Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia bảo vệ chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông: Giải pháp...

Indonesia bảo vệ chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông: Giải pháp và hành động

Các động thái của Trung Quốc tác động trực tiếp đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của Indonesia, buộc nước này phải có các giải pháp, bước đi và hành động trên các lĩnh vực để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, Trung Quốc đã mở rộng tham vọng kiểm soát Biển Đông ra toàn bộ vùng biển này. Họ không chỉ đưa ra các tuyên bố và hành động thực thi chủ quyền trên thực tế ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough hay Luconia mà còn tuyên bố chủ quyền chồng lấn và phái các đoàn tàu cá vươn đến tận vùng biển Natuna của Indonesia nằm ở Nam Biển Đông để hoạt động, đi cùng là sự hỗ trợ, bảo vệ của các tàu hải giám, hải cảnh, hải quân Trung Quốc. Tình hình trên tác động trực tiếp đến chủ quyền và lợi ích quốc gia của Indonesia, buộc nước này phải có các giải pháp, bước đi và hành động trên các lĩnh vực để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.

Về đối ngoại, Indonesia triển khai thực hiện giải pháp “cân bằng qua tổ chức” bằng cách sử dụng nhiều cơ quan khác nhau ở trong và ngoài nước để cùng đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, kết hợp với “phòng vệ rủi ro”, liên kết giữa các nước trong khu vực và nước lớn nhằm đối phó với các mối đe dọa cũng như phòng ngừa trường hợp khẩn cấp. Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, Indonesia kiên quyết bác bỏ tuyên bố “đường 9 đoạn” phi lý của phía Trung Quốc, không chấp nhận việc Bắc Kinh khẳng định “Trung Quốc và Indonesia có những tuyên bố chồng lấn về lợi ích và quyền hàng hải ở quần đảo Natuna”. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ công nhận đường 9 đoạn” và cho rằng, các cơ quan ngoại giao Indonesia cần phát đi tín hiệu quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm thông điệp này không bị bất cứ ai hiểu sai do Jakarta từng tuyên bố không tham gia vào các tranh chấp trên Biển Đông. Ngày 16/8/2016, sau chuyến đi thị sát quần đảo Natuna, Tổng thống Indonesia cam kết sẽ bảo vệ từng tấc đất cũng như lãnh hải của nước này, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xâm phạm trái phép của tàu cá Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Natuna. Nhân sự kiện phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 về việc Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, Indonesia sẽ tích cực tham gia giải quyết tranh chấp giữa các bên bằng đàm phán hòa bình, phản đối sử dụng vũ lực.

Trong quan hệ với Trung Quốc, chính phủ Indonesia xác định sẽ kiên trì và chủ động theo đuổi chính sách ôn hòa để giải quyết những vấn đề có liên quan. Indonesia vẫn hy vọng vào lời cam kết của Trung Quốc với Jakarta từ những năm 1990, đó là “không có tranh chấp về quyền sở hữu quần đảo Natuna vì quần đảo này thuộc Indonesia”. Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề về biển của Indonesia Luhut Pandjaitan cho rằng: “Chúng tôi vẫn thân thiện với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, tuy nhiên chúng tôi phải tự bảo vệ mình”.

Trong sự kiện Hải quân Indonesia bắt giữ tàu cá và ngư dân Trung Quốc trên vùng biển Natuna ngày 17/6/2016, Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này đến để giải trình và làm rõ vụ việc. Đặc biệt, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố coi vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc và hai bên “có sự chồng lấn về lợi ích và quyền hàng hải”, Indonesia ngay lập tức gửi công hàm phản đối. Chính phủ, các cơ quan chức năng của Indonesia cũng đồng thời ra thông cáo công khai phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự hóa và hiện diện của hạm đội tàu chiến Trung Quốc tại Nam Biển Đông, gần quần đảo Natuna.                                  

Về kinh tế, Tổng thống Indonesia đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế của quần đảo Natuna khá toàn diện, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh đánh bắt, khai thác thủy hải sản, vận tải thương mại, phát triển du lịch, kêu gọi đầu tư khai thác dầu mỏ và khí đốt, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh… Theo Tổng thống Indonesia, ưu tiên phát triển kinh tế tại quần đảo Natuna hiện nay là hết sức cần thiết, không chỉ nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia mà còn để bảo vệ vùng biển rộng lớn ở phía Bắc. Theo đó, Indonesia sẽ đầu tư, phát triển một trung tâm hàng hải và thủy sản tích hợp tại khu vực, đồng thời lên kế hoạch đưa khoảng 6.000 ngư dân ra đánh bắt, khai thác thủy hải sản quanh khu vực quần đảo Natuna. Chỉ riêng về vấn đề năng lượng, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Sudirman Said cho biết đã xác định được 16 lô dầu khí ở vùng biển này, trong đó có 5 lô đã đi vào khai thác, 11 lô đang trong giai đoạn thăm dò, thử nghiệm. Một trong những mỏ khí đốt có tiềm năng nhất tại quần đảo Natuna nằm về phía Đông, được đánh giá là mỏ khí đốt lớn nhất ở Châu Á, có tổng trữ lượng ước đạt 46.000 tỷ m3. Hiện các tập đoàn dầu khí Pertamina (Indonesia), Exon Mobil (Mỹ), Total (Pháp) và SA PTT Exploration (Thái Lan) đã bắt đầu quan tâm về hợp tác đầu tư để khai thác.   

Về pháp lý, ngày 20/6/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã đưa ra lập luận hai điểm: (1) Indonesia đã có biên giới biển rõ ràng và được quốc tế công nhận, việc tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Natuna hoàn toàn dựa trên những quy định của UNCLOS 1982; (2) Indonesia không có tranh chấp với các nước trên Biển Đông, bởi Jakarta không tuyên bố chủ quyền đối với bất cứ cấu trúc địa lý thuộc Biển Đông như đảo, rạn san hô hay đầm phá vốn là các cấu trúc gây bất đồng về tranh chấp biển, do đó giữa Indonesia và Trung Quốc không có vùng chồng lấn. Bộ trưởng Marsudi khẳng định: “Thế giới này được tổ chức dựa trên luật pháp quốc tế chứ không phải dựa vào các tuyên bố lấy cơ sở từ lịch sử. UNCLOS là luật pháp. Lịch sử không thể phủ nhận luật pháp nhưng luật pháp có thể phủ nhận lịch sử”.

Nhằm hỗ trợ pháp lý cho bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Chính phủ Indonesia đã thống nhất chủ trương đặt tên cho các đảo chưa có tên, trước hết là những hòn đảo nằm ở biên giới với Timor Leste, Australia và một số đảo nhỏ thuộc quần đảo Natuna. Hiện tại, trong tổng số hơn 17.000 đảo, 8.844 đảo đã có tên; trong số những đảo có tên, chỉ có 922 đảo có người ở. Việc đặt tên cho các đảo chưa có tên được Indonesia xác định là nhằm củng cố tuyên bố về đường cơ sở, “ngăn chặn các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền” và giúp lực lượng hải quân dễ dàng hơn khi bảo vệ các vùng biển quốc gia.

Bên cạnh việc đặt tên cho các đảo, Indonesia tuyên bố đã có kế hoạch đổi tên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thành “Biển Natuna”, bao gồm toàn bộ khu vực biển thuộc phía Tây Nam Biển Đông, giữa bán đảo Malay, đảo Kalimantan và đảo Sumatra. Nếu “Biển Natuna” chính thức được Liên hợp quốc công nhận, ranh giới ở phía Bắc sẽ từ quần đảo Natuna và quần đảo Anambas trở xuống; phía Nam đi qua các eo biển Karimata và eo biển Gaspar, thông tới biển Java; phía Tây tiếp giáp với vùng biển giữa đảo Bintan và bán đảo Malay, kết nối với eo biển Singapore và eo biển Malacca. Theo Chính phủ Indonesia, chủ trương đổi tên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna thành “Biển Natuna” là nhằm: (1) Khẳng định chủ quyền trên biển, bác bỏ cái gọi là “quyền lợi lịch sử” và tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; (2) Tăng cường khả năng kiểm soát biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna để triển khai kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, sử dụng và quản lý lòng biển, tài nguyên thiên nhiên; (3) Góp phần làm tăng tính minh bạch, rõ ràng về quyền chủ quyền trên biển, thể hiện lập trường kiên quyết thực thi luật cấm đánh bắt hải sản phi pháp, tăng cường sự quản lý hiệu quả của các cơ quan chính phủ; (4) Củng cố cơ sở pháp lý để công bố “Bản đồ tài nguyên và thăm dò dầu khí khu vực xung quanh quần đảo Natuna và vùng liên quan”.

Về quân sự, năm 2002, Indonesia đã từng bị mất hai đảo Sipadan và Ligitan vào tay Malaysia. Đây là lý do khiến Jakarta không muốn “kịch bản lặp lại” đối với quần đảo Natuna, nhất là khi Trung Quốc luôn tuyên bố có “chủ quyền lịch sử” đối với vùng biển này. Tổng thống Joko Widodo khẳng định, chính phủ Indonesia sẽ quyết tâm bảo vệ quần đảo bằng nỗ lực cao nhất, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với những kẻ xâm nhập lãnh thổ.

  Trong ngắn hạn, bên cạnh việc tăng cường các lực lượng tuần tra kiểm soát, điều tàu chấp pháp có tải trọng lớn tới khu vực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, kiên quyết bắt giữ và đánh chìm hoặc đốt cháy mọi tàu cá nước ngoài vi phạm, Hải quân Indonesia sẽ thành lập thêm lực lượng đặc nhiệm Satgas 115 để đối phó với các hoạt động xâm phạm trái phép. Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thủy sản Susi Pudjiastuti tuyên bố: “Indonesia sẽ không quan tâm đó là nước nào, tàu gì, tàu của ai. Nếu họ đánh bắt trộm cá của chúng tôi, chúng tôi sẽ trừng phạt thẳng tay và không bàn tới mối quan hệ song phương trong tình huống này”. Năm 2017, các lực lượng chức năng trên biển của Indonesia đã bắt giữ và tiến hành đốt cháy nhiều tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép, trong đó có ba tàu cá của Trung Quốc. Ngày 28/6/2017, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn kế hoạch cấp ngân sách năm 2017 cho Bộ Quốc phòng tới 8,25 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2016. Một phần trong số này được sử dụng để nâng cấp căn cứ không quân hiện có, xây dựng một cảng mới ở quần đảo Natuna, cho phép nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu hoạt động. Từ năm 2016 trở đi, Indonesia đã tổ chức nhiều cuộc tập trận không quân, hải quân và lục quân quy mô lớn, thời gian dài tại quần đảo Natuna với sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ, các loại máy bay, tàu chiến, tên lửa chống hạm và các đơn vị đặc nhiệm.

  Trong dài hạn, Indonesia chủ trương tăng cường hệ thống phòng thủ tại quần đảo Natuna nhằm đối phó với kế hoạch kiểm soát khu vực Nam Biển Đông của Trung Quốc. Dự kiến trong những năm tới, Bộ Quốc phòng Indonesia sẽ bố trí các trạm ra-đa tại quần đảo Natuna để kiểm soát toàn bộ khu vực; triển khai thêm 4 đơn vị đặc nhiệm ở một số đảo có vị trí quan trọng; thiết lập một số căn cứ quân sự quy mô nhỏ để hình thành hệ thống phòng ngự; xây dựng mới hai căn cứ không quân tại đảo Ranai và quần đảo Anambas, bố trí thường trực các máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 và F-16; tăng cường thêm các cơ sở kho tàng, dịch vụ bảo đảm hậu cần; triển khai một số tổ hợp pháo phòng không đa năng… Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ chủ quyền, Indonesia cũng đang hết sức quan tâm đến sự phát triển lực lượng hải quân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về chủ trương, Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật về trang thiết bị để quân đội Indonesiaxây dựng một hệ thống ra-đa được cho là lớn nhất khu vực, với tầm giám sát dự báo có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông và vùng phụ cận.

Có thể nói, tranh chấp chủ quyền và lợi ích giữa Trung Quốc và Indonesia tại khu vực biển xung quanh quần đảo Natuna đã có những diễn biến phức tạp, có khả năng trở thành nơi tranh chấp gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột. Mặc dù chính phủ Indonesia đã đưa ra nhiều chủ trương mới về nâng cao năng lực quản lý, các biện pháp ngoại giao, quân sự, kinh tế và củng cố cơ sở pháp lý, nhưng khó có thể thay đổi được tham vọng mục tiêu của Trung Quốc trên Biển Đông nói chung và khu vực quần đảo Natuna nói riêng. Vì vậy, Indonesia muốn bảo vệ lợi ích của mình trên biển cần tiếp tục có những hành động mạnh mẽ trước những hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Natuna và có tiếng nói hỗ trợ với các nước láng giềng trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới