Saturday, January 4, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiAnh quốc 'có nguy cơ bị TQ can thiệp' nếu dùng 5G...

Anh quốc ‘có nguy cơ bị TQ can thiệp’ nếu dùng 5G của Huawei

Anh quốc có nguy cơ bị Trung Quốc ảnh hưởng và can thiệp, theo cảnh báo của một viện nghiên cứu phòng thủ và an ninh mạng.

Một báo cáo từ Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (Rusi) cho biết sẽ là “ngây thơ” và “vô trách nhiệm” khi cho hãng Huawei truy cập hệ thống viễn thông của Anh.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nhận định này “đáng lo ngại”.

Báo cáo, được ông Charles Parton, cựu nhà ngoại giao người Anh, người đã dành phần lớn sự nghiệp 30 năm của ông làm việc tại Trung Quốc, soạn thảo. Văn bản này nói rằng nếu Huawei được phép tham gia triển khai mạng 5G, họ có thể cài đặt một “cửa hậu ẩn”, cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào hệ thống.

Báo cáo cũng cảnh báo về nguy cơ can thiệp vào các lĩnh vực khác bao gồm giới học viện, chính trị và công nghệ.

Trong lúc có “cuộc tranh luận sôi nổi” về nguy cơ can thiệp mạng của Trung Quốc nhắm vào các quốc gia như Mỹ và Úc, ông Parton nói với BBC rằng phản ứng của Anh là “im lặng”.

“Chúng tôi cần phải công khai,” ông nói.

Báo cáo mô tả cách đảng Cộng sản Trung Quốc luôn toan tính cách sắp đặt người của họ làm cố vấn cho các chính trị gia phương Tây.

Văn bản cũng nhấn mạnh về việc “thu người trí thức” – bổ nhiệm các cựu chính trị gia, công chức và doanh nhân vào các công việc được nhiều ưu đãi sau khi họ nghỉ việc ở nơi cũ để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc hội đàm thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh năm ngoái

‘Can thiệp đại học’

Ông Parton thừa nhận rằng để phân biệt sự can thiệp hợp pháp và bất hợp pháp là cả một thách thức.

Ông nói, trong khi Nga tìm cách gây rối, Trung Quốc chủ yếu tìm cách duy trì tính chính danh của Đảng Cộng sản ở nước này và hạn chế giới bất đồng chính kiến, cũng như xây dựng mạng lưới trợ giúp cho các chính sách của họ ở nước ngoài.

“Nằm sau các lĩnh vực bị can thiệp là quỹ tài trợ của Trung Quốc và điều đó tạo ra sự phụ thuộc và mối e dọa công khai hoặc thậm chí chỉ là nỗi sợ rằng nguồn tài trợ sẽ bị cắt đứt,” ông Parton nói.

Điều đó dẫn đến nỗi lo ngại rằng việc nhận tài trợ từ Trung Quốc sẽ có nguy hại,” ông Parton nói.

Ông cho rằng điều này có thể dẫn đến tự kiểm duyệt, ví dụ như trong giới học viện.

Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện Soas Trung Quốc tại Đại học London, nói với BBC rằng ông biết được Trung Quốc tìm cách gây áp lực đối với các trường đại học khác của Anh quốc.

Giáo sư Tsang cho biết thật khó để biết mức độ của vấn đề này vì các học giả thận trọng khi nói ra.

“Trong một trường đại học Russell Group, một phó hiệu trưởng đã được một người nào đó trong đại sứ quán Trung Quốc tiếp xúc và kết quả là ông ta đã không cho một diễn giả đã được mời đến tham dự,”

“Tôi cũng biết có một phó hiệu trưởng trường đại học chịu áp lực từ sứ quán Trung Quốc để yêu cầu một trong những học giả cao cấp của ông không bình luận chính trị về Trung Quốc trong một thời gian nhất định.” Giáo sư Tsang nói.

Giáo sư Tsang cho biết thật khó để biết vấn đề này lan rộng như thế nào vì các học giả thận trọng khi nói ra.

Ông Parton cho rằng cần phải minh bạch hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc và đặc biệt là các khoản tài trợ cho các trường đại học, và các viện nghiên cứu.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc nói với BBC rằng các tuyên bố can thiệp của báo cáo là “không có căn cứ”.

Phát ngôn viên này nói trong những năm gần đây, “Kỷ nguyên vàng” của hợp tác Trung Quốc-Anh đã mang lại kết quả tốt đẹp, trong đó có việc đầu tư của Trung Quốc vào Anh trong 5 năm qua tăng hơn so với 30 năm trước.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Anh quốc để mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân hai nước và cả thế giới.” Người phát ngôn nói.

Có tin nói Cục An ninh mạng quốc gia Anh, một bộ phận của cơ quan tình báo GCHQ, sắp khuyến nghị rằng Anh có thể giải quyết mọi rủi ro nếu có của công nghệ Huawei.

Khuyến nghị này của Cục An ninh mạng quốc gia Anh làm suy yếu nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thuyết phục các đồng minh loại bỏ Huawei khỏi các mạng truyền thông 5G.

Chính phủ Anh nói chưa có quyết định chung cuộc.

Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng Huawei để theo dõi các quốc gia đối thủ.

Tuy nhiên, Huawei nói rằng họ không cung cấp bất cứ thông tin gì cho Bắc Kinh cả, trừ các vấn đề liên quan đến thuế.

Úc và New Zealand đã chặn hoặc cấm Huawei cung cấp các thiết bị cho mạng di động thế hệ thứ 5 trong tương lai của họ.

Hoa Kỳ đã hạn chế tài trợ liên bang để mua các thiết bị Huawei, trong khi đó Canada đang xem xét liệu các sản phẩm của Huawei có đe dọa an ninh nghiêm trọng hay không.

Ngược lại, hầu hết các công ty di động của Anh bao gồm Vodafone, EE và Three đang hợp tác với Huawei để phát triển mạng 5G.

Mới đây, BT và Vodafone nói họ tạm ngừng sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng của họ.

Vào tháng Ba hoặc tháng Tư tới đây, chính phủ Anh sẽ đưa ra bản đánh giá quyết định các công ty này có thể sử dụng công nghệ Huawei hay không.

Theo báo Financial Times, kết luận của Cục An ninh mạng quốc gia – một bộ phận của cơ quan tình báo GCHQ – sẽ được đưa vào đánh giá của chính phủ Anh.

Kết luận này chưa được công bố, nhưng Cục An ninh mạng Anh cho biết họ có ‘sự giám sát và hiểu biết riêng đối với kỹ thuật và an ninh mạng của Huawei’.

Rob Young, phóng viên kinh doanh của BBC cho biết kết luận của Cục An ninh mạng quốc gia ‘sẽ có trọng lượng’.

Trong một bài phỏng vấn, ông John Suffolk – Giám đốc An ninh mạng của Huawei nói với BBC rằng: ‘Chúng tôi có lẽ là tổ chức công khai và minh bạch nhất thế giới. Chúng tôi có lẽ cũng là tổ chức bị xoi mói nhất thế giới’.

Ông Suffolk, từng làm cho chính phủ Anh trong vị trí Giám đốc Thông tin của Anh, nói thêm rằng: “Chúng tôi không nói là ‘hãy tin chúng tôi’, mà chúng tôi nói rằng ‘hãy đến và tự mình kiểm tra'”.

“Càng nhiều người tìm kiếm và kiểm tra, thì họ càng có thể tự mình kiểm chứng thông tin mà không cần lắng nghe những gì Huawei nói.”

Alex Younger, đứng đầu cơ quan tình báo MI6, tuần trước thừa nhận các lo ngại về Huawei nhưng nói ‘vấn đề phức tạp hơn là Dùng hay Không’.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Huawei bác bỏ cáo buộc gây nguy hiểm an ninh cho các nước

Phân tích – Rory Cellan-Jones, Phóng viên công nghệ

Nếu có ai biết cách hoạt động của Huawei và mối đe dọa mà công ty này có thể gây ra cho an ninh Anh, thì đó chính là Cục An ninh mạng quốc gia.

Cơ quan này đã chịu trách nhiệm kiểm tra các thiết bị của Huawei hàng năm. Trong báo cáo khẩn gần đây, Cục An ninh mạng Anh bày tỏ lo ngại về các hoạt động an ninh mạng cẩu thả, thay vì các hoạt động bí mật.

Cục An ninh mạng cũng tư vấn cho các công ty di động ở Anh về việc đặt mua các thiết bị để triển khai mạng 5G của họ vào cuối năm nay.

Các công ty này cảm thấy họ nhận được sự ủng hộ thận trọng của Cục An ninh mạng tương tự như khi nhận được bản Đánh giá chuỗi cung ứng của chính phủ: Loại bỏ Huawei khỏi phần chủ chốt trong mạng 5G, nhưng vẫn được phép sử dụng thiết bị của công ty này tại các cột sóng điện thoại như một phần của các nhà cung cấp.

Úc và New Zealand thì lại khác, có lập trường rắn hơn với Huawei.

Không phải là vì Úc hay New Zealand biết điều gì đó mà Cục An ninh mạng quốc gia Anh không biết.

Có lẽ, quyết định hai nước kia dựa vào đánh giá rủi ro chính trị, an ninh nếu họ không nghe lời Mỹ chặn cửa Huawei.

Và dù lời khuyên của Cục An ninh mạng là gì, thì các yếu tố tương tự sẽ ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của chính phủ Anh.

Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho biết các đánh giá ‘vẫn đang diễn ra’.

“Không có quyết định nào được đưa ra và bất kỳ lời đề nghị ngược lại nào là không chính xác”.

Năm ngoái, BT xác nhận rằng họ đã gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi lõi mạng EE mà hãng này đang sở hữu.

Một mạng cung cấp hệ thống liên lạc đang được phát triển cho các dịch vụ khẩn cấp ở Anh.

Mạng di động thế hệ thứ 5 sẽ xuất hiện ở Anh trong vòng một năm tới, hứa hẹn sẽ tăng tốc độ tải và duyệt web nhanh hơn 10 đến 20 lần so với mạng 4G.

Hoa Kỳ cho rằng Huawei có thể sử dụng các bản cập nhật phần mềm nham hiểm để theo dõi những người sử dụng mạng 5G.

Hoa Kỳ chỉ ra rằng, theo Luật tình báo của Trung Quốc thông qua năm 2017, tất cả các tổ chức phải “hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia”.

Các nhà phê bình cũng nhấn mạnh rằng, nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi của Huawei là một cựu kỹ sư trong quân đội nước này và đã gia nhập Đảng Cộng sản năm 1978.

Huawei gần đây thu hút nhiều sự chú ý khi bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc Tài chính bị bắt và bị buộc tội phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Bản tin của CNN ngày 18/2 nói nếu chính phủ Anh quyết định cho dùng thiết bị Huawei trong hệ thống 5G, quan hệ của Anh với Mỹ có thể rạn nứt.

Anh có trong liên minh chia sẻ tình báo năm nước gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.

Theo CNN, nếu một nước trong nhóm này đồng ý dùng công nghệ Huawei thì sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực chống Huawei của Washington.

Bản tin cùng ngày 18/2 của báo Trung Quốc Global Times nói các nhà phân tích ở Trung Quốc hoan nghênh cách thức Anh quốc đối phó với lo ngại về Huawei.

Zhang Chi, một nhà quan sát, nói trên Global Times rằng một viên chức Huawei cho ông ta hay Anh quốc đã lập một trung tâm kiểm tra đặc biệt.

Trung tâm này gồm nhân viên của Huawei, và nhân viên chính phủ Anh, và do nhân viên Anh lãnh đạo.

“Cơ sở đó kiểm tra mã và thiết bị của Huawei một cách minh bạch, kỹ càng, và sản phẩm Huawei chỉ có thể vào mạng Anh sau khi qua được kiểm tra,” ông Zhang nói với Global Times.

RELATED ARTICLES

Tin mới