Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa...

Việt Nam thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa qua các triều đại phong kiến

Các thư tịch cổ Việt Nam còn lại đến nay cho thấy các triều đại phong kiến Việt Nam đã đặc biệt chú trọng tới vùng biển. Các hoạt động của triều đình Việt Nam không chỉ đơn giản là nhằm khai thác hải sản, các nguồn lợi kinh tế khác từ biển mà còn từng bước xác lập chủ quyền quốc gia một cách hòa bình và liên tục trên các đảo và vùng biển liên quan.

Tượng đài hải đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Dưới triều đại Nhà Lý

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông có sai Lý Thường Kiệt vẽ hình thế núi sông của 3 châu Ma Linh, Địa Lý và Bố Chính. Những năm 1172-1173, nhân một cuộc đi tuần để quan sát núi sông và đời sống nhân dân, vua Lý Anh Tông có ra lệnh cho các quan soạn ra bản địa đồ nước ta. Đời Trần, ngoài cuốn An Nam Chí Lược của Lê Tắc trong đó có phần dành cho địa chí, theo các nhà nghiên cứu có khả năng còn có cuốn sử Việt ghi chép về địa lý nước ta như Việt sử Cương mục, Đại Việt Sử ký… Ngoài ra còn nhiều cuốn sử ký và địa lý nước ta cũng như nhiều cuốn sách quý khác từ đầu thế kỷ XV trở về trước bị quân Minh tiêu hủy hoặc mang về Kim Lăng.

Dưới triều đại Nhà Lê

Nhiều bộ sách lịch sử của nước ta còn lại đến nay đã ghi nhận việc phân định hải giới giữa nước ta với Trung Quốc một cách trực tiếp vào năm Canh Dần (990). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1675) chép, vào năm đó sứ Tống sang, vua Lê Đại Hành “sai nha nội cho Chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 thuyền dẫn 300 người đến Thái Bình Quân (nay là Quảng Đông, Trung Quốc) để đón”. Trong cuốn Hành Lục Tập, sứ giả Trung Quốc bấy giờ là Tống Cảo thừa nhận điều này: “Cuối thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi tới hải giới Giao Chỉ, Nha nội đô chỉ huy sứ của Hoàn là Đinh Thừa Chính đem 9 chiến thuyền và 300 quân đến Thái Bình Trường để đón”. Việc vua Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn quốc “Hồng Đức Bản Đồ” vào năm Canh Tuất (1490), trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo. Căn cứ vào Hồng Đức Bản Đồ, Đỗ Bá tự Công Đạo đã soạn ra bộ sách Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1630 – 1653), ở quyển 1 có thể hiện địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú thích trên bản đồ có nói tới Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư theo lệnh của Chúa Trịnh những năm Chính Hòa (1689-1705) là văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến bấy giờ. “Bãi Cát Vàng” được ghi chú trong bản đồ phản ánh việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa muộn nhất là vào thế kỷ thứ XV.

Dưới triều đại Nhà Nguyễn

Thời nhà Nguyễn có rất nhiều tài liệu chính sử, nhiều sách ghi chép của các học giả nổi tiếng đương thời minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã phát triển với một trình độ cao hơn so với các triều đại trước đó và mọi chi tiết đều được minh định, lưu trữ bằng những văn bản, mộc bản chính thức của Nhà nước trong văn khố quốc gia.

Các Chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong cũng rất quan tâm quản lý, khai thác, xác lập và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa. Theo sử sách, việc thành lập đội Hoàng Sa phải có trước hoặc muộn nhất kể từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định thì đội Hoàng Sa tiếp tục đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn. Ngay sau khi lên ngôi, chỉ một năm sau, vua Gia Long (1803) đã ra chỉ dụ củng cố đội Hoàng Sa. Năm 1815, vua Gia Long tiếp tục sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia Long cho cắm cờ quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và sai thủy quân ra đồn trú tại đây để thu thuế và bảo trợ ngư dân đánh cá trong vùng. Từ đó cho đến suốt thời kỳ nhà Nguyễn, thủy quân Việt Nam đều đặn đi vãng thám, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền và rất nhiều hoạt động khác để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

Trong suốt thời Chúa Nguyễn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn được đặt trong khu vực quản lý hành chính của Thừa Tuyên Quảng Nam dưới danh nghĩa nhà Lê, thuộc Quảng Ngãi lúc là phủ khi là trấn trong thực tế tự trị của xứ Đàng Trong. Bởi từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng (1600) cho tới khi chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng vương năm 1744, trên danh nghĩa chúa Nguyễn vẫn là quan trấn thủ Thừa Tuyên Quảng Nam của Đại Việt, do vua Lê trị vì. Do vậy, việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa của các Chúa Nguyễn vẫn dưới danh nghĩa triều đình Đại Việt. Phủ Quảng Ngãi có huyện Bình Sơn quản lý xã An Vĩnh. Sang đời Tây Sơn, phủ Quảng Ngãi được đổi tên thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1801, Hòa Nghĩa được đổi lại như cũ là Quảng Ngãi (hay Nghĩa do cách đọc), có bộ máy quan lại cai trị từ phủ đến xã. Đến đầu triều Nguyễn, khi dân hai phường Cù lao Ré phát triển, xin tách khỏi hai làng cũ ở đất liền trở thành nơi cung cấp dân binh chủ yếu cho đội Hoàng Sa. Đội trưởng Phạm Quang Ảnh năm 1815 là người xã An Vĩnh, đảo Cù lao Ré nay thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Mặc dù bị mất mát rất nhiều song các tài liệu cổ sử còn sót lại vẫn ghi nhận rõ ràng việc các vua chúa Việt Nam nhiều thời kỳ đã đặc biệt quan tâm xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu không có sự quan tâm và các chỉ dụ cụ thể như thế thì ngày nay sẽ không có những bản đồ như Hồng Đức Bản Đồ (1490), Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1630-1705), hoặc Thuận Hoá Quảng Nam Địa Đồ Nhật Trình có vẽ bãi Trường Sa ở phía ngoài xã Du Trường (tức Cù lao Ré) chú thích đi mất 2 ngày mới tới. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, quyển 8 có chép: “Năm Tân Mão, Hiến Minh Hoàng Đế năm thứ 20 (1711), mùa hạ, tháng 4 (âm lịch) sai đo bãi cát Trường Sa dài ngắn, rộng hẹp bao nhiêu”. Trước khi lên ngôi hoàng đế (1802), Nguyễn Ánh cũng từng nhờ người Pháp đo đạc giúp hải trình ở Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long tiếp tục chỉ dụ đo đạc, vẽ bản đồ ở Hoàng Sa và Trường Sa như đã trình bày ở trên. Sang đời vua Minh Mạng, việc đo đạc chủ yếu giao cho thủy quân và thuê dân địa phương hướng dẫn hải trình. Nhiệm vụ đo đạc ở Hoàng Sa và Trường Sa được quy định rất rõ. Đại Nam Thực Lục Chính Biên quyển 165 và Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ quyển 221 chép: “Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường, lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào và phương hướng nào. Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường. Ghi nói minh bạch trong họa đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng chiếu theo lệ ấy mà làm”. Việc đo vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa được nhà Nguyễn hết sức quan tâm, sử liệu cũng ghi nhận nhiều quan lại, quân lính bị phạt nặng do không hoàn tất công việc theo chỉ dụ của nhà vua, Bộ Công buộc họ phải làm lại. Nhờ các hoạt động đo đạc chi tiết, cẩn thận như vậy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước thời Minh Mạng vốn được xem là một “Bãi Cát Vàng”, có khi gọi là “Vạn Lý Trường Sa”, nay đã được vẽ lại (Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ) ghi rõ ràng hai tên khác nhau cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh việc đo vẽ bản đồ, nhà Nguyễn cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cho cắm cờ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo này. Năm 1816 vua Gia Long đã sai người ra cắm cờ trên đảo Hoàng Sa.

Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long như Đức Giám mục Taberd viết rất rõ về việc này: “Vào năm 1816 Ngài (Gia Long) đã long trọng treo tại đó (Hoàng Sa) lá cờ của xứ Đàng Trong”. Hành động này là dấu mốc quan trọng trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nên nhiều người phương Tây chứng kiến đều khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình trên quần đảo này trong sách của họ. Từ thời vua Minh Mạng, lực lượng thủy quân làm nhiện vụ thực thi chủ quyền được phiên chế như một “lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương mà chủ yếu là dân binh đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của “lực lượng đặc nhiệm” này luôn được đích thân hoàng đế chỉ dụ cụ thể. Cũng chính nhà vua theo dõi diễn tiến để thưởng phạt công minh. Đại Nam Thực Lục Chính Biên chép, mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm gỗ dài 4,5 thước rộng 5 tấc để làm cột mốc chủ quyền, trên cột mốc có khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy thủy quân, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và lưu dấu để ghi nhớ.

Các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử từ lâu đã chú ý đến cương vực lãnh thổ trên biển mà đặc biệt là khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng các hoạt động cụ thể, được sử liệu ghi chép đầy đủ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hoà bình và liên tục trong suốt nhiều thế kỷ.

Một số tư liệu sử sách xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa dưới triều đại Nhà Nguyễn.

Trước hết là cuốn Dư Địa Chí trong bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833). Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là một công trình biên khảo quy mô lớn gồm 49 quyển ghi chép hầu hết các tư liệu lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong đó Địa Dư Chí quyển 5, phần Quảng Nam có nói đến phủ Tư Nghĩa mà phần lớn nội dung nói về Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ Hoàng Sa là một bộ phận quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa bấy giờ. Hoàng Việt Dư Địa Chí, được Quốc Sử Quán khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nội dung có nhiều điểm giống Dư Địa Chí, có đoạn nói về hoạt động của đội Hoàng Sa.

Đại Nam Thực Lục Tiền Biên là loại tài liệu chính thức đầu tiên viết về Hoàng Sa trong thời kỳ Chúa Nguyễn mà triều đình nhà Nguyễn cho chép lại. Tài liệu này chép rằng, ngoài biển Quảng Ngãi có một loại hình quần đảo tục gọi là bãi Hoàng Sa có hơn 130 cồn cát không biết dài tới mấy ngàn dặm. Tài liệu xác định danh xưng “Vạn Lý Hoàng Sa Châu”, các sản vật, việc lập đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa để kiểm soát các đảo phía Nam, tức vùng Côn Đảo, Trường Sa ngày nay.

 Đại Nam Thực Lục Chính Biên (Quốc Sử Quán khắc in năm 1848) có 11 đoạn trong nhiều quyền chép về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Quyển 50 kể chuyện, tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình (Phạm Quang Ảnh là người xã An Vĩnh, Cù lao Ré, nay thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh, đảo Lý Sơn). Quyển 52 chép, năm Bính Tý (1816), vua Gia Long lại sai thủy quân và đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình. Như vậy, theo chính sử trong 2 năm liên tiếp vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn (Gia Long) đã ít nhất 2 lần sai người ra Hoàng Sa thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Quyển 104 cho thấy lần đầu tiên trong chính sử của triều đình Việt Nam ghi rõ lời của một hoàng đế Việt Nam (vua Minh Mạng) đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa nằm trong vùng biển Việt Nam và sai người dựng miếu, lập bia, trồng cây để ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, tàu thuyền dễ nhận ra tránh mắc cạn. Quyển 122 chép: “Năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15 (1834) sai giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”. Quyển 165 chép lại rất rõ quan điểm của Bộ Công và hoạt động của Bộ này tại Hoàng Sa: “Năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu: “Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ riêng về hình thể xa rộng, ta mới chỉ vẽ được một, rồi lại cũng chưa biết nên vẽ làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp một chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng và nước biển, bãi biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ…”. Quyển này còn chép: “Vua đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc, chủ quyền”, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, mặt khắc những chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, thủy quân chinh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa đường độ chí thủ lưu chí đẳng tự” (Năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17, cai đội thủy quân Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu). Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của 6 bộ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến 1851 cũng có chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực.

 Bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1910) chép, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục khẳng định hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, cho biết thêm chi tiết về hành động thực thi chủ quyền của Việt Nam thời vua Minh Mạng như sai binh lính xây chùa, dựng bia… Việt Sử Cương Giám Sử Lược của Nguyễn Thông có đoạn tả sơ lược về Hoàng Sa, có miếu cổ lợp ngói, bảng khắc mấy chữ “Vạn Lý Ba Bình”, binh lính thường đem những hạt quả phương Nam mà vãi để mọc cây làm dấu. Trong Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu của Quốc Sử Quán nhà Nguyễn đời vua Minh Mạng có chép về chuyện xây chùa, xây miếu, dựng bia, cắm mốc gỗ, vẽ bản đồ…ở Hoàng Sa như các sách nói trên. Ngoài ra, sách này còn ghi chép việc có 90 người trên tàu buôn của Anh qua bãi Hoàng Sa bị nạn đã ghé vào bãi biển Bình Định vào tháng 12 năm Bính Thân (1836) cầu cứu. Vua sai người tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục (thuyền buôn Anh) tỏ ra rất cảm kích. Vua sắc cho phái viên đi Tây, Nguyễn Tri Phương đem những người ấy xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước”.

 Một nguồn tài liệu khác có giá trị cao để khẳng định quá trình Nhà nước phong kiến Việt Nam thời Nguyễn có nhiều hành động thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa là các châu bản triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể, rõ ràng các chỉ dụ của nhà vua về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của quan lại địa phương về việc thuyền buôn nước ngoài mắc cạn ở Hoàng Sa; các bản tấu của Bộ Công về những công việc mà các đoàn công vụ ra Hoàng Sa đã làm, hoặc chưa làm xong… Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng Sa trở về báo cáo đã lên được 25 đảo, còn một số đảo hơi xa gặp gió bão lớn chưa lên được… Ngoài ra cũng còn rất nhiều tài liệu khác là các trước tác, ghi chép của các học giả, quan lại đương thời có liên quan tới việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như bài Vọng Kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức chẳng hạn. Theo tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông để khảo sát, đo đạc vẽ bản đồ. Điều này cũng góp phần lý giải bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam thời nhà Nguyễn tuy vẫn giữ cách vẽ truyền thống nhưng cũng đã bắt đầu cập nhật thông tin mới và độ chính xác cao như bản đồ hàng hải của các nước phương Tây bấy giờ.

Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền trên Biển Đông

Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau. Nhiệm vụ của Hải đội Hoàng Sa rất nặng nề, liên tục ra khơi xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Một năm sau khi lên ngôi hoàng đế, năm Gia Long thứ 2 (1803) vua Gia Long ra chỉ dụ cho đội Hoàng Sa tiếp tục công việc như cũ. Đại Nam Thực Lục Chính Biên có chép rõ: “Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân đi cùng với đội Hoàng Sa. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), những hoạt động của đội Hoàng Sa và thủy quân trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành lệ thường hàng năm theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi lại.

Theo chính sử triều Nguyễn ghi lại, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi biển từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Đây rõ ràng là thời gian rất thuận lợi cho việc đi biển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Hầu hết các tài liệu cũng cho biết đi từ Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa mất 3 ngày 3 đêm. Trong suốt 6 tháng đội Hoàng Sa tiếp tục đi khắp nơi trên biển để thực hiện nhiệm vụ được triều đình giao phó. Đó là các công việc thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, kiêm quản trông coi các đội khác cùng làm nhiệm vụ nhưng ở khu vực khác như đội Bắc Hải ở phía nam (tức quần đảo Trường Sa). Về sau, đội còn đảm trách thêm việc đi xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ này bắt đầu từ thời Gia Long mới được ghi trong chính sử. Riêng về nhiệm vụ do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển thì bắt đầu có ghi từ năm Gia Long thứ 3 (1804). Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không chỉ thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước. Như vậy, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa và các đội kiêm quản khác chính là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, kéo dài trong nhiều thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) và tuân theo luật lệ rõ ràng của Nhà nước phong kiến Việt Nam.

Đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, thời Chúa Nguyễn đã đặt lệ mỗi năm lấy 70 suất đinh để sung vào đội Hoàng Sa, chủ yếu lấy người của xã An Vĩnh, Cù lao Ré (Quảng Ngãi). Ngay từ khi trấn nhậm phương Nam, các chúa Nguyễn đã nhận thấy vùng Biển Đông không chỉ là nơi có nhiều báu vật mà còn là cửa ngõ có tính chiến lược để trấn giữ phần đất liền nên đã rất có ý thức xác lập và thực thi chủ quyền trên vùng biển này. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên mỗi năm chỉ có thể đưa người ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa một thời gian khoảng 6 tháng. Vì vậy, hàng năm lựa chọn các trai tráng khoẻ mạnh, thạo đi biển, thông hiểu luồng lạch của Cù lao Ré để sung vào đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của đội rất nặng nề và công việc nguy hiểm, nên các dân binh của đội Hoàng Sa đều biết rằng họ luôn đối diện với cái chết. Chính vì thế mà ngoài lương thực, nước uống các dân binh còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 cái đòn tre. Nếu chẳng may có mệnh hệ nào ở giữa biển khơi thì dùng chiếu ấy quấn xác, đòn tre để nẹp và lấy dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó chiếu để những ai vớt được còn nhận biết.

Theo sử sách ghi lại, địa bàn hoạt động của đội Hoàng Sa rất rộng. Khởi đầu là những đảo gần bờ nhất, song trong vòng 6 tháng hàng năm từ năm này qua năm khác đội Hoàng Sa đã mở rộng phạm vi hoạt động khắp các đảo san hô trên Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản đội Bắc Hải hoạt động trên địa bàn quần đảo Trường Sa. Hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía Nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên Biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía Tây Nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré.

Việc lập thêm nhiều hải đội có nhiệm vụ như đội Hoàng Sa hoạt động trên các địa bàn khác cho thấy triều đình nhà Nguyễn ngày càng phát hiện ra thêm nhiều đảo san hô trên một khu vực hết sức rộng lớn của Biển Đông. Nhu cầu tìm hiểu, khai thác, đo đạc và quản lý các vùng biển đảo này khiến cho công tác của đội Hoàng Sa và các đội khác thêm nặng nề. Nhà Nguyễn vẫn để cho đội Hoàng Sa kiêm quản là có ý tập trung vào một đầu mối hầu có thể nắm rõ và kiểm soát được tình hình trên Biển Đông. Trước yêu cầu đó, người chỉ huy đội Hoàng Sa phải là vị quan lớn hơn, được phong tước Hầu như cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu để đủ uy thế, quyền hành thực thi chức trách lớn hơn. Rõ ràng, quy mô kiểm soát và quản lý các vùng biển, đảo trên Biển Đông của nhà Nguyễn ngày càng mở rộng cùng với việc gia tăng ý thức xác lập và thực thi chủ quyền của triều đại phong kiến này trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XX tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kết luật:

Từ những dữ kiện lịch sử trên cho thấy, Việt Nam là nước đầu tiên phát hiện, quản lý một cách hòa bình, liên tục và lâu dài trên danh nghĩa Nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việc xác lập chủ quyền của Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến không chỉ là cơ sở lịch sử, pháp lý vững chắc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, mà còn thể hiện quyết tâm và ý chí của người Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới