Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến lược phát triển không gian vũ trụ của TQ

Chiến lược phát triển không gian vũ trụ của TQ

Chính phủ Trung Quốc coi lĩnh vực không gian là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia; khẳng định Trung Quốc sẽ phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên không gian một cách thận trọng, áp dụng các biện pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường không gian nhằm đảm bảo không gian vũ trụ hòa bình và trong sạch, đồng thời đảm bảo rằng các hoạt động không gian của Trung Quốc mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại; đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ không chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ.

Thiên Cung 1 của Trung Quốc

Trên thực tế, cùng với khoa học công nghệ ngày càng phát triển và nguồn kinh tế đầu tư vào khoa học của Trung Quốc ngày một lớn, Bắc Kinh đang có những bước đi khẳng đị vị thế và năng lực của mình trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Nhìn một cách tổng thế, Trung Quốc phát triển không gian vũ trụ nhằm phục vụ nhiều mục tiêu chiến lược, trong đó các mục tiêu quân sự.

Trung Quốc chủ yếu đề cập đến chính sách khai thác, phát triển vũ trụ ở khía cạnh khoa học vì mục đích hòa bình, không vì vấn đề an ninh quốc gia, quân sự nhằm khẳng định rằng chính sách vũ trụ của Trung Quốc là phi quân sự và không trở thành mối đe dọa cho các nước khác. Trung Quốc (năm 2016) đã vượt lên trong cuộc chạy đua khi phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên “Mặc Tử” vào quỹ đạo, có nhiệm vụ thiết lập đường dây thông tin mà tin tặc không thể tấn công (dữ liệu thông tin được mã hóa và chuyển đến vệ tinh dưới dạng các hạt photon nên không thể bị đánh cắp và có thể đảm bảo sự an toàn tuyệt đối), giúp Trung Quốc có trong tay toàn bộ công nghệ về vệ tinh lượng tử, bệ phóng và cả tên lửa. Bắc Kinh phát triển không gian vũ trụ cũng nhằm nắm quyền chủ động trong việc định vị vệ tinh, phục vụ phát triển giao thông, liên lạc. Hiện Trung Quốc cũng đang tích cực triển khai lĩnh vực ứng dụng hàng không vũ trụ, đưa ra giải pháp trọn gói về hàng không vũ trụ thương mại với toàn cầu như cung cấp dịch vụ phóng, xuất khẩu vệ tinh.

Trong tiến trình phát triển, như Nga và Mỹ, Trung Quốc lần đầu tham gia vào hoạt động không gian trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo hồi thập niên 1950. Quốc gia Đông Á tự mình phát triển chương trình không gian dù có hưởng một số hỗ trợ từ Liên Xô. Họ phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970, song chương trình không gian con người đầu tiên thì bị hoãn để tập trung vào các ứng dụng vệ tinh thương mại. Năm 1978, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trình bày rõ chính sách không gian quốc gia, lưu ý rằng với tư cách nước đang phát triển, Trung Quốc không tham gia vào cuộc đua vũ trụ. Thay vào đó, họ nỗ lực tập trung vào các phương tiện phóng và vệ tinh, bao gồm vệ tinh thông tin liên lạc, viễn thám và khí tượng. Song hướng đi này không có nghĩa là Trung Quốc không quan tâm đến sức mạnh mà nỗ lực không gian có thể tạo ra. Năm 1992, họ kết luận rằng việc có trạm không gian sẽ là dấu hiệu uy tín lớn trong thế kỷ 21. Từ đây, chương trình vũ trụ gồm con người được thiết lập, dẫn đến sự phát triển của tàu vũ trụ Thần Châu. Phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là Yang Liwei lên vũ trụ năm 2003. Tổng cộng, sáu nhiệm vụ Thần Châu đã đưa 12 phi hành gia vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Trong số này, hai người đến trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc là Tiangong-1. Ngoài các chuyến bay có con người, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học như Chang’e-4. Nhiệm vụ Mặt trăng đầu tiên của nước này là Chang’e-1, quay quanh Mặt trăng vào tháng 10.2007, còn một chiếc xe tự hành thì hạ cánh ở Mặt trăng năm 2013. Tương lai, Đại lục có kế hoạch lập trạm không gian mới, căn cứ trên Mặt trăng và thực hiện nhiều nhiệm vụ đưa mẫu về, có thể là từ sao Hỏa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực không gian vũ trụ, khiến ngay cả Mỹ – nước đứng đầu thế giới về lĩnh vực này cũng phải nể phục. Đầu tiên, giới khoa học vũ trụ Trung Quốc (3/1) đã cho hạ cánh thành công tàu thăm dò tại vùng tối của Mặt trăng, thực hiện một loạt nhiệm vụ và thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc. Hạ cánh tại khu vực chưa từng được khám phá cho phép tàu thăm dò Hằng Nga 4 nghiên cứu tốt hơn về Mặt trăng vì nơi này chưa bị nhiễu điện từ từ Trái đất. Thứ hai, nhiệm vụ Mặt trăng của Trung Quốc cũng đi kèm với thử nghiệm xem liệu nơi này có thể hỗ trợ sự sống hay không. Hình ảnh được Hằng Nga 4 gửi về Trái đất tháng trước cho thấy chiếc lá xanh đầu tiên nhú lên từ hạt bông nảy mầm, 9 ngày sau khi thí nghiệm bắt đầu.

Ngoài những mục đích trên, chiến lược không gian vũ trụ của Trung Quốc còn nhằm phục vụ các mục đích quân sự. Trung Quốc đang chi ít nhất 9 tỉ USD để cạnh tranh với Mỹ trên không gian. Nước này muốn xây dựng hệ thống định vị, bớt phụ thuộc vào hệ thống GPS do Mỹ sở hữu. Dữ liệu vị trí GPS được smartphone, các hệ thống định vị ô tô và vi mạch trên cổ thú cưng… sử dụng. Dữ liệu từ GPS cũng giúp dẫn đường tên lửa. Tất cả vệ tinh GPS đều do Không quân Mỹ kiểm soát, và thực tế này khiến chính phủ Trung Quốc thiếu thoải mái. Vì thế, nước này tự phát triển hệ thống Beidou Navigation System, hay Hệ thống Định vị Bắc Đẩu. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ứng dụng khoa học không gian vũ trụ trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa chống vệ tinh DN-3 có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh. Từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh tiến hành ít nhất 8 vụ thử vũ khí không gian. Các lần bắn diễn ra trong năm 2010, 2013 và 2014 đều được “dán nhãn” thử nghiệm đánh chặn tên lửa trên đất liền. Quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi họ bắn hạ một vệ tinh hỏng ở quỹ đạo thấp vào năm 2007. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tên lửa mới có định danh DN-2. Tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2013 và có thể đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh. Theo Washington Times, vũ khí không gian của Trung Quốc nhằm mục đích phá hoại hoặc gây nhiễu vệ tinh và hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình rộng lớn và mạnh mẽ về khả năng đánh chặn trong không gian, trong đó bao gồm tên lửa, hệ thống chống vệ tinh đồng quỹ đạo, mạng lưới thiết bị gây nhiễu và vũ khí năng lượng định hướng trên mặt đất.

Xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp vũ trụ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, Bắc Kinh cũng đã đặt ra một số mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Về ngắn hạn, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trước năm 2020, lên kế hoạch thăm dò Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và 5, nghiên cứu chế tạo, phát triển các tên lửa vận chuyển hạng nặng thế hệ mới, xây dựng hệ thống bảo dưỡng tàu vũ trụ trên quỹ đạo; có kế hoạch thành lập mạng lưới Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh phục vụ hoạt động định vị toàn cầu trước năm 2020; đặt mục tiêu xây dựng trạm không gian riêng vào khoảng năm 2022. Trạm không gian Thiên Cung sẽ có một module lõi và hai module khác để thử nghiệm, nặng tổng cộng 66 tấn và chứa được ba người. Cơ sở này sẽ được dùng cho nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý và khoa học vật liệu. Về dài hạn, theo lộ trình vũ trụ từ năm 2020 đến 2045, Trung Quốc muốn đạt được một số bước ngoặt quan trọng về công nghệ vũ trụ. Ví dụ như phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020, phóng tàu thăm dò hành tinh nhỏ năm 2022, thực hiện sứ mệnh sao Mộc năm 2029, phóng tên lửa đẩy năm 2035 và phóng tàu con thoi năng lượng hạt nhân năm 2040. Trong một bài báo đăng trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, Viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc nói rõ rằng tàu vũ trụ năng lượng hạt nhân sẽ chở được nhiều hàng hơn, cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.

RELATED ARTICLES

Tin mới