Chỉ vài tuần trước, đảng của bà Thái Anh Văn thua trong cuộc bầu cử địa phương. Nhưng sau đó, bà nhận được sự trợ giúp từ một người không ngờ tới: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan. Ảnh: Philstar.
“Người mẹ bảo vệ con trước kẻ bắt nạt”
Trong bài phát biểu đầu tháng này gửi tới người dân Đài Loan, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Đài Loan “phải được thống nhất và sẽ được thống nhất” với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng, mọi nỗ lực độc lập có thể sẽ đối mặt với vũ lực.
Sau tuyên bố này, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố, các giá trị dân chủ là những giá trị và cách sống mà người Đài Loan trân trọng, đồng thời bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của ông Tập Cận Bình.
Tỷ lệ ủng hộ của bà Thái Anh Văn đã tăng lên sau bài phát biểu, theo truyền thông Đài Loan. Bà Thái cũng xuất hiện để khẳng định lại tầm ảnh hưởng của mình trong đảng bằng việc bổ nhiệm một đồng minh, Cho Jung-tai, làm Chủ tịch đảng.
Sự hồi sinh của triển vọng chính trị của bà Thái đã nêu bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc đưa ra một công thức chính trị để thống nhất Đài Loan.
Hầu hết 23 triệu người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì sự độc lập mà không gây ra bất kỳ động thái chính thức nào có thể dẫn đến phản ứng quân sự từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có xu hướng đẩy lùi các mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Hans Ts Tung, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, với nhiều người Đài Loan, những phát biểu của bà Thái Anh Văn rất “ra dáng lãnh đạo” và giúp bà giành được sự hỗ trợ lớn hơn từ đảng Dân chủ tiến bộ của bà.
Đó là một bước ngoặt đáng chú ý sau khi đảng của bà thua trong cuộc bầu cử thị trưởng quan trọng hồi tháng 11 năm ngoái trước phe đối lập Quốc dân đảng, phần lớn là do không hài lòng với cách bà xử lý các vấn đề kinh tế.
Thất bại này khiến bà Thái phải từ chức Chủ tịch đảng, dẫn đến khả năng bà trở thành ứng viên của đảng này trong cuộc bầu cử vào năm tới sụt giảm.
Nhưng sự phản đối cứng rắn từ bà Thái Anh Văn giành được sự ủng hộ từ những cử tri như Li Imte, một công dân Đài Bắc. “Để thay đổi tình hình của Đài Loan tốt hơn, tôi thực sự không tin là có ai có khả năng hơn bà Thái Anh Văn”, Li Imte nói.
Sự ủng hộ đối với bà Thái được thể hiện khắp trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong số đó có một post ví von bà như một người mẹ bảo vệ đứa con khỏi kẻ bắt nạt. Hàng trăm nữ bác sĩ Đài Loan đã giành hẳn mục quảng cáo trang bìa của 2 tờ báo địa phương để kêu gọi độc giả ủng hộ bà Thái.
Cú lội ngược dòng bất ngờ
Bài phát biểu của ông Tập cũng giúp bà Thái thổi bay đảng đối lập Quốc dân đảng, những người ủng hộ quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết, Quốc dân đảng không muốn được cho là ủng hộ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà ông Tập đề xuất.
“Một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng ở Hồng Kông sau khi được Anh trả lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc vào năm 1997. Mô hình này cung cấp cho Hồng Kông một số quyền tự trị nhưng một số hoạt động ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận đã bị thu hẹp trong những năm gần đây.
Việc bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của bà Thái Anh Văn dường như nhận được sự hỗ trợ từ cả phe đối lập.
Wayne Chiang, nhà lập pháp của Quốc dân đảng đã ca ngợi bà Thái sau các phát ngôn này, nhấn mạnh, Bắc Kinh cần tôn trọng nền dân chủ và tự do của Đài Loan. Ông Wayne Chiang cũng bác bỏ đề xuất của ông Tập. “Đài Loan không phải là Hồng Kông. Đa số người dân Đài Loan cũng không thể chấp nhận một quốc gia, hai chế độ”, ông phát biểu trước các phóng viên vào tuần trước.
Một nhà lập pháp Quốc dân đảng khác là ông Jason Hsu, thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng, Quốc dân đảng cần nghĩ ra một chiến lược mới .
Câu hỏi đặt ra là liệu sự ủng hộ đang tăng mạnh cho bà Thái liệu có phải chỉ là tạm thời, theo nhà nghiên cứu Glaser. “Không rõ liệu làn sóng hỗ trợ hiện tại dành cho bà Thái có thể cải thiện cơ hội của bà trong cuộc bầu cử hay không, vì vẫn còn rất nhiều thách thức trong nước mà bà Thái vẫn phải đối mặt”, bà Glaser nói.
Nhưng nhà nghiên cứu Mỹ cũng lưu ý rằng, các mối đe dọa từ Bắc Kinh với Đài Loan có xu hướng mang lại lợi ích cho đảng của bà Thái. “Người dân muốn có một chính phủ có thể bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa bên ngoài khi họ cảm thấy không an toàn”, bà Bonnie Glaser nói.