Trong cuộc chiến tháng 2/1979, sự hiện diện của 30 chiến hạm Liên Xô khiến 300 tàu chiến Mỹ-Trung nằm im, Việt Nam hoàn toàn yên tâm về hướng Biển Đông.
Trong kỳ trước với tiêu đề: “Cuộc chiến tháng 2/1979: Vì sao vùng trời Việt Nam bình yên?”, chúng ta đã tìm hiểu về việc cả Việt Nam và Trung Quốc đều không sử dụng đến lực lượng không quân; nhưng ở trên hướng Biển Đông, mặc dù cũng không có tiếng súng nhưng tình hình diễn ra vô cùng căng thẳng với sự đối đầu giữa tàu chiến và tàu ngầm Liên Xô với hải quân Mỹ-Trung Quốc.
Hàng trăm tàu chiến Trung-Mỹ rình rập trên biển Đông
Trong quá trình chuẩn bị tấn công Việt Nam, hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một Hạm đội hỗn hợp mang phiên hiệu 217 đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây, Quảng Đông, để khống chế Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi khu vực biển miền Trung Việt Nam.
Hạm đội lâm thời này có số lượng khổng lồ lên tới gần 300 chiếc, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu hộ vệ tên lửa, một nhóm tàu phóng lôi và một nhóm tàu tên lửa cao tốc và một số lượng lớn các tàu tuần tiễu hạng nhẹ.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã huy động toàn bộ tàu chiến của Hạm đội Nam Hải và tăng cường thêm từ các Hạm đội Bắc Hải và Đông Hải.
Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam cũng được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Việt Nam và Liên Xô ở Biển Đông.
Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã xây dựng kế hoạch sử dụng các đảo và bờ biển để che giấu tàu mang tên lửa, cho phép chúng lao ra thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ từ vị trí ẩn nấp.
Ngoài ra, do đã hiệp đồng từ trước với Trung Quốc, hải quân Mỹ cũng bắt đầu vào biển Đông nhằm phối hợp với Trung Quốc ngăn chặn các tàu vận tải Liên Xô thiết lập tuyến vận tải biển từ Liên Xô sang và lực lượng tàu chiến đến Biển Đông bảo vệ Việt Nam.
Biên chế của cụm AUG bao gồm tàu tuần dương hạm Leany (CG-16), khu trục hạm Morton (DD-948), tàu vận tải đổ bộ Takelma (ATF-113).
Khi chiến sự nổ ra, cụm tàu này đã di chuyển về hướng bờ biển Việt Nam. Đến ngày 25/2, Cụm AUG và một số lượng lớn các tàu Mỹ khác đã neo đậu thành chuỗi ngoài khơi bờ biển Việt Nam, với mục đích như tuyên bố của người Mỹ là để “theo dõi tình hình chiến sự”.
Tình hình Biển Đông lúc đó hết sức căng thẳng và vào thời điểm đó, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của “người anh cả”.
Hạm đội Thái Bình Dương-Liên Xô tổng lực bảo vệ bờ biển Việt Nam
Sau khi nhận được các thông tin đầu tiên về ý định tấn công Việt Nam của Trung Quốc, Hải quân Liên Xô đã cảnh giác điều một số tàu tuần dương và tàu khu trục tới Biển Đông, các tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương cũng bắt đầu triển khai lực lượng trên vùng biển này.
Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, tính đến ngày 20/2, ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã tập trung 13 tàu chiến của hải quân Liên Xô.
Một biên đội tàu khác với sự chỉ huy của tuần dương hạm “Đô đốc Senyavin” tiếp tục được tăng cường đến bảo vệ dải bờ biển Việt Nam, nhằm bảo vệ hành lang vận tải từ Nga sang và bảo vệ Việt Nam từ hướng biển.
Từ Ulysses hành quân tới bờ biển của Việt Nam đã có tới 5 liên đội tàu, cùng với các đội tàu đến từ Konyushko, Vanguard, Shell, Sovgavan, Magadan và Bicheva, binh lực của hải quân của Liên Xô trên Biển Đông đến đầu tháng 3 đã tăng lên tới 30 tàu, vũ khí trang bị đầy đủ và sẵn sàng khai hỏa.
Ngoài ra, một số chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương cũng được triển khai trong trạng thái sẵn sàng tham chiến tại các khu vực của biển Hoa Đông, sẵn sàng tiếp viện, đồng thời chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Tính đến đầu tháng 3/1979, đã có tới gần 50 chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, trong số đó có 6 tàu ngầm đã trực chiến tại biển Đông và biển Hoa Đông. Tại vùng Primorie (ven biển Viễn Đông) đã diễn ra các cuộc đổ bộ của hải quân đánh bộ Liên Xô, thao luyện cho khả năng tác chiến đổ bộ thực sự.
Các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương hoàn toàn không chỉ hiện diện với ý nghĩa biểu dương lực lượng.
Sau này, ông Gluhov Vladimir Efimov – Trưởng tàu đo đạc thủy văn của Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định, chiến hạm Liên Xô đã tiến vào án ngữ Vịnh Bắc Bộ, khi đó, tất cả tên lửa đã lên bệ phóng.
Thuyền trưởng tàu ngầm B-88 lớp Zulu là ông Fedor Gnatusin cũng nhắc lại, những tàu ngầm Xô viết đã được lệnh triển khai ngăn chặn những chiến hạm của Hải quân Trung Quốc bằng hỏa lực, nếu chúng di chuyển áp sát bờ biển của Việt Nam; đồng thời cũng ngăn chặn các hành động tương tự của hải quân Mỹ.
Những ý đồ tác chiến thật sự nghiêm túc được ông Eugene, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 8 – Trung đoàn 390, thuộc Sư đoàn hải quân đánh bộ số 55 miêu tả lại: Vào tháng 2/1979, trung đoàn đã được đặt trong trạng thái chiến tranh. Cả đội hình sư đoàn đã thực hiện nhiệm vụ diễn tập chiến thuật trên biên giới với Trung Quốc, trong đó có nội dung đổ bộ lên đất liền từ hướng biển, tiến hành các cuộc diễn tập đổ bộ tấn công cấp tiểu đoàn, có sử dụng đạn thật.
Cụm chiến hạm Xô viết có mặt trên Vịnh Bắc bộ đến tận tháng 4/1979. Những hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình dương đã gây một sức ép nặng nề, buộc các chiến hạm của Hải quân TQ không dám tham gia cuộc tấn công, mặc dù có tới gần 300 tàu chiến các loại.
Song song với việc ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc, các chiến hạm Liên Xô đã triển khai đối phó với các tàu chiến Mỹ đang dàn quân trên Biển Đông.
Để chặn các chiến hạm Mỹ tiếp cận khu vực tác chiến, các tàu ngầm diesel-điện của hạm đội Thái Bình Dương đã lập một phòng tuyến trên biển. Một số các tàu ngầm cơ động ở độ sâu tác chiến, một số tàu ngầm đã nổi hẳn lên mặt nước, để chiến hạm của hải quân Mỹ trông thấy.
Với những hành động quyết liệt của lực lượng hải quân Liên Xô, người Mỹ đã không dám vượt qua tuyến ngăn chặn trên Biển Đông. Vào ngày 06/3 – một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, Cụm AUG do tàu sân bay Constellation dẫn đầu đã rời Biển Đông, hành trình về Vịnh Aden, nơi đang xảy ra xung đột dữ dội giữa miền Bắc và Nam Yemen.
Tàu chống ngầm Vasily Chapaev, Project 1134A của Hạm đội Thái Bình Dương, hiện diện liên tục trên Biển Đông từ tháng 01 đến tháng 4/1979 |
Liên Xô thiết lập hành lang vận tải biển sang Việt Nam
Ngoài nhiệm vụ phong tỏa hoạt động của hải quân Mỹ và Trung Quốc, hải quân Liên Xô đã lập một hàng lang vận tải khẩn cấp từ nước mình sang Việt Nam. Trong thời gian rất ngắn, ngoài dầu và các loại hàng hóa thiết yếu, nước bạn đã cung cấp cho Việt Nam một số lượng trang bị, vũ khí khổng lồ.
Tính từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cho đến cuối tháng 3/1979, Liên Xô đã dùng đường thủy đưa sang Việt Nam hơn 400 xe tăng và xe bọc thép, xe chở quân; 400 pháo và súng phóng lựu; 50 dàn phóng đạn phản lực 40 nòng 122 mm “Grad”; hơn 100 khẩu pháo cao xạ, 400 tổ hợp pháo PK cơ động; 800 súng chống tăng của bộ binh và đáng quý nhất là 20 máy bay tiêm kích các loại.
Liên Xô đã trưng dụng 3 quân cảng Vladivostok, Nakhodka, Odessa và một số lượng lớn các tàu vận tải để tập trung hàng hóa, khẩn trương vận tải hàng hóa thông thường và viện trợ quân sự, vũ khí, trang bị bằng đường biển đến Đông Nam Á.
Để đảm bảo việc vận chuyển nhanh chóng và khẩn cấp, Liên Xô còn huy động một số lượng lớn các tàu dân sự. Chỉ tính riêng ở Hải Phòng trong thời gian chiến sự đã có 20 tàu cả dân sự lẫn quân sự chở hàng và chở dầu của Liên Xô vào cảng bốc dỡ.
Thậm chí, Liên Xô còn điều động một đội bốc xếp chuyên nghiệp lớn từ các Cảng Liên Xô Vladivostok, Nakhodka và Vanina Korsakov, do ông G.I.Pikusa, Trưởng đội bốc xếp của cảng Nakhodka làm trưởng nhóm, sang Việt Nam giúp đỡ bốc dỡ hàng ở cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn với tốc độ nhanh nhất.
Đội được cấp tốc điều chuyển đến đến Việt Nam trên tàu vận tải “Olga Androvskaya”. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Việt Nam, đội bốc dỡ này đã triển khai xuống hàng trên 26 tàu tải trọng lớn với tổng cộng hơn 100 nghìn tấn hàng hóa.
Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được thể hiện xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược, 36 quân nhân thuộc hạm đội Thái Bình Dương đã được trao những phần thưởng cấp Nhà nước của Liên bang Xô viết.
Có thể nói rằng, hải quân Liên Xô đã giúp Việt Nam chặn đứng hàng trăm chiến hạm hải quân Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông – điều mà lực lượng hải quân non trẻ của chúng ta quả thực là rất khó để làm được. Đây là sự giúp đỡ vô cùng quý báu, để chúng ta hoàn toàn yên tâm về hướng Biển Đông, rảnh tay đối phó với cuộc tiến công trên bộ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Liên Xô cũng có những động thái ngoại giao ủng hộ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc và trên trường quốc tế; cấp tốc cử hàng trăm cố vấn quân sự đến giúp Việt Nam và tung một lực lượng quân sự cực lớn áp sát biên giới phía bắc của Trung Quốc. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.
(Còn nữa)