Friday, November 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Nền tảng quan trọng...

Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội: Nền tảng quan trọng cho tương lai

Trở ngại cho đàm phán phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã lộ rõ. Nhưng chính điều này là một trong những cơ sở quan trọng nhất cho những hi vọng trong tương lai.

“Thà không có thỏa thuận còn hơn chốt một thỏa thuận tồi”. Đó là phong cách đàm phán gắn liền với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nó được ông thể hiện trong cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại sự kiện thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra ở Hà Nội ngày 27 và 28-2.

Thật tuyệt khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất thiết thực với Kim Jong Un. Chúng tôi biết họ muốn gì, họ cũng biết chúng tôi sẽ làm gì. Mối quan hệ hai bên rất tốt. Hãy chờ xem điều gì xảy ra.

Tổng thống Donald Trump tweet tối 1-3

Ông Trump đã chuẩn bị phương án “bước khỏi phòng họp”

“Bạn không thể gặp một người chỉ hai lần và buộc họ từ bỏ những thứ đang cung cấp cho họ một đòn bẩy ngoại giao” – TS Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) trả lời Tuổi Trẻ ngay sau khi có thông tin về việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim không ra được một tuyên bố chung nào.

TS Abuza, chuyên gia an ninh Mỹ, khẳng định rằng từ góc nhìn của Washington, sẽ khó có khả năng chính quyền ông Trump giảm nhẹ áp lực trừng phạt trừ phi có những bước tiến cụ thể trong quá trình phi hạt nhân hóa. 

Cụ thể, việc giảm trừng phạt nên thực hiện theo từng cấp độ, đổi lại phía Mỹ cần tiếp cận được thông tin về toàn bộ số lượng vũ khí và cơ sở hạt nhân của Triều Tiên – điều mà Bình Nhưỡng chưa sẵn lòng cung cấp ngay lập tức.

Ý kiến của TS Abuza cũng là những gì các học giả Mỹ và Hàn Quốc đồng tình trong một diễn đàn tổ chức tại Hà Nội chiều

28-2, xoay quanh kết quả thượng đỉnh Mỹ – Triều. Họ chỉ ra những khác biệt rõ ràng nhất dẫn tới việc hai bên không ra được tuyên bố chung, nằm ở việc hai bên đặt quá nhiều kỳ vọng lên cuộc gặp này.

Nói như ông Daniel L. Davis – cựu sĩ quan quân đội Mỹ, nhà nghiên cứu cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Defense Priorities – “ông Kim Jong Un có lẽ nghĩ rằng ông Trump thực sự muốn rời bàn họp với một thỏa thuận được chốt, nhưng ông Trump lại không chốt một thỏa thuận bất lợi. Ông ấy đã khẳng định mình không hề vội vàng”.

Trong khi đó, ông Koh Yu Hwan – giáo sư nghiên cứu Triều Tiên, giám đốc Viện nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc – nhận định rằng rất khó để Mỹ tháo gỡ toàn bộ cấm vận theo yêu cầu của Triều Tiên. 

Trong khi đó, bản thân Tổng thống Trump cũng liên tục nói rằng ông không vội vàng với vấn đề Triều Tiên và có thể vốn dĩ đã chuẩn bị cho phương án bước khỏi phòng họp mà không cần thỏa thuận nào cả. Ngược lại, ông Kim Jong Un “không nhượng bộ và không từ bỏ điều gì”.

Đàm phán sẽ tiếp tục

Trong khi chỉ ra những khác biệt trong yêu cầu mà hai bên Mỹ – Triều đặt ra cho nhau, các chuyên gia tựu trung có phần lạc quan về triển vọng tương lai. 

GS danh dự Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia về khu vực, chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần 2 có thể gây thất vọng nhưng không phải một thảm họa. Ông Kim hứa hẹn với ông Trump là sẽ không quay lại thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nữa. Cả hai bên đều đồng ý tiếp tục đối thoại ở một thời điểm chưa xác định”.

Cho tới nay, Mỹ và Triều Tiên vẫn mâu thuẫn trong cách giải thích về những yêu cầu hai bên đặt ra, dẫn tới việc không đạt được thỏa thuận. Và cũng chưa ai nói về việc sẽ tổ chức cuộc gặp tiếp theo. Nhưng có thể thấy những thiện chí – thể hiện qua những gì họ sẵn lòng đặt lên bàn đàm phán – cũng chính là điều tạo ra khác biệt, khi hai bên ít nhiều đã khu biệt các vấn đề và cũng sẵn lòng đàm phán.

GS Paik Hak Soon, giám đốc Chương trình nghiên cứu quan hệ liên Triều tại Viện Nghiên cứu Sejong, tin rằng các cuộc đàm phán Mỹ – Triều sẽ tiếp tục. 

Ông nói: “Mỹ đã chuẩn bị cho việc cởi bớt áp lực trừng phạt lên Triều Tiên – vốn là điều mà ông Stephen Biegun, đặc sứ của phái đoàn đàm phán Mỹ, từng nói. Triều Tiên vẫn xem lệnh trừng phạt là biểu hiện thù địch của Mỹ. Và nếu Triều Tiên tin tưởng Mỹ đồng thời Mỹ không hạ thấp vị trí của Triều Tiên trên bàn đàm phán, lệnh trừng phạt sẽ được tháo gỡ.

Bạn không thể chữa khỏi một căn bệnh nếu không đoán đúng bệnh. Vì vậy, nếu như thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore là lúc các lãnh đạo đưa ra những cam kết có tính chất mở đường thì tại Việt Nam lần này, điểm nhấn cũng nằm trong chính các mâu thuẫn. 

Khi Mỹ và Triều Tiên không che giấu những khác biệt trong đàm phán, điều đó đồng nghĩa hai bên đang đi vào thực chất, nhìn nhận thẳng thắn những gì từng bên đang mong muốn và tiến thêm một nấc nữa tới việc giải quyết từng vấn đề này”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lee Seong Hyon, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Sejong, cho rằng không thể kỳ vọng câu chuyện hạt nhân được giải quyết một sớm một chiều, vì nó đòi hỏi rất nhiều cuộc đàm phán ở các cấp làm việc và những phiên làm việc này nên xuất hiện sau thượng đỉnh.

Ông Vương Duy Biên (NSND, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Triều):

Triều Tiên có nền ngoại giao văn hóa đáng nể phục

Có thể thấy Triều Tiên sở hữu một nền nghệ thuật rất trọng bản sắc, có những thứ khiến cả thế giới thán phục, điển hình như Arirang – buổi đồng diễn của hàng vạn người, thành những tác phẩm rất đa dạng, thành những tác phẩm rất ấn tượng. Nói đến Triều Tiên là nói đến Arirang, rất đáng nể phục.

Tôi còn nhớ hồi làm Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chúng ta còn có ý định cử người sang học Arirang để trình diễn.

Ngoại giao văn hóa bao giờ cũng dễ đi tiên phong. Có dạo chúng ta nghe về ngoại giao bóng bàn ở Trung Quốc. Đó là lĩnh vực thể thao. Tương tự như vậy, văn hóa hay những chương trình nghệ thuật, những đoàn nghệ thuật bao giờ cũng dễ đến, dễ tiếp cận và truyền đi những thông điệp khiến người ta dễ chấp nhận.

Tôi nghĩ rằng ngay chính cách Chủ tịch Kim Jong Un mời những đoàn của Hàn Quốc sang cũng đã cho thấy thái độ cởi mở, không gò bó với những quan niệm của mình.

Ông ấy có thể chấp nhận những quan niệm khác, những phong cách nghệ thuật khác. Bản thân những điều này cũng là một sự học hỏi, mà có thể ông Kim cũng còn muốn giới thiệu cho công chúng của Triều Tiên một số phong cách nghệ thuật khác nữa.

Một tư tưởng mở cửa phải bắt đầu bằng việc chấp nhận những khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Ngoại giao văn hóa có lợi thế như vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới