Monday, September 9, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐàm phán mậu dịch Trung – Mỹ vòng 8 liệu có đạt...

Đàm phán mậu dịch Trung – Mỹ vòng 8 liệu có đạt được một hiệp nghị?

Ngày 19.2.2019, Tân Hoa xã đưa tin: Lưu Hạc – Đặc sứ của Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, người đứng đầu phía Trung Quốc trong Đối thoại kinh tế toàn diện Trung – Mỹ, sẽ tới thăm Washington và tham gia vòng đàm phán cấp cao lần thứ 8 về mậu dịch Trung – Mỹ tổ chức trong 2 ngày 21, 22.2.2019.

Hai đoàn đại biểu đàm phán vòng 7 tại Bắc Kinh chụp ảnh chung – cử chỉ được cho là đàm phán có tiến triển tích cực.

Vai trò mới của ông Lưu Hạc liệu có giúp tháo gỡ bế tắc?

Ông Lưu Hạc đã mấy lần dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham gia đàm phán về kinh tế, mậu dịch với Mỹ. Tại cuộc đàm phán lần thứ 7 vừa kết thúc ở Bắc Kinh, ông cũng là người đứng đầu đoàn Trung Quốc thương thuyết với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin; nhưng đây là lần đầu tiên ông tham gia với tư cách “Đặc sứ của Chủ tịch Tập”.

Bình luận về tin này, tờ The Wall Strett Journal viết: đây là sự tiến triển mới nhất của cuộc đàm phán Trung – Mỹ, cho thấy gần đấn thời hạn chót 1.3, hai bên đang tiếp tục gấp rút thương thuyết. Nhật báo Kinh tế Hongkong cho rằng: trước khi vòng đàm phán mới bắt đầu, cả hai bên đều cho thấy tín hiệu lạc quan. Lưu Hạc thăm Mỹ với tư cách Đặc sứ của Tập Cận Bình hẳn có sứ mệnh đặc biệt;còn Nhà Trắng gần như đồng thời đã lấy danh nghĩa Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố hoan nghênh đoàn đại biểu Trung Quốc tới Mỹ.

Có người lưu ý đây là lần thứ 2 ông Lưu Hạc sử dụng danh phận “Đặc sứ Tập Cận Bình”, lần đầu là tháng 5.2018 khi ông lần đầu tới Mỹ thương thuyết về vấn đề kinh tế – mậu dịch trước khi ông Trump tiến hành chiến tranh thương mại. Đặc sứ gánh trên vai sứ mạng quan trọng, thường được ủy nhiệm quyền hành đặc biệt vượt quá chức vụ, vị trí cá nhân. Đây là điều không bình thường, không phải là chức vụ thường trực,mà chỉ ủy quyền theo từng nhiệm vụ. Đặc sứ của chủ tịch nước là một con đường liên lạc quan trọng giữa các nhà lãnh đạo quốc gia. Khi đối tác mời, chủ tịch nước vì bận công vụ không thể trực tiếp sang thăm được thì xuất phát từ lễ tiết, cần cử Đặc sứ đi thay, mang theo thư viết (thư tín) hoặc truyền đạt miệng (khẩu tín)…

Phó giáo sư Thành Nhiêu Hà, khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc khi trả lời tờ Liên hợp Buổi sáng đã phân tích: lần này ông Lưu Hạc tới Mỹ được khôi phục vai trò Đặc sứ cho thấy quyền lực đã được gia tăng, có thể thay mặt không chỉ chính phủ Trung Quốc mà còn thay mặt cả ông Tập Cận Bình trong một số vấn đề quan trọng.

Ông Thành Nhiêu Hà dự đoán, trong cuộc đàm phán lần này, Lưu Hạc có thể thay mặt ông Tập Cận Bình ký văn bản quan trọng, vượt quá tiến triển mà ông đã đạt được trong cuộc đàm phán trước khi ông tới Mỹ. Thành Nhiêu Hà còn giải thích, quyền uy của Đặc sứ rất cao, Trung Quốc hy vọng tránh được việc cuộc chiến mậu dịch bùng phát quy mô lớn, cơ bản dẹp yên một số tranh chấp.

