Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ: Bí ẩn vụ 3.000 lính Tiểu đoàn Nam Kinh mất tích...

TQ: Bí ẩn vụ 3.000 lính Tiểu đoàn Nam Kinh mất tích không dấu vết

Tháng 12/1937, trong cuộc chiến với Nhật Bản, tiểu đoàn gồm 3.000 binh lính và sĩ quan Trung Quốc trên mặt trận Nam Kinh đã biến mất một cách đầy bí ẩn mà không để lại dấu vết nào.

3.000 lính Trung Quốc biến mất bí ẩn trong đêm tối

Cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai diễn ra rất tàn khốc. Nhật Bản đã tàn phá Trung Quốc. Nhiều binh lính ở cả hai phía đã ngã xuống nhưng sự mất mát kỳ lạ nhất có lẽ là những gì diễn ra với Tiểu đoàn Nam Kinh của Trung Quốc.

Tiểu đoàn này đã biến mất một cách đầy bí ẩn và cho tới nay vẫn chưa có sự đồng thuận về những gì chính xác đã xảy ra với họ.

Tháng 12/1937, Tiểu đoàn gồm 3.000 binh sĩ Trung Quốc được phái đến đến một vùng đất trải dài khoảng gần 5 km quanh Nam Kinh. Trước đó, người Nhật đã chiếm đóng thành phố này và lính Trung Quốc được giao nhiệm vụ ngăn chặn chiến binh đối phương thoát khỏi khu vực đó. Mục tiêu chính là một cây cầu trên sông Dương Tử mà họ cần bảo vệ.

Tối 9/12/1937, Li Fu Sien – chỉ huy Tiểu đoàn Nam Kinh đi ngủ như thường lệ, tất nhiên là sau khi đã đi một vòng kiểm tra binh lính của mình và chắc chắn rằng lính gác đã được bố trí canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, sáng 10/12, viên Tiểu đoàn trưởng bị một phụ tá đánh thức cùng một tin giật gân.

Tuyến phòng thủ đã không phản ứng trước bất kỳ tín hiệu hoặc cuộc gọi nào. Ngay lập tức, một đội điều tra được thành lập để tìm hiểu về sự im lặng bất thường này. Khi đến vị trí tuyến phòng thủ, họ nhận thấy thấy phòng tuyến đã bị bỏ trống hoàn toàn.

Những người lính còn lại được triệu tập để tra hỏi về tiểu đoàn mất tích. Những lính gác canh phòng cây cầu nói rằng họ không thấy bất kỳ hoạt động di chuyển nào trên đó. Các binh lính khác cũng cho biết họ không nghe thấy bất cứ âm thanh chiến đấu nào phát ra trong đêm. Điều gì đã xảy ra với tuyến phòng thủ?

Những giả thuyết chưa có lời giải

Giả thuyết đầu tiên được đưa ra là những binh lính mất tích đã đầu hàng người Nhật. Thoạt nghe, giả thuyết này có vẻ có cơ sở nhưng lại không có bằng chứng nào chứng tỏ điều đó. Nếu như vậy, họ sẽ cần phải băng qua cây cầu đến Nam Kinh nhưng những người lính canh phòng ở đó lại không nhìn thấy gì cả.

Đào tẩu cũng khó xảy ra vì người Trung Quốc vốn nhận thức rất rõ cách người Nhật đối xử tàn bạo như thế nào với các tù nhân chiến tranh. Nếu tiểu đoàn này đã rơi vào tay Nhật Bản, chắc chắn họ sẽ bị tra tấn hoặc bị giết chết ngay lập tức.

Những thông tin được người Nhật đưa ra sau đó cũng cho thấy giải thuyết này khó xảy ra, vì nó không hề đề cập đến việc đầu hàng của các binh lính Nam Kinh.

Một giả thuyết khác nữa được đưa ra là có thể những người lính đã rời bỏ vị trí của họ. Đây là giải thuyết có vẻ hợp lý nhất, vì binh lính Trung Quốc có thể đã quá chán chường chiến trận hoặc cảm thấy vô vọng trước tình hình. Và mặc dù cây cầu là cách duy nhất để đến Nam Kinh nhưng không phải là cách duy nhất để thoát ra khỏi khu vực.

Nông dân vùng Nam Kinh có thể đã giúp đỡ những người lính chạy trốn. Nếu những người lính đã đào ngũ, Quân đội Trung Quốc sẽ không được cung cấp thông tin này. Tin tức về việc đào ngũ hàng loạt sẽ làm giảm tinh thần chiến đấu và sẽ khiến người Nhật tận dụng cơ hội tuyên truyền để làm suy yếu chính phủ Trung Quốc.

Cho dù giả thuyết đào tẩu có vẻ khả dĩ nhất nhưng vẫn có những lý do giải thích tại sao nhận định này rất khó chứng minh. Thảm thực vật ở khu vực Nam Kinh thời điểm đó rất thưa thớt và như vậy không thể nào che giấu được cho 3.000 binh lính đào thoát.

Các báo cáo của Nhật cũng nói rằng họ không hề đụng độ một nhóm binh sĩ Trung Quốc nào. Số binh lính này cũng khó có thể lẩn trốn mãi , bởi nếu họ đào ngũ, chí ít một vài người trong số họ cũng sẽ bị phát hiện những năm sau đó.

Nhiều năm sau lại xuất hiện thêm các giả thuyết kỳ quặc khác lý giải cho sự biến mất bí ẩn này. Một giả thuyết cho rằng tiểu đoàn Nam Kinh đã biến mất trong một vũ trụ song song. Cứ giả dụ nếu vũ trụ của chúng ta được vây quanh bởi một số vũ trụ song song vô hình, thì về mặt lý thuyết, điều đó là có thể.

Tuy nhiên, khi cân nhắc tới tất cả các lý thuyết, một câu hỏi được đặt ra là liệu sự việc này có thực sự đã xảy ra hay không?

Có một số tranh luận liên quan đến việc tường thuật về vụ mất tích. Một số phiên bản về diễn biến câu chuyện cho rằng, vụ việc xảy ra vào tháng 12/1937, thời điểm ngay trước trận chiến Nam Kinh. Nhưng một số bản kể khác lại đặt sự việc vào năm 1939, tức thời điểm một năm rưỡi sau trận chiến.

Việc một tiểu đoàn đào thoát trước một trận chiến nghe có vẻ hợp lý hơn là một năm rưỡi sau đó. Nhưng có một thực tế là không có bằng chứng lịch sử nào về sự biến mất của gần 3.000 binh sĩ nên rất có thể vụ mất tích chưa từng xảy ra.

Chưa có nhà sử học hay ấn phẩm uy tín nào nghiên cứu kỹ lưỡng về vụ mất tích này cho thấy đó có thể chỉ là một huyền thoại. Vậy cho nên, rất có thể tiểu đoàn Nam Kinh chưa bao giờ tồn tại và chẳng qua chỉ là một sự thêu dệt.

RELATED ARTICLES

Tin mới