Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc liền...

Mỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc liền công bố tập trận tên lửa đạn đạo liên lục địa đáp trả

Ngay từ đầu năm 2019, Trung Quốc và Mỹ liên tục có các hành động đáp trả lẫn nhau ở khu vực.

Mỹ tiếp tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan

Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng.

Cùng ngày, Lực lượng quân đội Đài Loan cho biết 2 tàu chiến của Mỹ đang di chuyển theo hướng Bắc trong vùng biển thuộc eo biển Đài Loan ngăn chia Trung Quốc và Đài Loan. Theo phía Đài Loan, hoạt động này của quân đội Mỹ phù hợp với công pháp quốc tế. Phía Đài Loan cho biết họ đã giám sát chặt hoạt động này để đảm bảo an ninh trên biển và ổn định khu vực.

Được biết, trong năm 2018, Mỹ đã 3 lần cho tàu chiến của mình đi qua eo biển Đài Loan. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.

Trung Quốc công bố tập trận tên lửa đạn đạo liên lục địa đáp trả Mỹ

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV, 25/1) cho biết lực lượng tên lửa nước này vừa tập luyện tấn công mô phỏng kẻ thù giả định bằng một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ cơ sở dưới lòng đất. CCTV không cho biết thời gian cùng địa điểm tập trận. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận định thông tin này cho thấy tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) nhiều khả năng đã có thể sử dụng. DF-41 là ICBM tân tiến nhất của Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của giới phân tích phương Tây trong 10 năm qua. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, triển khai trên bệ phóng di động, tầm bắn 12.000- 15.000 km. Theo ông Tống Trung Bình, cuộc tập trận này được cho nhằm mục đích nâng cấp năng lực đáp trả bằng hạt nhân sau khi kẻ địch tấn công hạt nhân trước (second- strike); cho rằng một quả DF-41 sẵn sàng hoạt động là bước tiến quan trọng đối với cường quốc châu Á trong nỗ lực tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Cũng theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển tên lửa, đặc biệt là tên lửa siêu thanh.

Nhà nghiên cứu Triệu Thông đến từ Trung tâm Chính sách toàn cầu Thanh Hoa – Carnegie cho biết Trung Quốc thường xuyên tiến hành những vụ phóng thử nghiệm để kiểm tra độ tin cậy của ICBM, dù nước này trước đó chưa từng công khai. Còn theo nhà nghiên cứu Adam Ni thuộc đại học Macquarie, Australia: “Trung Quốc muốn thể hiện với Mỹ và các quốc gia khác rằng họ sở hữu năng lực đáp trả bằng hạt nhân đáng tin cậy và quyết tâm sử dụng trong trường hợp bị tấn công”.

Được biết, kho ICBM Trung Quốc có khoảng 75 – 100 quả với các loại DF-5F phóng từ cơ sở cố định, DF-5B tấn công đa mục tiêu cùng lúc (do mang được 8 đầu đạn), DF-31 và DF-31A di động. Trong số này, DF-31A với tầm bắn hơn 11.200 km đủ sức vươn đến Mỹ.

Đáng chú ý, cũng trong đầu tháng 1/2019, ngay sau khi Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS McCampbell (7/1) tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, CCTV (8/1) đưa tin, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 tại vùng sa mạc và cao nguyên ở phía Tây Bắc có tầm bắn bao trùm toàn bộ Biển Đông và một số căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực. DF-26 từng được truyền thông TQ và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây.

Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m.

Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước.Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.

Việc Trung Quốc công khai hoạt động tên lửa như vậy được báo News của Australia đánh giá là động thái dằn mặt hải quân Mỹ sau vụ tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ tuần tra hàng hải ở gần Hoàng Sa. News đánh giá các động thái gần đây của Trung Quốc (bao gồm cả việc phát ngôn từ Bộ ngoại giao lẫn khoe khoang tên lửa) cho thấy Bắc Kinh đang đánh mất kiên nhẫn trước Mỹ.

Theo tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, việc Trung Quốc triển khai DF-26 ở khu vực Tây Bắc là một toan tính mang tính chiến lược. Vì DF-26 là một loại tên lửa đạn đạo, vận tốc của nó ở giai đoạn lấy độ cao ban đầu khá chậm, nên nếu triển khai ở gần bờ biển, nó có thể dễ dàng bị các hệ thống cảm biến hiện đại của Mỹ phát hiện và đánh chặn. Khi triển khai ở sâu trong nội địa Trung Quốc, tên lửa DF-26 có cơ hội ẩn mình và sống sót cao hơn trước khi bước vào giai đoạn hồi quyển và đạt tốc độ lớn tới mức gần như không thể đánh chặn. Với những tính năng đó, DF-26 được đánh giá là hệ thống tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới khai hỏa từ bệ phóng di động và có khả năng tấn công một nhóm tác chiến tàu sân bay đang di chuyển trên biển. Đây được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với tàu chiến Mỹ, nhất là các chiến hạm lớn có giá trị cao hoạt động trên Biển Đông, trong tầm bắn của DF-26.

Tuy nhiên, Erickson cho rằng Mỹ và các đồng minh đã nghiêm túc đánh giá mối đe dọa tiềm năng từ tên lửa ASBM của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua để tìm cách đối phó. Chuyên gia này cho rằng DF-26 dù rất lợi hại vẫn tồn tại những điểm yếu rất lớn, đặc biệt là ở khâu liên lạc vệ tinh để xác định mục tiêu và dẫn đường. Để có thể phát hiện nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Biển Đông rộng lớn, Trung Quốc sẽ phải dựa rất lớn vào hệ thống trinh sát, do thám tầm xa. Bắc Kinh hiện chưa sở hữu các loại máy bay tuần thám, trinh sát hiện đại, nên nhiều khả năng sẽ phải phụ thuộc vào các cảm biến trên vệ tinh để tìm ra nhóm tàu chiến Mỹ. Trung Quốc sẽ phải triển khai nhiều hệ thống cảm biến vệ tinh đắt đỏ để cung cấp dữ liệu mục tiêu cần thiết, giúp đầu dò tên lửa DF-26 thực hiện thành công đòn tấn công. Để tấn công được các mục tiêu di động trên biển, Trung Quốc cần làm chủ quá trình phức tạp gồm thu thập thông tin mục tiêu bằng vệ tinh theo thời gian thực, đánh giá tình huống rồi truyền dữ liệu này đến kíp phóng tên lửa. Vệ tinh cũng phải liên tục cung cấp tọa độ mục tiêu theo thời gian thực cho tên lửa trong giai đoạn phóng để đảm bảo nó thực hiện đòn đánh trúng đích.

Tóm lại, ngay từ những ngày đầu năm, Trung Quốc và Mỹ liên tục gia tăng các hoạt động quân sự trong khu vực. Hành động này có thể là dấu hiệu mở màn cho một năm căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng.

RELATED ARTICLES

Tin mới