Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến tranh biên giới 1979: Tên lửa hiện đại nhất Việt Nam...

Chiến tranh biên giới 1979: Tên lửa hiện đại nhất Việt Nam lên biên giới, sẵn sàng bắn rơi máy bay TQ

Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn tên lửa 276 đưa toàn bộ lực lượng lên chiến đấu tại biên giới QK 1 đánh KQ Trung Quốc, bắn rơi máy bay và bắt sống phi công trên đất VN.

Bộ đội tên lửa huấn luyện bắn đạn thật. Ảnh minh họa: VOV.

Ngày 21/02/1981, Tư lệnh Quân chủng Phòng không ra quyết định điều toàn bộ Trung đoàn 276 gồm quân số, trang bị và cơ sở vật chất hiện có thuộc Sư đoàn phòng không 361 về trực thuộc Sư đoàn phòng không 365.

Đây là dịp trung đoàn có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ huy, thuận lợi cho việc quản lý điều hành mọi công việc, tạo thành một thế trận hoàn chỉnh của toàn đơn vị trên biên giới, thực hiện có hiệu quả chủ trương “lên cao, vươn xa, đánh sớm, đánh thắng” của Quân chủng.

Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 276 là: Đưa toàn bộ lực lượng triển khai chiến đấu tại biên giới thuộc Quân khu 1 đánh không quân đối phương từ khi chúng mới tiến vào nước ta, bắn rơi và bắt sống phi công trên đất Việt Nam; bảo vệ các mục tiêu quân sự (chủ yếu là Sở chỉ huy tiền phương quân khu, các quân đoàn, các binh đoàn chủ lực, đội hình binh chủng hợp thành) đồng thời bảo vệ các mục tiêu kinh tế.

Ngoài ra còn hiệp đồng với không quân đánh theo khu vực được phân công, đánh chặn khi máy bay đối phương đuổi theo máy bay ta, đánh bảo vệ khi máy bay ta hoạt động trên khu vực hỏa lực của trung đoàn bảo vệ,… Như vậy nhiệm vụ của trung đoàn được giao lần này nặng nề hơn lần trước rất nhiều.

Sau khi nhận được lệnh của trên, ngày 28 tháng 2, Đảng ủy trung đoàn họp đề ra quyết tâm và biện pháp thực hiện nghiêm mệnh lệnh của Quân chủng. Đảng ủy nhất trí nhận định: Thuận lợi là cơ bản, cán bộ chiến sĩ trung đoàn có quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và phức tạp trên biên giới.

Đơn vị về một nơi, tập trung lãnh đạo chỉ huy và quản lý điều hành sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn trung đoàn để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, trung đoàn đã có một nửa hoạt động trên biên giới từ đầu năm 1979 đến nay; hiểu biết tương đối chắc về đối phương, có các mối quan hệ rộng rãi với nhân dân và các đơn vị bạn để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.

Nhưng Trung đoàn cũng gặp những khó khăn mới là: địa bàn hoạt động trên biên giới rộng, hiểm trở, bộ đội tập trung lên đông thì việc đảm bảo hậy cần, kỹ thuật càng nặng nề, phức tạp.

Sau khi phân tích thuật lợi và khó khăn, Đảng ủy đề ra những biện pháp cụ thể, chỉ tiêu cụ thể, để giải quyết toàn diện các mặt công tác, chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ, đánh thắng ngay từ trận đầu, từ quả đạn đầu, bắn rơi tạo chỗ máy bay địch, bắt sống phi công…

Nếu đối phương liều lĩnh gây cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai, Trung đoàn 276 cùng với các đơn vị bạn kiên quyết chiến đấu tiêu diệt không quân đối phương để bảo vệ vững chắc các mục tiêu được phần công, nhằm phòng ngực vững chắc, tấn công quyết liệt, đẩy lùi mọi cuộc tấn công của đối phương.

Đảng ủy đề ra quyết tâm gồm 16 chữ: “Trụ vững chắc, chốt kiên cường, ý chí mạnh, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược”.

Tháng 3 năm 1981, toàn trung đoàn tiến hành chuẩn bị về mọi mặt, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ban chỉ huy trung đoàn sau khi bàn bạc, nhất trí báo cáo với Quân chủng đội hình của Trung đoàn khi lên biên giới. Đội hình của trung đoàn được Sư đoàn và Quân chủng phê duyệt.

Cuộc hành quân này chia làm 3 đợt: Đợt một gồm 3 tiểu đoàn hỏa lực và trung đoàn bộ; đợt hai gồm tiểu đoàn kỹ thuật; đợt ba gồm toàn bộ số đạn của tiểu đoàn kỹ thuật.

Cuộc hành quân gian nan vất vả, nhưng do cán bộ chỉ huy, lãnh đạo đã có kinh nghiệm tổ chức chỉ huy hành quân đợt đầu năm 1979, lái xe cũng đã quen với đường sá, vượt đèo cao, suối sâu, đường cong, cầu hẹp và yếu… nên cả 3 đợt hành quân diễn ra một cách suôn sẻ, con người, vũ khí, khí tài, cơ sở vật chất kỹ thuật, hậu cần đến địa điểm đã định an toàn.

Trung tuần tháng 4/1981, các tiểu đoàn chiếm lĩnh xong trận địa và tổ chức triển khai vũ khí, khí tài, trung đoàn huy động lực lượng bộ đội công binh, nhân dân địa phương và nông trường ở địa phương đào đắp các trận địa chính và các trận địa dự bị (mỗi tiểu đoàn có 1 trận địa dự bị), đồng thời củng cố hầm hào, công sự chiến đấu, tính ra khối lượng đất đá phải đào đắp tới hàng nghìn mét khối.

Ngày 20/04, Sư đoàn 361 và Sư đoàn 365 làm các thủ tục bàn giao nguyên canh Trung Đoàn 276 từ Sư đoàn 361 về Sư đoàn 365.

Kiểm điểm cuộc hành quân vừa qua, Đảng ủy nhất trí: Chia tay Hà Nội, nơi đã trải qua 9 năm xây dựng trưởng thành để lên tuyến đầu Tổ quốc, tuy gặp nhiều khó khăn gian khổ nhưng cán bộ chiến sĩ toàn trung đoàn không chần chừ do dự, phấn khởi lên đường.

Cuộc hành quân hơn 2 vạn km xe chạy, xe kéo khí tài, xe chở đạn, vượt qua đèo cao, suối sâu, đường quanh co, cầu hẹp và yếu…. đều an toàn tuyệt đối. Đó là thắng lợi quan trọng làm đà cho các thắng lợi sau.

(Theo Lịch sử Trung đoàn tên lửa phòng không 276, NXB QĐND)

RELATED ARTICLES

Tin mới