Kết quả đàm phán vòng 7 chưa nói lên điều gì

Hôm 15.2, Tân Hoa xã đã đưa tin về kết quả vòng đàm phán mậu dịch thứ 7 giữa đoàn Trung Quốc do ông Lưu Hạc dẫn đầu với đoàn Mỹ do 2 ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin dẫn đầu. Bản tin của Tân Hoa xã tiết lộ một số chi tiết, nói hai bên đã tích cực thực hiện thỏa thuận chung của 2 vị nguyên thủ quốc gia tại Buenos Aires, đã “tiến hành trao đổi sâu về các vấn đề cùng quan tâm gồm chuyển nhượng công nghệ, bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp, cân bằng mậu dịch, cơ chế thực thi và vấn đề mà phía Trung Quốc quan ngại”. Tân Hoa xã cho biết, “hai bên đã đạt được nhận thức chung về nguyên tắc trong vấn đề chủ yếu và thương thuyết cụ thể về bản Bị vong lục hiểu biết lẫn nhau về vấn đề mậu dịch; cùng bày tỏ sẽ căn cứ thời hạn hai nguyên thủ đã xác định, gấp rút làm việc, nỗ lực đạt được sự nhất trí”.

Sau khi cuộc đàm phán kết thúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin tại Đại lễ đường Nhân dân. Ông Tập nói: “Tuần sau, hai bên sẽ gặp lại nhau ở Washington, hy vọng các ông nỗ lực hơn nữa, thúc đẩy đạt được một hiệp nghị hai bên cùng thắng, cùng có lợi”. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình cho rằng, cuộc đàm phán Trung – Mỹ đã giành được tiến triển quan trọng mang tính giai đoạn và đạt được tiến triển mới trên vấn đề quan trọng và khó khăn nhất; phía Mỹ cũng xác nhận điều nay.

Trang mạng Nhà quan sát của Trung Quốc nhận xét, đây là cuộc gặp mặt không bình thường. Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình tiếp khách Mỹ kể từ khi cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ bùng phát. Bài báo đăng trên Nhà quan sát cũng cho rằng, việc hai đoàn đàm phán chụp ảnh chung sau đàm phán – điều hiếm có trước nay, cho thấy cuộc đàm phán đã có tiến triển tích cực.

Nhà quan sát cũng nói, hai bên đã thảo luận rất tỉ mỉ, đã đến gần văn bản; hiệp nghị cuối cùng sẽ có thể xuất hiện dưới hình thức Bản ghi nhớ (Bị vong lục). Báo này cho biết thêm, hai bên thảo luận gồm 2 phần: Thứ nhất, là các vấn đề hai bên cùng quan tâm (thực ra là yêu cầu của phía Mỹ), gồm: chuyển nhượng công nghệ, bảo bộ bản quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp, cân bằng mậu dịch, cơ chế thực thi và một số vấn đề khác; thứ hai, là vấn đề mà Trung Quốc quan ngại. Tức là đã diễn ra một cuộc đàm phán bình đẳng: phía Mỹ nêu được vấn đề của họ, Trung Quốc cũng biểu đạt được quan ngại của mình; trong đó vấn đề then chốt là cơ chế thực thi.

Trong khi đó, The New York Times ngày 18.2 cho biết, các quan chức Mỹ tham gia vòng đàm phán thứ 7 cho biết: tuy đàm phán có sự tiến triển, nhưng vẫn tồn tại bất đồng lớn. Người phát ngôn Nhà Trắng cũng thừa nhận “còn rất nhiều việc phải làm”. Quan chức Mỹ nói, đàm phán tập trung vào việc Mỹ muốn Trung Quốc cải cách cơ cấu và các vấn đề Trung Quốc mua sản phẩm Mỹ cùng vấn đề dịch vụ.

Những vấn đề chính cần giải quyết tới đây

Thời hạn 1.3 đã rất gần, vấn đề giải quyết thì còn rất nhiều, vòng đàm phán thứ 8 sẽ diễn ra với nhịp điệu rất khẩn trương. Các nhà quan sát cho rằng, nội dung thương thuyết sẽ tập trung vào 5 vấn đề khó giải quyết nhất. Theo giới kinh doanh Mỹ, bất cứ hiệp nghị nào cũng cần phải tỉ mỉ, khả thi, có sự ràng buộc về thời gian và thực sự giúp các công ty Mỹ vào được thị trường Trung Quốc.

Tính đến nay, hai bên Trung – Mỹ đã gia tăng thuế quan đối với 360 tỷ USD hàng hóa của nhau, gây nên sức ép rất lớn đối với kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu cũng bị xáo động; một số công ty Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 7, ông Donald Trump bày tỏ: nếu thấy cuộc đàm phán “đang tiếp cận việc đạt tới hiệp nghị hoặc giao dịch đang phát triển theo hướng đúng đắn, ông “có khả năng kéo dài thời hạn” cho việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Hãng AFP cho rằng, trong vòng đàm phán tới đây hai bên phải giải quyết 5 vấn đề mấu chốt sau:

Thứ nhất, lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ. Mỹ luôn chỉ trích hành vi của Trung Quốc khuyến khích đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ; đồng thời cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao bí mật thương mại cho các công ty Trung Quốc hợp tác để đổi lấy việc được vào thị trường Trung Quốc.

Ngày 26.12.2018, chính phủ Trung Quốc công bố dự thảo bằng Anh ngữ “Luật đầu tư của thương gia nước ngoài”, đưa “không được cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ” vào quy định. Động thái này ngoài việc bị một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh chỉ nói suông, cũng có người chỉ ra văn bản này có nhiều chỗ hổng; chính phủ Mỹ cũng không trả lời chính thức về dự luật này.

FBI gần đây cho biết đang điều tra hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại Mỹ, Bộ Tư pháp đang tiến hành khởi tố các điệp viên Trung Quốc. Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Huawei bị nghi ngờ đánh cắp bí mật thương mại, trong đó bao gồm một kế hoạch khen thưởng những công ty lấy cắp được công nghệ của các công ty Mỹ là đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai, chính sách ngành nghề của Trung Quốc. Chính sách ngành nghề của Trung Quốc khiến bên ngoài chú ý, nhất là kế hoạch “Made in China 2025”. Kế hoạch này muốn thông qua sự ủng hộ của chính phủ với các xí nghiệp trong nước để trở thành người lãnh đạo toàn cầu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Chính vì kế hoạch này gây nên tranh cãi lớn nên năm ngoái Bắc Kinh và truyền thông của họ đã không nói nhiều đến chính sách này nữa.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khi đề cập đến kế hoạch “Made in China 2025” nói, không nên xem nhẹ kế hoạch này, đó quả thật là cuộc cạnh tranh về nghề nghiệp trên tầm cỡ quốc gia.

Thứ ba, trợ cấp của chính phủ Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc tăng cường địa vị chủ đạo của các công ty quốc doanh, nhưng phải đối mặt với yêu cầu cải cách của các nước phương Tây. Washington muốn Trung Quốc giảm thiểu tác dụng của nhà nước trong nền kinh tế, giảm bới việc trợ cấp của nhà nước đối với ngành nghề và các công ty để ngăn chặn hành vi cạnh tranh không công bằng.

Một nguồn tin “hiểu rõ” đàm phán cho Reuters biết, Trung Quốc cam kết sẽ điều chỉnh kế hoạch trợ cấp ngành nghề phù hợp với quy tắc của WTO và chấm dứt những cách làm gây méo mó thị trường, nhưng không nói cụ thể sẽ thực hiện mục tiêu này như thế nào. Mỹ bày tỏ nghi ngờ về những cam kết đó của Trung Quốc, một trong những nguyên nhân là bởi Trung Quốc từ chối tiết lộ kế hoạch trợ cấp của họ.

Nhà kinh tế Thôi Phàm ở Đại học Kinh tế đối ngoại Bắc Kinh nói, nếu Mỹ muốn thảo luận về vấn đề Trung Quốc trợ cấp vượt phạm vi quy định của WTO, Trung Quốc có thể không đồng ý. Ông nói: “Tôi lo trong tháng này khó có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề này được”.

Quan chức Mỹ nói, đoàn Lưu Hạc đưa ra cam kết mở cửa thị trường và không vượt quá tiến trình tự do hóa về tiền tệ và ngành công nghiệp xe hơi mà ông Tập Cận Bình đã nêu ra hồi tháng 4.2018.

Ông James Green, Nghiên cứu viên cao cấp của Đại học Georgetown University, vốn là người phụ trách Văn phòng Bắc Kinh của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói với Financial Times: “Nâng cao tính minh bạch là bước đầu tiên, nhưng dù như vậy cũng đã là bước đi rất khó khăn”. Ông cho rằng, dù Bắc Kinh đồng ý bãi bỏ một kế hoạch trợ cấp nào đó thì cũng có nhiều cách khác để họ tài trợ cho các hạng mục công nghiệp trọng điểm.

Thứ tư, chênh lệch trong cán cân mậu dịch. Năm 2018 chênh lệch mậu dịch Trung – Mỹ đạt mức kỷ lục với việc Mỹ nhập siêu 323,3 tỷ USD. Trung Quốc đã cam kết mua đậu tương và các sản phẩm khác của Mỹ, trong khi đàm phán cũng nhắc lại việc sẽ mua số lượng lớn hàng hóa của Mỹ để thúc đẩy Nhà Trắng đồng ý đi tới một hiệp nghị. Tuy nhiên, bất cứ hành động mua hàng lớn nào của Trung Quốc cũng đều phải dựa vào các công ty quốc doanh, mà đó lại là một chủ đề “nóng” trong cuộc đàm phán lần này…

Thứ năm, sẽ đạt được hiệp nghị kiểu gì? Theo thông báo do cả hai bên Trung – Mỹ đưa ra thì trong vòng đàm phán thứ 7 hồi tuần trước, tiến triển lớn nhất là hai bên đồng ý thể hiện hiệp nghị dưới hình thức Biên bản ghi nhớ (hay Bị vong lục, Memorandum of understanding, MOU). Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 6 hồi cuối tháng 1 đã nhấn mạnh, bất cứ một hiệp nghị nào hai bên đạt được đều cần phải được đưa vào cơ chế chấp pháp (enforcement) để tránh Trung Quốc dẫm lại vết xe cũ, không thực hiện những điều đã cam kết.

Mỹ yêu cầu dù bất cứ hiệp nghị nào thì cũng cần phải dẫn đến việc phía Trung Quốc thay đổi kết cấu kinh tế, giảm thiểu chênh lệch cán cân mậu dịch bất lợi cho Mỹ và phải giám sát được tình hình thực thi hiệp nghị. Ông Trump hồi đầu tháng 2 từng tuyên bố, một hiệp nghị đạt được “cần phải bao gồm thay đổi mang tính kết cấu thực sự để chấm dứt hành vi mậu dịch không công bằng”.

Tuy nhiên, đại biểu Trung Quốc tại WTO nói, điều đó cần phải có thời gian và nhắc lại việc đàm phán để Trung Quốc gia nhập WTO đã phải mất hơn 10 năm.

Hãng Bloomberg hôm 17.2 đưa tin, các hội đoàn kinh doanh Mỹ bày tỏ hoan nghênh dấu hiệu tiến triển của vòng đàm phán thứ 7, nhưng đốc thúc hai bên cần tiếp tục giảm thiểu bất đồng. Ông Myron Brilliant, người phụ trách vấn đề quốc tế của Hiệp hội kinh doanh Hoa Kỳ (USCC) cho rằng, chỉ có thể giành được tiến triển trong đàm phán để giải quyết vấn đề một loạt vấn đề cải cách kết cấu, bao gồm nỗi lo về cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ và những cải cách thiết thực, rõ ràng, cụ thể và khả thi mới có thể đạt được một hiệp nghị toàn diện cuối cùng.

Ông Craig Allen, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc mậu dịch Mỹ – Trung (United States-China Business Council, USCBC) nói, bất cứ một hiệp nghị nào cũng đều cần phải “cụ thể chi tiết, khả thi, có thời hạn, cải thiện được việc đi vào thị trường Trung Quốc, có thể mang lại những thay đổi lớn lao đối với công ty, công nhân và nông dân Mỹ”.

Ngày 17.2, hãng FoxNews đã đăng bình luận viết, Bắc Kinh lâu nay luôn lừa dối trong các hiệp nghị và cam kết quốc tế. Ví dụ năm 2015, Trung Quốc đã cam kết với Tổng thống Obama sẽ không tiến hành các cuộc tấn công mạng và không quân sự hóa các đảo, đá trên Biển Đông; nhưng Trung Quốc đã vi phạm những cam kết đó. Năm 1984, Trung Quốc cam kết với Anh sẽ tôn trọng quyền tự trị của Hongkong để đổi lấy việc chuyển giao, nhưng sau đó Trung Quốc cũng vi phạm cam kết…

Bài báo viết, nếu Donald Trump ký kết hiệp nghị thì ông cần đánh tín hiệu với Trung Quốc, đó chỉ là sự bắt đầu chứ không phải kết thúc; ông cần phải chỉ rõ, Mỹ sẽ không quay trở lại thời kỳ tồi tệ xem nhẹ hành vi của Trung Quốc trước đây.

RELATED ARTICLES

Tin mới