Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc đua pháo điện từ giữa Mỹ và TQ: Tác động, ảnh...

Cuộc đua pháo điện từ giữa Mỹ và TQ: Tác động, ảnh hưởng lớn đến tranh chấp Biển Đông

Kể từ năm 2010 đến nay, Mỹ và Trung Quốc liên tục công bố thông tin, hình ảnh và kế hoạch về phát triển pháo điện từ (pháo ray điện từ trường). Việc hai cường quốc hàng đầu thế giới tìm mọi cách để sở hữu loại vũ khí được coi là nguy hiểm hàng đầu này sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông.

Mô hình pháo điện từ của Mỹ

Pháo điện từ – bước đột phá của hỏa lực hải quân

Ngày nay hải quân có 3 loại hình yểm trợ hỏa lực gồm pháo hạm, tên lửa hành trình và không quân hải quân, trong đó không quân hải quân đảm nhiệm vai trò tiến công chủ lực. Theo các chuyên gia quân sự, việc sử dụng kết hợp giữa pháo và tên lửa hành trình, trong đó pháo đảm nhận nhiệm vụ chi viện hỏa lực chủ yếu là một giải pháp hiệu quả cao.

Pháo chính xác tầm xa có thể tạo ra một cuộc cách mạng so với các hệ thống pháo hiện nay. Tuy nhiên chúng lại không thể đảm nhiệm tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu do tầm bắn hạn chế. Áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay có thể làm tăng tầm bắn của các hệ thống pháo, nhưng lại làm gia tăng chi phí đáng kể.

Bị hạn chế bởi giới hạn vật lý và chi phí, các hệ thống pháo thông thường hiện đã đạt tới giới hạn về tầm bắn. Mặc dù đạn tăng tầm có điều khiển ra đời đã nối dài tầm bắn của các hệ thống pháo thông thường, song yêu cầu về kích thước, nhiên liệu và thuốc nổ làm cho chi phí của loại đạn này khá cao. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa là phương tiện tốt hơn đạn pháo tăng tầm trong việc tiến công các mục tiêu từ khoảng cách trên 100 km. Tuy nhiên giá thành của tên lửa cũng không hề rẻ và số lượng tên lửa mà các chiến hạm mang theo cũng chỉ giới hạn ở con số từ vài chục cho đến khoảng 100 quả.

Pháo điện từ được coi là giải pháp yểm trợ hỏa lực tầm xa không thông thường hiệu quả nhất. Sơ tốc của đạn tăng lên chính là nhân tố chủ yếu để tăng tầm bắn, uy lực sát thương và khả năng phản ứng vì pháo điện từ không sử dụng liều phóng hoặc thuốc nổ. Trong thế kỷ 21, nhiệm vụ tiến công của hải quân sẽ tăng lên, bao gồm tiến công tung thâm, ngăn chặn, yểm trợ không chiến tầm gần và yểm trợ hỏa lực trên biển. Pháo điện từ được coi là phương tiện thích hợp với nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực trên biển. Nếu so sánh một pháo điện từ tốc độ đạn Mach 7, nhịp bắn 6 phát/phút với các máy bay F/A-18 trên tàu sân bay thì pháo điện từ có thể bắn một khối lượng đạn gấp 2 lần, tạo ra uy lực sát thương gấp 3 lần và số lượng mục tiêu gấp 10 lần so với F/A-18.

Pháo điện từ là gì?

Pháo ray điện từ trường (Railgun) sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó. Về nguyên tắc, pháo ray điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi. Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn.

Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Pháo ray điện từ trường từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao.

Những viên đạn (có thể là đạn dưới cỡ), sử dụng trong pháo ray của Trung Quốc có giá thành mỗi quả từ 25.000 – 50.000 USD, các nhân viên tình báo cho biết. Dù đây không phải là một so sánh chính xác vì mỗi loại vũ khí sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tên lửa hành trình Tomahawk chống tàu của Mỹ có giá thành ước tính là 1,4 triệu USD, nhưng tên lửa Tomahawk có thể bị đánh chặn, còn đạn Railgun thì không thể.

Thực tế, nguyên tắc hoạt động của pháo điện từ đã được phát hiện từ rất lâu, nhưng do những rào cản về kỹ thuật, đặc biệt là cần nguồn cung năng lượng điện cực lớn, nên việc áp dụng nó vào thực tế không phải là việc dễ dàng. Có thể lấy ví dụ ở dòng pháo ray điện Hải quân Mỹ đang phát triển, nó cần nguồn năng lượng điện tới 25 Megawatt. Để mang được khẩu pháo tối tân này cần chiến hạm cỡ lớn không phải đơn giản để chở theo khẩu pháo, mà là chở các máy phát điện cung cấp năng lượng cho chúng. Cũng chính vì lý do này, khu trục hạm lớp Zumwalt với lượng choán nước tới 200.000 tấn với hệ thống động cơ phát điện gas-turbin mới đủ khả năng cung cấp năng lượng cho các tổ hợp pháo ray điện hoạt động.

Một số ưu, nhược điểm của pháp điện từ

Pháo ray điện từ về nguyên lý sử dụng nguyên tắc đảo chiều từ trường để tạo lực đẩy điện từ giúp tạo sơ tốc cực lớn cho đầu đạn (xuyên phá động năng) nằm giữa hai ray điện. Hệ thống sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng điện nên kết cấu hệ thống đơn giản và tận dụng không gian vốn rất hạn chế trên hạm để mang được cơ số đạn chiến đấu lớn hơn. Công nghệ sử dụng khả năng sát thương động năng này cũng không bị ảnh hưởng của các yếu tố thời gian hay thời tiết. So với tên lửa, pháo ray điện có nhiều lợi thế về chi phí sử dụng rẻ, bảo quản dễ dàng và hiệu năng chiến đấu cao. Thực tế, chiến hạm dù có lớn tới đâu cũng chỉ mang được một số lượng đạn tên lửa nhất định. Khi sử dụng hết để nạp lại, chiến hạm buộc phải quay về cảng hoặc hệ thống chuyên dụng để nạp đạn. Pháo ray điện không cần điều này vì cơ cấu đạn nhỏ, có thể dễ dàng vận chuyển như đạn pháo thông thường, thậm chí là tiếp vận ngay trên biển. Trong tác chiến, đạn tên lửa có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố gây nhiễu có thể trượt mục tiêu nếu hệ thống dẫn đường bị vô hiệu hóa. Đối với pháo ray điện thì không. Khả năng bay thuần quán tính, tốc độ siêu thanh, đầu đạn tấn công có phản xạ tiết diện nhỏ nên việc ngăn chặn hoặc gây nhiễu chúng gần như là không thể. 

Về giá thành, mỗi tên lửa tấn công có giá tới hàng trăm tới hàng triệu USD cho mỗi đơn vị, còn mỗi đơn vị đạn pháo ray điện từ sử dụng chỉ khoảng vài chục nghìn USD. Trong khi đó, tầm bắn của pháo ray điện đã đạt gần tương đương so với các dòng tên lửa phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, pháo ray điện cũng có những yếu điểm về việc cần nguồn cung năng lượng lớn, khi tạo lực đẩy từ trường kháng trở của hệ thống dây dẫn phát nhiệt rất lớn gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động ổn định trong thời gian dài. Những yếu tố này đang được khắc phục nhờ sự tiến bộ của công nghệ vật liệu mới và siêu dẫn. Với những ưu thế vượt trội so với các dòng vũ khí hải quân truyền thống hiện nay, việc pháo ray điện từ xuất hiện có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong khái niệm tác chiến hải quân.

Giới chuyên gia nhận định, do pháo điện từ sử dụng lực điện từ để bắn đi các quả đạn kim loại với tốc độ siêu thanh (từ Mach 4 đến Mach 7). Điều này cho phép nó bắn đạn được xa hơn và gây ra tổn thất lớn hơn các loại đạn dùng lực đẩy của thuốc súng. Các tàu chiến được trang bị pháo điện từ đều sẽ có sức mạnh vô hiệu hóa “gần như bất cứ tàu nào của đối phương ngay tức thì”. Chuyên gia Justin Bronk tại Viện nghiên cứu Royal United Services nhận định nếu như mẫu pháo điện từ trên chứng minh được khả năng hoạt động, thì Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khả triển khai loại đạn siêu vượt âm với khả năng làm vô hiệu hóa hạm đội của đối phương trước khi cuộc chiến toàn diện nổ ra. Điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh lợi thế ở nhiều khu vực tranh chấp trên thế giới. Bên cạnh đó, theo ông Bronk, đạn pháo điện từ rẻ hơn và dễ tích trữ hơn ngư lôi hoặc tên lửa. Chúng dễ đánh trúng vào các tên lửa của đối phương hơn, điều đó khiến chúng trở nên ưu việt hơn bất cứ loại vũ khí nào đang được lắp đặt trên các tàu tuần dương hoặc tàu khu trục hiện nay. Tuy nhiên, pháo điện từ đòi hỏi một lượng điện rất lớn để vận hành. Vì thế, tàu chiến cần phải có thiết kế chuyên biệt để lắp đặt được nó.

Đánh giá về pháo ray điện, nhiều học giả quốc tế, trong đó có Nga nhận định pháo ray điện về bản chất là bước đệm và nền tảng cho các dòng vũ khí sử dụng năng lượng điện từ trong tương lai, chứ không phải là vũ khí mang tính cách mạng. “Nó có thể được lắp đặt trên tàu chiến và tấn công nhiều dạng mục tiêu khác nhau, nhưng thực sự hiện nay nó còn rất cồng kềnh. Dải nhiệm vụ của dòng vũ khí này rất hẹp”, chuyên gia Học viện Tên lửa và pháo binh Nga, Constantine Sivkov nhận xét. Còn theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga, Yuri Knutov, pháo ray điện chỉ có hiệu quả trong nhiệm vụ phá hủy… lô cốt, bongkee của đối phương. Mỹ có thể nhanh chóng sản xuất pháo ray điện trong vòng 10-15 năm tới. Pháo ray điện hiện tại mới chỉ thể hiện ở các ưu điểm về sơ tốc đầu đạn và chi phí thấp do không còn sử dụng thuốc nổ truyền thống.

Quá trình nghiên cứu, chế tạo của Trung Quốc

Pháo ray điện từ trường của Trung Quốc xuất hiện trên truyền thông lần đầu tiên năm 2011, được bắt đầu đưa vào thử nghiệm năm 2014. Từ năm 2015 đến 2017, vũ khí nguyên tắc vật lý mới được các nhà khoa học quân sự Trung Quốc tinh chỉnh để mở rộng phạm vi tấn công và tăng cường khả năng phá hủy. Tháng 12/2017, pháo ray điện từ trường được gắn thành công trên một chiến hạm nổi và bắt đầu thử nghiệm trên biển, một kỳ tích mà các cường quốc quân sự, không nước nào đạt được. Các chuyên gia Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành thử nghiệm trên biển và hoàn thiện thiết kế năm 2023.

Theo giới chức tình báo Mỹ, Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm pháp điện từ lắp đặt trên biển. Tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo điện từ có vẻ là tàu đổ bộ tăng Haiyangshan (Type 072 lớp Yuting). Con tàu dài 120m này thường vận chuyển xe tăng và trực thăng thực hiện các hoạt động tác chiến đổ bộ, nó có thể vận chuyển được 4.800 tấn hàng hóa. Tàu được trang bị 3 tổ hợp pháo phòng không 37mm H / PJ76F. Tất cả các tàu đổ bộ 072III đều do nhà máy đóng tàu Zhonghua Thượng Hải sản xuất. Haiyangshan có lẽ là đã được sửa đổi đặc biệt để lắp đặt được hệ thống cung cấp điện và hệ thống làm mát nhằm hỗ trợ vận hành pháo điện từ.

Quá trình nghiên cứu, chế tạo của Mỹ

Từ giữa những năm 2000, Mỹ đã chi hàng trăm triệu dành cho chương trình súng điện từ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia của Mỹ năm 2019 có dành 20 triệu USD đầu tư cho chương trình súng điện từ của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Ủy ban Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định nếu thông tin trên là chính xác, khẩu súng có thể đã “đi vào hoạt động trong vòng một hoặc hai năm”.

Mỹ hiện tại là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực pháo ray điện từ và đã cho ra mắt 2 mẫu súng ray điện do hãng General Atomics và BAE Systems phát triển. Các nguyên mẫu này đã bắn thành công các đầu đạn nặng tới 9kg với sơ tốc rời nòng đạt Mach 7 và tầm bắn đạt tới 160 km. Mỹ dự kiến sẽ giới thiệu các mẫu pháo ray điện từ nâng cấp trong năm 2016 uy lực hơn với công suất cực đại đạt 32 Megawatt. Sau khi hoàn thiện, pháo ray điện sẽ được trang bị trước tiên trên các khu trục hạm lớp Zumwalt.

Theo hãng tin CNBC, Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ có pháo điện từ sẵn sàng tác chiến vào năm 2025. Theo chuyên gia Andrey Leonkov, Mỹ đang tập trung phát triển pháo điện từ không plasma. Trong một thí nghiệm mới đây, một khẩu pháo điện từ của Mỹ đã bắn thành công một viên đạn nặng 10kg với tốc độ 2,5km/s. Pháo điện từ được cho là có thể định nghĩa lại chiến tranh tương lai. Một vũ khí như thế có thể thay thế tên lửa hành trình hay đạn pháo thông thường ở tầm bắn 300-400km. Thậm chí theo Izvestia, pháo điện tử có thể sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Giới chức Hải quân Mỹ tuyên bố, việc trang bị pháo ray điện có thể sẽ thay đổi nguyên tắc các cuộc hải chiến trong tương lai. Đây sẽ là vũ khí giúp Mỹ tiếp tục vị trí siêu cường của mình và kiểm soát các đại dương.

Trong khi đó, trang tin Scout Warrior dẫn lời các quan chức của Lầu Năm Góc cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh chương trình phát triển đạn siêu tốc (HVP). HVP là một loại đạn pháo công nghệ cao, với sự giúp đỡ của các bao dẫn khác nhau (thành phần dẫn đạn trong nòng) mà nó có thể được bắn đi từ pháo 127 mm, 155 mm, hoặc từ hệ thống vũ khí EM. Trong tất cả các trường hợp phần đầu đạn là như nhau. HVP có thể chống lại một loạt các mục tiêu – mặt đất, mặt nước hay trên không. Đạn HVP tương lai sẽ được sử dụng trong cả tác chiến phòng không, mục tiêu của nó bao gồm cả tên lửa đạn đạo và các loại đạn dẫn đường. Đạn có thể mang lõi xuyên Wolfram để phá hủy mục tiêu bọc giáp hoặc lắp đầu nổ mảnh nhằm sát thương sinh lực địch. Đạn có chiều dài đến 610 mm và nặng 12,7 kg. Hệ thống dẫn đường của HVP hiện vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên có thể thấy rằng đạn được lắp thiết bị điện tử có độ bền cao nhằm đảm bảo chịu được gia tốc cực lớn khi bắn.

Ban đầu, đạn HVP được thiết kế dành riêng cho pháo ray điện từ (railgun) của Hải quân Mỹ nhưng nay, nó có thể được sử dụng trên các hệ thống vũ khí hiện có như pháo tự hành. Pháo ray điện từ sử dụng lực điện từ để phóng đạn HVP, tạo ra sơ tốc tới 8.000km/h, và đạt tầm bắn 160-180 km. Đạn HVP phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng từ vụ va chạm với tốc độ siêu cao. Đạn như vậy không cần đến chất nổ. Loại đạn đặc biệt này có thể sử dụng trên các loại pháo truyền thống cỡ nòng 5 inchs. Công nghệ lực đẩy điện từ cho phép HVP có sơ tốc đầu đạn lớn hơn các loại pháo truyền thống, nhưng chậm hơn so với đạn trên pháo ray điện. Hải quân Mỹ có kế hoạch đến năm 2020 sẽ trang bị pháo ray điện từ cho các tàu khu trục lớp Zumwalt (DDG 1000) và các tàu tuần dương.

Ngoài ra, hướng phát triển pháo ray điện trong tương lai có thể được áp dụng trên xe tăng. Với khả năng cung cấp lực đẩy lớn hơn nhiều lần so với pháo truyền thống, pháo ray điện sẽ tạo ra cuộc cách mạng khi được trang bị trên các phương tiện chiến đấu trên bộ, trong đó có xe tăng. Đánh giá về hướng phát triển này, Tư lệnh Lục quân Mỹ, tướng Mark Milly cho biết: “Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của sự thay đổi cơ bản về bản chất của các loại vũ khí lục quân”.

Pháo điện từ sẽ sẽ khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, mất kiểm soát

Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại. Thời gian tới, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đưa số vũ khí trên đến những vùng biên như Tây Tạng, Tân Cương, Biển Đông, biển Hoa Đông. Tuy nhiên, thời điểm triển khai số vũ khí trên còn là một ẩn số đối với các nước. Theo các tài liệu của giới tình báo Mỹ trong năm 2018 được kênh CNBC tiết lộ, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng Trung Quốc có khả năng lắp đặt súng điện từ trên tàu khu trục từ năm 2025.

Theo văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ, súng điện từ thực sự là “nhân tố thay đổi cuộc chơi trên mặt trận”. Kênh RT (Nga) đánh giá súng điện từ có thể chuyển cán cân sức mạnh hải quân từ hàng không mẫu hạm sang tàu chiến mặt nước.

Trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động trên của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang trong khu vực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để triển khai phi pháp hệ thống vũ khí điện từ ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm, có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Không những vậy, nếu Trung Quốc đơn phương triển khai hệ thống vũ khí điện từ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép) sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động (triển khai vũ khí, quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới