Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBí mật thương mại khó giấu: Mỹ tiết lộ 4, người TQ...

Bí mật thương mại khó giấu: Mỹ tiết lộ 4, người TQ học được 8 rồi bán sản phẩm với giá rẻ bằng 1 nửa

“Người Mỹ thường chủ quan và cho rằng công nghệ của họ rất khó bị sao chép. Doanh nghiệp Mỹ cũng giữ quan điểm như vậy khi bán công nghệ cho Trung Quốc,” một luật sư Mỹ cho hay.

Mô hình trang trại nấm với sản lượng gần 91 triệu tấn/năm ở An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Chris Alonzo

Công nghệ trồng nấm

Lớn lên tại vùng ngoại ô của Philadelphia, ông Chris Alonzo không bao giờ tưởng tượng được có ngày ông sẽ đào tạo những nông dân Trung Quốc ở phía bên kia địa cầu cách trồng nấm. Nhưng 2 năm trước, khi gặp các đối tác Trung Quốc, ông đã thấy một cơ hội chưa từng có để phát triển sự nghiệp của mình.

Trung Quốc muốn phát triển quy trình sản xuất nấm an toàn. Ông Alonzo, người điều hành cơ sở trồng nấm trong nhà lớn nhất ở nước Mỹ, nắm vững cách thức sản xuất.

Với một khoản cổ phần nhỏ trong công ty, người đàn ông 48 tuổi đồng ý hướng dẫn các nông dân Trung Quốc cách vận dụng hệ thống cân bằng môi trường của Hà Lan để duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu phục vụ việc nuôi dưỡng nấm trong nhà quanh năm – điều mà người Trung Quốc chưa biết mãi tới khoảng thời gian gần đây.

Ông Alonzo, chủ nhân của Pietro Industries – một trong những trang trại nấm gia đình lớn nhất ở Hạt Chester, Pennsylvania – nhìn thấy một cơ hội giúp nông trại với 80 năm truyền thống gặt hái được thị trường và lợi nhuận chưa từng thấy.

Dự án này sẽ nhận được 250 triệu USD tiền vốn từ Trung Quốc trong vòng 5 năm tới, và dự định sẽ sản xuất được gần 91 triệu tấn nấm hàng năm tại các cơ sở trồng nấm trong nhà ở tỉnh An Huy ở phía Đông Trung Quốc – gấp hơn 10 lần so với sản lượng chỉ khoảng 8,6 triệu tấn ở trang trại của ông Alonzo ở Kennett Square.

Những năm gần đây, các cư dân tại thị trấn Pennsylvania đã nghe những câu chuyện về việc công ty Trung Quốc đánh cắp và sao chép công nghệ Mỹ, nhưng điều đó không làm ông Alonzo bận tâm.

“Tôi đã đọc tin tức nói về cái gọi là cưỡng chế chuyển giao công nghệ, nhưng nó sẽ không áp dụng được với chúng tôi. Người Trung Quốc sẽ không thể chiếm được kiến thức của tôi bởi học không hề dễ dàng chút nào. Tôi đã học trồng nấm 25 năm nay, và tôi vẫn phải liên tục bổ sung kiến thức.”

“Có thể dễ dàng áp dụng kỹ thuật đảo ngược với chip máy tính (tìm ra nguyên lý kỹ thuật của phần mềm, ứng dụng, thiết bị điện tử, cơ khí qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó – ND). Nhưng trong nông nghiệp, Mẹ Thiên Nhiên luôn đem tới thách thức mới, và chúng ta cần phải phản xạ nhanh với mọi hoàn cảnh khác nhau mỗi ngày.”

Terrence Farrell – người giới thiệu ông Alonzo với Thomas Yang, một nhà khởi nghiệp ở An Huy – cũng đồng tình.

“Đúng vậy, người Trung Quốc có thể học cách sử dụng hệ thống máy tính. Nhưng đây chỉ là nước sốt để làm nên món thịt nướng. Còn thứ quan trọng là kinh nghiệm của ông Alonzo. Cũng như việc phải có đủ khả năng để nếm món thịt và nói cần cho thêm bột ớt cayenne.”

Chiến tranh thương mại dai dẳng

Nhìn thoáng qua, cơ sở liên doanh của ông Alonzo dường như không mấy liên quan gì tới những chỉ trích của chính quyền ông Trump khi lên án Trung Quốc về việc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn tham gia thị trường hơn 1 tỉ dân.

Dan Harris, luật sư của hãng luật Harris Bricken – đại diện cho doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, nói: “Chuyển giao công nghệ là vấn đề thực sự đối với bất kì công ty nào của Mỹ với công nghệ hàng đầu. Người Mỹ thường chủ quan và cho rằng công nghệ của họ rất khó bị sao chép. Doanh nghiệp Mỹ cũng giữ quan điểm như vậy khi bán công nghệ cho Trung Quốc.”

Trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới để dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, vấn đề chuyển giao công nghệ và các tài sản sở hữu trí tuệ liên quan đã được đặt lên hàng đầu.

Trung Quốc đã phủ nhận hoạt động bắt công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và khẳng định Bắc Kinh vẫn luôn giữ vững cam kết khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

Nếu Trung Quốc – Mỹ không thể đạt được một thỏa thuận mới vào hạn 1/3, thuế quan của Mỹ có thể đe dọa sâu rộng hơn tới nền kinh tế thế giới.

“Các công ty Mỹ thường nghĩ rằng họ đang kiểm soát được công nghệ. Họ nói rằng họ sẵn sàng tiết lộ cho Trung Quốc đủ để người Trung Quốc đạt được điểm 4. Nhưng người Mỹ luôn luôn sai lầm. Người Trung Quốc đủ khả năng kiếm được điểm 8 và bắt đầu bán sản phẩm với giá rẻ bằng 1 nửa.”

Chính phủ Mỹ thừa nhận rằng các công ty Mỹ đang bị ép buộc quá nhiều để được tham gia vào thị trường Trung Quốc.

Mùa hè năm 2017, tổng thống Trump nói với đại diện thương mại rằng luật pháp Trung Quốc “khuyến khích hoặc yêu cầu chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ Mỹ cho các tập đoàn Trung Quốc” và những hành động như vậy “cản trở quá trình xuất khẩu của Mỹ, khiến công dân Mỹ tổn thất và không nhận được thù lao xứng đáng với sự đột phá của họ, biến nghề nghiệp của dân Mỹ thành cơ hội lao động cho dân Trung Quốc, làm tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và qua đó khiến hoạt động sản xuất, dịch vụ và cải tiến của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng.”

Khó giấu bí mật thương mại trước Trung Quốc

Tháng trước, sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina vào ngày 1/12, Trung Quốc đã soạn thảo một bản thảo nhằm củng cố các điều khoản pháp lí đối với đầu tư nước ngoài và chấm dứt tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, khi nào luật nói trên được thi hành vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Từ năm 2010, Trung Quốc đã từ chối áp dụng chính sách với hoạt động chuyển giao công nghệ ít nhất 8 lần.

Jacob Parker, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ-Trung, tổ chức đại diện cho quyền lợi của các công ty Mỹ (bao gồm cả Coca-Cola và Microsoft), cho biết: “Nhìn chung, các công ty đều có nguy cơ bị chiếm đoạt sở hữu trí tuệ, đặc biệt các bí mật thương mại, trong quy trình đăng kí cấp phép”.

Ông Parker lấy dẫn chứng rằng, một quan chức Trung Quốc đã yêu cầu công ty Mỹ cung cấp số liệu về nhiệt độ và độ ẩm cụ thể của sản phẩm – vượt quá tiêu chuẩn quốc tế thông thường.

“Những thông tin như vậy có thể giúp đối thủ biết rõ hơn về quy trình sản xuất. Đưa ra thông tin bên ngoài phạm vi cho phép khiến công ty dễ bị lộ bí mật thương mại”.

Chuyên gia trồng nấm Alonzo có thể sẽ nghĩ rằng công nghệ nông nghiệp khác với các loại công nghệ khác.

Tại quê hương ông ở Pennsylvania, nghề nông khá mong manh. Cứ bốn trang trại nấm thì có một cơ sở không tồn tại quá 10 năm. Đây là minh chứng cho thấy chỉ có công nghệ thì không đủ để thành công.

Ông Alonzo thừa nhận rằng đối tác người Trung Quốc – mà ông cho là đáng tin cậy – “nắm đằng chuôi” trong thỏa thuận. Nếu người Trung Quốc quyết định sa thải ông hoặc cắt giảm lương, thì ông cũng chẳng thể làm gì.

“Về lâu dài, tôi không biết chuyện sẽ đi về đâu. Nhưng nếu công nghệ được chuyển giao và họ không cần tôi nữa, tôi vẫn cho rằng đây là thành công lớn,” ông Alonzo chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới