Tuy không phải là có bên tranh chấp ở Biển Đông, song Campuchia là nước đã ủng hộ lập trường, chính sách Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong suốt những năm qua. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 01/2019 của Thủ tướng Hun Sen, Campuchia một lần nữa lại ủng hộ quan điểm và cách thức dẫn dắt của Trung Quốc trong quá trình xây dựng COC.
Campuchia ngả về TQ trong vấn đề Biển Đông. Nguồn: CSIS
“Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do TQ nêu ra”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20-23/01/2019), hai bên đã ra Thông cáo báo chí trong đó có nội dung hai bên cảm thấy vui mừng trước tình hình Biển Đông duy trì ổn định và phát triển theo hướng tốt đẹp, kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm sâu sắc hợp tác thiết thực trên biển, thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do Trung Quốc nêu ra, mong muốn cùng các bên cùng nhau nỗ lực, duy trì xu thế tích cực tham vấn về COC, tranh thủ sớm đạt được COC trên cơ sở hiệp thương nhất trí, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác.
Trước đó, phát biểu khi tham dự các diễn đàn bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tổ chức tại Singapore từ ngày 13/11 đến ngày 15/11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố “việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới (tức là đến năm 2021) nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi trong quá trình đó và COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác, theo tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc.
Hôm 09/01/2019, ba tàu chiến của Trung Quốc đã có chuyến thăm chính thức 4 ngày tới Campuchia. Hai bên loan báo “mục đích chuyến thăm là nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác quốc phòng, đặc biệt giữa hải quân hai nước”. Các tàu Trung Quốc sẽ không tham gia hoạt động diễn tập quân sự chung nào, song sẽ tham gia vào các hoạt động khánh thành một căn cứ hải quân mới của Campuchia gần đảo Koh Rong. Chuyến thăm của các tàu hải quân Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ hải quân ở vùng duyên hải tây nam Campuchia. Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư lớn vào Campuchia với các dự án lên đến hàng tỷ USD, trong đó có cảng Sihanoukville, một cảng nước sâu cách thủ đô Phnom Penh khoảng 185km về phía Tây Nam.
“Campuchia nhiều khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ TQ, khiến ASEAN gặp khó khăn trong tìm kiếm tiếng nói chung”
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) của tại Lào hồi tháng 7/2016, các bộ trưởng ASEAN đã không thể ra được tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vì Campuchia lúc đó ủng hộ Trung Quốc, phủ quyết mọi điều liên quan đến việc Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc được đưa ra trong dự thảo. Nhiều nước trong ASEAN muốn ra tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao, trong đó nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài, sự cần thiết của việc thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, Campuchia phản đối đề xuất tuyên bố chung và ủng hộ quan điểm đối lập của Bắc Kinh về việc ASEAN nên đứng bên lề vấn đề Biển Đông , giải quyết tranh chấp qua các biện pháp song phương. Trước đó, tại hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở Phnom Penh, Campuchia nắm chức Chủ tịch luân phiên đã ngăn cản ASEAN ra Tuyên bố chung phản đối nội dung đề cập về Biển Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, ASEAN không ra được một tuyên bố chung.
Đến Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Singapore hồi tháng 4/2018, Campuchia tiếp tục thể hiện thái độ, quan điểm ủng hộ Trung Quốc khi là nước chất vấn nhiều nhất những điểm liên quan tới Biển Đông trong Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị. Theo các nguồn tin từ Hội nghị, Campuchia yều cầu bỏ nhiều nội dung của Dự thảo, trong đó có các điểm khẳng định “ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, bao gồm bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn” và thay bằng “chúng tôi lưu ý những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp đảo và việc leo thang các hoạt động trong khu vực, xây đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và triển khai khí tài quân sự trong vùng tranh chấp…” trong Tuyên bố Chủ tịch. Ngoài ra, Campuchia cũng khẳng định lập trường là “ASEAN không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên”. Đây cũng chính là điều mà Trung Quốc nêu ra và muốn áp đặt lên các nước ASEAN.
Sở dĩ Campuchia sẽ vấn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN nói riêng và trên bình diện quốc tế nói chung là do: Một là, Campuchia hiện đang chịu ảnh hưởng chi phối khác lớn từ Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều này đã được tạo ra trong một quá trình lâu dài dưới những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/01/2019 cho biết, Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ cho đất nước chùa tháp 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 588 triệu USD, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 400 ngàn tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2023 và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. Hai là, những diễn biến chính trị nội bộ tại Campuchia, nhất là qua các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua cho thấy Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có thể đã phải dựa vào Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trước đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP). Ba là, Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Thủ tướng Hun Sen và CPP tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7/2018, bất chấp những chỉ trích, trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, Trung Quốc đã cấp kinh phí cho Ủy ban bầu cử quốc gia và cử quan sát viên người Trung Quốc trong cuộc bầu cử. Trung Quốc còn cho Campuchia vay 259 triệu USD để xây dựng một tuyến đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia. Ngay sau khi kết thúc bầu cử, với phần thắng thuộc về CPP, Trung Quốc đã tuyên bố “luôn luôn ủng hộ nỗ lực của Campuchia trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định, và phản đối bất cứ quốc gia nước ngoài nào can thiệp vào chính trị nội bộ Phnom Penh”. “Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Campuchia hết mình trong mục tiêu duy trì sự ổn định và phát triển”, tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Có thể nói, Trung Quốc đang là đối tác kinh tế lớn và quan trọng nhất hiện nay của Campuchia. Vì lợi ích, Campuchia đã sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh xây đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông và Phom Penh bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế. Điều này đã và đang trở thành trở ngại không hề nhỉ cho sự đoàn kết, phát triển và tiến bộ của ASEAN,cũng như toàn khu vực.