Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBất chấp phạm tội ác chiến tranh, TQ vẫn quyết xâm chiếm...

Bất chấp phạm tội ác chiến tranh, TQ vẫn quyết xâm chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam

Dù biết việc sử dụng vũ lực thảm sát bộ đội Việt Nam đang đóng trên đá Gạc Ma là phạm tội ác chiến tranh và dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ nước khác là vi phạm Hiên chương Liên hợp quốc, song Trung Quốc vẫn quyết xâm chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam nhằm phục vụ mưu đồ bá chủ và độc chiếm Biển Đông.

Mưu đồ của Trung Quốc đối với đá Gạc Ma

Trung Quốc đã dòm ngó quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ lâu. Từ năm 1909, Trung Quốc bắt đầu cử phái bộ từ Quảng Đông thăm dò một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là thời điểm đánh dấu Trung Quốc có những hành động thực tế nhòm ngó Hoàng Sa và sau này là Trường Sa, mở đầu cho kế hoạch nuốt trọn các đảo. Vào năm 1956, Pháp buộc rút hết khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Genève tháng 7/1954. Trong bối cảnh Việt – Pháp đang có sự bàn giao, khoảng trống bố phòng ở biển Đông trở thành cơ hội tốt để Trung Quốc chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc lại lựa chọn thời điểm để “ra tay”, gây nên trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 khi được Mỹ “bật đèn xanh”. Sự kiện này có liên quan mật thiết đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.  Nếu không có cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Nixon thì Trung Quốc không dám có hành động đánh chiếm Hoàng Sa khi đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Sau sự kiện Campuchia, chúng ta bị Mỹ cấm vận và ASEAN quay lưng. Quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc thì đang trong tình trạng rất xấu sau chiến tranh biên giới 1979. Việt Nam gần như bị cô lập trên trường quốc tế. Chỗ dựa duy nhất của Việt Nam lúc đó là Liên Xô thì đang khủng hoảng trầm trọng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn những năm 80, tình hình Việt Nam rất khó khăn, lực lượng hải quân mỏng. Tàu thuyền chủ yếu do Trung Quốc viện trợ hoặc là chiến lợi phẩm từ thời Việt Nam Cộng hoà đã quá cũ. Lực lượng đi ra đảo dù đã chuẩn bị nhưng tàu bị hỏng máy không thể đi được, nên hải quân gặp khó khăn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Về không quân, các máy bay Mig của ta không bay được tới Trường Sa và dù có máy bay Su-22 nhưng chỉ bay ra hoạt động khoảng thời gian rất ngắn nên khả năng tác chiến rất hạn chế. Trong khi Trung Quốc có các tàu chiến lớn, số lượng đông và hỏa lực rất mạnh. Đồng thời lúc đó chúng ta còn đang phải đối phó với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.

Không những vậy, thời điểm tháng 3/1988, Trung Quốc biết được Liên Xô đang lộn xộn và không quan tâm nhiều đến vấn đề ở Biển Đông. Và có thể có một chỉ dấu nào đó từ phía Liên Xô khiến cho Trung Quốc củng cố thêm quyết tâm phải đánh vào thời điểm 1988. Những gì diễn ra sau đó chứng tỏ âm mưu của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận. Cho dù, khi đó Hiệp ước hữu nghị hợp tác năm 1978 Việt Nam ký với Liên Xô vẫn còn có hiệu lực. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tìm mọi cách xâm chiếm các đảo, đá của Việt Nam trong năm 1988.

Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm bãi Tư Nghĩa. Trước tình hình Trung Quốc chiếm đóng hàng loạt đảo trên Trường Sa, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên các đảo còn lại trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Trung Quốc, sau khi chiếm hàng loạt đảo, đầu tháng 3/1988 đã huy động lực lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9 lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Tại các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng thủ nhằm bước đầu ngăn chặn việc mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận. Xác định Trung Quốc còn tiếp tục tranh chấp chủ quyền hải đảo, chiếm bãi san hô nổi hoặc chìm xen kẽ với đảo của Việt Nam, kể cả có xung đột, Việt Nam chủ trương cấp tốc đưa lực lượng đi đóng giữ các đảo trong ba năm (1988-1990). Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho các tàu gấp rút đưa bộ đội, công binh ra xây dựng đảo, tiến hành chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88). Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150. Đặc biệt là chiếm giữ các bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm gây thanh thế ở khu vực Trường Sa và trên Biển Đông.

Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương… Lực lượng công binh, hải quân dù tay không vẫn cương quyết bảo vệ cờ. Trung Quốc đã huy động hai chiến hạm bắn thẳng vào lực lượng bảo vệ đảo và tàu vận tải 604 đang neo đậu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và một số chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tàu 604 bị chìm.

Tại đảo Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý) và Len Đao, Trung Quốc tấn công quyết liệt ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/3, bắn cháy tàu HQ 505 và sát hại nhiều chiến sĩ đang giữ đảo. Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu HQ 605 của Việt Nam.

Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng cho Việt Nam, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 74 chiến sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trả lại 9 chiến sĩ bị bắt. Số còn lại được xem là đã hy sinh.

Vị trị địa chiến lược trọng yếu của đá Gạc Ma

Trung Quốc lựa chọn Gạc Ma vì Trung Quốc muốn có một pháo đài ở trung tâm Biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì xa bờ. Trung Quốc muốn ở một vị trí an toàn và với việc chiếm được Hoàng Sa, họ có được thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma để khống chế Biển Đông. Không những vậy, đá Gạc Ma cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý giữ vị trí quan trọng, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Nếu để Trung Quốc chiếm được “sẽ khống chế đường qua lại của ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”.

Ngoài ra, vị trí đá Gạc Ma rất hiểm yếu, nó gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình. Việc Trung Quốc muốn xây dựng các “đảo nổi” nhân tạo nhằm mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp. Đặc biệt, Trung Quốc muốn mở rộng tất cả các thực thể trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ra tới những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm vi quần đảo đó, Trung Quốc vẫn muốn xây dựng để sử dụng vạch đường cơ sở bao bọc toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo. Chính vì thế, nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ  khống chế toàn bộ hàng hải đi qua khu vực này.

Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma còn là một bước đi cụ thể cho dã tâm “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những bãi đá xung yếu. Chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây. Nếu chiếm được bãi đá này thì với tiềm lực mạnh, Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế được cả vùng biển xung quanh. Ngoài ra, chiến lược quân sự mà Trung Quốc đang đưa ra không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa mà ngay ở Gạc Ma, là kiểu “gặm nhấm”. Thể hiện rõ nhất là sau khi chiếm đóng trái phép của Việt Nam, nước này không vội đánh chiếm các đảo khác, phần vì gặp phải sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đã lén lút cho bồi đắp, xây dựng những công trình nhân tạo và “khi Việt Nam phát hiện ra thì mọi việc đã rồi”.

Trung Quốc đã biến đá Gạc Ma của Việt Nam thành pháo đài kiên cố trên Biển Đông

31 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, đang tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo với ý đồ từng bước thâu tóm và độc chiếm Biển Đông.

Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông.

Kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma. Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc. Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30 mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Trung Quốc còn xây dựng trái phép 2 tháp ra đa đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Hiện, họ đã hoàn tất và đưa vào sử dụng trái phép 1 bãi đáp trực thăng ở phía Đông Nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của bãi với chiều dài khoảng 100 m và đặc biệt là xây dựng 1 bến nghiêng rộng 20 – 30m, các loại xe vận tải, xe bánh xích, xe bánh lốp dễ dàng cơ động lên đảo từ những tàu vận tải đổ bộ, chở quân…

Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi… Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và Biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.

Về địa chiến lược, Trường Sa nói chung và Gạc Ma nói riêng có vị trí hết sức đắc địa. Gạc Ma là nút thắt của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa, và đi qua khu vực biển Đông, rất gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía Đông), nơi chúng ta đang có rất nhiều cơ sở quan trọng về kinh tế, xã hội, và an ninh – quốc phòng. Gạc Ma và nhất là đá Châu Viên, rất gần với khu vực bãi Tư Chính – Vũng Mây và khu vực các nhà giàn DK 1 của Việt Nam – nơi có những tiềm năng to lớn về dầu khí và tài nguyên khoáng sản.

Về bố trí lực lượng, hiện nay các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Đài Loan chỉ bố trí ở khu vực này một số lực lượng đồn trú quy mô nhỏ và các cấu trúc hiện tại chủ yếu để phòng thủ, bảo vệ là chính. Còn với những gì mà Trung Quốc đang làm, họ sẽ xác lập các căn cứ không quân, hải quân, thông tin, hậu cần… hỗn hợp ở Gạc Ma và các điểm đảo khác.

Trung Quốc sẽ chiếm thế áp đảo hoàn toàn bởi rõ ràng Trung Quốc đang áp dụng tư duy tấn công trong việc xây dựng, lấn chiếm. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp Trung Quốc khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển… Trung Quốc sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.

Về luật pháp quốc tế, Trung Quốc đang ngụy biện cho rằng “đảo Gạc Ma” là nơi có đủ khả năng duy trì sự sống, có quy chế như những đảo tự nhiên khác và họ sẽ căn cứ vào đó để vẽ đường cơ sở, tuyên bố lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế theo như quy định tại UNCLOS 1982. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ dần tạo lập một cơ sở pháp lý mới cho cái gọi là đường lưỡi bò phi lý hiện nay của họ, ôm trọn toàn bộ biển Đông.

Về phối hợp quân sự – dân sự, khi hoàn thành, Trung Quốc hoàn toàn có thể thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không mới trên vùng biển phía Nam của Biển Đông – điều mà hiện nay họ chưa làm được, đưa tàu bè dân sự, ngư dân, thậm chí là giàn khoan và các phương tiên khác vào sâu trong vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam… Tình hình khi đó sẽ trở nên cực kỳ phức tạp.

Về ngoại giao, tương quan lực lượng mới sẽ giúp Trung Quốc có được những lợi thế lớn trên bàn đàm phán với các nước ASEAN. Việc Trung Quốc cố tình trì hoãn, dây dưa kéo dài quá trình đàm phán COC là muốn chờ đợi sau khi hoàn thành các cơ sở này, họ sẽ có thế lực mới để “mặc cả” với ASEAN.

Với những ưu thế như vậy, nên Trung Quốc không thể dễ dàng từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Nhìn lại những hành động của Trung Quốc trong những năm qua, có thể thấy ngay từ rất sớm, Trung Quốc đã có những kế hoạch sâu xa và tính toán rất kỹ nhằm từng bước thôn tính Biển Đông.

Việt Nam và các bên liên quan cần phối hợp bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực

Trước tình hình trên, chúng ta cần phải có hành động sớm và kiên quyết phản đối những việc làm sai trái, đơn phương và có tính khiêu khích của Trung Quốc.

Về pháp lý, bên cạnh việc tiếp tục đưa ra các bằng chứng pháp lý thuyết phục, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần làm sáng tỏ việc Trung Quốc đổi trắng thay đen, biến đá thành đảo. Điều này sẽ không có giá trị và không thể áp dụng UNCLOS 1982 cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng.

Về tuyên truyền, cần lên tiếng càng sớm, càng mạnh mẽ càng tốt, cần vận động các nước trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN cùng nhau lên tiếng phản đối.  Không thể để Trung Quốc tạo sự đã rồi để đe dọa an ninh của cả khu vực. Ngoài ra, ta cũng cần tích cực tuyên truyền phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) để khẳng định các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam là đá.

Về ngoại giao, cần phối hợp tốt với các nước ASEAN để đẩy nhanh việc đàm phán về COC; tiếp tục giương cao ngọn cờ pháp lý và chính nghĩa, kêu gọi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, đặc biệt là điều 5 của DOC – một văn kiện mà Trung Quốc đã chính thức cam kết.

Kết luận

Trung Quốc từ lâu đã có âm mưu sử dụng vũ lực xâm chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam nhằm hiện thức hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới