Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 27/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 27/02/2019

Bản tin Biển Đông ngày 27/02/2019.

Trung Quốc phản đối tàu Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

Liên quan đến việc hai tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 25/2, tại cuộc họp báo ngày 26/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lập trường của mình với phía Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động “hung hăng” của Mỹ và cho rằng những hành động này không đóng góp cho sự ổn định 2 bờ eo biển Đài Loan cũng như mối quan hệ Trung – Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Tổng thống Philippines Duterte

Ngày 26/2, hãng GMA News đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến Philippines từ ngày 28/2 – 1/3 để gặp và trao đổi với Tổng thống Duterte và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. về các vấn đề có lợi cho hai bên hoặc bất cứ vấn đề gì Ngoại trưởng Pompeo nêu ra. Theo Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Salvador Panelo, bên cạnh vấn đề an ninh và khủng bố, Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Duterte có thể sẽ thảo luận về Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước hoặc vấn đề Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng đề xuất muốn sửa đổi Hiệp định này theo hướng có liên quan hơn đến tranh chấp ở Biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Anh về vấn đề Biển Đông

Ngày 26/2, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh có bài viết trên The Guardian, cho rằng nền ngoại giao pháo hạm của Anh chỉ gây tổn hại cho quan hệ giữa Anh và Trung Quốc. Tuy không nêu đích danh nhưng Đại sứ Trung Quốc ám chỉ phát biểu gần đây liên quan đến kế hoạch cử tàu chiến đến Biển Đông của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, cho rằng phát biểu này thổi phồng “mối đe dọa Trung Quốc”, buộc tội Bộ trưởng Williamson khơi lại chiến tranh lạnh và ngoại giao pháo hạm, làm gián đoạn tiến triển trong quan hệ Anh – Trung. Trong bối cảnh năm 2019, Anh và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh kêu gọi hai bên hành động một cách hòa hợp, dựa trên tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, tránh xa những ồn ào về thù hận và đối đầu. Hai bên cần tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích cốt lõi và những quan tâm chính của nhau, mở rộng đồng thuận chiến lược và giải quyết các bất đồng một cách phù hợp để bảo đảm mối quan hệ Anh – Trung phát triển đúng hướng.

Mỹ bá quyền và hung hăng ở Biển Đông

Ngày 26/2, trang China – US Focus đăng bài viết của We Zurong, nghiên cứu viên tại Quỹ nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, cho rằng Mỹ thể hiện sự bá quyền và hung hăng ở Biển Đông. Bài viết đề cập đến việc từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ đã hai lần xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông với việc đưa tàu chiến đến thực hiện hoạt động tự do hàng hải quanh các đảo ở Biển Đông. Mỹ nên dừng các hành động hung hăng như vậy ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không theo luật quốc tế. Bài viết cho rằng việc Mỹ triển khai các hoạt động quân sự ở khu vực này không phải là giải pháp để giải quyết bất đồng giữa các quốc gia. Mục đích của các hoạt động này là thách thức “chủ quyền” của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông theo cách hiểu và diễn giải của Mỹ về luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc thống trị khu vực. Việc Mỹ công khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông thể hiện bản chất Mỹ theo đuổi bá quyền trên biển bằng cách thách thức cái gọi là yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc, bất chấp các đảo ở Biển Đông đã thuộc Trung Quốc từ hơn 2000 năm. Bài viết cho rằng sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ xuất phát từ cách hiểu và diễn giải khác nhau về luật quốc tế, trong đó có UNCLOS; do vậy, việc tăng cường hiểu biết thông qua đối thoại sẽ là giải pháp tốt hơn.

Bên cạnh đó, bài viết cho rằng các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải còn gây căng thẳng ở khu vực, thể hiện Mỹ là kẻ gây rối, làm lãng phí tiền thuế của dân Mỹ, làm dấy lên sự phản đối của những người yêu chuộng hòa bình trong khu vực. Nay Mỹ lại kêu gọi sự giúp đỡ từ các đồng minh quân sự nhưng phần lớn các đồng minh này lại là các đối tác kinh doanh thân cận, các bạn tốt của Trung Quốc nên đều chần chừ trước lời kêu gọi của Mỹ. Cho đến nay, mới chỉ có Anh bắt chước Mỹ xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách đưa tàu chiến đi qua “lãnh hải của Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa và Bộ trưởng Quốc phòng Anh đưa ra phát biểu hung hăng về khả năng đưa thêm tàu chiến đến Biển Đông trong tương lai. Do vậy, Mỹ có thể sẽ cảm thấy thất vọng nếu kỳ vọng quá nhiều vào sự ủng hộ của các đồng minh quân sự. Tốt hơn hết, Mỹ nên chấm dứt các hành động gây hấn như vậy vì lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới