Monday, January 13, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMục đích của TQ khi tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại...

Mục đích của TQ khi tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong vài thập kỷ qua, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hình thành nên các ngành công nghiệp cần nhu cầu cao về năng lượng. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp năng lượng lâu dài để duy trì nền công nghiệp là cần thiết. Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi thông qua việc đẩy mạnh các ngành khai thác dầu mỏ. Các công ty Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh ở châu Phi như cơ sở hạ tầng, sản xuất, viễn thông và nông nghiệp.

Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi

Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới. Mặc dù dựa vào than để đáp ứng nhu cầu về năng lượng nhưng Trung Quốc vẫn đứng thứ 2 trên thế giới về việc tiêu thụ dầu mỏ và đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc sẽ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào năm 2030. Nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Trung Quốc là châu Phi sau Trung Đông với 1,4 triệu thùng/ngày. Mặc dù tăng trưởng năng lượng của Trung Quốc giảm xuống còn 6,7% trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhưng nước này vẫn là quốc gia tăng trưởng năng lượng cao.

Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi đã trở nên gắn kết hơn, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong năm 2009. Trung Quốc nhập khẩu từ 15% – 16% hàng hóa trong năm 2016 của châu Phi, phần lớn là nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, quặng sắt, kim loại, một lượng nhỏ lương thực, nông sản. Trung Quốc xuất khẩu máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị liên lạc, đồ gia dụng…

Theo chuyên gia Deborah Brautigam thuộc Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – châu Phi (SAIS-CARI), Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều trong quan hệ kinh tế với châu Phi. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn (Foreign direct investment – FDI) vào châu Phi: cung cấp các khoản vay phát triển cho các nước giàu tài nguyên, đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các vùng thương mại và hợp tác kinh tế, đặc biệt ở một số nước như Ethiopia, Nigeria và Zambia. Các kênh tài chính của Trung Quốc với các khoản vay và tín dụng do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Quỹ Phát triển Trung Quốc – châu Phi cung cấp. Theo SAIS-CARI, từ năm 2000 đến năm 2014 Trung Quốc cho châu Phi vay hơn 86 tỷ USD; các nước Angola, Congo, Ethiopia, Kenya và Sudan là những nước nhận hỗ trợ nhiều nhất. Tuy nhiên, các khoản vay lớn đang bắt đầu đặt câu hỏi về nợ xấu ở các nước này. Bắc Kinh đã đa dạng hóa các lợi ích kinh doanh của mình ở châu Phi và tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng, khai thác mỏ, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, bến cảng, sân bay, bệnh viện, trường học… Quỹ đầu tư nhà nước và tư nhân cũng đã thiết lập vào các đồn điền thuốc lá, cao su, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường mới như hàng tiêu dùng và tăng công suất cho ngành công nghiệp. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi phù hợp với khuôn khổ phát triển của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – “Một vành đai, một con đường”.

Các cuộc điều tra ý kiến cho thấy phần nhiều các nước châu Phi nhìn nhận Trung Quốc có ảnh hưởng lớn cũng như có những đóng góp đối với sự phát triển của châu Phi. Trung bình 63% người châu Phi nhìn nhận ảnh hưởng kinh tế và chính trị từ Trung Quốc là tích cực.

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng tại khu vực tiểu vùng Sahara, GDP trong năm 2011 là 5% đã giảm xuống còn 1,4% vào năm 2016 (theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF).

Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt mức cao năm 2016 với 198,5 tỷ USD và hiện có khoảng 1 triệu người Trung Quốc sống và làm việc ở châu Phi. Sự hiện diện ở châu Phi đã gây ra tranh cãi, về việc Trung Quốc đang khai thác nguồn tài nguyên của châu Phi và một loạt các sai phạm pháp lý của các công ty Trung Quốc, trong khi các quan chức Trung Quốc thì cho rằng họ đã giúp cải thiện tình trạng của châu Phi. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng trong quý I năm 2017, khi đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng 64%, tổng thương mại của Trung Quốc với châu Phi tăng 16,8% – lên 38,8 tỷ USD. Đầu tư phi tài chính của Trung Quốc vào châu lục này cũng đã tăng 64% trong quý I năm 2017, trong khi các nước như Djibouti, Senegal và Nam Phi đều tăng hơn 100% trong quý này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch 60 tỷ USD vào các dự án phát triển châu Phi tại Johannesburg năm 2015 nhằm thúc đẩy nông nghiệp, giao thông, bến cảng, đường sắt và xóa một số khoản nợ.

Châu Phi là một thị trường lớn đang nổi lên với dân số tăng nhanh, rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các nước như Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, 6 trong số 10 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới là các nước châu Phi. Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nước nhận đầu tư lớn thứ 2 từ Trung Quốc vượt qua Nigeria dựa trên số lượng các giao dịch mà Trung Quốc đã thực hiện với từng quốc gia châu Phi.

Chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi sau Liên minh châu Âu, khối lượng thương mại Trung – Phi lớn hơn thương mại giữa Mỹ và châu Phi. Hợp tác kinh tế Trung – Phi đã đa dạng hóa trong vài năm gần đây và mở rộng sang các lĩnh vực như thương mại, cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghiệp, tài chính, logistics và hàng không khu vực. Trung Quốc đầu tư vào châu Phi vì nhiều lý do khác nhau, một số liên kết với chương trình nghị sự về thương mại và đầu tư của Trung Quốc, trong khi một số khác gắn liền với các mục tiêu về quyền lực mềm của Trung Quốc, đặc biệt là về y tế và giáo dục. Hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc đối với châu Phi chủ yếu là các khoản cho vay ưu đãi và tín dụng xuất khẩu được cung cấp thông qua Bộ Thương mại và ngân hàng Exim Bank. Các khoản vay này cho châu Phi được báo cáo đã tăng lên trong những năm gần đây.

Sự khác biệt giữa Trung Quốc và các nhà tài trợ chính của OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) là mức hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc: tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc, đổi lại đa phần các nguyên vật liệu và dịch vụ phục vụ dự án tài trợ này phải “mang danh” xuất xứ ở Trung Quốc, trong khi các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ và các thành viên OECD không yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Trung Quốc cũng đã bắt đầu đưa tình nguyện viên sang châu Phi để tham gia giảng dạy và đào tạo về tiếng Trung, y khoa, máy tính, nông nghiệp và thể thao. Hàng tỷ USD mà Trung Quốc cho châu Phi vay là khoản vay dài hạn. Từ năm 2009 đến năm 2012, Trung Quốc đã tài trợ 10 tỷ USD cho châu Phi dưới hình thức “các khoản vay ưu đãi”, tăng lên 20 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2015 sau chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Tập Cận Bình và dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho châu Phi 1 nghìn tỷ USD, bao gồm đầu tư trực tiếp, vốn vay ưu đãi và các khoản vay thương mại (theo Toh Han Shih, 2013). Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các cơ quan và các tổ chức thương mại kết hợp viện trợ, đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như dịch vụ, hợp tác lao động, ngoại thương và xuất khẩu. Mục đích là để tối đa hóa tính khả thi và linh hoạt của các dự án, đáp ứng thực tế địa phương ở các nước tiếp nhận đồng thời làm cho khó phân biệt đâu là tài trợ hay viện trợ. Một lý thuyết khá thuyết phục là trên thực tế chính phủ Trung Quốc chi trả phần lãi suất chênh lệch của lãi suất cho vay ưu đãi cung cấp cho châu Phi so với lãi suất của khoản vay thương mại tương đương. Vì vậy, chỉ có sự khác biệt nhỏ trong lãi suất mới có thể được coi là viện trợ của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng sự trợ giúp đối với châu Phi là minh bạch, không vụ lợi, nhưng sự thật, chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi là thực dụng và viện trợ là một công cụ chính sách hữu ích nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ năm 2000, châu Phi đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc. Châu Phi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng thị trường lớn và đang rất cần cơ sở hạ tầng, tài chính để kích thích tăng trưởng kinh tế. Mục đích của hỗ trợ tài chính kết hợp với viện trợ không chỉ có lợi cho các nước tiếp nhận mà còn có lợi cho cả Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi năm 2011 là 3,2%/629 tỷ USD, và tăng lên nhanh chóng từ năm 2014. Thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng trong thập kỷ qua với khoảng 300 tỷ USD. Năm 2000, thương mại của Trung Quốc với châu Phi là 10 tỷ USD. Năm 2014, con số này đã tăng lên 220 tỷ USD. Trung Quốc đang tiến đến 400 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đạt 467,3 tỷ euro năm 2014 và 590,68 tỷ USD năm 2015 (theo Global Times Xinhua). 

Thương mại của Trung Quốc với châu Phi chủ yếu tập trung vào nhập khẩu. Trung Quốc lấy dầu mỏ từ Nigeria, Angola, Equatorial Guinea, Ghana, Cameroon, Congo, Gabon, Uganda, Nam Sudan và Sudan. Trung Quốc mua đồng, coban, cadmium, ferrochrome, bạch kim, coltan, kim cương, và vàng cho các mục đích công nghiệp từ các nước như Congo, Liberia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe. Xuất khẩu lớn nhất châu Phi sang Trung Quốc là các quốc gia gồm Nam Phi, Angola, Congo, Mauritania, Sudan, Nam Sudan và Zambia. Là nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới nên Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa nhà cung cấp truyền thống (Australia và Nam Phi) bằng cách buôn bán với 15 quốc gia châu Phi như Guinea-Bissau, Swaziland, Tanzania, Uganda, và Zambia…

Châu Phi cung cấp thị trường cho hàng hóa do Trung Quốc sản xuất: thiết bị quân sự và đạn dược, đồng phục quân đội, công nghệ truyền thông, dụng cụ nông nghiệp, máy móc, tuabin và máy phát điện…; Trung Quốc gửi các đoàn khách du lịch, chuyên gia tư vấn, người lao động… và giám sát dự án đầu tư cho châu Phi. Các nước nhập khẩu hàng hóa lớn của Trung Quốc là Tanzania, Kenya, Ghana và Liberia. Nhiều nước châu Phi được hưởng lợi từ việc xây dựng đập thủy điện, nhiệt điện, đường xá, bệnh viện… Các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​các khoản vay ưu đãi là Ghana (11,4 tỷ USD), Nigeria (8,4 tỷ USD), Sudan (bao gồm South Sudan và Ethiopia) là 5,4 tỷ USD, Mauritania (4,6 tỷ USD), Angola (4,2 tỷ USD), Equatorial Guinea và Zimbabwe (3,8 tỷ USD), Cameroon (3 tỷ USD) và Nam Phi (2,3 tỷ USD). Trong năm 2016, dòng đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang châu Phi tăng 25% với hơn 3 tỷ USD. Trong tình hình quốc tế và khu vực phức tạp như hiện nay, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tiếp tục tăng mạnh, thể hiện sự tự tin của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc khai thác thị trường châu Phi và sự kiên định của Trung Quốc trong việc đầu tư và hợp tác với châu Phi (theo Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2017). Trong năm 2016, giá trị hợp đồng của các dự án mới được các doanh nghiệp Trung Quốc ký kết ở châu Phi là 65,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015. Châu Phi tiếp tục là thị trường lớn thứ hai của Trung Quốc. 9 trong số 20 dự án mới được Trung Quốc ký kết có giá trị hợp đồng lớn nhất là ở châu Phi, trong số này dự án xây dựng thủ đô mới của Ai Cập và dự án nhà máy nhiệt điện Ai Cập có giá trị hợp đồng lớn thứ hai và thứ 3 lần lượt là 2,7 tỷ USD và 2,64 tỷ USD. Tuyến đường sắt Ethiopia – Djibouti chính thức đưa vào hoạt động, dự án đường sắt Kenya Mombasa – Nairobi đã được hoàn thành.

Thương mại, đầu tư và tài chính có dấu hiệu suy yếu. Lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc giảm 13% năm 2015 so với năm 2014. Nếu so sánh giá trị nhập khẩu từ châu Phi thì giai đoạn này đã giảm 32%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính và cũng là nguồn nhập khẩu lớn nhất của châu Phi. Sau 15 năm, quan hệ thương mại Trung Quốc chiếm khoảng 20% ​​lượng hàng nhập khẩu và khoảng 15% xuất khẩu. Nhưng trong năm qua, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc đã bắt đầu giảm trong khi sự tăng trưởng của hang nhập khẩu Trung Quốc đang gia tăng. Sự kết hợp của hàng nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm đã làm cho cán cân thương mại của vùng hạ Sahara châu Phi bị thâm hụt (theo Valentina Romei, Financial Times, 2015). Một số quốc gia châu Phi đang tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. 16 quốc gia châu Phi xuất khẩu 20% hàng hóa sang Trung Quốc vào năm 2014. Sự sụt giảm về giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ châu Phi trong thời gian gần đây chủ yếu là hàng hóa và nguyên liệu thô chiếm hơn 85%, điều này cho thấy các ưu đãi thương mại đang thay đổi. Trung Quốc là nhà đầu tư tiềm năng lớn nhất ở châu Phi về khai thác mỏ và dầu. Theo Dealogic (Valentina Romei, Financial Times, năm 2015), Trung Quốc là nhà đầu tư sáp nhập và mua lại lớn nhất ở châu Phi trong năm 2013, chiếm 37% trong tổng số các giao dịch tính theo giá trị của các giao dịch. Khoảng 80% trong các thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) của Trung Quốc ở châu Phi là trong lĩnh vực khai thác mỏ hoặc dầu mỏ. Nhưng sau đó các cuộc mua lại giảm dần dưới 600 triệu USD, khoảng 1/20 so với trước kia.

Các chính phủ châu Phi hợp tác với Trung Quốc để phát triển kinh tế thông qua viện trợ, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Tác động tích cực của Trung Quốc đối với châu Phi như tạo việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực và khu vực địa lý cùng các định chế tài chính quốc tế. Sự đầu tư của Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng bất lợi là giúp các chế độ không dân chủ bám lấy quyền lực, biến các quốc gia này phụ thuộc vào tài nguyên và làm mất hàng trăm nghìn việc làm trong các ngành công nghiệp như dệt may, dẫn đến nợ công cao, tham nhũng và việc triển khai các giải pháp về kinh tế không hiệu quả. Khảo sát cho thấy bên cạnh các quan điểm tích cực về Trung Quốc, người dân châu Phi vẫn có các nhận xét tiêu cực. Hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi còn phải đối mặt với những lời chỉ trích từ  phương Tây và xã hội dân sự châu Phi về các hoạt động kinh doanh gây tranh cãi, cũng như sự thất bại trong việc thúc đẩy nhân quyền và nền quản trị dân chủ.

Có thể thấy đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi mang tính toàn diện, trên mọi lĩnh vực và thực sự đáp ứng được nhu cầu cơ bản của các nước khu vực, bởi vậy, giới chức châu Phi đánh giá đây là mối quan hệ “hợp tác cùng thắng”. Sự hiện diện ngày càng rộng khắp của Trung Quốc tại châu Phi là kết quả trực tiếp của cách tiếp cận ngoại giao chủ động, thực dụng, luôn được điều chỉnh theo tình hình cụ thể  mà Bắc Kinh đang theo đuổi, trong đó lợi ích quốc gia luôn được bảo đảm.

Thứ nhất, chính sách của Trung Quốc tại châu Phi là vì lợi ích kinh tế. Châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản có thể giúp Trung Quốc “thỏa cơn khát” năng lượng phục vụ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, với các nền kinh tế còn chậm phát triển và dân số lớn, châu Phi là thị trường lý tưởng đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc, hiện được coi “công xưởng” của thế giới. 

Thứ hai, châu Phi là “phương tiện” để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị và ngoại giao, củng cố thêm sức mạnh thông qua “quyền lực mềm”. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tỷ lệ thuận với các khoản đầu tư tại châu Phi, từ đó phục vụ đắc lực cho các lợi ích chính trị của Bắc Kinh. Hỗ trợ tài chính giúp Trung Quốc triển khai hiệu quả chiến lược xây dựng quan hệ đồng minh với hơn 50 quốc gia châu Phi để có được lợi thế trong nền ngoại giao quốc tế. 

Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sáng kiến “Vành đai và con đường” tới châu Phi nhằm củng cố vị thế của mình trong các vấn đề toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc đang gắn kết một cách chặt chẽ sáng kiến “Vành đai và con đường” với chương trình nghị sự châu Phi năm 2063, coi đây là lộ trình dẫn dắt sự hợp tác toàn diện Trung Quốc-châu Phi. Một biểu hiện sức mạnh của “quyền lực mềm” trong hợp tác với châu Phi là Trung Quốc quốc tế hóa mạnh mẽ đồng Nhân dân tệ, mở rộng phạm vi và mức độ ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ thông qua giao dịch hoán đổi tiền tệ với nhiều nước châu Phi. Một mặt, bước đi của Trung Quốc cho phép các nước châu Phi thoát khỏi sự chi phối của “đồng bạc xanh”, mặc khác,  hướng tới mục tiêu “soán ngôi” vị trí thống trị toàn cầu của đồng USD. 

Từ góc độ an ninh, Trung Quốc đã chọn Djibouti làm địa điểm đặt căn cứ đầu tiên ở nước ngoài nhằm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này, trong đó có việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển quan trọng. 

Hiện toàn cầu hóa đang vấp phải “dòng chảy ngược” khi Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đang tìm cách tự tách mình ra khỏi “quần thể”, ra sức xây “tường bao” thuế quan phục vụ chính sách “Nước Mỹ trước tiên”. Thực tế này là cơ hội để Trung Quốc – với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò dẫn dắt thông qua “quyền lực mềm” với những chính sách đối ngoại cởi mở hơn. Trong bối cảnh đó, châu Phi là một trong những mắt xích quan trọng trong lộ trình đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm khẳng định vị thế trên trường quốc tế.     

Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, hợp tác, đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi cũng mang đến nhiều mặt trái. Với lợi thế là nước cho vay, Trung Quốc thường buộc các nước phải chấp nhận luật chơi tài chính của mình và thường không theo các tiêu chuẩn quốc tế truyền thống. Sự mập mờ của các hợp đồng vay vốn đi kèm với tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém tại hầu hết các nước châu Phi dẫn đến nguy cơ nhiều nước châu Phi trở thành con nợ của Trung Quốc.

IMF, G20 và Mỹ gần đây đều cảnh báo các nước châu Phi đang quá phụ thuộc vào nợ Trung Quốc. Nếu tiếp tục tham gia vào các dự án có tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), châu Phi sẽ rơi vào “bẫy nợ” có nguy cơ đánh mất chủ quyền. Bài học gần đây của các nước châu Á tham gia vào BRI như Sri Lanka, Malaysia, Pakistan… là bằng chứng củng cố luận điểm trên.

Thêm vào đó, mặc dù tuyên bố là đối tác phát triển của toàn bộ các nước châu Phi, nhưng trên thực tế Trung Quốc chỉ tập trung vào một số nước giàu tài nguyên, khoáng sản, đất đai hoặc có nguồn nhân công dồi dào. Chính vì thế, ngày càng xuất hiện chỉ trích rằng Bắc Kinh đang thực hiện “chủ nghĩa thực dân mới” ở châu Phi, tập trung khai thác bóc lột tài nguyên, lao động…

Trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có xu hướng hạn chế “lạm phát” cam kết tài chính cho châu Phi. Bắc Kinh nhấn mạnh mối quan hệ “hợp tác cùng thắng”, tập trung vào tính hiệu quả, cùng có lợi của hợp tác, trên các lĩnh vực phát triển bền vững như kinh tế xanh, phát triển sinh thái, bảo vệ môi trường… Nhưng đây lại là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao mà Mỹ và các nước phương Tây có ưu thế hơn. Chính vì thế, cuộc điều chỉnh chính sách châu Phi của Trung Quốc sẽ không dễ dàng diễn ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới