Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ thiết lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông...

Mỹ sẽ thiết lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông để ngăn chặn TQ?

Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson (12/2) cho biết, chương trình quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân khiến Mỹ tính tới phương án xây dựng loạt căn cứ quân sự gần khu vực này; nhấn mạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 với cựu Tổng thống Barack Obama về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông; đồng thời cho biết Mỹ đang trao đổi với một số đối tác và đồng minh về việc thiết lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông.

Sơ đồ phân bổ lực lượng Mỹ tại tây Thái Bình Dương, Reuters 

Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực. Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh “bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với ‘bản sắc Trung Quốc’, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua”.

Đô đốc Philip Davidson nêu lên minh chứng rõ ràng nhất của việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng là quốc gia này sử dụng các đảo ở Biển Đông để biện minh cho các yêu sách mở rộng lãnh thổ; đồng thời Đô đốc Philip Davidson khẳng định luật pháp quốc tế không công nhận những động thái đó của Trung Quốc và hoạt động tự do hàng hải (FONOP) là phương cách để Trung Quốc nhận biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh.

Trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng Mỹ phải chấp nhận môi trường ở Biển Đông đang thay đổi rất nhanh chóng nên đòi hỏi những cách tiếp cận mới. Đô đốc Philip Davidson cho biết thêm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương đang có những cuộc thương thảo với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể ở đó cũng như tăng cường hợp tác trong diễn tập quân sự, trong tuần tra ở Biển Đông và trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Mỹ có cần thêm căn cứ quân sự ở gần Biển Đông?

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đang có 5 căn cứ quân sự lớn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Căn cứ tại Hawaii là nơi tập trung căn cứ hải – lục – không quân và là tổng hành dinh của Hạm đội Thái Bình Dương với khoảng 100 tàu chiến, gồm cả tàu sân bay. Căn cứ không quân Andersen tại Guam là một trong 4 căn cứ triển khai oanh tạc cơ chiến lược. Đây cũng là cảng nhà của 3 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Tại Nhật Bản, Mỹ có đủ căn cứ hải quân, không quân, lục quân và lính thủy đánh bộ với khoảng 38.000 lính được triển khai tại 112 cơ sở ở Honshu, Kyushu và Okinawa, cộng thêm 11.000 người trên các căn cứ nổi. Tàu sân bay USS George Washington thường xuyên neo đậu ở nước này. Tại Hàn Quốc, Mỹ đang có 83 căn cứ quân sự với 23.468 quân, song chủ yếu là lục quân. Tại Australia, Mỹ đang duy trì 2.500 lính thủy đánh bộ đang hiện diện tại Darwin, miền Bắc Australia.

Đáng chú ý, thời gian gần đây Singapore đã chấp thuận cho Mỹ đưa 4 tàu chiến đồn trú luân phiên tại Singapore. Giới quan sát đánh giá động thái này là một phần trong biểu hiện cam kết ủng hộ của Washington đối với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc đối phó những nguy cơ tại khu vực này, giữa lúc Trung Quốc đang ra sức phô trương sức mạnh quân sự và có nhiều hành động đáng quan ngại trên Biển Đông.

Trong quá khứ, Mỹ là nước có nhiều căn cứ quân sự nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhắc đến những căn cứ trước đây của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương thì không thể thiếu những cái tên nổi tiếng Cam Ranh, U-Tapao và Subic. Vịnh Cam Ranh của Việt Nam trong lịch sử là quân cảng quan trọng vào loại bậc nhất khu vực. Trong chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong những cứ điểm liên hợp hải – lục – không quân kèm khu hậu cần quan trọng của quân đội Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn. Theo tài liệu của Cơ quan Nghiên cứu lịch sử không quân Mỹ (USAFHRA), ngày 10/6/1965, 4.000 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ quân sự và sân bay. Tháng 8/1965, 4.000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 đến Cam Ranh và 2 tháng sau đến lượt Trung đoàn 30 Sư đoàn Bạch Mã Hàn Quốc. Năm 1967, vịnh Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần dương trên không của hải quân Mỹ. Từ đó, Mỹ và đồng minh liên tiếp đổ quân vào Cam Ranh, năm cao nhất (1968) lên tới 30.000 binh sĩ, biến nơi đây thành căn cứ hải quân lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, căn cứ Cam Ranh được cho Liên Xô thuê từ năm 1979 đến 2002

Bên cạnh Cam Ranh, vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở Philippines cũng đóng vai trò chiến lược của Mỹ tại khu vực. Căn cứ Hải quân Mỹ tại Vịnh Subic (U.S. Naval Base Subic Bay) từng là một cơ sở giải trí, nghỉ ngơi, tiếp liệu và sửa chữa tàu chính yếu của Hải quân Mỹ đặt tại Zambales ở Philippines. Từng là cơ sở lớn nhất của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và từng là cơ sở quân sự hải ngoại lớn nhất của Quân đội Mỹ sau khi Căn cứ Không quân Clark tại Thành phố Angeles đóng cửa vào năm 1991. Đến ngày 24/11/1992, Mỹ chính thức rút khỏi căn cứ quân sự tại Vịnh Subic. Ngoài những căn cứ trên, trong giai đoạn chiến tranh với Việt Nam, Mỹ còn sử dụng sân bay U-Tapao của Thái Lan. Trong giai đoạn 1960-1970, Lầu Năm Góc đặt ở đây phi đội “pháo đài bay” B-52.

Mỹ đang tìm cách tiếp cận lại các căn cứ quân sự cũ ở châu Á – Thái Bình Dương

Trong những năm gần đây, Mỹ đang tích cực vận động hành lang để tìm cách thiết lập lại một số căn cứ quân sự ở Đông Nam Á nói riêng cũng như ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Mỹ đã từng đề nghị với chính quyền Thái Lan cho thuê căn cứ hải quân Sattahip và căn cứ không quân Utapao ở hai tỉnh Chon Buri và Rayong. Ý định này của Washington nằm trong một kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ thiết lập một mạng lưới căn cứ quân sự lớn nhỏ khắp thế giới để có thể tiến hành những cuộc tấn công “đánh phủ đầu”. Nhật báo Mỹ The Washington Post, dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ, cho biết Mỹ sẽ thay thế các sư đoàn lớn, di chuyển chậm bằng các đơn vị chiến đấu cơ động và nhỏ gọn, có thể tấn công trong vòng vài giờ, thay vì vài tháng, chống các nước có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo cách bố trí mới, Mỹ sẽ đặt 3 loại căn cứ quân sự ở nước ngoài. Loại thứ nhất có số lượng quân nhân và khí tài lớn, đóng thường trực ở các nước bạn như Anh, Đức, Nhật và đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ, đóng vai trò trung tâm chuyển quân (HUB). Loại thứ hai gọi là căn cứ hành quân tiền tiêu (FOB), hiện đã có ở một số nước như Ý, Ba Lan, Kuwait, Qatar… chỉ có số lượng lính nhỏ. Loại thứ ba có tên vị trí hành quân tiền tiêu (FOL), không có lực lượng trấn đóng thường xuyên nhưng khi hữu sự có thể tập kết quân tới đó ngay, như Thái Lan chẳng hạn.

Không những vậy, Mỹ vừa đạt được thỏa thuận triển khai 5 căn cứ quân sự ở Philippines trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila về vấn đề Biển Đông đang ngày càng gia tăng. Phó trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight cho biết thỏa thuận vừa đạt được là một phần của Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường mà Washington và Manila đã ký cuối năm 2016. Nó cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở các cơ sở quân sự cũ tại Philippines, với các loại tàu và máy bay để phục vụ các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải và nhân đạo. Trước đó, Philippines đề nghị cho Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự, bao gồm cả căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic Bay mà Lầu Năm Góc từng sử dụng. Cả hai căn cứ này đều nằm trên đảo Palawan, rất gần Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới