Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamChiến tranh biên giới 2/1979: Những bài học lớn

Chiến tranh biên giới 2/1979: Những bài học lớn

Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung 40 năm trước (17/02/1979) đã đem lại cho Việt Nam nhiều bài học lớn.

40 năm trước đây, vào ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung; bất chấp việc thời điểm đó là 2 nước là anh em trong Khối Xã hội Chủ nghĩa nên một cuộc chiến tranh giữa hai bên sẽ trở thành một biến cố cực lớn trong khối, dẫn đến sự rạn nứt nội khối và sự thay đổi cả về nền tảng lí luận ý thức hệ.

Vậy những nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy Trung Quốc đi đến quyết định tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gây chấn động thế giới, được phương Tây mô tả là “Cuộc chiến tranh đỏ” hay “Cuộc chiến cùng ý thức hệ”?

Điều này có phải đơn thuần là xuất phát chủ yếu từ giấc mộng bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh và tư tưởng “cậy lớn bắt nạt bé” được “di truyền” lại suốt lịch sử hay không?

Thực chất, đây không phải là một nguyên nhân, mà nó là định hướng tư tưởng xuyên suốt của giới cầm quyền Bắc Kinh. Việc Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa khác, có liên quan đến quan hệ quốc tế chứ không gói gọn trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Quan hệ Trung-Mỹ: Sự ngã giá…

 

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 gắn liền với tư tưởng cải cách mở cửa của Trung Quốc, với sự giúp đỡ đắc lực của Hoa Kỳ. Thực chất là sự ngã giá của Bắc Kinh với Washington đổi lấy 10 năm Mỹ hỗ trợ Trung Quốc cải cách và phát triển lớn mạnh.

Sau khi đánh đổ bè lũ 4 tên và trở lại cầm quyền năm 1977, Đặng Tiểu Bình ấp ủ kế hoạch “Bốn hiện đại hoá” kinh tế và mở cửa ra thế giới bên ngoài, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu vào cuối thế kỷ.

Theo sách lược này, Hoa Kỳ được xem là tấm gương để học tập các ý tưởng và công nghệ tiên tiến, đồng thời là tấm gương thích hợp nhất về hiện đại hoá. Ông Đặng Tiểu Bình tin rằng, nếu Bắc Kinh mở cửa với các nước khác nhưng cự tuyệt Washington thì chính sách mới sẽ không có hiệu quả.

Do đó, muốn “Cải cách, mở cửa” có hiệu quả thì phải bắt tay với Mỹ, tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật của phương Tây để tăng tốc độ phát triển. Thế nhưng, trở ngại chính giữa hai bên là “lòng tin” và Đặng Tiểu Bình đã quyết định mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam để chứng minh “thành ý” với Mỹ.

Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị (tháng 11/1978), Trung Quốc hạ quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam để xây dựng lòng tin với “đồng minh mới”.

Vào ngày 15/12/1978, Mỹ và Trung Quốc công bố việc bình thường hoá quan hệ từ ngày 01/01/1979 và một tháng sau Đặng Tiểu Bình đã sang thăm Mỹ. Bắc Kinh đã nhận được những cam kết giúp đỡ của Washington trong việc theo dõi động tĩnh quân sự của Liên Xô và Việt Nam, đồng thời sẽ không lên án hoặc ra nghị quyết phản đối Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc.

Với cam kết của Washington, Đặng Tiểu Bình triệu tập cuộc họp quân uỷ Trung ương vào ngày 10/2/1979, ra quyết định tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm “dạy cho Việt Nam bài học”, khoác dưới cái vỏ bọc mỹ miều là “Cuộc chiến tranh phản kích tự vệ”..

Quan hệ Trung-Xô: Mượn Liên Xô làm công cụ phát triển

Để hiểu được bản chất mối quan hệ Xô-Trung, vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải bàn đến là “thực chất về tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội của nhà cầm quyền Bắc Kinh” (được mô tả là “theo màu sắc Trung Quốc”, hay “đặc sắc của Trung Quốc”).

Cuộc xâm lược được Bắc Kinh được tiến hành trên hai hướng. Cánh đông do Thượng tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou), Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu chỉ huy có 18 sư đoàn chủ lực, 1 sư đoàn địa phương, 3 trung đoàn biên phòng cùng các đơn vị dân binh.

Hỗ trợ cho hướng này là 6 trung đoàn xe tăng, 2 sư đoàn pháo binh và 1 sư đoàn phòng không. Cánh quân này đảm nhiệm tiến công ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam, trong đó trọng điểm là Cao Bằng và Lạng Sơn.

Chien tranh 1979: Bo doi dia phuong doi dau quan banh truong

Cánh tây do Thượng tướng Dương Đắc Chí (Yang Dezhi), Tư lệnh Đại quân khu Vũ Hán chỉ huy có 10 sư đoàn chủ lực, 1 sư đoàn địa phương, 4 trung đoàn biên phòng cùng các đơn vị dân binh. Hỗ trợ cho hướng này là 1 trung đoàn xe tăng, 1 sư đoàn pháo binh và 1 sư đoàn phòng không.

Lực lượng này đảm nhiệm tiến công ba tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai), Lai Châu của Việt Nam, trong đó trọng điểm là Hoàng Liên Sơn.

Đương đầu với đạo quân xâm lược hùng hậu của Trung Quốc là các lực lượng vũ trang tại chỗ cùng nhân dân 6 tỉnh biên giới Việt Nam.

Đóng góp vào thế trận phòng thủ chung trên địa bàn 6 tỉnh biên giới còn có các đơn vị binh chủng (pháo cối, ĐKZ, cao xạ, trinh sát, công binh, thông tin, quân y, vận tải) của các BCHQS tỉnh và huyện, thị; lực lượng công an, cảnh sát và đông đảo dân quân, tự vệ ở khắp các làng bản, huyện thị, nông lâm trường và nhà máy xí nghiệp… được tổ chức ở quy mô từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn.

Diễn biến đến ngày 17/2/1979

 

Từ tháng 1-1979, đối phương bắt đầu ráo riết đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang dọc biên giới. Chỉ trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2-1979, phía Trung Quốc đã gây ra 230 vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn, khiêu khích cho tới phục kích, giết hại, bắt cóc người đưa về Trung Quốc, tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác của công an, dân quân Việt Nam cũng như các cơ sở sản xuất của nhân dân.

Theo số liệu thống kê của lực lượng biên phòng Việt Nam, trong những vụ xâm phạm này, lính Trung Quốc đã giết hại trên 40 dân thường và chiến sĩ, làm bị thương hàng trăm người và bắt đi hơn 20 người.

Đặc biệt có những vụ diễn ra sâu trong lãnh thổ Việt Nam tới 5km như vụ tập kích trạm gác của dân quân ở Bản Lầu (Hoàng Liên Sơn) ngày 14/1, có những vụ quy mô lớn như huy động 1 tiểu đoàn chính quy tấn công bình độ 400 ở Thanh Lòa, Cao Lộc (Lạng Sơn) ngày 10/2, có những vụ pháo kích lớn đã sử dụng cả tới pháo 85mm, súng cối, ĐKZ… Cùng với đó là hàng chục lần tốp máy bay và tàu thuyền xâm phạm vùng trời, vùng biển của Việt Nam.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, pháo binh Trung Quốc bất ngờ khai hỏa bắn phá các mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam, mở màn cuộc xâm lược. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân Việt Nam chính thức bắt đầu.

Trên mặt trận Lai Châu

Trên mặt trận Lai Châu, phía Trung Quốc sử dụng Sư đoàn bộ binh 31 Quân đoàn 11 và Sư đoàn bộ binh 33 địa phương quân Vân Nam, tổ chức thành 2 mũi tiến công. Mũi chủ công đảm nhiệm tiến công Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm vào ngã ba Phong Thổ. Mũi thứ hai tiến công từ Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ). Ngoài ra địch còn sử dụng một lực lượng đánh chiếm khu vực bắc Dào San và Mù San (Phong Thổ).

Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân khu 2 điều động lực lượng của Trung đoàn 98 Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 Sư đoàn 326 tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần. Tại đây chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt như ở cao điểm 805, 551 hay 553 bắc Pa Tần.

Sau nhiều đợt tiến công liên tục, ngày 3-3, quân Trung Quốc chiếm được Thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến 5/3 chiếm được Dào San. Đến 10/3 trên mặt trận Lai Châu địch rút về bên kia biên giới.

 

Trên hướng Quảng Ninh, ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc huy động một bộ phận địa phương quân, biên phòng, dân binh của tỉnh Quảng Tây tiến đánh một số trận địa phòng ngự do các đơn vị thuộc Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Trung đoàn 43 và 244 bộ đội địa phương, Đồn biên phòng Pò Hèn… đảm nhiệm ở khu vực Hoành Mô, Đồng Văn (Bình Liêu), Thán Phún (Hải Ninh) và pháo kích vào Thị xã Móng Cái.

Trong các trận tiến công này địch chiếm được bình độ 300, Đồn Pò Hèn và điểm cao 1050 Cao Ba Lanh nhưng đến chiều 19/2 ta phản kích khôi phục lại trận địa 1050.

Ngày 26/2, địch mở đợt tiến công mới nhằm vào khu vực chốt của Trung đoàn 288 Sư đoàn 325B ở điểm cao 1050, 585, đồi Cây Xanh, đồi Không Tên… và ngày 28/2 đánh vào trận địa Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B ở điểm cao 500, 600, 781, đồi Khẩu Hiệu… Các đợt tiến công này đều bị đánh bại.

Ngày 28/2, Tư lệnh Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh do Thiếu tướng Nguyễn Sùng Lãm mới được cử về làm Phó tư lệnh quân khu đứng đầu.

Ngày 1/3, quân Trung Quốc đồng loạt tiến công vào các điểm tựa của Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Tiểu đoàn 130 Bình Liêu, Đồn biên phòng Hoành Mô, Đồng Văn, Móng Cái và Đại đội 6 công an vũ trang… chiếm được đồn Hoành Mô và một phần điểm cao 600 và 781 nhưng bị chặn lại trên các hướng khác.

Ngày 4/3, địch tập trung đánh chiếm điểm cao 1050 nhưng một lần nữa bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề. Cũng trong ngày hôm đó Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B phản kích lấy lại điểm cao 600 và 781. Đến đây, mọi nỗ lực tấn công vào tuyến biên giới Quảng Ninh của Trung Quốc đã chính thức bị bẻ gãy.

Ngày 5/3, Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Chiến sự trên hướng Quảng Ninh tạm thời chấm dứt.

Trên mặt trận Hà Tuyên

Hà Tuyên là hướng phối hợp, địch không tiến công lớn mà chỉ sử dụng Trung đoàn biên phòng 12 và dân binh Tỉnh Vân Nam đánh vào các chốt của ta ở Xã Thượng Phùng, Lũng Làn (Mèo Vạc), Lũng Cú, Ma Ly (Đồng Văn), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Thanh Thủy, Lao Chải (Vị Xuyên), Bản Păng, Bản Máy (Xìn Mần), Na Khê (Yên Minh).

 

Tại đây bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ đã phối hợp chặn địch. Ngoài ra lực lượng vũ trang Hà Tuyên còn chủ động tổ chức một số trận đánh ngay vào vị trí xuất phát tiến công của đối phương như trận đánh ngày 23/2 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122 vào điểm cao 1875 hoặc trận ngày 25/2 của Tiểu đoàn 1 Mèo Vạc tập kích địch đột nhập Xã Thượng Phùng và tập kích Đồn Hoà Bình.

Từ 4/3, để hỗ trợ cho hai cánh quân trên hướng Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, ở Hà Tuyên địch đẩy mạnh các hoạt động tiến công cấp đại đội, tiểu đoàn nhằm vào các đồn biên phòng và các xã biên giới:

Ngày 5/3 tiến công đồn Lũng Làn và điểm cao 1379 Phìn Lò (Mèo Vạc), ngày 6 và 7/3 đánh Bản Păng, Bản Máy (Xín Mần); ngày 8 và 9/3 đánh Phó Bảng (Đồng Văn); ngày 11/3 tiến công khu vực Lao Chải (Vị Xuyên); ngày 13/3 tiến công điểm tựa của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122… đều bị đẩy lui.

Đến ngày 14/3 chiến sự tạm dừng. Trong đợt chiến đấu này lực lượng vũ trang Hà Tuyên đã tham gia chiến đấu 61 trận, có 1 cá nhân và 1 đơn vị công an biên phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Theo công bố chính thức, trên cả ba mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến 14.000 quân Trung Quốc (trong đó Hà Tuyên tiêu diệt khoảng 1.000 địch), đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch, phá hủy 4 xe tăng và 6 xe quân sự.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới