Việc theo đuổi ý đồ độc chiếm Biển Đông những năm qua đã khiến nền ngoại giao Trung Quốc phải trả giá, trước hết là uy tín, hình ảnh và vai trò “nước lớn” đang ngày càng suy giảm tại khu vực và quốc tế. Gần đây nhất, để phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, Chính phủ Anh đã quyết định hủy chuyến thăm tới Bắc Kinh được lên kế hoạch trước đó của Bộ trưởng Tài chính.
TQ hiện đang trở thành tâm điểm của những chỉ trích, lên án từ các nước về hành vi quân sự hóa, mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông
Tại Mỹ, dư luận lên án khá mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực. Cả chính phủ, quốc hội và giới chính trị ở Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Tháng 10/2018, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ “sẽ không bỏ qua các hành động đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông và sẽ quyết tâm giữ cho đường biển quốc tế được mở”. Theo ông, “Trung Quốc cần phải hiểu rằng họ không tạo ra được tình thế sự đã rồi ở khu vực này. Đây hiện không phải, và sẽ không phải, là một tỉnh của Trung Quốc”. Còn phát biểu tại Hong Kong hôm 19/11/2018, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Patrick Murphy khẳng định Mỹ muốn giữ quan hệ ngoại giao cấp cao với Trung Quốc trên bình diện song phương và đa phương, song “sẽ không nhượng bộ” về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. “Chúng tôi đã duy trì quan hệ với Trung Quốc bằng cách giữ nguyên hiện trạng qua nhiều thập kỷ, nhưng Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng đó tại Đài Loan và Biển Đông và điều này dẫn đến căng thẳng”, tờ South China Morning Post dẫn phát biểu của ông Murphy. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thừa nhận ông và Chủ tịch Tập Cận Bình “có thể không còn là bạn”. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 để phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, triển khai tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B tới Trường Sa… Cuộc tập trận RIMPAC được tổ chức ngoài khơi quần đảo Hawaii của Mỹ 2 năm một lần. Quân đội Trung Quốc từng tham gia RIMPAC vào năm 2014 và 2016. Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng khi hai nước liên tiếp áp đặt những mức thuế ngày càng tăng với hàng nhập khẩu của đối phương.
Tại Anh, dư luận cũng lên án mạnh mẽ hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh dự định lập hai căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á và vùng Caribbean sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài là một phần kế hoạch mở rộng hiện diện quân sự của nước Anh trên thế giới, đồng thời cũng có thể coi đây là lời đáp của London sau lời kêu gọi của giới chức cấp cao Mỹ đề nghị đồng minh đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson (15/2/2019) đã công bố Chiến lược an ninh – quốc phòng mới với điểm nhấn là kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Việc triển khai nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Anh khi Trung Quốc ngày càng tăng cường tranh chấp tại các vùng biển trong khu vực. Bill Hayton là chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) cho rằng Phán quyết của Toà Trọng tài (7/2016) đã bác bỏ hoàn toàn “quyền lịch sử đối với tài nguyên trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo tuyên bố của Trung Quốc, đồng thời kết luận các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển và làm trầm trọng thêm tranh chấp. Tuy nhiên kể từ sau Phán quyết đến nay, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông về cơ bản không hề thay đổi và ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. Điều đáng bị lên án là trong thực tế, Trung Quốc vẫn đang sử dụng ưu thế về lực lượng quân sự để gia tăng sự uy hiếp, hòng gây sức ép đối với các nước láng giềng để buộc các nước này phải nhượng bộ đối với các yêu sách của Trung Quốc. Điều đó thực sự đã tạo một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế, theo ý kiến của học giả Anh.
Tại Australia, trong năm 2018 trở lại đây, dư luận Anh quan tâm nhiều đến tình hình Biển Đông và nhiều lần chỉ trích đích danh việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, tiến hành quân sự hóa. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Christopher Pyne (3/10/2018) nhận định các báo cáo về lần chạm trán giữa tàu khu trục Trung Quốc và tàu chiến Mỹ (1/10/2018) là “rất đáng quan ngại”. Ông cho rằng phía Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật nguy hiểm trong sự việc lần này. “Australia đã liên tiếp bày tỏ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả những bên tranh chấp kiềm chế, không thực hiện các hành vi đơn phương có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh. Hôm 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne tiếp tục cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại. “Việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác”, Bộ trưởng Pyne cho biết. Chính phủ Australia dự định xây dựng lại một căn cứ hải quân Mỹ từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai ở Papua New Guinea. Động thái mới nhất của Australia được xem là nhằm đề phòng trước sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Tại Philippines, mặc dù chính quyền của Tổng thống R.Duterte vẫn theo đuổi chính sách “kết thân” và tìm kiếm lợi ích với Trung Quốc, song dư luận trong chính giới, tòa án, học giả và người dân Philippines vẫn lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III (01/2019) chỉ trích việc chính phủ nước này và Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dầu khí, bao gồm cả các khu vực ở Biển Đông hồi tháng 11/2018. Một số quan chức Philippines tố cáo việc quân đội Trung Quốc đã cử người và tài trợ tiền cho lực lượng dân quân hàng hải của nước này để cải trang thành ngư dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực. Các tàu Trung Quốc hoạt động quanh một nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một quan chức cấp cao trong quân đội Philippines cho biết các nước trong khu vực cần giám sát sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc khi chúng có vẻ như tàu dân sự. Quan chức này thừa nhận sự xuất hiện của các tàu màu xám Trung Quốc, được cho là tàu hải quân, đã trở nên thường xuyên. Còn nhớ những cuộc biểu tình của người dân Philippines phản đối việc Trung Quốc ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines. Người dân cho rằng nếu Philippines tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ “khuyến khích” Bắc Kinh tiếp tục các hành động phi pháp trên Biển Đông.
Tại Liên minh châu Âu (EU), mặc dù cách xa về mặt địa lý và không có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền ở Biển Đông, bản thân đang có nhiều khó khăn thách thức phải giải quyết nên EU giữ quan điểm trung lập và hạn chế những chỉ trích trực tiếp đối với Trung Quốc, song EU cũng nhiều lần phản đối việc quân sự hóa ở Biển Đông. Tháng 7/2017, tại Cuộc họp các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và EU tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, dù đang phải đối mặt với thách thức cả trong lẫn ngoài châu Âu, EU khẳng định quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, trong đó có hợp tác sâu rộng với ASEAN. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này.
Hệ quả tất yếu từ những lên án, chỉ tích trên thể hiện phần nào qua sự khước từ về mặt ngoại giao của các nước đối với TQ
Người phát ngôn Bộ Tài chính Anh hôm 16/2 thông báo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond thông báo đã hủy chuyến thăm Trung Quốc. Theo kế hoạch ban đầu, chuyến đi của ông Hammond nhằm thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ tài chính, kinh tế giữa Anh và Trung Quốc. Hammond dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch kết nối thị trường chứng khoán hai nước và ấn định ngày tổ chức Đối thoại Kinh tế và Tài chính Anh – Trung. Quyết định của Bộ Tài chính Anh được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson “có những tuyên bố mang não trạng Chiến tranh Lạnh”. Bộ Quốc phòng Mỹ (2018) đã phải hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 để phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, triển khai tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B tới Trường Sa…
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.