Ngôn phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ Trung tá Clay Doss (11/2) cho biết, Mỹ đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.
Tàu USS Spruance
Đá Vành Khăn của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng
Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Đá Vành Khăn nằm trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm gần đây. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Vành Khăn thì diện tích đảo hoàn toàn nhân tạo này lên tới khoảng 5,66 km2, là đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh đá Vành Khăn
Theo Trung tá Clay Doss, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”.
Ngay sau khi Mỹ tiến hành tuần tra quanh đá Vành Khăn, phía Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng ngang ngược. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ ra bất mãn về việc 2 chiến hạm USS Spruance và USS Preble tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn, ngang nhiên cho rằng: “Các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã gây tổn hại an ninh, hòa bình và trật tự tại các vùng biển liên quan. Phía Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng và kịch liệt phản đối động thái này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như các chuyến bay dựa trên luật pháp quốc tế về Biển Đông, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành động khiêu khích, gây căng thẳng tại Biển Đông là không chấp nhận được. Trung Quốc hối thúc Mỹ ngay lập tức dừng các hoạt động khiêu khích và tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông”.
Khi được hỏi liệu hoạt động tuần tra tự do hàng hải này của Mỹ có ảnh hưởng đến đàm phán thương mại Trung – Mỹ hay không, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng một loạt “mánh khóe” của Mỹ đã cho thấy Washington đang tính toán điều gì. Đồng thời, bà Hoa cũng ngang nhiên cho biết Bắc Kinh tin rằng việc giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại là vì lợi ích của cả hai nước cũng như đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu của Mỹ khi liên tục tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2019
Ngay trong đầu năm 2019, Mỹ đã 02 lần tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm:
Thứ nhất, gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Hoạt động tuần tra lần này diễn ra giữa lúc các quan chức thương mại Mỹ-Trung Quốc đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại trước ngày 1/3, thời điểm Mỹ dự định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Thứ hai, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Vành Khăn là một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.
Thứ ba, duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016). Theo phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như các quy định của UNCLOS, đá Vành Khăn bãi đá nửa chìm nửa nổi, chính vì vậy đá này chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải quanh khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn cho thấy Mỹ không xem các bãi đá nửa chìm nửa nổi là đảo dù cho Trung Quốc có bồi đắp và xây dựng trên đó các cơ sở có quy mô lớn thế nào đi chăng nữa. Do đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn. Một hành động như vậy sẽ gửi đi thông điệp rằng, Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cần được tôn trọng và thực thi.
Thứ tư, “dằn mặt” Trung Quốc liên quan vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 tại Việt Nam, Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng và buộc Triều Tiên lệ thuộc vào Bắc Kinh, Mỹ muốn thông qua hoạt động tuần tra ở Biển Đông để “dằn mặt” và cảnh cáo Trung Quốc không được “phá hoại” Hội nghị sắp tới cũng như nỗ lực của các bên liên quan nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Hoạt động tuần tra Biển Đông của Mỹ những năm gần đây
Với 2 cuộc tuần tra tại Biển Đông trong tháng 1 và tháng 2/2019, hải quân Mỹ đẩy nhanh nhịp độ tuần tra tự do hàng hải tại vùng biển này. Cuộc tuần tra đầu năm, vào ngày 7/1, do khu trục hạm McCampbell lớp Arleigh Burke tiến hành trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, nơi có 1.000 quân thường trực của Trung Quốc đồn trú trái phép. Hôm 11/2, hai tàu khu trục USS Spruance và USS Preble thuộc Hạm đội 7 đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn do Trung Quốc thiết lập trái phép.
Tính ra, trong năm 2017, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra tự do hàng hải; năm 2018, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra nữa. Theo đó:
Tháng 12/2017, Mỹ đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm “chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough”; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”.
Ngày 24/3/2018, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines.
Ngày 30/9/2018, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định.
Ngày 29/11/2018, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Phản ứng chính thức của Việt Nam về hoạt động tuần tra của Mỹ ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và là một quốc gia ven biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.