Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã ký ban hành một loạt các quy định làm rõ các phương pháp huấn luyện quân đội và truy tố các hành vi sai trái trong quân đội. Những quy định trên của ông Tập Cận Bình sẽ có hiệu lực vào ngày 1/3 tới, đây được coi là các biện pháp lần đầu tiên được áp dụng trong lịch sử Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Chiến lược khu phía Nam hồi tháng 10 năm 2018
Theo báo cáo của Army Technology, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch của Quân ủy Trung ương đã ký lệnh tăng cường huấn luyện cho hai triệu quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Chính quyền Trung Quốc đã thông báo triển khai các thanh sát viên và một hệ thống giám sát mới tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cũng theo báo cáo của Army Technology, quy định mới gồm các biện pháp “chấn chỉnh các hành vi không phù hợp với yêu cầu chiến đấu trên thực tế”, xây dựng các tiêu chí xác định các hành vi vi phạm và kỷ luật trong quá trình huấn luyện, đồng thời củng cố việc quản lý huấn luyện quân đội.
Lệnh đã được ban hành là một bước nữa trong những nỗ lực gần đây của TQ tăng cường khả năng tác chiến của quân đội, trong đó bao gồm triển khai hệ thống radar mạng có khả năng phát hiện máy bay tàng hình, thử nghiệm một tàu sân bay bằng bệ phóng mới và thử tên lửa “sát thủ tàu sân bay”.
Ngoài việc yêu cầu PLA tăng cường huấn luyện quân và thắt chặt kỷ luật quân đội, ông Tập Cận Bình còn nhiều lần kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu. Tại Hội nghị công tác quân sự của Quân Ủy Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (4/1) tuyên bố toàn quân cần phải kiên trì lấy Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội 19 và Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 3 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu quán triệt tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh của Đảng trong thời đại mới, đi sâu quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong thời đại mới, làm tốt công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, mở ra cục diện mới về sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh trên khởi điểm mới. Ông Tập Cận Bình còn cho rằng “thế giới đang đứng trước tình hình biến đổi chưa từng có trong một trăm năm qua, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, đồng thời các loại rủi ro thách thức có thể dự kiến và khó dự kiến tăng lên. Toàn quân cần phải nhận thức đúng đắn và nắm bắt xu thế an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng cường ý thức về hoạn nạn khốn khó, ý thức khủng hoảng, ý thức chiến đấu, làm vững chắc các công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”. Theo Đài truyền hình CCTV, mệnh lệnh do ông Tập Cận Bình đưa ra ưu tiên hoạt động huấn luyện nâng cao cho quân đội, tập trung vào sự sẵn sàng chiến đấu, tập trận quân sự, thị sát binh sĩ và tập trận đối kháng. Yêu cầu này được áp dụng cho tất cả các đơn vị của quân đội Trung Quốc bao gồm cả binh sĩ, cảnh sát vũ trang và các học viện.
Trước đó, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ban hành một loạt chỉ thị để nâng cao tinh thần binh sĩ. Cơ quan này cho biết sẽ mở rộng thăng cấp cho quân nhân dựa trên thành tích và “rộng lượng hơn” đối với những sai sót trong quá trình huấn luyện. Báo PLA Daily (tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, 1/1) đã có bài xã luận tuyên tuyền rằng tăng cường huấn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh là những ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc trong năm 2019, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc này, đồng thời khẳng định quân đội nên chuẩn bị tốt tất cả các định hướng đấu tranh quân sự và cải thiện toàn diện khả năng ứng phó chiến đấu trong các trường hợp khẩn cấp… để đảm bảo có thể đối mặt thách thức và chiến thắng trong những tình huống như vậy. Các ưu tiên khác được vạch ra trong bài báo bao gồm lập kế hoạch và triển khai hoạt động phát triển quân đội, thúc đẩy cải cách và đổi mới, cũng như xây dựng đảng trong lực lượng PLA. Phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, ông Tập Cận Bình (25/10) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”. Phát biểu trong buổi lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (30/9) đã có bài phát biểu ngắn gọn, kêu gọi binh sĩ Trung Quốc tin tưởng “có khả năng đánh bại mọi kẻ thù”. Hay phát biểu trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế. Tương tự năm 2019, phát biểu trong cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1/2018) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.
Trong năm 2014, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra các lời kêu gọi tương tự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2014) đã kêu gọi quân đội Trung Quốc “nâng cao tính sẵn sàng và năng lực chiến đấu để chiến thắng một cuộc chiến khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”; đồng thời nhấn mạnh “thúc đẩy phát triển các phương tiện quân sự hiện đại để xây dựng một quân đội mạnh”. Trong tháng 9/2014, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi “Các bộ chỉ huy của quân đội Trung Quốc phải tuyệt đối trung thành và có niềm tin vững mạnh vào đảng Cộng sản Trung Quốc, phải đảm bảo luồng chỉ huy thông suốt và đảm bảo tất cả những quyết định từ lãnh đạo trung ương phải được chấp hành; nhấn mạnh Bộ chỉ huy của tất cả các lực lượng quân đội Trung Quốc nên cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và nâng cao năng lực để có thể giành chiến thắng một cuộc chiến tranh khu vực trong thời đại công nghệ thông tin”.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục yêu cầu tăng cường huấn luyện quân đội và kêu gọi binh lính sẵn sàng chiến đấu diễn ra trong bối cảnh quân nhân Trung Quốc bị chỉ trích là thiếu đào tạo bài bản bằng các chương trình huấn luyện tiên tiến, hiện đại và thiếu năng lực tác chiến, cũng như kinh nghiệm trong chiến tranh.
Để khắc phục một phần điểm yếu, từ năm 2015 cho tới nay PLA cải cách cấu trúc toàn diện mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1950. Các cải cách này có tác động sâu rộng tới cấu trúc, cũng như phương thức điều hành và chỉ huy của PLA. Có thể kể tới việc loại bỏ bốn tổng cục cũ và tái cấu trúc bảy đại quân khu trở thành các chiến khu và bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp. Quy trình chỉ huy và kiểm soát cũng được làm mới nhằm tránh chồng chéo. Trong hệ thống chỉ huy mới, Quân ủy Trung ương giữ quyền lãnh đạo tối cao, tư lệnh các chiến khu đóng vai trò là chỉ huy tác chiến, trong khi các quân binh chủng chỉ giữ nhiệm vụ phát triển lực lượng. PLA cũng thành lập hai lực lượng mới, cho thấy rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ và của các thành tố mới trong chiến tranh hiện đại: Biến lực lượng tên lửa chiến lược trở thành một quân chủng độc lập có bộ chỉ huy riêng và thành lập quân chủng hỗ trợ chiến lược bao gồm các bộ chỉ huy về tác chiến không gian và trên mạng.
Tuy nhiên, các thách thức khác vẫn còn ở trước mắt. Thách thức lớn nhất với quân đội Trung Quốc là sự thiếu vắng kinh nghiệm tác chiến. PLA chưa từng tham gia vào một cuộc chiến thật sự nào kể từ năm 1979. Điều này có khả năng làm giảm đi tính hiệu quả của quá trình hiện đại hóa và tái cấu trúc đang diễn ra trong PLA. Ngoài ra, PLA còn thiếu vắng kỷ luật cũng như vấn đề tham nhũng trong quân đội. Thách thức này hiện rõ qua công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình trong suốt những năm vừa qua nhắm vào các quan chức cấp cao của quân đội. Không những vậy, mặc dù đã đầu tư rất lớn để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, vẫn còn những điểm nghẽn rất lớn mà PLA phải vượt qua. Công nghệ động cơ máy bay là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó là cạnh tranh với các cường quốc khác trên không gian mạng và vũ trụ. Cần phải nhớ rằng đầu tư cho quốc phòng là khoản đầu tư cực kỳ tốn kém.
Ngoài ra, vấn đề Đài Loan và việc cộng động quốc tế, nhất là Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cũng khiến Bắc Kinh lo ngại. Thông qua việc yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cũng được cho là thông điệp cứng rắn của ông Tập Cận Bình muốn gửi tới Mỹ và các nước đồng minh. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định những động thái nhằm củng cố thanh thế quân đội gần đây của Bắc Kinh là thông điệp gửi tới Đài Loan, và cũng là phản ứng trước chính sách ngày càng cứng rắn hơn về thương mại, chính trị và quân sự của Mỹ. Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho rằng những động thái này của Bắc Kinh dường như là một lời cảnh báo cho bất cứ lực lượng nào cản trở kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống nhất Đài Loan. Ông Tập nói rằng ông muốn thống nhất Đài Loan “một cách hòa bình” nhưng rất ít chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm bớt sức ép quân sự lên hòn đảo này. Trong khi đó, Yue Gang, một cựu quan chức quân đội đã về hưu của Trung Quốc, cho rằng lời kêu gọi của ông Tập dành cho quân đội không phải chỉ liên quan đến căng thẳng leo thang hiện nay giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan mà còn là sự sẵn sàng ứng phó với căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc đang tăng cường huấn luyện quân đội để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất liên quan đến Mỹ và tình hình ở eo biển Đài Loan. Trong năm tới, Mỹ có thể dùng Đài Loan và Biển Đông là quân bài để gây sức ép đàm phán với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước đồng minh (Nhật Bản, Đài Loan, Australia…) khiến Trung Quốc lo ngại sẽ bị đe dọa về “an ninh quốc gia”. Những lần ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh là nhằm thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc và nhắc lại các tuyên bố lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Singapore nhận định: “Đây có thể là thông điệp cho Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào mà Bắc Kinh đang cảm thấy khiêu khích (ở Biển Đông)”. Cùng quan điểm trên, nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng “Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bởi Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo và có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước tại vùng biển này”. Cùng quan điểm trên, Hãng tin Reuters nhận định, Trung Quốc đang tập trung tăng cường lực lượng vũ trang trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông và leo thang căng thẳng với Mỹ về các vấn đề từ thương mại đến Đài Loan.