Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 15/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 15/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 15/02/2019.

Bắc Kinh phản bác cáo buộc của Mỹ về quân sự hóa Biển Đông

Theo China Daily ngày 15/2, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ngày 14/2 liên quan đến phát biểu của Đô đốc Hải quân Mỹ Phil Davidson cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích Mỹ lấy cớ để tăng cường triển khai quân sự tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bà Hoa so sánh các hoạt động của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, hàm ý kết luận chính Mỹ mới là bên gây ra quân sự hóa khu vực này. Cụ thể, bà Hoa cho rằng Mỹ đưa các tàu chiến và máy bay cùng các vũ khí hiện đại vượt nửa vòng Trái đất đến Biển Đông, trong khi Trung Quốc thực hiện các hoạt động cứu trợ người và phương tiện gặp nạn tại đây. Đồng thời, bà Hoa Xuân Oánh cũng lớn tiếng kêu gọi các nước liên quan tôn trọng ý chí và nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tránh tạo xung đột, hợp tác một cách xây dựng với các nước khác để duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển này.

Đô đốc Hải quân Mỹ thúc đẩy việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc

Ngày 15/2, South China Morning Post đăng các ý kiến bình luận về phát biểu vừa qua của Đô đốc Hải quân Mỹ Phil Davidson, cho rằng phát biểu này là nhằm thúc đẩy việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Collin Koh, nghiên cứu viên tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho rằng phát biểu của Đô đốc Davidson ngụ ý rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ chưa đủ để chống lại tham vọng quân sự của Trung Quốc tại khu vực này. TS. Koh cho rằng, Mỹ cần một chiến lược tổng thể hợp lý, sử dụng một bộ công cụ toàn diện hơn theo cách thức mang tính hòa hợp hơn và phối hợp với các đồng minh và đối tác để đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh dự đoán, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác để ngăn chặn tuyến vận tải chở dầu thô của Bắc Kinh qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, qua đó kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực. Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hồng Kông, lại chỉ trích Đô đốc Davidson, cho rằng một đô đốc hiếu chiến của Mỹ nhấn mạnh “mối đe dọa Trung Quốc” là điều bình thường. Song Zhongping cho rằng Davidson muốn biến Trung Quốc thành đối thủ chiến lược số 1 của Mỹ và “nếu Davidson muốn các đồng minh và đối tác của Mỹ hợp tác để kiềm chế Trung Quốc, ông ta sẽ cần nhiều tiền hơn, do vậy cần phải phóng đại ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc”. Trong khi đó, Rajeev Ranjan Chaturvedy, nghiên cứu viên Ấn Độ tại Đại học Nanyang Singapore cho rằng, bên cạnh hỗ trợ về quân sự, Mỹ cũng cần rót ngân sách để chống lại sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh ở khu vực. Việc Mỹ hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tài chính cho các nước trong khu vực sẽ thúc đẩy Trung Quốc minh bạch hơn và đưa ra các thỏa thuận tốt hơn. Ông nói “cần có sự kết hợp giữa chiến lược kinh tế và an ninh để đưa ra nhiều lựa chọn, chứ không phải chỉ có chỉ trích các hành động của Trung Quốc”.

Điểm nóng mới ở Biển Đông

Ngày 13/2, Asia Times đăng bài viết đề cập đến quan hệ Trung Quốc – Philippines ở khu vực đá Thị Tứ ở Biển Đông. Bài viết cho rằng kể từ chuyến thăm Manila tháng 11/2018 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với các thỏa thuận đầu tư trị giá hàng tỷ đô la, nhiều người cho rằng quan hệ song phương giữa hai bên đã vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 3 tháng sau, mối quan hệ này lại rơi vào vòng xoáy căng thẳng khi Manila triển khai kế hoạch tân trang lại các cơ sở bị bỏ hoang trên đá Thị Tứ mà nước này đang chiếm giữ. Theo Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), rất nhiều tàu Trung Quốc đã bao vây đá Thị Tứ từ tháng 7/2018 nhằm ngăn cản các hoạt động sửa chữa của Philippines. Số lượng các tàu đã lên đến khoảng 100 tàu trong những tháng gần đây. Trong khi đó, có những phản ứng dữ dội từ phía Philippines đối với việc Trung Quốc thành lập “trung tâm cứu nạn” tại đá Chữ Thập ở Trường Sa, cho rằng việc này là nhằm phục vụ mục đích quân sự. Các nhà chiến lược Philippines cho rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các cấu trúc lân cận là để dọn đượng cho việc thiết lập và tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một bước đi có thể là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia của Philippines. Các nhà lập pháp và quan chức quốc phòng của Philippines cũng phản đối mạnh mẽ khả năng Trung Quốc mua lại một xưởng đóng tàu tại Vịnh Subic, trước đây là một căn cứ hải quân của Mỹ hướng thẳng ra Biển Đông. Việc gần đây Manila nối lại hoạt động cải tạo, sửa chữa tại đá Thị Tứ đã khiến cho Bắc Kinh không hài lòng. Theo báo cáo của AMTI, Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản và làm gián đoạn các hoạt động sửa chữa bằng cách triển khai các tàu bán quân sự từ đá Xu Bi sang đá Thị Tứ. Tuy nhiên, theo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana ngày 8/2 vừa qua, sự hiện diện của các tàu quân sự này không đe dọa được công tác sửa chữa. Philippines không bị “khuất phục” bởi Trung Quốc và sẽ tiếp tục công việc nâng cấp theo như đã dự kiến. Trong khi các chiến thuật đe dọa của Trung Quốc nhằm ngăn chặn nỗ lực củng cố lập trường của các bên yêu sách khác đến nay đã thất bại, các hành động nói trên cho thấy khả năng và việc Trung Quốc sẵn sàng bao vây các đối thủ và ngăn chặn các hoạt động tiếp tế tại khu vực, thậm chí cách ly các nước được coi là đồng minh như Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới