Để giải thích cho chiến lược biển của Trung Quốc, giới học giả Bắc Kinh đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá nhằm biện minh cho sự “trỗi dậy hòa bình” và chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng vấn đề chiến lược phát triển của Trung Quốc tập trung ở trên bộ hay trên biển có thể ngược dòng về cuộc tranh luận giữa “phòng ngự biên ải” và “phòng ngự trên biển” diễn ra vào cuối thời nhà Thanh. Cuộc tranh luận lúc đó là do tài lực của Trung Quốc không đủ dẫn đến vấn đề trong phân phối quân lương, điều này cũng đã phản ảnh nhận thức khác nhau của giới “tinh anh” chính trị Trung Quốc về cục diện an ninh chính trị địa duyên của đất nước. Thế nhưng, từ thời nhà Tần thống nhất Trung Quốc, mối đe dọa chủ yếu với an ninh của Trung Quốc là sự xâm lược, quấy nhiễu của các dân tộc ít người phía Tây và phía Bắc. Do đó, các nhà chính trị Trung Nguyên của các triều đại Trung Hoa đều xem việc củng cố biên phòng phía Tây là vấn đề mấu chốt cho việc bảo vệ sự ổn định của chính quyền. Những “bờ vách ngăn cách” Vạn Lí Trường Thành, phía Bắc Trung Quốc chính là những “nhân chứng chứng kiến” cho “chính trị lục quyền” (chính trị quyền lợi trên bộ) của Trung Quốc. Đến cả sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập tới nay, Trung Quốc vẫn kiên trì giữ quan niệm an ninh “chính trị lục quyền” truyền thống. Quan niệm này không thể không xem trọng, bởi Trung Quốc có 22.000 km biên giới lục địa, thiết lập mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, ổn định lâu dài” với tất cả các nước láng giềng, đó là điều kiện tiền đề quan trọng cho sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Ở nhận thức này, Trung Quốc tập trung cho các mối quan hệ láng giềng, nhất là từ thập niên 90 của thế kỉ XX, mối quan hệ với các nước láng giềng đã được đưa lên vị trí hàng đầu trong nền ngoại giao của Trung Quốc.
Qua nhiều năm vun đắp, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược tương ứng với từng nước lớn ở xung quanh, đặc biệt với nước láng giềng lớn nhất là Nga, mối quan hệ giữa hai nước đang ở trong thời kỳ lịch sử tốt nhất. Cho dù đôi lúc vẫn còn bị động trong mối quan hệ với Ấn Độ, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ đối thoại tương đối tốt với nước này. Thông qua các cơ chế hợp tác đa phương của tổ chức Thượng Hải, Trung Quốc đã duy trì những hoạt động tương tác lẫn nhau mang tính tốt đẹp trong quan hệ với các nước Trung Á. Thậm chí có thể nói rằng, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã trở thành một vũ đài đa phương quan trọng cho sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Từ những tình hình trên có thể thấy, Trung Quốc là một nước lớn có xu hướng duy trì quyền lợi trên bộ (“lục quyền đại quốc”- nước lớn “lục quyền”).
Thế nhưng, nếu chỉ là một nước lớn “lục quyền” thì chưa đủ cho Trung Quốc để thực hiện mục tiêu “phát triển nước lớn” của mình. Suy cho cùng, về địa lí, Trung Quốc có 18.000 km đường bờ biển với tài nguyên biển vô cùng phong phú và vô cùng quan trọng với sự phát triển trong tương lai. Sự phát triển của cục diện thế giới thúc đẩy Trung Quốc không chỉ phải duy trì địa vị một nước lớn “lục quyền” mà còn phải trở thành một nước lớn “hải quyền” (nước lớn có xu hương duy trì quyền lợi trên biển). Sự “phát triển nước lớn” của Trung Quốc còn nhu cầu một chiến lược lớn về biển vô cùng rõ ràng.
Văn hóa biển có mối quan hệ mật thiết với sự “hưng vong, vinh nhục” của dân tộc Trung Hoa
Trung Quốc là một quốc gia “văn hóa lục địa”, có thể trích dẫn lời nói của học giả Đài Loan Lăng Thuần Thanh; thực tế nhà Tần thống nhất được 6 nước là sự chinh phục của văn hóa lấy nước Tần là đại diện với văn hóa biển lấy các nước Tề, Sở là đại diện. Lăng Thuần Thanh còn cho rằng Tần Thủy Hoàng trong ngoài trao đổi di dân, ngăn cách giao thông trên biển, là chính sách cấm biển tiêu cực mà văn hóa lục địa áp dụng với văn hóa đại dương. Mà chính sách của nhà Tần vẫn được công nhận và kéo dài, cho đến tận chính sách cấm biển của thời nhà Thanh.
Thế nhưng, cùng với sự biến thiên của thời đại, văn hóa lục địa cũng đại diện cho tính lạc hậu, tính bế phong (đóng cửa) của văn hóa canh tác nông nghiệp. Đặc biệt sau cách mạng công nghiệp của Châu Âu, cùng với sự bắt đầu của các tuyến đường mới và những phát kiến lớn về địa lý và nhờ những thành quả kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp, các nước lớn của phương Tây lần lượt bước ra vũ đài của thế giới. Trong quá trình trỗi dậy của các nước lớn phương Tây, quyền lợi trên biển (hải quyền) là một yếu tố hết sức quan trọng. Những ý nghĩa thực sự trong lịch sử thế giới đều bắt đầu từ những phát kiến hàng hải, đều dựa vào các con tàu buôn chở vàng và hương liệu. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã từng xưng bá thế giới, tiếp đó là vương quốc thương nghiệp Hà Lan- hệ thống tài chính và bá quyền thương mại của nước này đều xây dựng trên cơ sở những đội thuyền thương nghiệp đồ sộ và sự phát đạt của ngành đóng tàu. Bá quyền thế giới của Hà Lan là dựa vào thương mại trên biển, mà sau đó nước thay thế Hà Lan – đế quốc Anh không chỉ chú trọng vào thương mại trên biển mà còn có lực lượng hải quân hùng mạnh là chiếc ô bảo vệ cho nền thương mại trên biển của nước này. Đúng là do dựa vào lực lượng hải quân hùng mạnh mà nước Anh xưng bá trên thế giới cả trăm năm.
Thời cận đại Trung Quốc lạc hậu thậm chí trở thành đất nửa thuộc địa cho chủ nghĩa thực dân, đều có liên quan tới sự coi thường biển trong thời gian dài. Nói thực ra là có liên quan đến sự coi thường văn hóa biển của Trung Quốc. Tiên sinh Phùng Hữu Lan đã từng nói: nền văn minh Hi Lạp là nền văn minh mang tính biển, nền văn minh phương Tây cũng tương tự, nên những nền văn hóa này linh động giống như dòng nước, giống như những người có trí tuệ, luôn mong muốn tìm kiếm sự thay đổi, cách tân…Mà nền văn minh Trung Quốc thuộc văn minh mang tính lục địa lại giống như một vị “nhân giả” (con người nhân nghĩa) cao tuổi, là một ngọn núi lớn vững chãi, tôn trọng truyền thống, có một sự cẩn trọng “trời sinh” với những sự thay đổi. Văn minh nông nghiệp canh tác mang tính ổn định, khiến con người vì tôn trọng cái cũ mà không có trí tiến thủ. Tính lưu động và tính đa biến của văn minh biển lại khiến nó có được một sức sống dẻo dai, có nhuệ khí tiến thủ, giàu sức sống và tinh thần sáng tạo cái mới. Nước Anh là một đảo quốc, bá chủ biển hiện nay là nước Mỹ lại giáp với 2 đại dương, môi trường địa lý này “làm nóng” những hoạt động về biển trong lòng người dân Mỹ, trên phương diện tố chất con người và kinh nghiệm, nước Mỹ đều có những ưu thế mà các quốc gia lục địa không thể so sánh được.
Những điều trên tuyệt đối không hạ thấp văn minh và con người Trung Quốc, mà là nhấn mạnh đến mối quan hệ trực tiếp giữa văn hóa biển và sự “hưng vong, vinh nhục” của dân tộc Trung Hoa. Thế kỷ XXI là thế kỷ của biển, bài học “bị đánh” vào cuối thời nhà Thanh, sự tranh luận giữa nguy cơ phòng ngự biển thời cận đại và quyền lợi trên biển thời hiện đại phản ánh khá đầy đủ những ảnh hưởng lớn của biển đến tiến trình lịch sử của Trung Quốc và tính quan trọng của việc phát triển ra biển của Trung Quốc.
Ý nghĩa của lãnh thổ biển đối với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai:
Phát triển cải cách và xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc trong 30 năm qua chủ yếu là loại phương thức còn thô sơ. Đặc điểm lớn nhất của phương thức này là sản xuất kinh tế do sự hao phí năng lượng lớn đem lại. Đồng thời do các nguồn tài nguyên có giới hạn. Do đó kinh tế Trung Quốc đi vào ngõ cụt của sự phát triển. Ngõ cụt này biểu hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và sự thiếu hụt những nguồn tài nguyên ngày càng nổi bật. Một mặt tỉ lệ tài nguyên trên đầu người của người dân Trung Quốc rất thấp, mặt khác trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc do kỹ thuật còn tương đối lạc hậu nên tỉ lệ sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên còn tương đối thấp. Theo thống kê của các chuyên gia trong ngành, tỉ lệ sử dụng tổng hợp tài nguyên nước và khoáng sản của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 25% tỉ lệ của các quốc gia phát triển, bằng xấp xỉ 55% trình độ trung bình của các quốc gia đang phát triển, cũng có nghĩa là lượng tài nguyên hao phí cho 1 đơn vị GDP của Trung Quốc bằng 5 lần con số của các quốc gia phát triển, bằng 3 lần lượng tài nguyên hao phí của các quốc gia đang phát triển. Theo “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, 5 năm trong tương lai, thực hiện tăng 50% tổng lượng kinh tế, điều đó có nghĩa là Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ năng lượng và tài nguyên lớn. Mà trong khi đó, tỷ lệ tự cung các nguồn tài nguyên, năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Bắt đầu từ năm 1993, từ một nước xuất khẩu dầu, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu. Theo thống kê của các ngành có liên quan, tỉ lệ tự cung nguồn dầu trong nước sẽ từ con số 82% năm 2000 giảm xuống 60% năm 2020. Các quặng sắt lớn và các quặng dự trữ siêu lớn ít dần, nguồn tài nguyên đang có và cần phải bảo vệ thiếu hụt nghiêm trọng, lớp quặng ít dần, chi phí khai thác cao. Những năm gần đây, sản lượng các quặng ở Trung Quốc không còn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng sản lượng gang thép của nước này. Với tốc độ khai thác hiện nay, lượng tài nguyên, quặng sắt chỉ còn đủ dùng trong 40 năm nữa. Mà ở dưới biển không chỉ có tài nguyên dầu mỏ phong phú mà còn có cả than, mangan, sắt, niken, coban, đồng, băng cháy… Đi ra biển khai thác các nguồn tài nguyên, năng lượng sẽ là sự lựa chọn tất yếu cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc.
Thứ hai, hiện tượng đất chật người đông ngày càng nổi bật. Trung Quốc là một nước đông dân, thế nhưng lượng đất có thể sử dụng trên thực tế rất ít. Số lượng thống kê có liên quan đã chỉ rõ, diện tích đất bình quân đầu người trên thế giới là 44,5 mẫu nhưng bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ đạt 12,4 mẫu- thiếu khoảng 32,1 mẫu so với mặt bằng chung của thế giới. Diện tích đất canh tác bình quân thế giới là 4,8 mẫu còn của Trung Quốc chỉ đạt 1,3 mẫu- còn kém 3,5 mẫu so với mặt bằng chung. Diện tích đồng cỏ trên đầu người của thế giới là 10,4 mẫu còn của Trung Quốc chỉ đạt 5,2 mẫu, kém đến 5,2 mẫu. Diện tích đất rừng trên đầu người của thế giới là 13,6 mẫu, của Trung Quốc chỉ đạt 1.6 mẫu, kém đến tận 12 mẫu. Mâu thuẫn đất chật người đông không chỉ kiềm chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Biển mặc dù không thể cung cấp trực tiếp cho chúng ta đất đai thực tế, nhưng nó có thể cung cấp cho chúng ta những không gian sinh sống đặc thù, đó cũng là một nguồn tài nguyên đất đặc thù.
Thứ ba là mâu thuẫn giữa mô hình kinh tế mở cửa và sự khó khăn trong những tuyến đường. Trung Quốc đã là một nền kinh tế mở, một nền kinh tế mở có mối quan hệ vô cùng mật thiết với bên ngoài. Điều này yêu cầu một đường giao thông trên biển thông thoáng không bị gián đoạn để đảm bảo chắc chắn mối liên hệ kinh tế với bên ngoài. Mà trên lĩnh vực vận tải trên biển ta thấy rằng, 80% vận tải trên biển của Trung Quốc phải thông qua con đường eo biển Malacca. Do đó đường giao thông trên biển tại Biển Đông là con đường “sinh mệnh” của Trung Quốc. Đầu tiên đó là con đường vận chuyển năng lượng quan trọng của Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào năng lượng bên ngoài của Trung Quốc không ngừng gia tăng, mà trước khi khai thông tuyến đường Trung Quốc – Myanmar, 70% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đều phải thông qua tuyến đường Malacca. Đầu tiên, con đường hàng hải qua Biển Đông cũng là con đường quan trọng của mậu dịch ngoại thương Trung Quốc. Đa phần mậu dịch ngoại thương của Trung Quốc đều thực hiện qua đường biển. Những đội tàu vận tải viễn dương của Trung Quốc đã qua lại tới hơn 600 hải cảng của 150 quốc gia và khu vực mà đa số đều thông qua con đường Biển Đông. Do đó Biển Đông là con đường “sinh mệnh” của thương mại Trung Quốc.
Thế nhưng, con đường eo biển Malacca là nơi bọn cướp biển hoạt động một cách hung hăng. Cục Hàng hải quốc tế cho biết, các vụ hải tặc cướp bóc diễn ra tại eo biển Malacca chiếm 56% tổng số vụ hải tặc trên tòan thế giới, những vụ việc trên vẫn chỉ là những vụ án đã được biết đến (tức là còn nhiều những vụ việc khác chưa được ai biết). Theo thống kê, ít nhất có đến một nửa các vụ việc bị tấn công, cướp bóc chưa được báo cáo. Hoạt động tấn công, cướp bóc ngày càng hung hăng của bọn cướp biển đã biến một con đường biển tấp nập, phồn thịnh nhất thế giới trở thành một eo biển nguy hiểm nhất. Mà khu vực eo biển Malacca vẫn luôn là nơi các nước lớn ra sức gây ảnh hưởng. Nước Mỹ luôn duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Biển Đông, các quốc gia trong khu vực này có mối quan hệ cao cấp với các lực lượng quân sự trên. Tại Đông Nam Á, nước Mỹ đã có những điều ước đồng minh lâu dài với các nước Phillipines và Thái lan. Nước Mỹ xưa nay vẫn quan tâm đến an ninh hàng hải tại Biển Đông. Nhưng điều chủ yếu mà Mỹ quan tâm không phải là vấn đề nạn hải tặc mà là các phần tử khủng bố và sự vận chuyển các loại vũ khí mang tính hủy diệt hàng loạt và giám sát các hoạt động có liên quan tới các nước lớn mới nổi như Trung Quốc. Do đó có thể thấy, giữa vùng Biển Đông thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương,con đường hàng hải đi qua Biển Đông không chỉ là nơi vận chuyển dầu mỏ và thương mại của đại đa số các quốc gia ở châu Á mà còn có vai trò quan trọng đối với giao thông “kinh tế- quân sự” của nhiều quốc gia ở khu vực khác. Do đó an ninh hàng hải qua Biển Đông nhận được sự quan tâm của các nước trên thế giới.
Chuỗi đảo “bị khóa” trên biển ức chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc:
Trung Quốc là quốc gia “lục địa” cũng là một quốc gia “biển”. Trung Quốc có 3.000.000 km2 biển, đường bờ biển dài 18.000 km, đứng thứ 4 trên thế giới, có 200 hải lí khu vực đặc quyền kinh tế- đứng đầu thế giới. Thế nhưng một bộ phận lãnh hải tương ứng của vẫn chưa thuộc về Trung Quốc, trong đó có khoảng 12.000.000 km2 biển và các vùng tranh chấp tồn tại với các nước xung quanh.
Ở Biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và Nhật Bản tồn tại tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku), đảo này nằm ở phía Đông, thềm lục địa Hoa Đông của Trung Quốc, thực ra là phần kéo dài của núi lửa Đại Đồn – Đài Loan. Dựa vào quan điểm của “Công ước thềm lục địa ” có hiệu lực từ những năm 60 của thế kỷ XX, về lý, đảo Điếu Ngư (Senkaku) là bộ phận của đảo Đài Loan. Đảo này có diện tích 6,344 km2, nhưng diện tích khu vực biển xung quanh đảo lại là 17.000 km2, gấp 5 lần diện tích đảo Đài Loan.
Ngoài ra trên vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản còn xảy ra tranh chấp các nguồn dầu khí. Thềm lục địa biển Hoa Đông nằm ở giữa 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, là phần khéo dài lãng thổ tự nhiên của đại lục Trung Hoa. Thềm lục địa biển Hoa Đông cũng ẩn chứa nhiều nguồn tài nguyên phong phú như: thủy sản, dầu mỏ, khí tự nhiên và các nguồn khoáng sản tự nhiêm hiếm. Thế nhưng phía Nhật Bản cho rằng mỏ dầu khí tự nhiên ẩn chứa không chỉ thuộc về phía Trung Quốc mà còn kéo dài đến lãnh thổ của Nhật Bản. Do đó chính phủ Nhật Bản phản đối phía Trung Quốc đơn phương khai thác khí tự nhiên, nhiều lần đem chuyện mỏ dầu khí biển Hoa Đông gây sự với Trung Quốc.
Tại khu vực biển Hoàng Hải, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc tồn tại tranh chấp xung quanh vấn đề bãi đá ngầm Suyan. Bãi đá ngầm Suyan nằm ở phía Bắc biển Hoa Đông, là một bộ phận kéo dài ra biển của thềm lục địa Giang Tô, là một bãi đá ngầm nằm dưới mặt nước. Phía cực Nam mà Hàn Quốc công nhận là đảo Mã La (126E, 33N), ở đó có dựng bia đá ghi rõ “Cực Nam của nước Đại Hàn Dân Quốc”, đây cũng là cách nói mà phía Hàn Quốc công nhận. Thế nhưng bãi đá ngầm Suyan lại nằm cực Nam của đảo Mã La (125010’56”81 Kinh Đông; 3207’22”63 Vĩ Bắc), điều này cũng được cộng đồng quốc tế xem là một trong chứng cứ có sức thuyết phục chứng minh bãi Suyan thuộc về Trung Quốc.
Đến khu vực Biển Đông, Trung Quốc có nhiều tranh chấp hơn với các nước xung quanh. Quyền lợi biển của Trung Quốc có thể xem như sau: Thứ nhất, chỉ vùng biển rộng hơn 3.000.000 km2 của Trung Quốc; Thứ hai, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thế giới có an ninh tuyệt đối của Trung Quốc đối với con đường vận chuyển trên biển cho việc vận chuyển năng lượng và trao đổi xuất nhập khẩu thương mại. Tuy nhiên, sự tồn tại những điểm tranh chấp các đảo trên biển đã trở thành một “quả cân” nặng để Mỹ và các nước lớn phương Tây kiềm chế Trung Quốc. Những điểm tranh chấp do chuỗi đảo gồm các quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryu Kyu, đảo Đài Loan, quần đảo Phillipines tạo thành đã khóa chặt vùng biển gần đại lục Trung Hoa, thu hẹp vào một vùng biển bên trong các biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Biển Đông, tạo thành chuỗi đảo khóa chặt sự “trỗi dậy” của Trung Quốc; khiến cho sức mạnh trên biển của Trung Quốc không thể tiến ra Tây Thái Bình Dương, biển Nhật Bản, Ấn Độ dương… Điều này quyết định đến những xung đột chiến lược chủ yếu đến từ biển đối với Trung Quốc trong tương lai.
Tư duy mới về chiến lược biển của Trung Quốc:
Bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc, phòng ngừa xung đột trên biển… trên phương diện khách quan, đã bắt buộc Trung Quốc không chỉ nhu cầu một chiến lược mới về biển của mình mà còn phải có tư duy mới về chiến lược biển trong khi xây dựng chiến lược mới về biển.
Đầu tiên, phải phát triển mạnh mẽ hải quyền của Trung Quốc, tăng cường việc xây dựng lực lượng viễn dương. Đây là việc làm tất yếu và quan trọng duy trì lợi ích của quốc gia sau khi đã tăng cường thực lực về kinh tế. Keohane và Joseph Nye đã coi hai vấn đề về biển và vấn đề về tiền tệ là hai nhân tố lớn chủ yếu ảnh hưởng tới đại cục của thế giới. Trung Quốc không thể không thừa nhận những gì rõ ràng mà hai học giả người Mỹ đã nhìn thấy trước, họ đã sớm dự đoán được tính quan trọng của hai nhân tố lớn trên. Hiện nay, “chiến tranh tiền tệ” toàn cầu- đặc biệt là “chiến tranh tiền tệ” với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã nổ ra toàn diện, mà vấn đề biển ngày càng diễn ra gay gắt trong vùng biển thuộc Trung Quốc. nếu có một chút lơ là, vấn đề biển sẽ “phá hủy” chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Nước Mỹ kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, thế nhưng trên lĩnh vực kinh tế, các nước từ ASEAN đến Nhật Bản và Hàn Quốc lại vẫn đón “chiếc xe thuận gió” từ sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, các nước này đã thu lại không ít những lợi ích kinh tế. Nhưng trên lĩnh vực chính trị, các nước này vẫn có thành kiến với Trung Quốc, thiếu niềm tin đầy đủ với sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Cho nên, các nước này thường gây ra những sự cố tại các quần đảo thuộc vùng biển Đông, lấy những hành động này để tiến hành “thăm dò” Trung Quốc. Những nước này dám tiến hành “thăm dò” Trung Quốc là do: Thứ nhất, mượn sự giúp đỡ từ một vài lực lượng của Mỹ; Thứ hai, lực lượng trên biển của Trung Quốc còn chưa thực sự lớn mạnh cần thiết, đặc biệt chưa có lực lượng viễn dương lớn mạnh. Đây là điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc sau khi đã có nền kinh tế phát triển mạnh.
Thứ hai, “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, nhưng trước đó là “chủ quyền của tôi”. Trung Quốc đề xướng ra “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” trong một thời gian dài trở lại bị một vài nước khác lợi dụng và xem là “Gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Thậm chí dẫn đến các nước có liên quan tranh đoạt chủ quyền của Trung Quốc. độc lập hành động khai thác trên thực tế. Vế trước của “Gác lại tranh chấp” mà Trung Quốc đề xướng là “chủ quyền của tôi”. Nếu chủ quyền không phải là của Trung Quốc, Trung Quốc quyết không tranh chấp với bất cứ quốc gia nào. Điều này thể hiện rõ sự “khoan dung” của Trung Quốc. điều này cũng chứng minh Trung Quốc luôn luôn thực hiện nền ngoại giao và quốc phòng “hướng nội”. “Khoan dung” ở đây là mặc dù là thứ thuộc về Trung Quốc nhưng các quốc gia khác vẫn được hưởng. Trung Quốc có thể dừng không bàn đến vấn đề “thuộc về nước nào” chỉ thừa nhận hiện thực khách quan (tức là “chủ quyền của tôi”). Nhưng nếu khai thác chưa ra lợi ích , Trung Quốc có thể chia sẻ với các quốc gia có liên quan (tức là “Cùng nhau khai thác”). Do vậy, “Gác lại tranh chấp” tuyệt đối không phải là “Gác lại chủ quyền”, mà là dưới tiền đề “Chủ quyền của tôi” tiến hành “Cùng nhau khai thác”. Cái gọi là “hướng nội” ở đây tức là bất kể trên hoạt động quân sự hay hoạt động ngoại giao, Trung Quốc đều không mong muốn “khuếch trương, mở rộng” mà chỉ là giữ “nhất mẫu tam phân” (từng tấc, từng thước) đất của mình; quyết không tiến hành “độc chiếm đất” theo kiểu Chủ nghĩa Bá Quyền.
Thứ ba, Trung Quốc kiên trì “phát triển hòa bình” nhưng tuyệt nhiên không phải là Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng. Phát triển hòa bình là chiến lược Trung Quốc kiên định không thay đổi, nhưng chiến lược phát triển hòa bình không có nghĩa Trung Quốc có thể “mù quáng nhân nhượng”, từ đó sa vào “Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng”. Hiện nay, thách thức trực tiếp tạo ra với chiến lược Phát triển hòa bình của Trung Quốc chính là vấn đề các quần đảo ở Biển Đông. Nếu như Trung Quốc là nước lớn “có khí phách” lại không thể bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông, do “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc của phương Tây” mà không dám có hành động bảo vệ chủ quyền….Vậy thì, “Chủ nghĩa Hòa bình lý tưởng” sẽ “phá hủy” Chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc. Do đó trên vấn đề chủ quyền tại biển Đong (Nam Hải) “Cứng rắn” ở mức độ nhất định là có lợi cho Chiến lược phát triển hòa bình.
Cuối cùng, phải tăng cường quan niệm về hải quyền, xây dựng ý thức hoàn tòan mới về hải quyền. Điều quan trọng trong quan niệm về hải quyền không phải là chuyển sự chú ý vào 3 triệu kilomet hải phận mà bỏ qua 9.600.000 km diện tích đất liền. Tư duy hoàn toàn mới về hải quyền chính là Trung Quốc phải thoát ra khỏi “Chuỗi đảo thứ nhất”, “tự tin” và “hùng dũng” tiến vào Thái Bình Dương. Mấu chốt của việc tiến vào Thái Bình Dương là Đài Loan. Do đó tư duy mới về chiến lược biển phải đưa Đài Loan lên vị trí quan trọng hàng đầu. Cũng có thể nói phải cân nhắc việc liên kết hai vấn đề “Thống nhất hai bờ” và “Tư duy mới về chiến lược biển” với nhau. Trên tầng ý nghĩa này có thể thấy rằng ngày để giải quyết Vấn đề hai bờ là thời gian Trung Quốc thực hiện “Tư duy biển”.
Nhìn chung, những luận điệm biện minh trên của giới học giả Trung Quốc cũng chỉ nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế, cố tình bao biện cho chủ trương, hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như các vùng biển khác.