Singapore từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 và vai trò nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Một trong những đặc điểm nổi bật và xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Singapore đó chính là tính thực dụng. Vì vậy trong vấn đề Biển Đông, Singapore thường thể hiện quan điểm trung lập, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh làm gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khi tiếp xúc với Lãnh đạo TQ. Nguồn: AFP
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich tại Đức hôm 15-17/2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết vào cuối tháng 2 này, các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc đàm phán về xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Mục tiêu là để tránh các sự cố quân sự nguy hiểm trên biển. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore đã tỏ ra kiềm chế không chỉ trích sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Ông cho rằng mức độ hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực đã bị cường điệu hóa. Ông lập luận việc các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng châu Á-Thái Bình Dương lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Ông Ng Eng Hyun, phát biểu trước những người tham gia Hội nghị An ninh Munich, đã đưa ra ví dụ các cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Guam gấp 12 lần và Hawaii vượt trội hơn 70 lần so với hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Tuyên bố, nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen dường như đang đi ngược lại so với dư luận chung của các nước hiện nay khi hầu hết đều cho rằng hoạt động quân sự hóa ồ ạt bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực, kể cả vấn đề an toàn tự do hàng hải và hàng không. Đây rõ ràng là điều thực tế đang diễn ra mà có thể ông Ng Eng Hen đang có gắng lờ đi và xoa dịu các nước.
Giới phân tích cho rằng nếu xem xét về chính sách đối ngoại và đường hướng phát triển của Singapore từ trước đến nay thì rõ ràng thấy rõ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua tiếp tục cho thấy tính “thực dụng” rất lớn trong chính sách đối ngoại của nước này.
Thứ nhất, trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cấp cao của Singapore trước đây đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, nhìn chung đều khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Singapore khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Singapore cũng là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.
Thứ hai, hiện nay Trung Quốc là nước đối tác hàng đầu của Singapore và rõ ràng Singapore đang có nhiều lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc.Hai bên đang tăng cường mở rộng tìm kiếm và khai thác tiềm năng hợp tác hơn nữa, với nhiều động thái trong thời gian gần đây để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Hồi tháng 10/2018, tại một diễn đàn đầu tư Singapore – Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) Ning Jizhe cho biết Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Singapore kể từ năm 2013 và Singapore cũng đã trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc trong 5 năm liên tiếp. Đến cuối năm 2017, khoản đầu tư tích lũy của Singapore sang Trung Quốc là hơn 90 tỷ USD. Con số này của Trung Quốc vào Singapore là hơn 36,6 tỷ USD. Hai nước đã ghi nhận giá trị thương mại song phương đạt 79,2 tỷ USD trong năm 2017, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Singapore của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2018), ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Trung Quốc và Singapore cùng củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi.
Kết luận:Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (15/11/2018), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng các nước Đông Nam Á có thể buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc vì khó để dung hòa tầm nhìn của hai đối thủ này trong khu vực. “Nếu làm bạn với hai quốc gia vốn ở hai phía khác biệt nhau, đôi khi vẫn có thể hòa hợp với cả hai, nhưng thậm chí còn khó xử hơn khi cố gắng hòa hợp với cả hai”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu. “Tôi nghĩ điều chúng ta mong muốn là không phải đứng hẳn về phía bên nào. Tuy nhiên có những tình huống buộc ASEAN phải lựa chọn giữa một trong hai bên. Tôi hy vọng chuyện đó sẽ không sớm xảy ra”, ông Lý Hiển Long nói thêm. Có lẽ trong trường hợp của Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại Hội nghị An ninh Munich, Singapore đã ngả hẳn về phía Trung Quốc.