Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngChiến lược “Made in China 2025”: Âm mưu thôn tính thị trường...

Chiến lược “Made in China 2025”: Âm mưu thôn tính thị trường toàn cầu của TQ và tác động đối với Việt Nam

“Made in China 2025” là kế hoạch phát triển công nghiệp 10 năm của Trung Quốc dựa trên nền tảng chiến lược Industrie 4.0 của Đức, đã và đang làm cho các doanh nghiệp và các chính phủ trên toàn thế giới phải lo ngại bởi những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra cho giao thương toàn cầu.

Kế hoạch “Made in China 2025” được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề ra năm 2015 cho chiến lược phát triển kinh tế 10 năm của Trung Quốc. Tức là dùng thời gian 10 năm để đưa Trung Quốc từ một “chế tạo đại quốc” lên thành “chế tạo cường quốc”, thoát khỏi tình trạng ỷ lại vào công nghệ cao của nước ngoài, vươn lên dẫn đầu thế giới về khoa học kỹ thuật. Tháng 10/2017, tại Đại hội Đảng lần thứ 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến thêm một bước, đề ra mục tiêu thực hiện hiện đại hóa vào năm 2025.

“Made in China 2025” là gì?

Năm 2015, Bắc Kinh thông qua một chính sách về công nghiệp, với kế hoạch nâng cấp cơ sở sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược, như robot, chất bán dẫn, hàng không và các loại xe năng lượng mới. Mục tiêu chính là tự cung tự cấp, bao gồm các mục tiêu như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông.

Kế hoạch này được Quốc Vụ viện công bố ngày 8/5/2015. Theo kế hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ từ “chế tạo đại quốc” trở thành “chế tạo cường quốc”; sau đó đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo Đức và Nhật Bản.

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên thế giới. Người Trung Quốc cho rằng, trong lịch sử họ từng là nước có ngành chế tạo đứng đầu thế giới; cho đến năm 1850, trình độ ngành này của Trung Quốc mới nhanh chóng sa sút. Vào năm 2010, Trung Quốc lại trở thành nước có ngành chế tạo lớn nhất. Hiện nay Trung Quốc có hơn 200 loại sản phẩm công nghiệp có sản lượng và lượng xuất khẩu đứng đầu thế giới, có khoảng 10 loại sản phẩm có lượng xuất khẩu chiếm trên 70% tổng sản lượng toàn thế giới. Ngành chế tạo là lĩnh vực mức độ thị trường hóa cao nhất, cũng là trụ cột và cơ sở quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Tuy các sản phẩm công nghiệp tiêu thụ trên thị trường thế giới hiện nay phần lớn đều sản xuất ở Trung Quốc, nhưng ngành chế tạo nước này phần lớn dựa vào thiết bị và nhân viên của nước ngoài; việc gia công và phỏng chế là chủ yếu đã khiến khả năng sáng tạo và chất lượng sản phẩm Trung Quốc vẫn thuộc hàng trình độ thấp của thế giới, kết cấu ngành nghề bất hợp lý…

Bộ Công nghiệp & Tin học Trung Quốc trên cơ sở tổng kết những nhược điểm, thế mạnh của công nghiệp chế tạo Trung Quốc để đề ra kế hoạch “Made in China 2025” chủ yếu xuất phát từ 3 điểm: Thứ nhất, ứng phó với nhu cầu của cuộc cách mạng kỹ thuật và sự biến đổi về sản nghiệp mới trên toàn cầu; thứ hai, sau khủng hoảng tiền tệ, các nước đều xuất hiện động hướng mới trong việc phát triển ngành chế tạo; thứ ba, ngành chế tạo Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực quan trọng đã có đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Năm 2014, hơn 20 bộ, ngành, ủy ban thuộc Quốc Vụ viện do Bộ Công nghiệp & Tin học đứng đầu đã tổ chức hơn 50 viện sỹ cùng hơn 100 chuyên gia các ngành soạn thảo ra kế hoạch “Made in China 2025” báo cáo Quốc Vụ viện thẩm định, phê duyệt. Ngày 8/5/2015, kế hoạch này được Quốc Vụ viện thông qua và công bố, đến ngày 19/5 thì được phát hành. Ngày 24/6/2015, Quốc Vụ viện Trung Quốc quyết định thành lập Tổ lãnh đạo xây dựng cường quốc chế tạo quốc gia do Phó Thủ tướng Mã Khải đứng đầu với 20 thành viên là lãnh đạo các bộ, ủy ban, ngành. Ngày 18/8/2016, Bộ Công nghiệp & Tin học quyết định chọn Ninh Ba làm thành phố thí điểm, đánh dấu việc kế hoạch “Made in China 2025” chuyển từ văn bản chỉ đạo sang thực thi cụ thể.

Nội dung của kế hoạch “Made in China 2025” lấy phương châm cơ bản là: thúc đẩy sáng tạo, chất lượng hàng đầu, ưu hóa kết cấu, nhân tài làm gốc; trọng điểm là nâng cao khả năng sáng tạo của ngành chế tạo, thúc đẩy kết hợp công nghiệp hóa và tin học hóa đi vào chiều sâu, nhấn mạnh năng lực cơ sở công nghiệp, tăng cường xây dựng chất lượng thương hiệu, thúc đẩy toàn diện ngành chế tạo thân thiện môi trường, thúc đẩy phát triển đột phá lĩnh vực trọng điểm, đi sâu điều chỉnh kết cấu ngành chế tạo tiên tiến, tích cực phát triển ngành dịch vụ, nâng cao trình độ quốc tế hóa ngành chế tạo….

Trọng điểm phát triển bao gồm 10 lĩnh vực như Robot, tự động hóa, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phương tiện sử dụng năng lượng thay thế (xe điện), vận chuyển cao cấp, thiết bị đường sắt tiên tiến, thiết bị điện và vật liệu mới (năng lượng mặt trời), phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, thiết bị viễn thông cũng như các máy móc nông nghiệp.

“Made in China 2025” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, như 70% tự cung tự cấp cho các thành phần cốt lõi và nguyên liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không và sản xuất thiết bị viễn thông. Tất cả những ngành công nghiệp kể trên đều sẽ nhận được hỗ trợ từ chính phủ bằng những khoản vay lãi xuất thấp, miễn phí thuê đất đai và thậm chí là miễn thuế nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này.

Những kế hoạch này rất táo bạo vì chúng không nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước, mà chúng nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới. Có nguồn tin nói, để biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại đổ vào dự án này khoảng 300 tỷ USD.

Trung Quốc được coi là “công xưởng của thế giới” trong nhiều năm qua, nhưng họ vẫn chủ yếu sản xuất các mặt hàng công nghệ thấp. Trước đây khi nói đến “Made in China”, người ta thường liên tưởng đến những sản phẩm rẻ tiền và chất lượng thấp. Kế hoạch “Made in China 2025” này chính là nhắm đến việc loại bỏ những quan niệm tiêu cực đó về sản phẩm Trung Quốc.

Nội dung chính của “Made in China 2025

Theo tài liệu tóm tắt kế hoạch được Quốc Vụ Viện công bố, “Made in China 2025” có các tôn chỉ, mục tiêu, công cụ và trọng tâm từng phần rõ ràng. Tôn chỉ bao gồm xây dựng nền sản xuất với động lực là đổi mới, chú trọng chất lượng hơn số lượng, đạt được phát triển xanh, tối ưu hóa cấu trúc của nền công nghiệp Trung Quốc, phát triển nhân tài.

Mục tiêu là nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc, tăng cường hiệu quả và tích hợp để chiếm lĩnh những bộ phận giá trị nhất trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Kế hoạch đưa ra mục tiêu tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.

Để giảm bớt sự phụ thuộc này, Bắc Kinh tập trung vào xây dựng các trung tâm đổi mới, đề xuất tới năm 2020 sẽ thành lập được 15 trung tâm đổi mới sản xuất và sẽ mở rộng lên 40 vào năm 2025. Các trung tâm này sẽ xây dựng nền tảng cho phát triển công nghiệp, giúp phát triển công nghệ, hỗ trợ sản xuất thông minh và tạo ra các vật liệu mới. Chúng sẽ sử dụng nguồn vốn từ cả nhà nước và tư nhân. Các trung tâm đổi mới sẽ tập trung vào các công nghệ trong nước, thay vì nước ngoài, vì những lý do an ninh, mặc dù đã được lưu ý rằng điều này có thể hạn chế những công nghệ có thể đem ra áp dụng. Các công ty cũng được khuyến khích để sáng tạo nhiều hơn, vì số lượng các công ty sáng tạo cạnh tranh toàn cầu như Alibaba và Xiaomi, đang bị hạn chế về số lượng. Những sản phẩm sáng tạo dựa trên khoa học và kỹ thuật trước đây vẫn ở mức thấp ở Trung Quốc do thiếu nguồn vốn cho những nghiên cứu dài hơi. Trong khi các trung tâm đổi mới có thể giải quyết được vấn đề này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì cũng cần khuyến khích các nguồn vốn mạo hiểm cho các doanh nghiệp tư nhân để phát triển sản phẩm nếu cần thiết. Đầu tư cho cả doanh nghiệp công và tư có thể giúp Trung Quốc hoàn thành một trong những mục tiêu của “Made in China 2025”: tăng chi tiêu nghiên cứu và phát triển lên 1,68% doanh thu hoạt động vào năm 2025, từ dưới 1% năm 2015 và 1,26% vào năm 2020.

“Made in China 2025” khác biệt trong nhiều khía cạnh: Nó tập trung vào toàn thể quá trình sản xuất thay vì riêng khâu đổi mới sáng tạo; Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến mà còn cả các ngành công nghiệp truyền thống và các dịch vụ hiện đại; Sự tham gia của nhà nước vẫn là trọng điểm nhưng cơ chế thị trường có vai trò lớn hơn so với kế hoạch SEI. Ví dụ, thay vì tập trung vào các tiêu chuẩn công nghệ nội địa riêng từ trên xuống, sự chú ý dồn vào các tiêu chuẩn tự công bố cũng như hệ thống tiêu chuẩn quốc tế; Có các biện pháp cụ thể và rõ ràng cho đổi mới, chất lượng, sản xuất thông minh và sản xuất xanh với các quy chuẩn áp dụng cho năm 2013 và 2015 cùng các mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và 2025. Về mặt này, đề án giống như một kế hoạch 5 năm hơn (tôi tin điều này là có chủ đích) mặc dù trải dài trong 10 năm.

Mối lo ngại của các doanh nghiệp nước ngoài

Mặc dù “Made in China 2025” có vẻ tuyệt vời đối với những doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty nước ngoài lại tỏ ra lo ngại. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc gần đây đã công bố báo cáo “China Manufacturing 2025: Putting Industrial Policy Ahead of Market Forces” (tạm dịch: Ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc 2025: Đặt chính sách công nghiệp lên trước những động lực của thị trường). Báo cáo này đã chỉ trích các khoản trợ cấp của chính phủ cho các ngành công nghệ cao ở Trung Quốc, nhấn mạnh rằng những công này sẽ có thể cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài không được chống lưng bởi ngân sách của chính phủ.

Một nghiên cứu của Mercator Institute for China Studies (MERICS) được công bố vào tháng 12 năm 2016 ủng hộ ý kiến này. Trong nghiên cứu này có nói “trong khi các công ty công nghệ cao của Trung Quốc được hưởng sự ủng hộ rất lớn từ chính phủ, thì các đối thủ nước ngoài tại Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt các rào cản liên quan đến tiếp cận thị trường và những trở ngại trong hoạt động kinh doanh của họ: việc đóng của thị trường công nghệ thông tin, không nằm trong kế hoạch trợ cấp của chính phủ, an ninh dữ liệu thấp và việc thu thập dữ liệu mạnh mẽ của nhà nước Trung Quốc.”

Thực chất, các công ty nước ngoài đã phải đối mặt với những vấn đề này, và những ưu tiên với các công ty nội địa thông qua “Made in China 2025” chỉ làm cho chúng trở nên trầm trọng hơn. Dù thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố trong bản báo cáo của ông cho quốc hội rằng các công ty nước ngoài cũng sẽ được tiếp cận với cấp phép, tiêu chuẩn và việc thu mua của nhà nước, chính phủ Trung Quốc còn cần phải làm nhiều hơn nữa để trấn an các công ty nước ngoài rằng quốc gia này sẽ “chơi” theo quy tắc chung của toàn cầu.

Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc thôn tính thị trường

Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch “Made in China 2025”, Mỹ đã lập tức cảnh giác. Một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, kế hoạch “Made in China 2025” phải dựa vào “mua” và “ăn cắp” để đạt được.

Đây chính là nguyên nhân chính khiến Mỹ kích hoạt Điều tra 301 và đánh thuế các sản phẩm kỹ thuật Trung Quốc. Họ kết luận: ngoài trợ cấp nhà nước, chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng nguồn lực nhà nước giúp các công ty Trung Quốc thu mua công nghệ và các ngành công nghiệp sản xuất chiến lược của nước ngoài, dùng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại.

Hồi tháng 5/2018, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khi tham dự buổi điều trần của Quốc hội Mỹ, khi đề cập đến “Made in China 2025” đã nói, nếu trong lĩnh vực phát triển trong tương lai, Bắc Kinh cạnh tranh lành mạnh như những nước khác thì không có vấn đề; nhưng bằng cách trợ cấp đầu tư 300 tỷ USD, hạn chế tiếp cận thị trường và dùng những thủ đoạn để buộc người ta phải chuyển giao công nghệ, lấy việc hy sinh lợi ích của các quốc gia khác làm cái giá phải trả thì đây dĩ nhiên là một vấn đề khác.

“Made in China 2025” khiến Trung Quốc trở nên đáng lo ngại và trở thành đối tượng để chính phủ của ông Donald Trump nhằm vào trong cuộc chiến mậu dịch. Các học giả Mỹ giải thích, nguyên nhân là do Trung Quốc lợi dụng sức mạnh hành chính để thúc đẩy khoa học kỹ thuật và sản nghiệp phát triển; bị coi là cách làm của chủ nghĩa tư bản nhà nước, gây nên sự cạnh tranh không công bằng khiến thế giới phương Tây bất bình.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington (Center for Strategic and International Studies – CSIS) cho rằng, điểm tranh cãi thực sự của “Made in China 2025” không phải ở chỗ Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về khoa học kỹ thuật cao, mà ở thủ đoạn để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó. Ông cho rằng: “Nhà nước (Trung Quốc) can thiệp quy mô lớn bằng nhiều công cụ, gây nên sự biến dạng thị trường, tác động xấu đến các công ty, quốc gia khác và chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu Trung Quốc áp dụng phương thức thân thị trường hơn thì sẽ không có tính phá hoại, sẽ không bị phản đối mạnh đến thế”. Theo ông Scott Kennedy, tuy Trung Quốc luôn phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao kỹ thuật, nhưng việc họ thông qua thu mua ở nước ngoài, dùng thị trường đổi kỹ thuật và các biện pháp cưỡng bức chuyển nhượng kỹ thuật trá hình để có được kỹ thuật nước ngoài, cộng thêm việc họ hạn chế nhận đầu tư của nước ngoài đã tạo thành hành vi mậu dịch không công bằng, nhiều năm qua luôn bị chỉ trích.

Mặt khác, sau khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã được lên cỗ xe tự do mậu dịch toàn cầu, sau khi họ giành được tiến bộ rất lớn về kinh tế, người Mỹ cho rằng không thể tiếp tục chịu đựng những hành vi mậu dịch không công bằng của Trung Quốc được nữa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phân tích cho rằng, nguyên nhân Mỹ nhằm vào “Made in China 2025” không chỉ là vấn đề mậu dịch không công bằng; nguyên nhân căn bản hơn là do xem xét an ninh và chiến lược của Mỹ. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ “Made in China 2025” thực chất là chiến lược quốc gia của Trung Quốc nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược như mạng 5G, an ninh mạng, công cụ chính xác, robot học, không gian vũ trụ… Phần lớn những lĩnh vực này đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ. Do đó, kế hoạch này đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong những ngành trên.

Việc Trung Quốc thông qua thủ đoạn phi thị trường hóa và biện pháp hành chính thúc đẩy kế hoạch “Made in China 2025” đã tạo cớ tốt cho Mỹ để họ kiềm chế sức cạnh tranh quốc gia, sự phát triển khoa học kỹ thuật và sự sáng tạo nghề nghiệp của Trung Quốc có thể tiếp cận với Mỹ.

Trung Quốc “vỡ mộng” Made in China 2025?

Trung Quốc được cho là đang cân nhắc đình hoãn chiến lược “Made in China 2025” để nhượng bộ Mỹ nhằm sớm chấm dứt chiến tranh thương mại. Chính phủ Trung Quốc (12/2018) vừa có động thái bất ngờ khi chỉ đạo các chính quyền địa phương ngừng nỗ lực theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025”. Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” chính là một trong những tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tỏ rõ quyết tâm, bằng hàng loạt biện pháp, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc mà có thể thách thức vị thế của Mỹ hiện nay, trong đó “Made in China 2025” chính là mục tiêu trực diện nhất.

Tuy nhiên, dư luận thế giới vẫn hoài nghi đây chỉ là một kế “lui binh”, chứ không phải là động thái “giã từ vũ khí”. Sở dĩ Mỹ phản đối chiến lược “Made in China 2025” là do chính phủ Trung Quốc dùng trợ cấp và các biện pháp khác như cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ… để giúp các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm được ưu thế cạnh tranh trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, bán dẫn…

Theo giới phân tích quốc tế, động thái nói trên của Trung Quốc là khá bất ngờ, nhưng chưa rõ đây là cách Trung Quốc muốn làm dịu căng thẳng thương mại với Mỹ, hay tiến tới chấm dứt chiến lược này. Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng cho rằng, động thái nói trên của Trung Quốc cho thấy quốc gia này có ý giảm nhẹ tầm quan trọng của chiến lược “Made in China 2025”, song còn quá sớm để khẳng định chiến lược đó đã bị khai tử.

Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể sẽ lùi mục tiêu của một số lĩnh vực trong chiến lược “Made in China 2025 lại 10 năm, tức là lùi giới hạn tới năm 2035, để nhượng bộ Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng hiện nay. Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nhiều nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của Bắc Kinh đang soạn thảo một chính sách công nghệ mới để thay thế “Made in China 2025”. Nội dung trọng điểm của chính sách mới là giảm thiểu vai trò chủ đạo của Nhà nước, chính phủ sẽ có thái độ cởi mở và tạo nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.

Ông William Reinsch, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CSIS ở Washington nói: “Hiện chưa có bất cứ chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch ‘Made in China 2025’. Trong tương lai họ cũng sẽ không từ bỏ nó”. Ông nói, ông Tập Cận Bình luôn khẳng định chính sách này trong nhiều lần phát biểu, ví dụ khi nói về “tự lực cánh sinh, tự chủ sáng tạo”. “Made in China 2025” là chính sách quan trọng của ông ấy.

Rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam?

Khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm, các thiết bị thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng. Theo Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế – xã hội quốc gia, năm 2000, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ là 2,9 tỉ USD. Đến năm 2015, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 22,5 lần, đạt trên 66 tỉ USD. Trung Quốc đã vươn lên và liên tục giữ vị trí đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, mối quan hệ về thương mại đang phát triển theo xu hướng có lợi đối với Trung Quốc. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (chỉ sau Mỹ), nhưng kim ngạch nhập khẩu lại rất lớn, khiến thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng mở rộng. Theo đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu vẫn là nhóm hàng máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng (khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu). Với lợi thế là giá rẻ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhập máy móc thiết bị từ Trung Quốc, lấn át các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và từ các thị trường nhập khẩu công nghệ cao khác. Trong khi đó, xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đón đầu hiệp định TPP khiến cho việc mua sắm máy móc thiết bị từ Trung Quốc tăng nhanh.

Bên cạnh yếu tố giá, vấn đề về thiếu các quy tắc tiếp nhận công nghệ nhập khẩu cũng khiến cho việc nhập khẩu máy móc thiết bị về việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Theo đó Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn các trang thiết bị, máy móc với công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục bành trướng kế hoạch “Made in China 2025” với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại với Việt Nam. Điểm đáng chú ý ở đây là Trung Quốc muốn hướng đến quốc tế hóa sản xuất nhưng tập trung đến các ngành có chất lượng công nghệ cao.

Thực tế, dù được mệnh danh là công xưởng thế giới, nhưng ngành chế tạo của nước này chỉ dừng lại ở mức trung bình và thấp trong chuỗi giá trị, hàm lượng công nghệ của lĩnh vực chế tạo toàn cầu. Như vậy, lợi nhuận ngành chế tạo phần lớn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài và kế hoạch “Made in China 2025” chính là công cụ để Trung Quốc cải thiện tình trạng này.

Kế hoạch này đang tác động trực tiếp tới các nước, nhất là các nước đang phát triển xung quanh Trung Quốc. Một số ngành sản xuất hàm lượng công nghệ thấp, tập trung nhiều lao động từng một thời đóng vai trò quan trọng trong ngành chế tạo của Trung Quốc như dệt may, sản xuất thiết bị điện giá rẻ đã bắt đầu chuyển dời sang các nước khác ở châu Á, như: Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Việt Nam.

Hơn nữa, khi Trung Quốc thay thế công nghiệp lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, các thiết bị công nghiệp lạc hậu, thải loại sẽ được đẩy sang các nước khác. Các nước gần gũi về địa lý như Campuchia và Việt Nam sẽ là những điểm đến lý tưởng. Việc Việt Nam thiếu các tiêu chí phân loại công nghệ nhập khẩu dễ dẫn đến nguy cơ tăng nhập khẩu những mặt hàng này.

Hiện nay, Trung Quốc đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong khi đó, thời gian qua ở Việt Nam, nhiều nhà máy nhiệt điện cỡ nhỏ, trung bình được đầu tư mở rộng khắp cả nước, riêng Đồng bằng Sông Cửu Long có 14 nhà máy nhiệt điện, đa phần đều do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Các 2 nhà máy phân đạm có yếu tố Trung Quốc là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc giai đoạn 2, đã và đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong mấy năm gần đây; các dự án xăng sinh học E5, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đắp chiếu, dừng hoạt động thua lỗ, nặng nợ hàng nghìn tỷ đồng…

RELATED ARTICLES

Tin mới