Bản tin Biển Đông ngày 05/03/2019.
Philippines phản đối tàu Trung Quốc đuổi ngư dân Philippines
Ngày 4/3, hãng Benar News đưa tin, khoảng 50 chiếc tàu của Trung Quốc đã tập trung và xua đuổi ngư dân Philippines khỏi một dải cát gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa hôm 3/3. Ngày 4/3, các nhà hoạt động tại Philippines đã tổ chức biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối hành động này. Fernando Hicap, Chủ tịch Hội ngư dân Pamalakaya lên án việc Trung Quốc tiếp tục chiếm vùng biển và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận sinh kế của họ. Ông cho biết, bên cạnh việc biến vùng biển này thành các căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đánh bắt cá và những ai có thể ra vào vùng nước đánh cá. Việc làm này “không chỉ đe dọa đời sống ngư dân Philippines mà đe dọa cả vấn đề an ninh lương thực của hàng triệu người dân Philippines sống phụ thuộc vào nguồn thức ăn là cá”. Ông Hicap đã kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra phản đối mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên, Người phát ngôn của Tổng thống Duterte, Salvador Panelo, cho biết, chính phủ ủng hộ người dân Philippines bởi “ngư dân chúng ta đã đánh cá ở đó, không ai có quyền đuổi ngư dân đi”; tuy nhiên các cơ quan chức năng sẽ phải xác minh thông tin này. Jay Batongbacal, chuyên gia luật biển tại Đại học Philippines, mô tả các tàu cá của Trung Quốc là ví dụ về “chiến lược vùng xám” của Bắc Kinh, theo đó, các tàu dân sự được sử dụng để tránh việc quy trách nhiệm trực tiếp bằng cách biện hộ đó không phải tàu của chính phủ. Ông Batongbacal cho rằng “điều Philippines cần làm là phản đối mọi trường hợp ngăn chặn tàu cá vì nó vi phạm các quy định về an toàn”.
Chìa khóa ASEAN hướng tới hòa bình ở Biển Đông
Ngày 5/3, tờ New Straits Times của Malaysia đăng ý kiến của Giám đốc Viện Biển Malaysia (MIMA), Datuk Chin Yoon Chin, cho rằng ASEAN đóng một vai trò thiết yếu trong duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và một trong những sáng kiến quan trọng của ASEAN là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ông Chin khẳng định, DOC nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các vấn đề về chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, DOC nên giải quyết các vấn đề cấp bách hơn, ví dụ như việc sử dụng vũ lực và các hoạt động lấn biển, đồng thời xây dựng lòng tin. Ông Chin cho rằng, “các nỗ lực và sáng kiến nhằm tăng cường xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tranh chấp cần phải được xem xét nghiêm túc. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy hiểu biết và hy vọng tổ chức được các cuộc đàm phán theo hướng tăng cường tiến trình xây dựng lòng tin”.
Nhật Bản và Philippines bày tỏ lo ngại về an ninh khu vực
Ngày 5/3, tờ Mainichi của Nhật Bản đưa tin, tướng Koji Yamazaki, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ mặt đất của Nhật Bản đã có cuộc gặp với người đồng cấp Philippines, tướng Macairog Alberto, tại trụ sở quân đội Philippines ngày 4/3. Hai bên đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, và một số vấn đề khác hai bên cùng quan tâm. Chuyến thăm của tướng Yamazaki đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong bối cảnh cả Nhật Bản và Philippines đều phải đối mặt với các lo ngại ngày càng tăng trên biên giới biển.
Bình luận về cam kết Mỹ bảo vệ Philippines ở Biển Đông
Liên quan đến phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông, nhiều chuyên gia, học giả đã nêu ý kiến đánh giá về cam kết này.
Theo hãng ABS-CBN ngày 4/3, Jay Batonbacal, Giám đốc Viện các vấn đề về Biển và Luật biển của Đại học Philippines cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ không chỉ gửi thông điệp tới chính phủ Philippines mà còn tới rộng rãi công chúng và đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Đây là lời cảnh báo cho các quốc gia khác nếu có ý định thách thức chủ quyền của Philippines. Chuyên gia an ninh Chester Cabalza cho rằng, Philippines nên nhân cơ hội này để tăng cường khả năng quân sự bởi “cả Trung Quốc và Mỹ đều đề nghị hỗ trợ Philippines”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không có gì mới. Ngày 5/3, tờ Manila Times đăng ý kiến của Công tố viên Dodo Dulay cho rằng phát biểu này chỉ đơn thuần là biện pháp trấn an Philippines rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu có tấn công ở Biển Đông, có khác chăng đây là lần đầu tiên Mỹ công khai những gì họ đã nói rõ trong công hàm năm 1999 gửi Philippines về phạm vi của Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau bao gồm cả Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ vẫn chần chừ trong việc viện dẫn Hiệp ước này đối với tranh chấp Biển Đông. Cam kết hậu thuận Manila khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông là tất cả những gì nước này có thể kỳ vọng. Mỹ sẽ không dại dột đối đầu với Bắc Kinh trong các vụ việc liên quan đến quyền đánh cá của ngư dân Philippines hay bảo vệ các yêu sách của Manila đối với các đá không người ở mà không mấy quan trọng đối với Mỹ. Mối quan tâm thực sự duy nhất của Mỹ ở Biển Đông là tự do hàng hải; Mỹ muốn vùng biển này mở, không cho phép Trung Quốc tạo ra đe dọa nào nhằm đóng những tuyến hàng hải quan trọng về kinh tế này.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng, không nên đặt cược vào phát biểu này của ông Pompeo. Mỹ đã hứa hẹn nhiều nhưng khi Philippines rơi vào tình huống dường như sắp sửa xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi sự bảo đảm từ Mỹ, họ vẫn im lặng hoặc nói rằng họ phải nghiên cứu trường hợp đó kỹ lưỡng hơn. Mỹ sẽ không gửi tàu chiến đến để giúp đỡ hải quân Philippines bởi Mỹ biết rõ rằng điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc, không chỉ làm chết hàng triệu người dân hai nước mà còn dẫn đến sụp đổ kinh tế toàn cầu.
Ngày 2/3, trang news.sina.com.cn đưa tin về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, cho rằng sẽ không có nhiều người Philippines tin điều này hay coi đó là cơ sở áp dụng chính sách tấn công Trung Quốc. Trước đây Mỹ không chịu đưa ra cam kết, hiện nay Biển Đông yên bình rồi thì ông Pompeo lại nói như vậy vì Mỹ muốn chia rẽ quan hệ Trung Quốc – Philippines. Bài viết cho rằng Trung Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với Philippines, bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông chủ yếu xuất phát từ chiến lược ngoại vi lớn của Trung Quốc, mục tiêu của Trung Quốc là cả Trung Quốc và Philippines đều có lợi. Việc Mỹ và Philippines áp dụng Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau ra sao cũng không quyết định được thái độ của Trung Quốc đối với tranh chấp đảo, đá Trung – Phi. Mỹ đưa ra những lời hứa hão huyền với các quốc gia vừa và nhỏ thực ra là để phục vụ cho chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga. Những năm gần đây, Mỹ không hề viện trợ lớn cho bất kỳ quốc gia nào, mà còn từ chối thực hiện nghĩa vụ quốc tế, tập trung theo đuổi tối đa hóa và ưu tiên lợi ích của Mỹ. Đối với một nước Mỹ như vậy, các quốc gia vừa và nhỏ cần phải cẩn thận, đừng dễ dàng tin vào lời hứa miệng của Mỹ và làm tốt thí cho Mỹ rồi bị coi là trẻ con và ngu ngốc. Bên cạnh đó, bài viết cũng cảnh báo nếu bất kỳ ai có những hành động quá đáng ở khu vực Biển Đông, bao gồm cả quân đội Mỹ, Trung Quốc sẽ có những đáp trả mạnh mẽ.