Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở khu vực châu...

Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có dân số đông nhất thế giới, mà còn là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và cũng là nơi tồn tại nhiều “điểm nóng” của thế giới.

Châu Á – Thái Bình Dương có địa chiến lược quan trọng

Về mặt địa lý tự nhiên: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, nhóm các quần đảo ở Thái Bình Dương và vành đai các nước trong khu vực Nam Bắc Mỹ. Số lượng các quốc gia trong khu vực này gấp đôi Liên minh châu Âu (EU), tổng dân số lên tới gần 4 tỷ người (gấp 8-10 lần EU), chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Hiện nay, khu vực này bao gồm những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, Trung Quốc và Mỹ), 4 trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản).

Về chính trị, châu Á-Thái Bình Dương tập trung 3 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Mỹ và Nga), 7/10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc).

Về quy mô kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nước thành viên Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chiếm 54% tổng GDP thế giới, tổng lượng hàng hóa và dịch vụ thương mại chiếm tới 44% thế giới. Cuối cùng, về tương lai phát triển, châu Á-Thái Bình Dương có số lao động và nhu cầu thị trường cực lớn với những quốc gia là thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với Trung Á, khu vực viễn đông của Nga, Đông Nam Á, Australia, Canada; có công nghệ cao và kinh nghiệm quản lý của các nước như Mỹ, Nhật Bản. Nếu những nền kinh tế này có cơ hội tập hợp lại với nhau, không gian tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể tiếp tục mở rộng. 

Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Trong chiến lược toàn cầu, Mỹ coi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực địa-chiến lược, địa-chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tổng thống Mỹ George Walker Bush đã nhiều lần tuyên bố, đối với nước Mỹ hiện nay, không có khu vực nào quan trọng hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là nắm vững quyền chủ đạo, làm nền tảng để bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia ở khu vực và thực hiện chiến lược toàn cầu. Mỹ thực hiện chiến lược châu Á – Thái Bình Dương dựa trên ba trụ cột chính: an ninh, kinh tế và đối ngoại.

Về an ninh, để duy trì an ninh, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương, Nhà Trắng tăng cường củng cố các liên minh quân sự truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines và Thái Lan; coi liên minh với Nhật Bản là “hòn đá tảng” và tăng cường mở rộng quan hệ quân sự, an ninh với các nước, các cơ cấu an ninh khu vực, để gây ảnh hưởng và tạo thành “các chân rết” phục vụ chiến lược của Mỹ ở khu vực. Đồng thời, tăng cường sức mạnh quân sự, hiện đại hóa các lực lượng quân đội đồn trú ở phía trước, các căn cứ quân sự, hình thành thế bố trí quân sự chiến lược, nhằm khống chế, kiểm soát toàn bộ khu vực, ngăn chặn không để các nước thách thức đến vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Về kinh tế, thời gian qua, kim ngạch buôn bán hai chiều, đầu tư của Mỹ vào khu vực tăng nhanh và cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Hiện nay, Mỹ đang tập trung vào hai hướng: Một là, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với các nước, nhất là các nước được coi là thị trường lớn, như Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… Hai là, phát huy vai trò chủ đạo trong các tổ chức khu vực, như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), để thúc đẩy mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại, đầu tư và chi phối kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường chính sách ngăn chặn, như lập hàng rào thuế quan, áp dụng luật sở hữu trí tuệ, các chế tài tài chính… để bảo vệ thị trường trong nước và kiềm chế nước khác về kinh tế.

Về đối ngoại, lấy chiêu bài “chống khủng bố”, “dân chủ”, “nhân quyền”, Mỹ thực hiện chính sách can dự vào khu vực. Trong quan hệ quốc tế, Mỹ coi trọng sách lược “cây gậy và củ cà rốt”, đối xử với các nước theo “tiêu chuẩn kép”, nhất là với các nước mà Mỹ cho là “bất trị”; thể hiện rõ nhất là cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Đánh giá về chiến lược của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, đó là một chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng thể để đạt mục tiêu của Mỹ ở khu vực; nhưng, chiến lược đó chưa phù hợp với một châu Á – Thái Bình Dương đã có nhiều thay đổi. Đó là vì: Thứ nhất, chiến lược đó vẫn mang tư duy của thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, là lấy sức mạnh để “ngăn chặn, kiềm chế” nước khác, nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia của mình. Điều đó làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ với các nước, kể cả các nước đồng minh, ngày càng sâu sắc, phức tạp. Thứ hai, Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự là nhân tố thúc đẩy chạy đua vũ trang, đe dọa đến đến an ninh, ổn định của khu vực, bị dư luận phản đối.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã có một số điều chỉnh chiến lược liên quan châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ  Barack Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới, không để xuất hiện bất cứ đối thủ nào có thể cạnh tranh hay thách thức vị thế số 1 của Mỹ ở một khu vực được đánh giá là phát triển nhanh và năng động nhất thế giới này. Để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp chiến lược như sau: Một là, tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống trong khu vực, như Philippines, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, trong đó liên minh Mỹ – Nhật Bản là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực. Đồng thời, Mỹ phát triển và tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác trong khu vực, như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Theo hướng này, Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng ở Nhật Bản và quyết định mở thêm căn cứ quân sự ở Australia và Philippines; tăng cường các cuộc diễn tập quân sự phối hợp song phương hoặc đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Hai là, tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương vào năm 2020, điều chỉnh tương quan lực lượng hải quân bố trí tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50-50 thành 60-40, nghiêng về ưu tiên khu vực Thái Bình Dương. Ba là, tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ tại các diễn đàn ở khu vực có liên quan tới Biển Đông, như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAF); Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á; Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Bốn là, xúc tiến ký kết và thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong giai đoạn hiện nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có sự điều chỉnh mới so với các chính quyền tiên nhiệm, song vẫn duy trì những nét cơ bản về đường hướng. Tổng thống Mỹ Donald Trump có tư tưởng mang đậm màu sắc dân túy, coi trọng việc bảo vệ lợi ích người lao động, khôi phục chủ nghĩa bảo hộ thương mại, siết chặt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu đưa ra các chính sách ưu tiên đảm bảo an ninh, kinh tế cho Mỹ. Về đối nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng lãi suất tiền gửi, hoạt động của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) cũng sẽ thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm; siết chặt nhập cư, hủy bỏ một số chương trình xã hội, chăm sóc sức khỏe của chính quyền Tổng thống Barack Obama; giảm ảnh hưởng và hiện diện của Mỹ tại một số khu vực Trung Đông – châu Phi… Về chính sách đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những tuyên bố: (1) Đề nghị Mỹ rút quân đội Mỹ ra khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc, trừ phi hai nước này cũng chia sẻ gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại hai nước này; (2) Ông không thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; (3) Áp đặt nhiều biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc, nhất là việc thông qua gói thuế qua mới đối với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đã áp đặt mức thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng thông qua nhiều đạo luật mới nhằm tăng cường ảnh hưởng, hiện diện quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á, tạo cơ sở pháp lý để Mỹ tăng cường tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, hỗ trợ Đài Loan trong vấn đề an ninh và gia tăng sự can dự của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chủ trương, chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Chiến lược địa chính trị của Trung Quốc trong tương lai chắc chắn phải lấy châu Á – Thái Bình Dương làm địa bàn trọng điểm cơ bản do Trung Quốc có vị trí địa lý đặc thù nằm ở rìa phía Đông đại lục Âu – Á và trung tâm châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và hoạt động cụ thể tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay:Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc liên quan tới châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện trong chính sách đối ngoại, chiến lược “một vành đai, một con đường” và sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng của nước này. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc được thể hiện khá rõ ở quan điểm coi tất cả các nước trên thế giới đều là đối tác và phân thành 4 nhóm theo các tiêu chí chủ yếu là mức độ ưu tiên và tầm quan trọng của đối tác đối với Trung Quốc, xét cả về mặt kinh tế và chính trị. Nhóm 1 là quan hệ đối tác cao nhất, trong đó chỉ có Nga mà Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược. Nhóm 2 là quan hệ đối tác hữu nghị, gồm Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Canada, Ucraina, Belazrut, Mehico và Aghentina và nhiều nước khác. Nhóm nước này không có xung đột về những lợi ích căn bản nhưng có mâu thuẫn cục bộ với Trung Quốc. Nhóm 3 là quan hệ “đối tác dựa trên cơ sở đồng thuận” gồm có Liên minh châu Âu (EU) và các nước ASEAN. Đây là nhóm nước Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại mâu thuẫn về chính trị trong nhiều vấn đề then chốt và tranh chấp lãnh thổ. Nhóm 4 là quan hệ “đối tác thực dụng” bao gồm Mỹ và Nhật Bản mà Trung Quốc coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng”.

Trong các nước đối tác, Trung Quốc tập trung vào hai đối tượng là các nước láng giềng và các nước lớn. Với các nước láng giềng, Trung Quốc cho rằng đang tích tụ nhiều vấn đề cần giải quyết và là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự điều chỉnh chính sách ngoại giao với các nước này. Trung Quốc chủ trương liên thông ngoại giao láng giềng tại sáu địa bàn gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và Nam Thái Bình Dương; kết hợp điều phối bốn mặt tư duy ngoại giao láng giềng giữa “đột phá trên biển” và “tích cực Tây tiến”, giữa “đứng vững trong nước” và “triển khai ra ngoài”. Phương châm điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong 5-10 năm tới là “kiên trì chủ động về chiến lược, không bị rối loạn bởi các sự kiện cục bộ”; chuyển từ “bị động đối phó, khắc phục tiêu cực” sang “chủ động phản công, tích cực đáp trả”, tăng cường yếu tố chiến lược và yếu tố an ninh trong điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, làm cho chính sách láng giềng phục vụ tốt hơn chiến lược đối ngoại tổng thể của Trung Quốc. Trong các mối quan hệ cụ thể, Trung Quốc áp dụng chiến thuật “khác biệt cự ly” với các quốc gia láng giềng, tùy theo “mức độ thân sơ”, “mức độ cống hiến” của từng quốc gia đối với lợi ích của Trung Quốc mà có những đối sách thích ứng.

Để bảo đảm môi trường bên ngoài, Trung Quốc tập trung ưu tiên xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, trước hết là với Mỹ. Trung Quốc còn đề xuất xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới Trung Quốc – Mỹ” với nội hàm “tôn trọng lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác, ổn định”. Quan điểm về “quan hệ nước lớn kiểu mới” và “quan hệ quân sự kiểu mới” do Trung Quốc chủ động đề xướng đều xuất phát từ tư duy ổn định quan hệ với nước lớn, với quân đội nước lớn để bảo đảm an ninh quốc gia. Mục tiêu chủ yếu của “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới” này là nhằm đối phó với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ nhưng mục tiêu cụ thể chính là tạo môi trường thuận lợi xung quanh để bảo vệ các lợi ích được xem là cốt lõi của Trung Quốc, như chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.

Để tạo sự đột phá cho chiến lược phát triển tổng hợp quốc gia, tháng 9-2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất sáng kiến chiến lược “một vành đai, một con đường” (vành đai kinh tế “con đường tơ lụa trên bộ” và “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”). Sáng kiến này sau đó được chính thức ghi vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11-2013). Qua nghiên cứu những mục tiêu của chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng xây dựng một trật tự thế giới mới do Bắc Kinh “viết luật chơi”, được thể hiện ở nhiều mục tiêu lớn của chiến lược này. Đó là: Mở rộng không gian chiến lược và tạo ra một dạng “khu vực sân sau” của Trung Quốc để kiểm soát lục địa Á – Âu; Tạo đối trọng với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương; Chi phối khu vực Ấn Độ Dương và khu vực nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; Kiểm soát các đường vận tải biển liên quan và hệ thống cảng biển khu vực, chi phối các nguồn cung cấp dầu khí, tạo lập các căn cứ quân sự tại những khu vực mà những con đường này đi qua; Tạo môi trường kinh tế – xã hội cho việc mở rộng “sức mạnh mềm” của Trung Quốc; Xây dựng vành đai an ninh xung quanh Trung Quốc để ngăn chặn Mỹ và đồng minh tiếp cận và thâm nhập vào khu vực mà Bắc Kinh coi là “sân sau” của mình; Dựa vào hợp tác kinh tế để thúc đẩy quan hệ chính trị, tạo chất xúc tác để giải quyết các tồn tại trong quan hệ của Trung Quốc với các nước khu vực, ngăn chặn sự “co cụm” của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc, kể cả vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo; Thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực; Tăng cường vai trò bàn đạp của kinh tế khu vực xung quanh Trung Quốc; Hậu thuẫn cho Trung Quốc “đi ra thế giới”; Thông qua “5 thông” (thông chính sách, thông tuyến (trên bộ và trên biển), thông thương, thông tiền tệ và thông lòng người) để tiếp cận, thâm nhập và kiểm soát kinh tế khu vực “láng giềng mở rộng” nhằm tiến tới nắm quyền chủ đạo mậu dịch quốc tế, quyền định giá và quyền phân phối tài nguyên quốc tế; Giải qu13- Tìm thị trường đầu tư, sử dụng hiệu quả dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc, tìm thị trường cho đồng nhân dân tệ, đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ; Tiếp cận các nguồn tài nguyên, năng lượng, nhất là dầu khí; Tận dụng môi trường xung quanh để tạo điều kiện phát triển đồng đều hơn giữa các vùng, miền trong nước, đặc biệt là khu vực biên cương, miền Tây Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tiến hành điều chỉnh chiến lược quốc phòng. Theo đó, Trung Quốc chính thức công bố Sách trắng quốc phòng (26/5/2015), thể hiện rõ nhất chiến lược quốc phòng của quốc gia này trong một giai đoạn lịch sử mới, chuyển từ thời kỳ “giấu mình chờ thời” sang thực hiện ”giấc mộng Trung Hoa”, trở thành cường quốc thế giới.

Kể từ năm 2009 khi trình lên Liên hợp quốc yêu sách phi lý “Đường lưỡi bò 9 đoạn” bao gồm một khu vực chiếm trên 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc từng bước đơn phương thực hiện nhiều hoạt động phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, còn về lâu dài là nhằm làm phá sản chủ trương của Mỹ biến “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương” thành “thế kỷ Mỹ”. Vì thế, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã chỉ trích hành động này của Trung Quốc là “dùng cơ bắp, sức mạnh thuần túy để bắt nước khác phục tùng mình”.

Trong khi đó, Quốc vụ viện Trung Quốc (11/01/2017) đã công bố cuốn “Sách trắng” giới thiệu “chiến lược về hợp tác, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó đề cập nhiều lĩnh vực: Chủ trương chính sách chủ trương của Trung Quốc đối với sự hợp tác an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Ý tưởng an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc; Mối quan hệ giữa Trung Quốc với những nước chủ yếu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Lập trường và chủ trương của Trung Quốc về các vấn đề nóng trong khu vực; Trung Quốc tham gia cơ chế đa biên trong khu vực; Trung Quốc tham gia hợp tác an ninh phi truyền thống khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó có một số điểm nhấn sau:

Mối quan hệ Trung – Mỹ: Từ năm 2015 đến nay, mối quan hệ Trung – Mỹ về tổng thể vẫn duy trì được tiến triển ổn định và giành được những thành tựu mới. Hai nước có giao lưu mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp khác nhau. Sự hợp tác đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực, như chống biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, vấn đề hạt nhân ở Iran, vấn đề Syria, Afghanistan… Hai nước tiếp tục thông qua các bên đàm phán các cấp của hai bên, giao lưu trao đổi đàm phán khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng ý cố gắng xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng hành động, bao dung hai bên về các vấn đề trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên trong khung khổ các diễn đàn đa phương, như tại Tổ chức hợp tác kinh tế CA-TBD (APEC), trong các hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các diễn đàn ASEAN… trong hội nghị chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ động vật hoang dã, chống thảm họa thiên tai…hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ. Hai bên đã đạt được những bước tiến mới, thuận lợi hơn về các vấn đề, như vấn đề Apganixtan, vấn đề bồi dưỡng hợp tác 3 bên về nông nghiệp… Quan hệ quân sự hai bên về tổng thể vẫn duy trì được sự phát triển ổn định. Từ năm 2015 đến nay, hợp tác quân sự 2 bên đã tiếp tục phát triển chặt chẽ. Hai bên đã xây dựng được cơ chế hai niềm tin lớn là “Cơ chế thông báo lẫn nhau các hành động quân sự lớn” và “Chuẩn tắc hành vi an ninh trên biển, trên không”. Phía Trung Quốc nguyện tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Trung – Mỹ, đẩy mạnh sự phát triển ổn định bền vững, và nỗ lực, kiên trì cùng với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, loại bỏ những xung đột, đối kháng, tôn trọng lẫn nhau, giữ vững nguyên tắc hợp tác cùng thắng, khai thác sự hợp tác đa lĩnh vực của hai nước, trên các cấp độ song phương, khu vực, toàn cầu, lấy hợp tác xây dựng để giảm bớt các hạn chế, bất đồng, thúc đẩy mối quan hệ Trung – Mỹ giành được những tiến triển to lớn, mới mẻ, tạo ra những hạnh phúc to lớn, tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước và nhân dân các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Trung – Nga: Trung Quốc và Nga là quốc gia láng giềng lớn nhất. Hai nước là người bạn chiến lược, có ưu tiên ngoại giao. Nhiều năm qua, do sự nỗ lực giữa hai nước, mối quan hệ Trung – Nga đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, ổn định, hữu hảo, và không ngừng thu được những kết quả mới. Hiệp ước ký năm 2001 giữa hai nước “Hiệp ước hợp tác hữu hảo láng giềng Trung – Nga” đã lấy hình thức pháp luật để xác lập ý tưởng hữu hảo muôn đời. Năm 2011, mối quan hệ hai bên được nâng lên cấp cao hơn, trở thành mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện: bình đẳng tin tưởng lẫn nhau, cùng ủng hộ lẫn nhau, cùng phồn vinh, hữu hảo muôn đời. Năm 2014, mối quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới, đó là, mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện. Trước mắt, mối quan hệ bạn bè hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga ở một trình độ cao, phát triển tích cực. Hai bên cũng không ngừng tăng cường sự hợp tác trong khung khổ đa phương của khu vực, kiên định bảo vệ tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp quốc, những qui tắc trong quan hệ quốc tế, ủng hộ những thành quả thắng lợi của thế chiến thứ II, ủng hộ công bằng, chính nghĩa quốc tế, đẩy mạnh tiến trình giải quyết bằng chính trị những điểm nóng trong khu vực, cống hiến mới cho việc xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh cho khu vực.

Vấn đề trên biển: Về tổng thể tình hình an ninh trên biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn được duy trì ổn định. Bảo vệ hòa bình an ninh trên biển và tự do bay lại trên không là lợi ích và nhận thức chung của các bên. Nhưng an ninh phi truyền thống trên biển đã uy hiếp mạnh mẽ và ngày càng leo thang. Không ít vấn đề môi trường sinh thái trên biển đã bị phá hoại, các thảm họa tự nhiên trên biển đã xảy ra liên tục, như tràn dầu, những sản phẩm hóa chất độc hại nguy hiểm đã làm ô nhiễm môi trường biển… trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống ở một số nước vẫn còn tồn tại những cách khai thác, sử dụng biển một cách lạc hậu, đã đem lại những hiểm họa khôn lường cho an ninh, an toàn trên biển.

Trung Quốc nhất quán đề cao hợp tác an ninh trên biển: bình đẳng, thực tiễn, cùng thắng, kiên quyết tuân theo tôn chỉ và nguyên tắc của “Hiến chương Liên Hợp quốc”, công nhận luật pháp quốc tế, luật biển hiện đại, bao gồm nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong “Công ước luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc”, “chế độ pháp luật” và “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Lấy đó làm cơ sở để giải quyết các vấn đề trên biển. Trung Quốc kiên quyết hợp tác ứng phó với những uy hiếp an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển. Bảo vệ hòa bình an ninh trên biển là trách nhiệm chung của các quốc gia trong khu vực, phù hợp với lợi ích chung của các bên. Trung Quốc dốc sức tăng cường hợp tác với các bên, cùng nhau ứng phó với những thách thức, bảo vệ sự ổn định hòa bình trên biển.

Trung Quốc vốn có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và biển phụ cận”. Trung Quốc trước sau kiên trì thông qua đàm phán hiệp thương hòa bình để giải quyết các tranh chấp, kiên quyết thông qua xây dựng các qui tắc và xây dựng các cơ chế để kiềm chế những tranh cãi, kiên quyết thông qua hợp tác cùng có lợi, để thực hiện “cùng thắng”, kiên quyết ủng hộ Nam Hải (biển Đông) hòa bình ổn định và tự do lưu thông trên biển, trên không.

Trung Quốc cùng với nước ASEAN duy trì đối thoại mật thiết vấn đề Nam hải (biển Đông), đang thực hiện toàn diện, có hiệu quả sự hợp tác hiện thực trên biển, trong khung khổ “Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông” (DOC), và từng bước tiến hành đàm phán, ký kết “Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông) (COC), cho đến nay vẫn đang có những bước tiến triển tích cực. Trung Quốc kiên quyết phản đối một quốc gia đơn lẻ, vì lợi ích riêng lẻ của mình, đã làm rối loạn trắng đen, phải trái tình hình trong khu vực. Đối với những hành động gây hấn xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, đến lợi ích biển của Trung Quốc, dã tâm khiêu khích phá hoại đến hòa bình ổn định trên Nam hải (biển Đông), thì Trung Quốc không thể không có những hành động phản ứng kịp thời. Bất cứ những cách làm, hòng “quốc tế hóa”, “tư pháp hóa” các vấn đề ở Nam hải (biển Đông) đều không giúp ích gì cho việc giải quyết những tranh chấp, mà nó còn làm gia tăng thêm những khó khăn, thách thức để giải quyết vấn đề, gây nguy hại đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Mối quan hệ Trung – Nhật ở Đông Hải (Hoa Đông) vẫn còn tồn tại các vấn đề như đảo Điếu Ngư và vấn đề cắm mốc phân chia biên giới biển giữa hai nước. Đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, chủ quyền đảo Điếu Ngư của Trung Quốc vốn có căn cứ pháp lý và lịch sử đầy đủ. Mối quan hệ Trung – Nhật về vấn đề Đông hải vẫn được duy trì các cuộc đối thoại hai bên, đã tiến hành điều nhiều chuyến tàu biển cấp cao đến thăm dò, thương lượng, nhằm khai thông các nguy cơ còn tiềm ẩn xung quanh vùng biển, vùng trời Đông hải như: chấp hành pháp luật trên biển, thăm dò dầu khí, khảo sát khoa học, tổ chức đánh bắt cá… và đã đạt được những nhận thức chung. Phía Trung Quốc tiếp tục thông qua đối thoại, thương lượng giữ vững thiện ý, nhằm giải quyết các vấn đề hữu quan.

Hợp tác Trung Quốc – ASEAN: Trung Quốc trước sau vẫn coi hợp tác ngoại giao chu biên (với các nước láng giềng xung quanh) như ASEAN là hướng hợp tác ưu tiên. Trung Quốc kiên trì ủng hộ nhất thể hóa ASEAN, ủng hộ xây dựng cộng đồng ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực của ASEAN. Hai bên Trung Quốc và ASEAN cùng tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, láng giềng hữu nghị, dựa trên nguyên tắc hợp tác “cùng thắng”, không ngừng tăng cường đối thoại chiến lược, gia tăng lòng tin chiến lược, đi sâu hợp tác kinh tế thương mại, cùng hợp tác cùng hỗ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực như tiền tệ, an ninh, trên biển, xã hội nhân văn… Đẩy mạnh sự phát triển mới trong quan hệ hợp tác hai bên.

Sự điều chỉnh chiến lược của Nga

Kể từ khi Tổng thống Nga Putin lên cầm quyền, Nga đã tích cực triển khai chiến lược Hành động hướng Đông nhằm tăng cường ảnh hưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Nga tăng cường ảnh hưởng trong khu vực là do Thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương”; sự đối đầu giữa phương Tây do Mỹ đứng đầu và Nga nằm trong chiến lược dài hạn sau Chiến tranh lạnh với toan tính của phương Tây làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền; Nga là cường quốc nằm trên hai châu lục Á và Âu; trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, yếu tố cạnh tranh sẽ ngày càng nổi trội, buộc Trung Quốc phải liên kết với Nga để đối phó với Mỹ. Do đó, giữa Nga và Trung Quốc hình thành “mối liên kết tự nhiên”. Sự điều chỉnh chiến lược của Nga nhằm: Khai thác tiềm năng các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á để thu hút đầu tư cho phát triển khu vực Seberia và Viễn Đông của Nga; Tiếp cận thị trường rất lớn về tài nguyên năng lượng ở châu Á với vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới; Mở rộng thị trường vũ khí trang thiết bị rộng lớn ở châu Á do các nước trong khu vực này có nhu cầu rất lớn về vũ khí trang bị hiện đại.

Sự điều chỉnh của Nga trong quan hệ đối tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương bởi Nga và ASEAN có quan hệ gắn kết với nhau dựa trên nền tảng lịch sử bền vững, sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm đối với nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, tạo khả năng to lớn để hai bên cùng phối hợp hoạt động trong các công việc quốc tế. Nga và ASEAN ủng hộ việc xây dựng cấu trúc khu vực hoàn thiện hơn ở châu Á – Thái Bình Dương theo nguyên tắc bình đẳng và minh bạch, dựa trên cơ sở đa trung tâm, quyền tối cao của pháp luật, tính đến lợi ích của tất cả các nước trong khu vực dựa trên cơ sở Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà Nga đã tham gia từ năm 2004. Theo quan điểm của mình, Nga không có tham vọng giành ưu thế quân sự, cũng không đặt ra nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới phía Đông của Nga làm phương hại đến an ninh của các nước khác; không có kế hoạch xây dựng căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương, không xây dựng liên minh quân sự bí mật với các nước trong khu vực, không cạnh tranh với bất kỳ các nước nào trong việc tranh giành ảnh hưởng. Nga khẳng định tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực, ủng hộ sự đa dạng của mô hình phát triển, đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo; hợp tác với các nước trong khu vực trong khuôn khổ cơ chế đa phương hiện có và sẵn sàng đề xuất sáng kiến xây dựng các diễn đàn mới, như tăng cường tiếp xúc chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hai bên có đủ các điều kiện cần thiết, gồm ý chí chính trị, truyền thống hữu nghị lâu đời, nền tảng hợp tác bền vững và sự quan tâm về lợi ích của nhau. Diễn đàn Nga – ASEAN năm 2010 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử quan hệ giữa Nga và ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại được tổ chức tại Sochi của Nga tháng 5/2016, hai bên đã đề ra khuôn khổ hợp tác mới để đưa mối quan hệ đi vào chiều sâu, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai.

Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ

Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ đối với châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện rõ nhất ở “chính sách hướng Đông” được công bố chính thức vào năm 1992 nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Đây là một trong những điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng của Ấn Độ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Năm 2000, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đề cập đến Biển Đông như là điểm cực đông trong hành trình chiến lược của Hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương và cho biết Biển Đông thuộc phạm vi khái niệm “láng giềng mở rộng” về phía đông trong “chính sách hướng Đông”. Năm 2014, trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính sách “Hành động phía Đông” đã được đưa ra thay cho “Chính sách hướng Đông”.

Hiện nay, Ấn Độ công khai khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông thể hiện trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh. Về kinh tế, khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua eo biển Malacca tới các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương. Lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015 – 2016. Ngoài ra, Ấn Độ còn có lợi ích về năng lượng trong các dự án hợp tác dầu khí giữa Công ty Dầu khí quốc gia của Ấn Độ (OVL) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Về an ninh, sự an toàn của tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Các thách thức an ninh truyền thống (xung đột leo thang giữa các bên yêu sách) và an ninh phi truyền thống (tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cướp biển) ở khu vực này cản trở đường vận tải hàng hóa trên biển của Ấn Độ. Do đó, việc Ấn Độ tăng cường hiện diện hải quân và “quyền tiếp cận” ở Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích của Ấn Độ. Theo chiều hướng đó, Ấn Độ đã thiết lập quan hệ hợp tác an ninh với Nhật Bản và Australia. Mối quan tâm của các cường quốc khu vực và thế giới khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng “nóng” lên. Cùng với cơ hội phát triển, thách thức đang gia tăng đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Việc nắm bắt, khai thác cơ hội, thời cơ và vượt qua thách thức từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chiến lược của mỗi quốc gia trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới