Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngAustralia tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động quân sự hoá...

Australia tiếp tục lên án mạnh mẽ hành động quân sự hoá của TQ ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực.

Australia và các nước lên án mạnh mẽ TQ ở Biển Đông. Nguồn: AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne hôm nay 28/1 sẽ tới Singapore để tham dự diễn đàn an ninh Fullerton và dự kiến có bài phát biểu quan trọng về Trung Quốc tại đây. Tuần trước, ông Pyne đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh và thăm các cơ sở quân sự của Trung Quốc. Tờ Guardian của Anh dẫn thông tin từ bản sao bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết ông Christopher Pyne sẽ kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông, cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại. “Việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác”, Bộ trưởng Pyne cho biết.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm. Ông kêu gọi Trung Quốc hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Bộ trưởng Pyne cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực”. Theo Bộ trưởng Pyne việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng. Ông chỉ ra rằng các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ trở thành mối đe dọa với quy tắc pháp luật, đồng thời cảnh báo Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Mặc dù các tàu chiến và máy bay Australia đã đi qua khu vực Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận chung, song Australia vẫn chưa điều bất kỳ tàu nào di chuyển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông. Chính phủ Australia tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trên Biển Đông. “Trong kỷ nguyên mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên, cách tiếp cận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” sẽ không phục vụ cho lợi ích dài hạn của bất kỳ nước nào. Chúng ta sẽ không thể khai phá hết tiềm năng kinh tế nếu các bên chọn cách ẩn nấp phía sau những bức tường và rút khỏi các cơ chế được thiết kế để giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Australia mong muốn một khu vực liên kết chặt chẽ hơn, nơi chúng ta cùng nhau chối bỏ chủ nghĩa biệt lập”, Bộ trưởng Pyne nói thêm. Bài phát biểu của Bộ trưởng Australia tại Singapore dự kiến sẽ chỉ trích các quan điểm đề cập tới “cuộc chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo ông Pyne, “bất kỳ sự chia rẽ nào khiến khu vực trở thành hai khối như thời chiến tranh lạnh đều thất bại” vì các nước sẽ đưa ra lựa chọn sai lầm giữa sự phát triển về kinh tế với sự đảm bảo về an ninh.

Australia đã nhiều lần lên án hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (6/2018) cho biết Chính phủ của ông đang đầu tư 7 tỉ USD để mua 6 chiếc MQ-4C Triton, loại máy bay điều khiển từ xa của nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Mỹ Northrop Grumman thông qua một chương trình hợp tác với Hải quân Mỹ. Những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Australia tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, khu vực được xác định là trọng tâm hoạt động của máy bay không người lái Triton. Các thông tin thu thập được chia sẻ cho các đồng minh của Australia như Mỹ, Anh, Canada, New Zealand. Bộ Quốc phòng nước này cho biết “Australia nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của mình trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, như Australia vẫn luôn tiến hành”. Tháng 11/2018, Australia đã đạt thỏa thuận với Papua New Guinea về việc tái lập căn cứ hải quân Lombrum ở đảo Manus ở phía Bắc Australia, cho phép hải quân hai nước tiếp cận một cảng ở phía Nam Thái Bình Dương và có hướng tiếp cận vùng Biển Đông tranh chấp ở phía Nam. Mặc dù không công khai chi tiết kế hoạch này, song Chính phủ Australia cho biết trước những bất ổn và cạnh tranh chiến lược, Australia cần củng cố sự cam kết bảo vệ Thái Bình Dương và sẽ hành động mạnh mẽ hơn. Australia cũng tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Trước đây, Australia đã đồng ý đầu tư vào hệ thống cáp Internet ngầm dưới nước và một trung tâm an ninh mạng cho quần đảo Solomon để loại bỏ gói thầu tương tự của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm thiết lập cáp cho đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể tiếp cận tới trung tâm băng thông rộng ở Sydney của Australia. Trong dự án này, phía Australia sẽ chi trả 2/3 chi phí của tổng kinh phí 100 triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (10/2018) cho biết Chính phủ Australia sẽ xem bất kỳ việc sử dụng chiến thuật hù dọa nào tại Biển Đông là “gây bất ổn và nguy hiểm tiềm tàng”.

Cùng với Australia, Mỹ và các nước cũng đang có nhiều tuyên bố và hành động để lên án hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngay đầu năm 2019, Mỹ đã triển khai tàu USS McCampbell được trang bị tên lửa dẫn đường tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, trong đó đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây (Tree), Linh Côn (Lincoln) và Phú Lâm (Woody), trong quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đây là chiến dịch tuần tra tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ sau khi ông Patrick Shanahan được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng thay cho Tướng Jim Mattis đã từ chức. Quân đội Mỹ cũng đã trao đổi với đối tác Nhật Bản về kế hoạch triển khai tên lửa đất đối hạm ở Okinawa, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong năm nay 2019. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tập trận tên lửa tại Nhật Bản, với sự hiện diện của các bệ phóng tên lửa di động, vốn được coi là biện pháp đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo đất đối biển của Trung Quốc.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver cho biết Mỹ hoan nghênh việc Australia gần đây đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông và cho rằng việc nhiều đồng minh và đối tác khác của Mỹ tham gia vào hoạt động này sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nếu không phải là chiến dịch tự do hàng hải thì các nước chỉ cần tuần tra và hiện diện, đồng thời cảnh báo rằng việc Trung Quốc ngày càng quan tâm tới khu vực Nam Thái Bình Dương là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể có tham vọng thiết lập một căn cứ quân sự tại đây trong tương lai. Các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Pháp và Canada đều có động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông bởi các nước này đều nhận thức rõ những hành vi vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế ở vùng biển này đều sẽ tác động tiêu cực đến tình hình toàn cầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới