chủ quyền quyền lợi tài nguyên biển và quyền quản lý có tranh chấp với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và các quốc gia khác, trong đó có tranh chấp về chủ quyền các đảo ở Biển Đông. Để giải quyết các tranh chấp trên trước hết chính quyền Đài Loan phải xác định rõ ràng việc kiên trì định vị độc lập chủ quyền quốc gia, sau đó mới dựa theo Công ước biển năm 1982 và các luật pháp quốc tế liên quan mới có thể giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tô Tiến Cường trong “An ninh biển Đài Loan và cải cách quốc phòng”, trình bày các vấn đề về hoàn cảnh và chính sách quốc phòng của Đài Loan, sách lược và dự toán quốc phòng, Quốc gia hóa quân đội, cải cách và giáo dục quân sự… cùng với đó, trên cơ sở đánh giá xung đột tiềm tàng của Trung Quốc Đại lục mà đưa ra chiến lược cải cách quốc phòng của Đài Loan. Trần Hy Kiệt lại nhận định hạn chế lớn nhất trong chính sách của Đài Loan về Biển Đông là người quyết định tối cao xưa nay vẫn chưa thể nghiệm, nhận thức được tính chất quan trọng của vấn đề Biển Đông đối với hòn đảo này, Đài Loan trong vấn đề có mối quan hệ thiết thân này có nguy có bị gạt ra ngoài. Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề có thể thi hành chính sách mà là vấn đề ý chí hành động, hành động tích cực có thể không chắc chắn đạt được kết quả như mong muốn, nhưng bị động tiêu cực chắc chắn sẽ mất hết. Trần Hy Kiệt cũng cho rằng nếu Đài Loan không có những chính sách hữu hiệu cụ thể mà chỉ dừng lại ở giai đoạn thảo luận trên giấy, trong khi các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác đang tích cực hành động ở khu vực này thì Đài Loan sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ bị gạt ra rìa trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó Tống Yên Huy cho rằng Đài Loan cần phải lấy bảo vệ “chủ quyền” Biển Đông, tăng cường khai thác và quản lý Biển Đông, tích cực xúc tiến hợp tác giữa các nước ở Biển Đông, đồng thời dùng phương thức hòa bình xử lý tranh chấp ở Biển Đông làm mục tiêu”.

Tống Cát Phong cho rằng bề ngoài thì xung đột ở Biển Đông xem ra là tranh chấp về chủ quyền và tài nguyên, thực ra lợi ích chiến lược trong tính toán của nước lớn mới là điểm mấu chốt chi phối diễn biến của tình hình. Đồng thời Tống Cát Phong xuất phát từ quan điểm địa chiến lược để phân tích những nhân tố mang tính kết cấu của xung đột Biển Đông, trình bày lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Đài Loan, dự đoán mô hình chiến lược trong xung đột ở Biển Đông là thời cơ chiến lược của hải quân Đài Loan, cho rằng Đài Loan phải tích cực xây dựng vai trò và quyền phát ngôn trong vấn đề Biển Đông mới có thể tận dụng địa vị và ưu thế chiến lược của Đài Bắc. Tào Hùng Nguyên thì chủ trương, để tránh khỏi nguy cơ bị Trung Quốc gạt ra rìa trong vấn đề Biển Đông, chính quyền Đài Loan ngoài việc cần phải tăng cường công tác phòng thủ và xây dựng ở đảo Ba Bình, còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biện pháp này về đối nội có thể đạt được nhận thức chung, về đối ngoại cũng có thể để các nước có tuyên bố chủ quyền hiểu rõ về lập trường của Đài Loan.

Về chính sách trong quan hệ hai bờ

Giới học giả của Đại học Chính trị, Viện Nghiên cứu Trung ương của Đài Loan, Viện Nghiên cứu Biển Đông (Hải Nam) của Trung Quốc nhận định cần phải tăng cường hợp tác giữa hai bờ trong vấn đề Biển Đông, xây dựng sự tin tưởng chính trị và sự hợp tác mang tính thực tế về Biển Đông giữa hai bờ, thúc đẩy cơ chế phối hợp quân sự và hợp tác khai thác phát triển nguồn tài nguyên dầu mỏ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Phan Triệu Dân nhận định trong chủ trương chính sách đối với Biển Đông thái độ của Đài Loan là rõ ràng nhưng hành động lặng lẽ và nhất là không chủ trương hợp tác với Trung Quốc. Theo Phan Triệu Dân, nguyên nhân Đài Loan không hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là: sự vừa hợp tác vừa cạnh tranh về chiến lược ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ, sự nghiêng lệnh về phía Trung Quốc trong sự phát triển của hai bờ, những khó khăn trong nội bộ Đài Loan và sự không tin tưởng của Đài Loan đối với Trung Quốc.

Tóm lại, có thể chia những nghiên cứu về đối sách của Đài Loan thành hai bộ phận: thứ nhất là những đối sách trong bối cảnh quốc tế chung, thứ hai là những đối sách trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.

Đánh giá của giới học giả Đài Loan về chính sách của một số nước liên quan Biển Đông

Chính sách của Trung Quốc: Trong những nghiên cứu về chính sách Biển Đông của các quốc gia khác, các học giả Đài Loan đặc biệt tập trung nghiên cứu chính sách của Trung Quốc. Lý Chí Cương nhận định Trung Quốc là cường quyền mới nổi ở khu vực, quốc gia này tự cho rằng Biển Đông về mặt lịch sử hay pháp lý đều thuộc về mình. Bởi vì yêu cầu chiến lược quốc gia và sự thèm khát nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế nên nước này có dã tâm lớn đối với Biển Đông, dùng sức mạnh để can thiệp vào tranh chấp Biển Đông, khiến cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Mô thức của Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Biển Đông có thể là đàm phán hòa bình, cùng nhau khai thác mà cũng có thể là mô thức dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Liêu Văn Trung đánh giá rằng về phía Trung Quốc mà nói, toàn bộ Trường Sa hiện nay đồng thời tồn tại tình trạng phân chia vùng biển và tranh chấp các đảo quy thuộc, trong đó vấn đề đảo quy thuộc là vấn đề quan trọng nhất, bởi vì có được đảo là có được vùng biển xung quanh, và khi có được vùng biển rồi thì có được nguồn tài nguyên biển (bao gồm tài nguyên dầu mỏ), vì vậy thông qua các biện pháp hữu hiệu để giải quyết chủ quyền quy thuộc của các đảo vẫn là tiêu điểm của vấn để. Quách Thiêm Hán cho rằng chính sách của Trung Quốc đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực là thường sử dụng chính sách “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Nhưng đó chỉ là chiêu bài nhằm giảm bớt xung đột về lãnh thổ một cách tạm thời để ổn định tình hình, một khi lực lượng quân sự của Trung Quốc phát triển đến trình độ có thể đối đầu với các cường quốc thì thái độ của nước này đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ có xu hướng trở nên cứng rắn hơn. Và cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chiến lược Biển Đông của nước này sẽ thay đổi.

Phó Côn Thành lại xuất phát từ góc độ lịch sử khi đưa ra nhận định: Trung Quốc luôn nhìn nhận chủ quyền các đảo ở Biển Đông là vùng bi ển mang tính lịch sử của Trung Quốc. Và giải thích rằng Trung Quốc tại sao kiên quyết không sử dụng phương thức pháp luật để giải quyết vấn đề Biển Đông khiến cho vấn đề này trở thành tranh chấp mang tính chính trị là vì phía Trung Quốc tin vào việc các chứng cứ lịch sử của họ như văn vật, phát hiện khảo cổ học… để khẳng định họ có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông.

Trương Nghị Phong cho rằng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hiện này là “chia để trị, lấn dần từng bức”, đối tượng tấn công trong thời gian trước mắt là Việt Nam và Philippines, đồng thời với việc giương cao chiêu bài “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, hòa bình hiệp thương giải quyết vấn đề” sẽ để chính quyền địa phương như Hải Nam, Quảng Đông xuất đầu lộ diện, không ngừng mở rộng việc bành trướng vùng biển này. Về mặt quân sự thì với các nước có vị trí địa lý gần như Việt Nam, Philipines, khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực càng cao. Trong tranh chấp ở Biển Đông, khả năng có thể phát sinh đụng độ vũ trang trong thời gian tới bao gồm: (1) Mô thức Gạc Ma: giống như hải chiến Trường Sa năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam, đối tượng tấn công của Trung Quốc giới hạn là bộ đội Việt Nam; (2) Mô thức hải chiến Hoàng Sa: Trung Quốc sẽ lấy cớ “bảo vệ ngư dân” tiến quân vào vùng tranh chấp và lợi dụng thời cơ xâm chiếm các đảo do phía Việt Nam quản lý; (3) Mô thức đánh chiếm toàn bộ các đảo do Việt Nam quản lý ở Trường Sa, với mô thức này Trung Quốc sử dụng lực lượng hải quân hùng hậu, bước đầu đánh chiếm các đảo do Việt Nam quản lý, dùng vũ lực hoặc uy hiếp để ngăn cản Việt nam khai thác tài nguyên dưới biển, sau đó ép buộc các nước không dám hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác nguồn tài nguyên biển ở khu vực lân cận. Từ Bản Khâm lại chỉ ra trong 3 tình huống sau đây phát sinh Trung Quốc mới sử dụng vũ lực: Đầu tiên, khi Trung Quốc cảm thấy rằng lợi ích cốt lõi quốc gia đang bị kẻ địch thách thức nghiêm trọng, như thời kỳ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; Thứ hai, khi Trung Quốc cảm thấy chủ quyền và an nguy trong nước gặp phải uy hiếp như trong Chiến tranh Trung-Ấn 1962; Thứ ba, khi kẻ địch không nhượng bộ trước sự cảnh cáo của Trung Quốc như trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và chiến tranh biên giới Trung-Việt năm 1979.

Đáng chú ý, Trần Vĩnh Khang, Địch Văn Trung nhận định việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân đã trở thành sự uy hiếp mang tính tiềm tại đối với an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông. Trong tình hình Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, việc nước này tiến hành hiện đại hóa hải quân đã gia tăng sự lo ngại của các nước trong khu vực. Đồng thời hai học giả này cũng dự báo trong tương lai cùng với sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân của nước này sẽ có những ảnh hưởng rõ ràng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, an ninh của những nước trong khu vực sẽ đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Chính sách của Việt Nam:

Hạ Vi Văn cho rằng trong thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, Việt Nam tích cực phát triển kinh tế, đặc biệt là lợi dụng vốn nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông như dầu mỏ, khí thiên nhiên, khiến cho Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực xây dựng các công trình kinh tế và quân sự trên các đảo Việt Nam chiếm giữ. Việc Việt Nam đề xuất báo cáo về đường thềm lục địa của các đảo lên Ủy ban thềm lục địa Liên Hợp quốc đã gây ra sự phản đối của Trung Quốc, Đài Loan và Philippines. Hạ Vi Văn cũng cho rằng vai trò của Biển Đông ngày càng có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc phòng và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Khương Cao Sinh cho rằng Việt Nam sẽ dùng chính sách mời gọi các nước trên thế giới đến thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông để thi hành chính sách cân bằng giữa các nước lớn, từ đó có thể củng cố tính hợp pháp về chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, Vương Côn Nghĩa lại lấy tiến trình Việt Nam tiến ra Biển Đông làm chủ đề để phân tích nguyên nhân hình thành tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc với ba thời kỳ: thời kỳ Chiến tranh lạnh, thời kỳ sau Chiến tranh lạnh và thời kỳ từ sau năm 2010, đồng thời phân tích sự chuyển biến trong chiến lược biển và quá trình tiến hành kinh doanh Biển Đông trong từng thời kỳ của Việt Nam.

Hoàng Kiến Minh cho rằng trong số các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, Việt Nam tuyên bố có chủ quyền toàn bộ đối với Hoàng Sa và Trường Sa, chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch ASEAN đã tích cực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để xây dựng chiến lược cân bằng với các nước lớn nhằm đối phó với Trung Quốc và có được sự chủ động về ngoại giao. Phía Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “chủ quyền thuộc về Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” nhưng ra sức phát triển lực lượng quân sự ở Biển Đông, đồng thời kiên trì nguyên tắc “phản đối sự can dự của các quốc gia ngoài khu vực” và “hiệp thương song phương” để có được ưu thế lớn nhất.

Chính sách của Philippines:

Tiêu Như Quân phân tích sau sự kiện Đá Vành Khăn (Mischief Reef) chính sách Biển Đông của Philippines có những chuyển biến lớn, phản ánh trên các lĩnh vực chính sách quốc phòng, ngoại giao và kinh tế. Về quốc phòng tích cực tiến hành hiện đại hóa quân đội để đối phó với những xung đột có thể xảy ra một khi có tranh chấp với Trung Quốc. Về ngoại giao Philippines thông qua ASEAN quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gâp áp lực ngoại giao buộc Trung Quốc chấp thuận COC, đồng thời lôi kéo các nước lớn vào trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Về kinh tế, Philippines từng tiến hành kế hoạch hợp tác thăm dò ở Biển Đông v ới Trung Quốc với mong muốn đạt được những hợp tác có tính chất thể chế với nước này.

Chính sách của Mỹ:

Dương Chí Hằng nhận định, nhìn nhận từ về góc độ quân sự, nước Mỹ dường như đang có ý mở một lỗ hổng lớn ở Đông Nam Á, về mặt chiến lược mà nói, là một hình thức vận dụng để giảm bớt áp lực ở phía Đông Bắc Á. Nhưng nước Mỹ cũng không muốn thấy một bá quyền sẽ xuất hiện ở khu vực Biển Đông, dùng lực lượng quân sự để uy hiếp các nước trong vùng, hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Việc có xuất hiện một bá quyền có ý đ ịnh sử dụng vũ lực ở trong khu vực hay không sẽ ảnh hưởng đến những cam kết về những hiệp định an ninh của Mỹ và các quốc gia trong vùng, như điều ước về tương trợ an ninh Mỹ-Philippines, Mỹ-Thái Lan… Trong khi đó, Lâm Chính Nghĩa cho rằng “bắt đầu từ thập kỷ 1990”, do sự phát triển nhanh chóng của quan hệ kinh tế thương mại giữa Mỹ và các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, nước Mỹ bày tỏ thái độ vô cùng quan tâm đối với tự do hàng hải ở Biển Đông. Hơn nữa, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự triệt thoái của Liên Xô và Mỹ tạo thành khoảng trống quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, thế lực cường quyền khu vực là Trung Quốc mới trỗi dậy mong muốn lấp vào khoảng trống quyền lực ở đây, buộc Mỹ chuyển sự chú ý vào khu vực Biển Đông vốn tiềm tàng nhiều vấn đề an ninh. Từ đó đã dần thay đổi thái độ đối với vấn đề Biển Đông, nước Mỹ chủ trương các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Cùng quan điểm trên, Tôn Quốc Tường nhận định lập trường và thái độ cơ bản của nước Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là giải quyết hòa bình tranh chấp, yêu cầu các bên tranh chấp kiềm chế, phản đối sử dụng vũ lực, không can dự vào chủ quyền của nước có tranh chấp, ủng hộ “Tuyến bố Manila” năm 1992 của ASEAN, ủng hộ Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Trần Lập Cường cho rằng, trong việc Trung Quốc tích cực khuyếch trương lực lượng quân sự ở Biển Đông, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là một trong những động cơ của hành động này, vì thế khiến cho các nước xung quanh Biển Đông cũng tích cực phát triển lực lượng quân sự. Vì thế Mỹ liệt khu vực này vào danh sách một trong số ít khu vực bất ổn trên thế giới, đồng thời quan tâm mật thiết đến tình hình phát triển cân bằng quyền lực ở khu vực này đề phòng nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Tống Yên Huy cho rằng từ năm 1979 đến nay, nước Mỹ thông qua việc thực hiện “Phương án tự do hàng hải”, trong phản ứng của nước này đối với “chủ trương về vùng biển mang tính lịch sử của các nước xung quanh Biển Đông” là một khi việc thực hiện tự do hàng hải và quyền lợi hàng không bị Trung Quốc và các nước khác gây trở ngại, nước Mỹ sẽ có những phản ứng cứng rắn. Đồng thời cho rằng nếu như nước Mỹ gia nhập Công ước Luật biển 1982, thì việc áp dụng những hành động phản đối của Mỹ đối với chủ trương vượt ra khỏi quyền hạn ở Biển Đông của các nước, mới càng có sức thuyết phục và tính chính đáng.

Kết luận:

Giống như Trung Quốc, quan điểm của học giả Đài Loan về vấn đề Biển Đông đều cho rằng Đài Loan có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, các nước xung quanh “xâm chiếm chủ quyền và lợi ích” của Đài Bắc ở khu vực này và gây ra tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, trên thực tế Biển Đông là vùng biển của Việt Nam và bị các nước chiếm đóng, chính hành động này mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng như hiện nay ở trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới