Kế hoạch tấn công Việt Nam là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà phái đoàn Trung Quốc mang theo trong chuyến công du Mỹ tháng 1/1979.
Jimmy Carter và Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ năm 1979.
Trước thái độ ngạo nghễ và đầy thúc giục của phái đoàn Trung Quốc mà đứng đầu là Đặng Tiểu Bình, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Jimmy Carter hiểu rằng, chỉ vài giờ hội đàm không thôi thì chưa đủ.
Zbigniew Brzezinski, Cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ nhớ lại, trong bữa tiệc tối thân mật tại nhà ông ta, Đặng Tiểu Bình đã liên tục nói về những căng thẳng với các quốc gia láng giềng, rồi tự tin đề xuất một cuộc gặp riêng cùng Tổng thống Jimmy Carter bàn về Việt Nam.
Dù đã dự liệu đây sẽ là vấn đề được Đặng tập trung đề cập, nhưng những vị chủ nhà vẫn ngỡ ngàng vì đề nghị thẳng thắn đó. Nó nằm ngoài chương trình nghị sự đã được thống nhất giữa 2 bên.
Động thái gia tăng quyền lực đầy thô bạo
Ông Brzezinski mô tả, trong cuộc họp kín 6 người tại Phòng Bầu Dục chiều muộn ngày 29/1, bằng “phong thái từ tốn, kiên quyết và chắc nịch”, Đặng Tiểu Bình thông báo với Mỹ về quyết định tấn công quân sự hạn chế vào Việt Nam trong vài tuần. Đặng nói đó là động thái cần thiết để “dạy cho Việt Nam bài học thích đáng” và “duy trì một vùng biên giới yên bình”.
Lãnh đạo Trung Quốc nói rằng, sự ủng hộ của Việt Nam dành cho Liên Xô là “phản bội láng giềng”, còn nỗ lực giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là “hành động bành trướng”.
Thay vì nói chi tiết về cuộc tấn công, Đặng vạch ra hướng đáp trả mọi phản ứng từ phía Liên Xô. Đặng khẳng định nước này có đủ khả năng đối phó với ngay cả kịch bản xấu nhất, và chỉ cần từ Mỹ “sự ủng hộ về tinh thần” trên trường quốc tế.
Brzezinski đã “đọc ra” những toan tính của Đặng để chặn bước tiến của Liên Xô ở châu Á ẩn sau kế hoạch đó. Theo mô tả của Brzezinski, đó là một trong những minh chứng ấn tượng nhất về động thái chính trị thô bạo nhằm gia tăng quyền lực mà ông ta từng được chứng kiến.
Đặng đã thể không tìm được tiếng nói chung từ phía Mỹ như dự tính ban đầu. Đáp lại thái độ nóng vội của vị khách người Trung Quốc là sự cẩn trọng, có phần không được vui, của Tổng thống Carter.
“Tôi không cần biết hành động trừng phạt nào đang được cân nhắc. Nhưng chúng tôi khó có thể khuyến khích bạo lực… Tôi không thể cho ông câu trả lời khác”. Carter đồng tình với Đặng ở chỗ Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng lên tiếng trong cái mà họ gọi là “lên án Việt Nam”, nhưng đồng thời Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo Đặng rằng xâm lược Việt Nam “là hành động gây bất ổn nghiêm trọng”.
Bức thư tay từ Tổng thống Carter
Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter còn một cuộc gặp kín khác nữa về vấn đề Việt Nam – lần này là do Tổng thống Mỹ chủ động sắp xếp một ngày sau đó, chỉ nhằm giải thích lý do Mỹ “không thể ủng hộ hành động như vậy và “mạnh mẽ yêu cầu Đặng không thông qua hành động đó”.
Đáng chú ý là Jimmy Carter đã tự tay viết một lá thư cho Đặng Tiểu Bình. Nhưng thay vì đưa nó ngay cho Đặng hoặc phát biểu như thông thường, Tổng thống Mỹ đã đọc lại lá thư, trong đó ghi tất cả những lý do trên, trước khi trao lại nó cho vị khách Trung Quốc.
Tổng thống Carter cho rằng, “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu tiến hành cuộc tấn công với ý nghĩa trừng phạt vào lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu cản trở hành động của Việt Nam ở Campuchia hay ngăn chặn Liên Xô cũng khó mà đạt được”.
Carter cũng nhấn mạnh, “rắc rối nghiêm trọng có thể leo thang thành xung đột trong khu vực”.
Trong phần khác của lá thư, Carter viết: “Xung đột vũ trang do Trung Quốc phát động sẽ gây ra những mối quan ngại sâu sắc ở Hoa Kỳ về hình ảnh Trung Quốc nói chung cũng như việc thiết lập tương lai hòa bình trong vấn đề Đài Loan. Những cam kết của chúng tôi về hòa bình và ổn định sau khi bình thường hóa quan hệ sẽ thất bại, ở một mức độ nào đó”.
Tổng thống Carter có lý do để dồn vào đó nhiều công sức như vậy. Vài ngày trước chuyến công du của Đặng Tiểu Bình, Trợ lý an ninh Brzezinski đã đặc biệt nhấn mạnh: “Người Trung Quốc rất chú trọng tới các tuyên bố chung chính thức và bản ghi nhớ cuộc trò chuyện. Họ sẽ ghi lại và phân tích từng câu ông nói. Trong suốt các phiên làm việc với Đặng, ông nên nói chuyện bằng sự cẩn trọng thường có của mình”.
Về phần mình, Đặng Tiểu Bình vẫn tin rằng, Mỹ dù có phản đối, cũng không chỉ trích âm mưu đã được Trung Quốc lên sẵn kế hoạch mà ông ta chỉ chờ kết thúc chuyến thăm để bắt đầu thực hiện.