Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung nổ ra ngày 17-2-1979 thực chất là cuộc xâm lược trắng trợn Việt Nam của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thất bại thảm hại.
Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày phải trả giá nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (QGPNDTQ) đã rút ra 5 bài học lớn dẫn đến sự thất bại của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn. Những bài học đó cho đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Một là, QGPNDTQ đã không chú ý học thuyết chiến đấu và các chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do vậy, quân đội TQ đã đánh giá rất thấp năng lực giao chiến của đối phương.Với ưu thế áp đảo về quân số (8/1) và chỉ phải đối phó với lực lượng bộ đội biên phòng rất mỏng của Việt Nam, cùng với một số sư đoàn bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, vậy mà quân đội TQ đã chuốc lấy thất bại thảm hại. Đó là mới tác chiến với quân địa phương. Nếu phải đối đầu với quân chủ lực như sư đoàn B08 của QĐNDVN thì thiệt hại của Trung Quốc chắc sẽ không thể lường hết!
Theo các tài liệu của QGPNDTQ thì các chiến thuật loại du kích, các hoạt động của bộ đội đặc công và dân công Việt Nam đã giáng cho quân đội TQ những đòn bất ngờ. Các lực lượng quân TQ bị mất thăng bằng, trở tay không kịp. Bởi chúng chỉ nghĩ tới những trận đánh lớn với lực lượng chủ lực trong một cuộc chiến “tóe lửa”!
Theo đánh giá của một sĩ quan trong quân đội Mỹ, không thể nào có thể xâm nhập, thọc vào bên sườn và bao vây các vị trí công sự phòng thủ của Việt Nam mà không chịu các tổn thất nặng nề. Cho nên Trung Quốc thua đau là phải. Vì họđã xua lính bộ binh cận chiến rất đông đảo gấp nhiều lần lực lượng phòng vệ của phía Việt Nam. Tổn thất cho chiến dịch “biển người” là vô cùng lớn.
Hai là, Trung Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn đến không ngờ trong cuộc tấn công xâm lược, nhất là thiếu thông tin tình báo quân sự. Sự thiếu thốn từ lâu những thông tin về một đồng minh truyền thống “môi hở răng lạnh” đã đặt ra những thách thức rất lớn cho việc tấn công và các cuộc hành quân của đội quân xâm lược. Thay vào đó quân Trung Quốc chủ yếu dựa vào các tấm bản đồ và những thông tin về địa lý, địa hình đã lỗi thời. Trong khi đó năng lực trinh sát của họ bị giới hạn rất lớn bởi địa hình miền núi thiên la địa võng.
Trung Quốc cũng đã sai lầm khi đánh giá sai về lực lượng dân quân của đối phương. Dân quân Việt Nam đã kháng cự, đã chiến đấu rất ngoan cường khiến cho quân chủ lực Trung Quốc vô cùng kinh ngạc và hoảng sợ. Không chỉ tự vệ, dân quân Việt Nam còn chủ động mở nhiều cuộc đột kích sâu hơn về phía địch.
Tấn công bất ngờ vào một nước anh em, “núi liền núi, sông liền sông”, các vị tướng chỉ huy quân đội Trung quốc đã rất chủ quan cho rằng,với tỷ lệ áp đảo 8/1 họ sẽ “bóp chết” lực lượng kháng cự Việt Nam rất dễ dàng. Thế nhưng trong suốt chiến dịch quân Trung Quốc không hề có khả năng duy trì ưu thế về lực lượng. Và vì thế họ không thể đưa ra một cuộc tấn công dứt điểm để khuất phục đối phương.
Ba là, trong cuộc chiến 2-1979, lần đầu QGPNDTQ thực hiện các cuộc hành quân liên binh chủng.Thế nhưng họ đã thất bại thảm hại do hiệp đồng binh chủng không tốt. Xe tăng và pháo binh yểm trợ đắc lực cho các cuộc tấn công của bộ binh. Thế nhưng họ đã lầm vì rất lạc hậu về cả chiến lược và chiến thuật. Sự lạc hậu đó đã ngăn cản các lực lượng tấn công trong việc thực hiện một cuộc hành quân phối hợp cụ thể.Chẳng hạn như, lực lượng bộ binh đông đảo cứ dàn hàng ngang mà tiến, họ chưa khi nào được huấn luyện kỹ lưỡng về cách thức vận hành, phối hợp các đơn vị thiết giáp – điều mà bộ binh Việt Nam rất giỏi. Có câu chuyện nực cười rằng, lính bộ binh Trung Quốc đã tự buộc mình vào tháp của xe tăng bằng dây thừng để tránh bị rơi xuống khi di chuyển. Hậu quả là những tên lính này đã bị kẹt cứng và trở thành bia đỡ đạn.
Về phía các đơn vị thiết giáp, họ hoạt động đơn phương, không có sự phối hợp, trợ lực của bộ binh. Sự truyền tin giữa hai bên cũng không có, cho nên lính thiết giáp cũng phải gánh chịu những đòn bất ngờ và thiệt hại rất lớn.
Bốn là, lính Trung Quốc thất bại là do công tác chỉ huy và kiểm soát không tốt, không ăn ý. Các nhà lãnh đạo của quân khu Quảng Châu sau này thừa nhận một thực tế đau xót là, họ cảm thấy rất không vừa lòng, không thoải mái khi chỉ huy các binh sĩ được chuyển giao từ các quân khu Vũ Hán và Thành Đô. Ngay binh linh cũng than phiền rằng, cung cách lãnh đạo của họ Hứa là quan liêu, độc đoán vì trước đây ông này chưa từng chỉ huy họ. Quân Trung Quốc trở nên hỗn tạp bởi rất thiếu các sĩ quan có kinh nghiệm chiến đấu.
Đối với hệ thống vận chuyển, tiếp tế, QGPNDTQ rất khó khăn về vấn đề này.Theo các thống kê điều hành thì lượng tiêu dùng trung bình hàng ngày số đạn dược và nhiên liệu lên tới 700 tấn mỗi loại. Trong khi đó họ không có các cơ sở vận tải và nhà kho để đáp ứng yêu cầu vận chuyển. Do vậy cả hai quân khu Quảng Châu và Côn Minh đã phải gộp chung thành một hệ thống tiếp tế. Phần lớn đồ tiếp thế bị thất thoát do quản lý yếu kém và do phía đối phương chiếm dụng, phá hủy. Càng tiến sâu hơn vào nội địa Việt Nam công tác vận chuyển, tiếp tế càng khó khăn hơn.
Năm là, học thuyết chiến tranh nhân dân của Trung Quốc được vận dụng như thế nào trong cuộc xâm lược Việt Nam? Một nguyên tắc chủ đạo là động viên mọi người dân ủng hộ và tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, cuộc xâm lược phi nghĩa của nhà cầm quyền Bắc Kinh không được nhân dân Trung quốc ủng hộ, mặc cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước ra rả xuyên tạc sự thật, khêu gợi lòng “yêu nước” của người dân nước này. Chỉ có những người dân sinh sống tại hai tỉnh biên giới Trung Quốc không thể chống cự, đã được huy động tối đa vào cuộc chiến. Riêng tỉnh Quảng Tây đã có 215 nghìn cư dân địa phươngđược huy động phục vụ chiến đấu (khiêng cáng, làm phu khuân vác đồ tiếp liệu, canh gác). Có tới hơn 26 nghìn thành viên dân quân vùng biên giới Trung Quốc đã bị lôi vào các cuộc chiến đấu tàn bạo và điên rồ này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, nếu động viên tối đa chính quyền và thường dân tham gia cuộc chiến thì đó sẽ là chì khóa để chiến thắng. Nhưng, người dân Trung Quốc, nhất là người dân ở sâu trong nội địa đã tỉnh táo, không mắc mưu Trung Nam Hải, biến bạn thành thù.