Monday, January 13, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBiển Đông trên bàn nghị sự tại các diễn đàn đa phương...

Biển Đông trên bàn nghị sự tại các diễn đàn đa phương 2019

Ngày đầu năm 2019, Biển Đông đã được các nước ASEAN và các nước bàn thảo, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật; phản đối việc đe doạ sử dụng và sự dụng vũ lực ở Biển Đông, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 21 và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2019. Nguồn: Reuters/AFP

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 21

Ngày 21/1, tại Brussels, Bỉ đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 21 với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và 24 nước thành viên EU. Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển tích cực trong quan hệ ASEAN – EU kể từ Hội nghị AEMM – 21 năm 2016. Về định hướng quan hệ ASEAN – EU giai đoạn tiếp theo. Các nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế – thương mại – đầu tư, kết nối, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển… Về tình hình biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật. Các bên giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hội nghị cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC).

Trong quá khứ, EU luôn thận trọng không tham gia các vấn đề phức tạp liên quan đến tranh chấp Biển Đông. EU không có lợi ích gì khi chống lại Trung Quốc, thậm chí EU còn cần Trung Quốc với vai trò là đối tác kinh tế và an ninh. EU cũng có những vấn đề của chính họ cả trong nội bộ (như nạn nhập cư, khủng bố, mất cân bằng về kinh tế) và những vấn đề từ bên ngoài tại khu vực phía Nam và phía Đông EU. Vì vậy, EU không sẵn sàng lên án Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của đại diện cấp cao EU Catherine Ashton vào tháng 11/2013 khi Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Lúc đó, EU kêu gọi “các bên có các bước đi làm dịu tình hình” mặc dù rõ ràng nguyên nhân gây ra khủng hoảng chính là từ Trung Quốc. Điều này đã khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc lúc đó không hài lòng, thậm chí là tức giận. Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể trên nhiều khía cạnh và thời điểm thì quan điểm và sự can dự của EU trong vấn đề Biển Đông cũng có những điều chỉnh tích cực theo hướng ngày càng tham gia nhiều hơn cũng các nước giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Có thời điểm, EU đã trực tiếp lên án cách hành xử của Trung Quốc đối với Biển Đông và các nước liên quan. Tháng 5/2013, EU tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). EU đã nhấn mạnh việc liên minh này có lợi ích cũng như quan tâm đến hòa bình, an ninh hàng hải, tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan làm rõ tranh chấp của mình trên cơ sở UNCLOS 1982. Đây là lần đầu tiên EU lên tiếng thể hiện sự ủng hộ đối với biện pháp “tòa án quốc tế tuân theo luật quốc tế”, coi đó là một phương tiện để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực với Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Một cơ quan của EU lúc đó là Ủy ban Đối ngoại EU – Trung Quốc đã ra báo cáo trong đó “khẩn thiết kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, không có những hành động chính trị, quân sự đơn phương, hạ giọng trong các tuyên bố và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp tòa án quốc tế tuân theo luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực”. Bản báo cáo cũng kêu gọi Trung Quốc “phải cam kết chắc chắn về việc tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong quá trình theo đuổi các mục tiêu ở bên ngoài”. Tháng 5/2014, Người phát ngôn của Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton cho biết EU không đứng về bên nào trong những tranh chấp và tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng lại có quan điểm rõ ràng trong việc cần phải làm gì để giải quyết những xung đột và xây dựng niềm tin. EU kêu gọi các bên liên quan tìm ra những giải pháp hòa bình và hợp tác theo đúng luật pháp quốc tế, mà cụ thể là UNCLOS. EU muốn đóng vai trò trung gian trong việc ổn định an ninh khu vực bởi khu vực này có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược trên thế giới. Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, EU cho rằng, các hành động đơn phương có thể gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực mà cụ thể là việc tàu Trung Quốc đã đâm và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. EU kêu gọi các bên có những biện pháp hạ nhiệt căng thẳng và kiềm chế không có những hành động đơn phương làm tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Tháng 10/2015, EU đã lên tiếng ủng hộ việc Mỹ đưa tàu chiến tuần tra gần các đảo Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trước đó hôm 27/10 vừa qua, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý của một trong những hòn đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng phản ứng mạnh mẽ động thái này của Mỹ. EU tuyên bố “mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông nhưng EU cam kết ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Đây là lập trường thẳng thắn và khách quan của EU dù tổ chức này đã và đang tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, với kỳ vọng thu hút các nguồn vốn của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khối và đang đàm phán một thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương. Tháng 3/2016, EU cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được ghi nhận đặc biệt là trong UNCLOS. Việc này bao gồm duy trì an toàn hàng hải, an ninh, và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không. Trong khi không đứng về bên nào đối với các tuyên bố chủ quyển đối với các vùng đất và vùng biển tại Biển Đông, EU kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp thông qua các phương thức ôn hoà, làm rõ cơ sở các tuyên bố của mình và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và các thủ tục phân xử của nó. EU quan ngại về việc triển khai tên lửa tại các hòn đảo trên Biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc vĩnh viễn các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo đang có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thế đe doạ tự do hàng hải và hàng không là một quan ngại lớn. Do vậy EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hoá trong khu vực, dùng hoặc đe doạ dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương. EU khuyến khích những động thái liên qua tới các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tin cậy và an ninh trong khu vực. EU hoàn toàn ủng hộ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt và kỳ vọng vào việc đạt được kết quả nhanh chóng trong các cuộc đàm phán về COC giúp ích cho việc đảm bảo tốt hơn một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp. Liên quan tới vấn đề này, EU tái khẳng định sự sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất của mình về vấn đề an ninh hàng hải. Tháng 6/2016, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU công bố văn kiện có tên gọi “Các yếu tố về chiến lược mới của EU đối với Trung Quốc”, trong đó kêu gọi bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền bay qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Văn kiện này, nhằm vạch ra chính sách của EU đối với Trung Quốc trong 5 năm tới, cần phải được các chính phủ của EU thông qua trước khi có hiệu lực. Văn kiện nói rằng EU tiếp tục quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở hai khu vực biển này. Hãng tin Reuters cho biết mặc dù không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc nhưng văn kiện ám chỉ đến hoạt động bồi đắp trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông khi nhấn mạnh rằng “EU phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Văn kiện có đoạn: “Quan điểm của EU là ủng hộ Trung Quốc và các nước khác tuân thủ pháp luật quốc tế trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Khu vực biển này có khối lượng lớn của giao thương hàng hải quốc tế đi qua, vì vậy, việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền bay qua có tầm quan trọng rất lớn đối với EU. EU khuyến khích Trung Quốc đóng góp mang tính xây dựng đối với sự ổn định khu vực thông qua các biện pháp xây dựng niềm tin và sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, đặc biệt là tôn trọng UNCLOS và quy trình phân xử trọng tài của công ước này”. Tháng 7/2016, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (PCA) sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này. Tuyên bố của ông Donald Tusk được đưa ra ngay tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 giữa Trung Quốc và EU. Chủ tịch Tusk cho biết, giới chức lãnh đạo EU đã thảo luận về vụ kiện của Philippines liên quan đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định EU “hoàn toàn tin tưởng” vào Tòa Trọng tài quốc tế và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để “tạo ra một động lực tích cực” trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Chủ tịch EC cũng cho biết, EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Trước đó, trong một phát biểu liên quan hôm 12/7, Chủ tịch Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế, bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên quy định”. Ông nhấn mạnh “trật tự quốc tế dựa trên quy định đáp ứng lợi ích chung của chúng ta, vì vậy cả Trung Quốc và EU phải bảo vệ trật tự đó vì lợi ích của người dân”. Trong khi đó, cũng tại Bắc Kinh, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cho biết EU kêu gọi tất cả các bên tôn trọng những quyết định về luật pháp và ủng hộ UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải. Tháng 7/2017, tại Cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và EU tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, dù đang phải đối mặt với thách thức cả trong lẫn ngoài châu Âu, EU khẳng định quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, trong đó có hợp tác sâu rộng với ASEAN. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN hôm 18/1, bên cạnh các nội dung như tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại…, duy trì an ninh trên Biển Đông cũng là một nội dung được bàn thảo, coi đây là trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm 2019 này. Thời gian qua, tình hình Biển Đông trên thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 ở Chieng Mai, Thái Lan vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực. Năm 2018 chứng kiến sự gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này kéo theo việc các nước phương Tây tăng cường hiện diện tại Biển Đông. Các hoạt động tập trận song phương của tàu chiến Anh, Pháp, Nhật Bản và Australia ở vùng biển này diễn ra với tần suất tăng lên. Trong bối cảnh đó, ASEAN nhất trí coi duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông là nội dung trọng tâm của các hoạt động hợp tác trong khu vực năm 2019. ASEAN tái khẳng định lập trường nguyên tắc, duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt COC, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong 2019. Tất cả những điều này được ghi nhận vào Tuyên bố chung của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Chieng Mai, Thái Lan. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết: “Các Bộ trưởng mong rằng sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức để đạt được lần rà soát đầu tiên của dự thảo văn bản đàm phán COC. Sau khi có lần rà soát này thì hy vọng sẽ đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan và rốt cuộc dẫn đến việc hoàn tất đàm phán COC”.

Trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN. Vì vậy, ASEAN hiện được coi là một tổ chức trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất DOC. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đang tiến tới đàm phán để đạt được COC ràng buộc về pháp lý.

Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động của ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận và thương lượng không đối đầu đang là một điểm yếu chết người. Nguyên tắc này khiến ASEAN thời gian qua bị chia thành ba nhóm chính liên quan tới vấn đề Biển Đông, gồm: Nhóm 1 – các nước tích cực phản đối Trung Quốc: Philippines và Việt Nam. Nhóm 2 – các nước có thái độ trung lập hơn: Singapore, Malaysia và Indonesia. Nhóm 3 – các nước có thái độ đồng thuận với Trung Quốc: Campuchia và Thái Lan. Không những vậy, một vài nước ASEAN vì lợi ích cá nhân vẫn công khai khẳng định “Biển Đông không phải là vấn đề của ASEAN, chỉ là vấn đề song phương” và bảo lưu rằng tranh chấp Biển Đông “nên do các bên liên quan tự dàn xếp”. Để thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, ASEAN cần: (i) ASEAN phải tiếp tục tham vấn với Trung Quốc về COC. (ii) Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xây dựng công trình trên các đảo nhân tạo, ASEAN không nên chỉ giới hạn trong việc đàm phán COC mà cần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác chiến lược của khối. (iii) ASEAN đóng vai trò quan trọng to lớn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhưng vai trò này chỉ có được khi có sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN trong thống nhất hành động trước thách thức từ phía Trung Quốc. Bởi, khi ASEAN đoàn kết đưa ra lập trường chung, thì tiếng nói của tổ chức khu vực này sẽ có trọng lượng, được lắng nghe, được xem trọng; và ngược lại, nếu ASEAN bị li gián và bị phân hóa, thì tiếng nói của ASEAN sẽ bị suy yếu, bị nước lớn chi phối. (iv) ASEAN nhất thiết phải thống nhất hành động. Bởi với khả năng huy động, triệu tập lực lượng dưới lá cờ chung ASEAN, đồng thời dựa vào sự đồng bộ tương đối về lợi ích chính trị (cùng có chủ quyền trên Biển Đông), kinh tế (thế mạnh lúa gạo, nông sản…) và môi trường (sở hữu chung sông Mê Kông), ASEAN mới có thể xây dựng được sức mạnh tập thể nhằm giành lại “thế cân bằng” trước hành động ngang ngược cá lớn nuốt cá bé và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Là một thành viên của ASEAN và cũng là nước có ảnh hưởng trực tiếp, tử trước tới nay, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán của mình trong vấn đề Biển Đông. Đó là mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định để tất cả các quốc gia cùng phát triển. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thêm: “Quan điểm của Việt Nam là Biển Đông là mối quan tâm chung và không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố gây xung đột. Lập trường của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982…Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy hoan nghênh mọi sáng kiến đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Trên quan điểm đó, một COC cần có các nội dung phù hợp, đóng góp thực chất cho việc xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hoạt động dựa trên luật lệ là vô cùng cần thiết. 

RELATED ARTICLES

Tin mới