Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ phát triển pháo tầm xa đối phó với TQ quân sự...

Mỹ phát triển pháo tầm xa đối phó với TQ quân sự hóa ở Biển Đông

Trước việc Trung Quốc liên tục quân sự hóa ở Biển Đông, một số thông tin gần đây cho biết Mỹ đã phát triển loại pháo tầm xa có thể hướng tới các mục tiêu ở Biển Đông từ đất liền. Đây được xem là động thái nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông.

TQ triển khai tên lửa DF-26 có thể nhắm tới các mục tiêu ở Biển Đông. Nguồn: SCMP

Phát biểu trước báo chí hôm 28/01, Bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một loại pháo tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km), có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền. “Bạn có thể tưởng tượng một kịch bản là Hải quân cảm thấy họ không thể tiến vào Biển Đông vì các tàu hải quân Trung Quốc hoặc vì bất cứ điều gì. Khi ấy, chúng tôi có thể từ một địa điểm cố định, trên đảo hoặc ở một nơi khác khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa”, theo Bộ trưởngMark Esper. Ông Mark Esper cho rằng đó là một cách hiệu quả khiến đối thủ phải mở cửa Biển Đông. Khi được hỏi tại sao quân đội cần pháo binh có thể bắn xa đến 1.000 dặm (khoảng 1.600km), Bộ trưởng Esper giải thích quân đội Mỹ cần phải bắn xa hơn pháo của đối phương. “Bạn muốn ở ngoài phạm vi mà kẻ thù có thể tấn công bạn”, ông Esper giải thích và dùng hình ảnh thanh kiếm và ngọn giáo để minh họa cho triết lý của mình. “Tại sao ngọn giáo lại xuất hiện? Bởi vì đối thủ có một thanh kiếm. Một ngọn giáo mang lại cho bạn tầm sát thương xa hơn. Bạn muốn luôn đứng ở vị trí mà bạn có thể tấn công trong khi không bị đánh trả. Đó là những gì pháo binh tầm xa mang lại cho chúng ta”.

Thông tin Mỹ phát triển loại pháo tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm sẵn sàng khóa tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông khiến dư luận tại Trung Quốc lo lắng. Wei Dongxu, một nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh nói với “Thời báo Hoàn cầu” rằng một vũ khí như vậy có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tàu Trung Quốc. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc yêu cầu giấu tên khác cho rằng nếu là đại pháo thì tầm bắn không quá 100 km. Ngay cả khẩu pháo điện từ mà Mỹ đang phát triển cũng có tầm bắn không quá 300km. Vì vậy, “siêu pháo bắn xa 1.000 dặm” ​​mà Bộ trưởng lục quân Mỹ cho biết rất có thể là một loại tên lửa. Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng cụm từ “siêu pháo” (supergun) có thể là vỏ bọc để Mỹ phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung giống DF-26 có khả năng nhắm vào các tàu đang di chuyển mà không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF. Trong lúc hoang mang không biết siêu pháo 1.000 dặm của Mỹ là thứ gì thì Trung Quốc khoe khoang DF-27 hay còn được gọi “Sát thủ với đảo Guam” (Guam killer) với tầm bắn 4.500 km, có thể vươn từ Trung Quốc đến đảo Guam của Mỹ.

Trước đó, Lực lượng tên lửa Trung Quốc hôm 23/01 lần đầu tiên công bố đoạn phim ghi hình cảnh phóng thử tên lửa DF-26 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực Tây Bắc nước này. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng lần phóng thử này chứng minh năng lực chống hạm của DF-26. Nhưng Mỹ tự tin có thể gây nhiễu, chế áp hệ thống truyền dữ liệu và vệ tinh của Trung Quốc, khiến tên lửa DF-26 mất phương hướng trong khi bay và không thể đánh trúng tàu sân bay trên biển. “Hãy nhớ rằng Liên Xô chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) và chưa có quốc gia phương Tây nào sở hữu tên lửa tương tự”, cựu Tư lệnh Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Thái Bình Dương của Mỹ Carl Schuster cho biết.

Ngoài Mỹ coi hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định khu vực thì một nước khác cũng có nhiều chính sách để đối phó với Trung Quốc. Anh dự kiến sẽ mở 2 căn cứ quân sự ở nước ngoài trong vài năm tới, gồm một căn cứ ở Caribbe và một ở Singapore hoặc Brunei. Nhật Bản tuyên bố sẽ cải tiến các tàu chiến lớp Izumo thành tàu sân bay, mang theo máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ thiết kế. Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo phối hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết các tàu sân bay mới sẽ mang đến cho Tokyo khả năng thiết lập hệ thống phòng thủ lãnh thổ xa hơn so với từ các đảo chính của Nhật Bản. Kế hoạch trang bị tàu sân bay của Nhật xuất hiện sau khi Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 năm nay đã nhấn mạnh mối quan ngại về Trung Quốc. “Việc hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tăng cường năng lực hoạt động và leo thang các hoạt động đơn phương ở các khu vực gần Nhật Bản đang tạo ra mối lo ngại về an ninh mạnh mẽ trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản”, Sách Trắng viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới