Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, quân đội Mỹ và Anh đã tiến hành liên tục hai cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Động thái trên được xem là nhằm tăng cường sự hiện diện và vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền phi pháp cùng với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu USNS Guadalupe của hải quân Mỹ và tàu hộ vệ HMS Montrose của hải quân Anh tham gia đợt diễn tập. Nguồn: SCMP.
Liên tiếp hai đợt diễn tập ở Biển Đông của Mỹ, Anh và hoạt động của các nước ở Biển Đông
Tàu chở dầu của hải quân Mỹ USNS Guadalupe và tàu hộ vệ Anh HMS Montrose tiến hành cuộc huấn luyện hậu cần và an ninh hàng hải chung tại Biển Đông hôm 18/2.Theo kịch bản diễn tập, một đội binh sĩ Anh chặn bắt và lên lục soát tàu USNS Guadalupe, được giả định là có liên quan đến hành vi đáng ngờ trên biển. Ngoài ra, tàu HMS Montrose và USNS Guadalupe còn diễn tập tiếp tế trên biển, đảm bảo việc chuyển nhiên liệu một cách an toàn và hiệu quả, dù hai tàu này chưa bao giờ hoạt động cùng nhau. Chỉ huy tàu HMS Montrose Conor O’Neill nhấn mạnh cuộc diễn tập là “minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hải quân Anh và Mỹ ở Thái Bình Dương lẫn toàn cầu”. “Việc chúng tôi có thể thực hiện đợt huấn luyện này và cuộc diễn tập tiếp liệu sau đó là bằng chứng cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa hải quân Mỹ và hải quân Hoàng gia Anh, không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới”, ông O’Neill nói thêm. Trên trang Twitter chính thức, Hải quân Mỹ hôm 21/2 thông báo cuộc tập trận với Hải quân Anh “được thiết kế nhằm chia sẻ và tăng cường các kỹ năng bảo đảm sự hiện diện an toàn trên Biển Đông”.
Trước đó, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường US McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu hộ tống HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đã thực hiện các bài tập chung trên Biển Đông từ ngày 11 đến ngày 16/01. Phía Mỹ cho biết hai tàu đã tiến hành các bài tập thông tin liên lạc, chiến thuật chia rẽ cũng như trao đổi nhân sự để xử lý các ưu tiên an ninh chung trên biển và tăng cường khả năng phối hợp. Hồi đầu tháng 1, tàu McCampbell đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong hoạt động mà Mỹ nói là tự do hàng hải nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý. Tháng 12/2018, một cuộc tập trận chống ngầm ba bên giữa Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cũng được tổ chức ở Biển Đông. Tháng 8/2018, tàu tấn công đổ bộ của Anh, HMS Albion, cũng từng đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Trong tháng sau đó, hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc suýt xảy ra va chạm trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phản ứng, dư luận liên quan hoạt động tập trận Mỹ, Anh ở Biển Đông
Giới chuyên gia cho rằng các hoạt động tập trận nói trên của Mỹ và Anh là nhằm đối phó với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định sự hiện diện của các nước và tự do hàng hải, hàng không trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm mọi cách nắm quyền kiểm soát độc quyền vùng biển này. Việc ngày càng có nhiều nước tham gia hiện diện ở Biển Đông dường như xuất phát từ lời kêu gọi và thúc giục của Mỹ vừa qua. Trước đó, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Philip Davidson tuyên bố nước này sẽ tăng cường các chiến dịch chung với đồng minh và đối tác ở Biển Đông. “Chúng ta có đồng minh và đối tác ở khu vực – Anh, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Pháp, tất cả đều gia tăng hoạt động ở Biển Đông”. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách về an ninh châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver cũng kêu gọi các đồng minh đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm phản ứng với những tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đề cập hành vi tăng cường hiện diện gây lo ngại ở Biển Đông của Trung Quốc như một phần trong chuỗi hành động “mang tính hung hăng” trên trường quốc tế.
Học giả Philippines Richard Heydarian, một chuyên gia về Biển Đông, nhận định rằng Washington đang áp dụng chiến lược rộng khắp để ngăn chặn sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Cụ thể, Hải quân Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) và giờ đây công khai thách thức các hoạt động của Trung Quốc trong “vùng xám” (vùng không rõ ràng) tại khu vực tranh chấp.
Chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á Zhang Mingliang, ở Đại học Tế Nam của Trung Quốc, cho rằng cả Mỹ và Anh đều sẽ phủ nhận vụ tập trận nhắm vào bất kỳ nước nào nhưng đây là thông điệp rõ ràng dành cho Bắc Kinh, vì cả Mỹ và Anh đang phản đối chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhiều ý kiến nhận định rằng các hoạt động tương tự của Mỹ, Anh và các nước chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phải điều chỉnh chính sách và không thể đơn phương tiến hành ồ ạt hoạt động quân sự hóa ở khu vực như hiện nay.
Trước thông tin về các cuộc tập trận của Mỹ và Anh, tờ “Nhân dân Nhật báo”, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 24/2 đã đăng bài viết “Anh có quá nhiều lý do để duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc” với nội dung “Trung Quốc đã nhắc lại nhiều lần rằng họ đã không làm gì để hạn chế tự do hàng hải trong vùng biển và họ không có ý định làm như vậy. Nhưng hải quân phương Tây dường như coi biển là một sân chơi mà họ có thể đe dọa Trung Quốc”. Tờ báo này cảnh báo việc Vương quốc Anh sẵn sàng trở thành một phần của liên minh quân sự của phương Tây ở Biển Đông chắc chắn sẽ gây bất lợi cho mối quan hệ kinh tế chặt chẽ khác với Trung Quốc, nước sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào của bất kỳ quốc gia nào nhằm thách thức chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra, báo Trung Quốc còn dẫn ra các số liệu về thương mại hai nước Trung Quốc – Anh, theo đó Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Anh trong năm 2017 với doanh thu trị giá 22,3 tỷ bảng Anh (29,15 tỷ USD) và là nguồn nhập khẩu lớn thứ tư trị giá 45,2 tỷ bảng. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond hôm 21/2 cho biết mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang bị tổn hại sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo có thể triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth cùng hai phi đội máy bay chiến đấu F-35B Lightning II tới Biển Đông. Trung Quốc được cho là đã hủy các cuộc đàm phán thương mại với Bộ trưởng Hammond do giận dữ với tuyên bố của Bộ trưởng Williamson
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần có trách nhiệm đóng góp một cách xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. “Quan điểm của Việt Nam là mọi hoạt động của các nước ở Biển Đông phải đóng góp tích cực vào mục tiêu nêu trên, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.