Indonesia có kế hoạch mở một khu vực đánh bắt hải sản ở rìa phía nam của Biển Đông và ngăn chặn sự xâm lấn của nước ngoài, hãng tin Kyodo cho biết tuyên bố của một bộ trưởng Nội các nước này.
Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Luhut Pandjaitan phát biểu tại một cuộc họp báo rằng khu vực đánh bắt hải sản nằm ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nhưng Bắc Kinh tuyên bố đây là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc.
Ông Pandjaitan phát biểu: “Chúng tôi hiện có một tàu chở dầu ở đó, nó sẽ cung cấp nhiên liệu trên biển cho các ngư dân của chúng tôi … và [có cả các] tàu tuần tra hải quân”. Ông cho biết khu vực đánh bắt hải sản sẽ được khai trương vào quý 3 của năm nay, bày tỏ rằng “sẽ không có quốc gia nào tuyên bố rằng khu vực này là ngư trường truyền thống của họ”, một lời ám chỉ tới tuyên bố của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy vào năm 2016 sau khi một số tàu cá Trung Quốc bị chính quyền Indonesia bắt giữ vì hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển gần quần đảo Natuna.
Quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. (Ảnh: NYT)
Theo ông Pandjaitan, một chợ cá, một kho lạnh và một trung tâm chế biến hải sản, cũng như các cơ sở khác gồm cả nhà trọ cho ngư dân, sẽ được xây dựng trên Quần đảo Natuna như một phần của khu vực đánh bắt hải sản.
Vào tháng 12/2018, Indonesia đã thiết lập một căn cứ quân sự với hơn 1000 quân trên đảo Natuna Besar, nằm giữa quần đảo Natuna.
Năm 2017, chính phủ Indonesia đã công bố một bản cập nhật bản đồ quốc gia, trong đó vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành Biển Bắc Natuna. Trước đó khu vực này được mô tả là một phần của Biển Đông.
Ngay sau khi Indonesia đổi tên vùng biển, Trung Quốc đã bày tỏ phản đối động thái này, nói rằng việc đổi tên sẽ làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và không có lợi cho quan hệ song phương. Indonesia phản bác rằng họ có quyền đặt tên cho các vùng lãnh hải của mình và Biển Bắc Natuna nằm trong số đó.
Mặc dù Trung Quốc công nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng họ khẳng định hai nước có các yêu sách chồng chéo về quyền và lợi ích hàng hải trong khu vực – một yêu sách mà Indonesia bác bỏ.