Với việc đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, gần đây là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã kiên trì con đường hội nhập, từ đó trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trên thế giới.
Với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), VN đã trở thành nơi có thể xóa nhòa các ranh giới thuế quan, phi thuế tới nhiều khu vực, nền kinh tế. Vấn đề là chúng ta cần tiếp tục đổi mới để biến VN trở thành địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, đổi mới và sáng tạo.
GS Võ Đại Lược, chủ tịch Trung tâm kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, nói:
GS Võ Đại Lược
– Mỹ và Hàn Quốc đều muốn Triều Tiên tham khảo kinh nghiệm của VN để tiến hành công cuộc đổi mới. Rõ ràng, tiến trình đổi mới của VN gắn với định hướng chiến lược về hội nhập sâu rộng đã phát huy hiệu quả và ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng một hình ảnh VN chủ động, tích cực, hiệu quả và thân thiện…
* Theo ông, bài học của quá trình hội nhập cần được phát huy là gì?
– VN đã tham gia hội nhập mạnh mẽ khi ký kết nhiều FTA với nhiều nước lớn trên thế giới. VN tham gia FTA trong ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại VN – EU, Liên minh kinh tế Á Âu… Tiến trình đổi mới gắn với mở cửa hội nhập vì thế đã thúc đẩy kinh tế phát triển, trở thành điểm đến và thu hút đầu tư hấp dẫn.
Rõ ràng, sự kiện hội nghị thượng đỉnh lần này chứng minh một điều không có gì là không thể. VN có thể đi qua chiến tranh với Mỹ, từng chung nỗi đau hai miền bị chia cắt như Bắc – Nam Triều Tiên, nhưng với đường lối và chính sách đối ngoại, ngoại giao và kinh tế đúng đắn, VN đi lên xây dựng đất nước, từng bước hòa nhập chung vào dòng chảy của thế giới.
Hà Nội – Việt Nam thân thiện, gần gũi với du khách đã chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều – Ảnh: MAI THƯƠNG
VN là một trong số ít nước ký nhiều FTA trên thế giới. Với chính sách này, ta tiến xa hơn về hội nhập không chỉ hàng đầu Đông Nam Á. Thực tế này tạo ra cơ hội tốt, khi những FTA mà VN tham gia ký kết sau này đều là những hiệp định tiêu chuẩn cao.
Rõ ràng, chính sách mở cửa nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế VN suốt giai đoạn qua. Kinh tế VN được đánh giá là năng động, đổi mới và ngày càng phát triển. Kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế mới của khu vực là có thể có được.
Nhưng bên cạnh tự hào về một hình ảnh VN năng động, hòa bình và phát triển, chúng ta cũng nhìn thẳng vào những tồn tại để thay đổi, đón nhận cơ hội.
* Những vấn đề cần nhìn thẳng, theo ông đó là gì?
– Mong muốn về một VN thịnh vượng, hùng cường như Thủ tướng chia sẻ mới đây là khát vọng có thực. Nhưng thực hiện không phải dễ, đòi hỏi ta đổi mới tư duy, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách mạnh mẽ hơn…
Đầu tư nước ngoài chiếm đến 72% giá trị xuất khẩu và 55% giá trị công nghiệp. Hàm lượng và giá trị mà VN tạo ra vẫn còn hạn chế, vẫn chỉ làm gia công, không chỉ công nghiệp mà trong cả lĩnh vực mà ta có thế mạnh như nông nghiệp.
VN đang hội nhập rất nhanh, nhưng sự phát triển của nền kinh tế lại không theo kịp và không nắm bắt được nhiều cơ hội từ hội nhập. Nhiều FTA được ký kết, nhiều hàng rào thuế quan được xóa, đầu tư tự do, cơ hội rất nhiều nhưng cũng đi kèm áp lực rất lớn.
Vấn đề đặt ra là Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cạnh tranh thế nào? Hiện khối tư nhân vẫn đóng góp khiêm tốn trong GDP. Đa số “đại gia” là kinh doanh bất động sản, còn sản xuất chưa nhiều, trong khi doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khuyết tật.
Người dân cũng phải cạnh tranh. Phải có nền tảng giáo dục tốt, cạnh tranh bằng trí tuệ. Nếu không làm tốt từ chính nội lực, năng lực của chúng ta, khi doanh nghiệp FDI vào đây, chỉ riêng ưu thế về lãi suất họ chỉ phải chịu 2-3%/năm, ta là 10%/năm, cũng đủ bóp chết doanh nghiệp VN rồi.
VN có thể là nơi kết nối với thế giới, trở thành trung tâm sản xuất mới. Đừng bỏ quên những lợi thế của VN: du lịch, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao…
Ông Trần Toàn Thắng (Trung tâm thông tin và dự báo xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và đầu tư):
Khẳng định vị thế đối tác tin cậy
Ông Trần Toàn Thắng
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại VN cho thấy mối quan hệ VN – Mỹ đang ngày càng tích cực. VN hưởng lợi khá lớn từ thương mại với các nước lớn do ta mở cửa hội nhập sâu rộng.
Sự kiện này giúp VN khẳng định tốt hơn đóng góp của mình vào tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình khu vực. VN có cơ hội tốt khẳng định mình là đối tác tin cậy của cả Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực, từ đó đa dạng hóa được hoạt động ngoại giao nhằm tăng thêm hỗ trợ quốc tế trong các vấn đề khu vực của VN.
Về kinh tế, đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh và chính sách đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư và trao đổi thương mại.