Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐường gập ghềnh trong quan hệ Mỹ - Triều

Đường gập ghềnh trong quan hệ Mỹ – Triều

Nhìn lại những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ – Triều Tiên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở Việt Nam cuối tháng 2.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tập trung vào thúc đẩy Triều Tiên triển khai các giải pháp phi hạt nhân hóa để đổi lấy những ưu đãi từ Mỹ và khơi thông quan hệ liên Triều.

Để có thể đi đến được những bước tiến tích cực này, Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một con đường đầy chông gai.

Dưới đây là những mốc sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ – Triều:

– Năm 1945: Sự thống trị của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt khi Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Vĩ tuyến 38 là ranh giới chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (được Liên Xô ủng hộ) và Hàn Quốc (được Mỹ hậu thuẫn).

– Từ năm 1950 đến 1953: Sau khi binh sỹ Mỹ và Liên Xô rời bán đảo Triều Tiên, chiến tranh nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc làm khoảng 4 triệu người thiệt mạng. Mỹ ủng hộ Hàn Quốc trên danh nghĩa là một phần của lực lượng Liên hợp quốc, trong khi đó Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên.

– Tháng 7/1953: Cuộc chiến chấm dứt bằng một hiệp định đình chiến.

– Năm 1988: Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Triều Tiên sau khi đưa quốc gia này vào danh sách các nước tài trợ khủng bố.

– Năm 1994: Nguy cơ của một cuộc chiến tranh Mỹ-Triều nổ ra khi Triều Tiên tháo dỡ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng Yongbyon. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã tháo ngòi nổ căng thẳng bằng chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Theo một thỏa thuận với Mỹ, Triều Tiên tuyên bố đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, để đổi lại viện trợ năng lượng.

– Năm 1997: Khởi động đàm phán 4 bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm hiệp ước hòa bình mới thay thế hiệp định đình chiến năm 1953 để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

– Năm 1998: Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa lần đầu tiên.

– Năm 1999: Đàm phán giữa các bên sụp đổ.

– Năm 2002: Tổng thống Mỹ G.Bush đưa Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc “Trục ma quỷ.” Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ sau khi Mỹ cáo buộc Triều Tiên có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật.

– Năm 2003: Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

– Tháng 8/2003: Các cuộc đàm 6 bên (gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

– Năm 2005: Lần đầu tiên, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân.

– Tháng 10/2006: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.

– Tháng 12/2006: Đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên được nối lại sau 13 tháng gián đoạn.

– Tháng 6/2007: Triều Tiên phá hủy các cơ sở hạt nhân, để đổi lại việc nhận được viện trợ về kinh tế và nhượng bộ về ngoại giao.

– Tháng 10-2008: Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi “danh sách các nước khủng bố.”

– Tháng 4/2009: Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa; tuyên bố rời khỏi vòng đàm phán 6 bên và tái khởi động lò phản ứng Yongbyon.

– Từ tháng 5/2009 đến tháng 9/2017: Triều Tiên thử hạt nhân thêm 5 lần. Trong năm 2017, Triều Tiên còn tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác. Mỹ vì thế đã áp dụng tới gần 250 biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.

Do đó, năm 2017, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang cực độ với những tuyên bố “trút lửa thịnh nộ” và những tuyên bố mang tính đối đầu của hai bên nhằm vào nhau, đẩy bán đảo Triều Tiên cận kề “miệng hố chiến tranh.”

– Năm 2018:

+ Tháng 1: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này hoàn thành các nhiệm vụ hạt nhân.

+ Ngày 12/6: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trở thành những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu tiên gặp mặt trực tiếp nhằm tìm giải pháp cho một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiênm tại Singapore.

+ Sau ngày 12/6: Mỹ tuyên bố sẽ ngừng tập trận chung với Hàn Quốc. Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn từ lâu đã bị Triều Tiên chỉ trích và coi là diễn tập chiến tranh.

+ Ngày 16/7: Triều Tiên nhất trí trao trả 55 bộ hài cốt được cho là của lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

+ Ngày 23/7: Hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu triển khai hoạt động tháo dỡ các cơ sở quan trọng tại Trạm vệ tình Sohae – địa điểm được sử dụng để phát triển động cơ cho tên lửa đạn đạo.

+ Ngày 19/9: Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây được xem là một bước tiến dài so với Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6-2018.

– Năm 2019:

+ Ngày 1/1: Trong thông điệp Năm mới, Chủ tịch Kim Jong Un cho biết sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ lúc nào, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa.

+ Ngày 8/2: Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2/2019.

RELATED ARTICLES

Tin mới