Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiặc phương Bắc và dấu ấn Pol Pot trong cuộc xâm lăng...

Giặc phương Bắc và dấu ấn Pol Pot trong cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1979: Nỗi đau hằn dấu trong tim

Từ cuối năm 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động, xây dựng căn cứ, hệ thống kho trạm, vận chuyển tập kết vật chất, sơ tán dân về phía sau. Đồng thời, thực hiện các hoạt động nghi binh, đề ra kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học” và chuẩn bị chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”.

Giặc Tàu bị bắt làm tù binh

Trung Quốc bảo vệ chế độ diệt chủng Pol Pot khi xâm lăng Việt Nam

Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và ngay từ những ngày đầu, chính phủ nước này đã áp dụng chính sách ngoại giao nghiêng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa. Chính sách này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1959 – 1969, quan hệ Trung -Xô -Mỹ có những diễn biến phức tạp, bắt đầu từ sự rạn nứt trong quan hệ Trung – Xô, đỉnh điểm là cuộc xung đột biên giới năm 1969. Trái ngược với mâu thuẫn sâu sắc trong quan hệ Trung – Xô, quan hệ Trung – Mỹ xích lại gần nhau hơn và sự kiện Tổng thống Mỹ Nixon thăm Bắc Kinh vào tháng 2/1972 được coi là một “cột mốc quan trọng làm xoay chuyển cục diện thế giới”. Trong lúc mâu thuẫn Trung – Xô sâu sắc, quan hệ Việt – Xô lại phát triển ngày càng mạnh mẽ, đã tác động mạnh đến những tính toán chiến lược của Trung Quốc. Ngày 3/11/1978, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Ngày 17/4/1975, tập đoàn Pol Pot lên nắm quyền ở Campuchia, lập ra nhà nước “Campuchia dân chủ” thực hiện chính sách diệt chủng cực kỳ tàn bạo ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, bảo vệ nhân dân Campuchia, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ cho Việt Nam.

Trước hành động xâm lược và diệt chủng tàn bạo của chế độ Pol Pot, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đập tan các hành động xâm lược, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Campuchia vào ngày 7/1/1979. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot đã đẩy sự căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên đỉnh điểm.

Để bảo vệ chế độ diệt chủng Pol Pot, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế hiện hành, mang quân sang xâm lược biên giới phía Bắc nước ta nhằm thực hiện được 5 ý đồ: (i) Cứu chế độ diệt chủng Pol Pot, giữ Campuchia trong quỹ đạo của họ (mục tiêu chủ yếu). Ý đồ là chiếm một số khu vực đất đai của ta ở gần biên giới, nếu ta sơ hở sẽ tiến vào sâu, buộc ta phải đàm phán, đòi ta rút quân khỏi Campuchia để đánh đổi việc họ rút quân. Mức thấp là đánh để buộc Việt Nam vì lo bảo vệ miền Bắc sẽ phải rút quân khỏi Campuchia, tạo điều kiện cho quân Pol Pot bảo toàn lực lượng, giữ được các căn cứ, đẩy mạnh hoạt động, hòng khôi phục lật lại chính quyền Campuchia Dân chủ. (ii) Tranh thủ Mỹ và các nước đế quốc giúp họ xây dựng “bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quân đội và khoa học – kỹ thuật). (iii) Phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế của ta, làm ta suy yếu. Ý đồ của họ là tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang ta, nhất là khối bộ đội chủ lực, phá hoại các cơ sở kinh tế, tàn sát gây tâm lý khủng khiếp trong nhân dân ta, kích động bạo loạn, hạ uy thế quân sự, chính trị to lớn của ta sau chiến thắng 30/4/1975. (iv) Uy hiếp từ Lào về phía Bắc, làm suy yếu liên minh chiến đấu Việt – Lào, buộc Lào phải “trung lập” trong cuộc đấu tranh giữa ta và họ; phá hoại Lào toàn diện, buộc Lào theo họ chống lại ta, uy hiếp ta từ phía Tây. Đồng thời thị uy các nước Đông Nam Á, gỡ thể diện cho họ sau thất bại nặng nề ở Campuchia. (v) Thăm dò phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới để chuẩn bị cho những bước phiêu lưu sau này.

Diễn biến cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung Quốc

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. (Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân…). Hứa Thế Hữu, Tư lệnh đại quân khu Quảng Châu được cử làm tổng tư lệnh cuộc chiến tranh, trực tiếp chỉ huy hướng xâm lược Cao Bằng – Lạng Sơn. Dương Đắc Chí, Tư lệnh đại quân khu Côn Minh chỉ huy hướng Lào Cai.

Theo Niên giám châu Á 1980, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng. Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày.

Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta… Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, quyết định tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 – LCT ra lệnh Tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học”. Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân.

Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.

Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản. Phía Trung Quốc bị diệt 62.500 tên, 550 xe quân sự trong đó có 220 xe tăng, xe bọc thép (hơn một nửa số tham chiến) bị bắn cháy, 115 đại bác và súng cối hạng nặng bị phá hủy… Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.

Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra.Hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này.

Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới. Từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân của 8 trong 10 đại quân khu đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 Sư đoàn chủ lực tham chiến, chưa kể nhiều trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và tỉnh thành khác.

“Trung Quốc chọn Vị Xuyên để đánh vì có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn, chiếm được thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta. Những nơi khác như Đồng Đăng, Hữu Nghị (Lạng Sơn) là khu vực quốc tế quan sát rõ, nhưng nếu đưa lực lượng lớn vào Vị Xuyên thì ít bị chú ý. Đến giờ, có lẽ nhiều người không biết Vị Xuyên nằm ở đâu”, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1985-1989 nói.

Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509… thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 312, 316, 356 được lệnh tiến hành chiến dịch MB84, phản công giành lại các điểm cao.

Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Do địa hình bất lợi, quân Trung Quốc được hỏa lực yểm trợ mạnh, hàng nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh, riêng Sư đoàn 356 mất khoảng 600 người. Sau trận đánh, Việt Nam không lấy lại được các cao điểm đã mất, nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang.

Từ tháng 7/1984 trở đi, mặt trận Vị Xuyên không lúc nào ngơi tiếng súng, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các cao điểm. Đỉnh điểm đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km, biến cao điểm 685 thành “lò vôi thế kỷ”, có điểm bị bạt 3 m.

Bộ đội Việt Nam 7 lần thay phiên chiến đấu cấp trung đoàn, sư đoàn để giữ chốt, tổ chức bao vây, đánh lấn dũi để giành và giữ các vị trí cao điểm. Bình quân mỗi đợt đóng quân của các đơn vị kéo dài 6-9 tháng. (Trước đó, cuộc chiến phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị chỉ 82 ngày đêm, chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum 179 ngày).

Cho đến nay chưa có tài liệu chính thức công bố tổng số thương vong của hai phía trong cuộc chiến kéo dài 10 năm này. Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân. Ngày 26/9/1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Đến năm 1991, Việt – Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ

Giặc phương Bắc tàn ác không thua kém Pol Pot

Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người”, Trung Quốc đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Quân đoàn và Tập đoàn quân chủ lực thuộc 5 Đại quân khu (1 Tập đoàn quân làm nhiệm vụ dự bị chiến lược, sẵn sàng chi viện cho các hướng) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh, trong đó có 20 sư đoàn tham chiến ngay từ đầu).

Mức độ tàn ác của quân Trung Quốc khi thực hiện lệnh của Hứa Thế Hữu “sát cách vô luận”, bất kể là gặp người Việt Nam nào dù già hay trẻ, nam hay nữ đều là kẻ địch và phải giết hết.…

Từ mờ sáng 17/2 – 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu). Quân Trung Quốc đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới; giết hại nhiều dân thường vô tội như thả hơi độc vào pháo đài Đồng Đăng giết hại hơn 400 dân và thương binh; thảm sát ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, Cao Bằng, lính Trung Quốc trên đường rút quân về nước đã dùng gậy, cuốc đập sọ 43 người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và quẳng tất cả thi thể xuống giếng cổ ở thôn Tổng Chúp, Cao Bằng.

Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được các vị trí, đường phố thì phía sau là đội quân binh rất đông nhưng lại là đội quân ô hợp chuyên hôi của. Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và xuống ao để bắt cá, rồi có thể đặt mìn để phá tất cả, cầu, cống và cả những cây to ở ven đường.

Là người có mặt tại vòng vây Hoà An (Cao Bằng) ngay từ khi quân đội Trung Quốc bắt đầu đưa quân tiến vào biên giới lãnh thổ Việt Nam, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã ghi lại được gần như trọn vẹn 17 ngày đêm tàn khốc đó. Hiện nay, ông vẫn còn lưu giữ được khoảng 1.000 bức ảnh về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979). Tất cả đều là những khoảnh khắc tư liệu lịch sử quý giá. Ông không chỉ ghi lại những ký ức đau thương của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, mà còn cả những khoảnh khắc thể hiện tình cảm quân dân vô cùng xúc động, hay thái độ đối xử khoan hồng của bộ đội ta với tù binh Trung Quốc. Theo ông Trần Mạnh Thường, Dân tộc mình đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta biết thế nào là sự tàn bạo của kẻ thù. Thế nhưng nếu lính Pháp lính Mỹ giết người bằng súng bằng bom, thì lính Trung Quốc giết dân ta bằng những dụng cụ thô sơ. Họ đập đầu, chặt chân, chặt cổ… rất kinh khủng. Không những vậy, họ còn đốt kho thóc, những khu vực không hề liên quan tới cuộc chiến này như nhà trẻ, cơ quan bà mẹ trẻ em cũng bị đập phá. Đồng bào mình bị chết thì tôi cũng từng được chứng kiến, thế nhưng trong cuộc chiến tranh này, đồng bào mình bị giết bằng cách quá rùng rợn. Tôi còn nhớ sáng 17, tôi thấy đồng bào mình chạy hớt hơ hớt hải, có hai em bé cõng nhau chạy sơ tán ngơ ngác lạc mẹ, rồi một em bé khác ngồi bên vệ đường cạnh bà mẹ máu mê đầm đìa. Lúc ấy tôi nghĩ bà mẹ đã chết, rồi may sao có chiếc xe ca chạy đến, một cô bộ đội xuống bế em bé và cả bà mẹ đưa lên xe. Những khung cảnh đau thương đó đập vào mắt mình, tôi nhận thấy, chiến tranh xảy ra, phụ nữ và trẻ con là những người khổ sở nhất.

Chiến công hiển hách của quân, dân Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979, trước sự chống trả không khoan nhượng của quân và dân Việt Nam, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề cả về con người và phương tiện.

Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 20/3/1979 ghi nhận, từ ngày 17/2/ – 18/3/1979, Quân đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự (có 280 xe tăng, xe bọc thép), phá hủy 115 đại bác, súng cối hạng nặng, thu rất nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự, bắt nhiều tên xâm lược.

Theo đánh giá của nhiều học giả phương Tây, nguyên nhân của những thất bại nên trên, ngoài những yếu kém về kỹ chiến thuật, khả năng hiệp đồng sơ đẳng và trình độ sử dụng vũ khí kém cỏi thì còn một yếu tố nữa rất quan trọng: đó là tinh thần chiến đấu của binh sĩ Trung Quốc. Trong bài báo “China’s War Against Vietnam, 1979: A Military Analysis” đăng tải trên Tạp chí Journal of East Asian Affairs năm 1983, tác giả King C.Chen, Giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Rutgers, New Jersey (Mỹ) cho rằng, vấn đề suy giảm ý chí chiến đấu đã tác động to lớn tới hiệu quả các đợt tiến công của quân Trung Quốc.

Theo King C.Chen, đây không chỉ là vấn đề riêng lẻ của lực lượng quân sự Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà nó còn là vấn đề chung của toàn bộ quân đội nước này ở giai đoạn lịch sử đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới