Đánh chặn ICBM là một nhiệm vụ rất khác biệt so với việc theo dõi hoặc bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung nhưng F-35 của Mỹ đã và đang được phát triển khả năng này.
F-35 thả bom dẫn đường laser Paveway II do Raytheon chế tạo từ bãi thử Utah. Ảnh: Không quân Mỹ
Biến F-35 thành phương tiện đánh đòn phủ đầu
Lầu Năm Góc hiện đang hợp tác với các ngành công nghiệp để nghiên cứu khả năng sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 vũ trang tên lửa, bom hoặc vũ khí laser cho mục đích đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công nước Mỹ ngay từ giai đoạn phóng ban đầu.
Đây được xem là một phát triển mới đầy triển vọng cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Ý tưởng này sẽ sử dụng các vũ khí và cảm biến của F-35 để phát hiện hoặc phá hủy một vụ phóng ICBM ngay từ giai đoạn đẩy ban đầu khi tên lửa bay lên hướng về phía rìa khí quyển Trái Đất.
“Chúng tôi rất phấn khích với khái niệm phát triển này”, một quan chức cao cấp Lầu Năm Góc chia sẻ trên trang mạng Warrior Maven.
Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích, triển vọng phòng thủ tên lửa của F-35 sẽ dựa trên những thông tin tình báo quan trọng.
Khi phát hiện thấy dấu hiệu hoặc xuất hiện mối lo ngại về khả năng phóng tên lửa của đối phương, các tàu sân bay chở F-35C hoặc những chiếc F-35 khác hoạt động trong khu vực lân cận có thể sử dụng tốc độ, công nghệ tàng hình và cảm biến để tìm kiếm, phát hiện và phá hủy ICBM.
Triển vọng sử dụng máy bay F-35 cho mục đích này sẽ mang lại những khả năng phòng thủ chưa được tích hợp trong kho vũ khí phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc. Chẳng hạn như, một chiếc F-35 có thể rải bom hoặc phóng tên lửa không đối đất để phá hủy ICBM trong hoặc ngay sau khi phóng.
Máy bay F-35 cũng có thể sử dụng laser và hệ thống tác chiến điện tử để thiêu hủy, gây nhiễu hoặc vô hiệu hóa quỹ đạo bay của một quả ICBM đang tấn công. Nếu hệ thống dẫn hướng của ICBM hoặc các cơ chế đẩy bị can thiệp thì quả ICBM có thể bị chệch hướng, lao xuống biển hoặc một khu vực không có người ở, qua đó ít có khả năng gây ra thiệt hại lớn.
Ngoài ra, một nhóm F-35 có thể tự tạo thành một mạng lưới chuyển tiếp bằng việc sử dụng hệ thống Liên kết Dữ liệu Đa chức năng Tiên tiến (MADL) để cung cấp thông tin về mối đe dọa cho toàn phi đội bay cảnh báo các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nhờ khả năng cho phép tất cả các máy bay F-35 trong phi đội nhận biết mối đe dọa theo thời gian thực khi đang thi hành nhiệm vụ, MADL sẽ giúp mở rộng phạm vi tìm kiếm và phát hiện ICBM kẻ thù.
Một khi các chỉ huy chiến trường và những người ra quyết định biết trước được mối đe dọa từ một ICBM đang tấn công, họ càng có nhiều thời gian để xem xét và thực hiện các biện pháp đối phó hoặc tiến hành một chiến dịch phản công.
ICBM Trung Quốc là mục tiêu?
Các địa điểm phóng ICBM thường được đối phương bố trí sâu bên trong đất liền và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các hệ thống phòng không khiến một số vũ khí và phương tiện tấn công nhất định rất khó tiếp cận.
“F-35 có thể sử dụng tính năng tàng hình và khả năng cơ động để tiến gần hơn đến các điểm phóng ICBM từ bên trong lãnh thổ đối phương”, Mitch Loren Thompson, Giám đốc điều hành của Viện Lexington nói với Warrior Maven.
Năm 2014, một báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ đã dành hẳn một chương dài 70 trang để nói về quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
Trong số nhiều thông tin đề xuất, báo cáo đã liệt kê chi tiết các bệ phóng ICBM di động của Trung Quốc cùng với khoảng 10 phương tiện hồi quyển khác. Các vũ khí này rõ ràng là những mối đe dọa lớn bởi một khi chúng càng tiến gần mục tiêu thì khả năng phòng vệ càng khó khăn.
Dựa trên đánh giá đó, F-35 chính là một lựa chọn phù hợp nhờ công nghệ tàng hình, tốc độ cao và khả năng cơ động nên có thể hoạt động trên các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt bên trong lãnh thổ kẻ thù để tìm kiếm, truy đuổi và phá hủy các bệ phóng di động.
Giai đoạn phóng hay còn gọi là giai đoạn đẩy đầu tiên của ICBM sẽ là thời điểm tốt nhất để F-35 phát huy khả năng phòng thủ tên lửa của nó. Bởi vì đánh chặn một ICBM đang tấn công ở giai đoạn cuối, theo Thompson, sẽ gặp phải rất nhiều thách thức do tốc độ siêu âm của các phương tiện này khi hồi quyển.
Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra câu hỏi là liệu F-35 có thể trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tích hợp phục vụ mục đích phát hiện và tiêu diệt ICBM của kẻ thù khi chúng đang di chuyển trong không gian hay không.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng F-35 có thể sử dụng GPS hoặc các cảm biến gắn trên không khác để tương tác với các vệ tinh, và chính các vệ tinh này cũng có thể biến thành một loại vũ khí đánh chặn để bắn hạ ICBM khi chúng đang ở trên vũ trụ.
Với kịch bản này, F-35 sẽ đóng vai trò như một cảm biến hoặc một điểm trung chuyển thông tin trong mạng lưới phòng thủ và lúc đó sẽ không còn là một thiết bị tấn công nữa và sẽ là một sự bổ sung rất đáng giá cho các hệ thống đặt trên mặt đất của Mỹ hiện nay.
Tiêu diệt tên lửa hành trình liên lục địa là một nhiệm vụ rất khác biệt so với việc theo dõi hoặc đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung nhưng F-35 của Mỹ đã và đang được phát triển khả năng này.
F-35 đã được Mỹ thử nghiệm với vai trò là điểm chuyển tiếp thông tin trên không cho Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực và Phòng không Tích hợp của lực lượng Hải quân (NIFC-CA).
Hệ thống này, hiện đã được triển khai, sử dụng radar trên các tàu mang tên lửa Aegis, một trạm cảm biến trên không và tên lửa dẫn đường SM-6 để bắn hạ tên lửa tấn công từ ngoài đường chân trời.
Kể từ khi được đưa vào hoạt động, NIFC-CA vẫn sử dụng máy bay trinh sát Hawkeye E-2 làm trạm chuyển tiếp trên không. Giờ đây, hệ thống có thể sử dụng F-35 như một phương tiện cảm biến với khả năng cao hơn nhiều.