Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách ngoại giao pháo hạm của TQ ở Biển Đông

Chính sách ngoại giao pháo hạm của TQ ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tích cực triển khai chính sách ngoại giao pháo hạm ở Biển Đông, nhằm từng bước thực hiện âm mưu độc chiếm vùng biển này. Tuy nhiên, chính sách trên của Bắc Kinh không giúp họ đạt được mong muốn, mà chỉ khiến các nước đoàn kết hơn với nhau.

Hiểu thế nào là “ngoại giao pháo hạm”

Ngoại giao pháo hạm là việc phô trương sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa chiến tranh và thông qua đó đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại, như buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề lãnh thổ hay thương mại. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng ngoại giao pháo hạm, đúng như nghĩa đen của nó, là dùng sức mạnh quân sự, ở đây cụ thể là sức mạnh tàu chiến nhằm đạt được các mục đích ngoại giao của mình. Ngoại giao pháo hạm được sử dụng phổ biến trong thời kỳ thực dân.

Ngoại giao pháo hạm xuất hiện trong thời kỳ diễn ra các cuộc xâm chiếm thuộc địa trên thế giới của các cường quốc châu Âu (khoảng nửa sau thế kỷ 19). Trong thời kỳ này, các cường quốc châu Âu thường cho tàu chiến neo đậu ngoài khơi các quốc gia mà họ muốn đe dọa và gây áp lực trong quá trình đàm phán các hiệp ước bất bình đẳng. Đôi khi để tăng tính đe dọa, các tàu chiến này còn được lệnh biểu dương lực lượng bằng cách nã đại bác trên biển. Với sức mạnh quân sự vượt trội và thông qua hình thức ngoại giao pháo hạm, các cường quốc châu Âu thời bấy giờ đã dễ dàng ép buộc các quốc gia yếu hơn phải chấp nhận các điều ước bất bình đẳng, buộc các quốc gia này phải nhượng lại đất đai hoặc trở thành thuộc địa, đồng thời mở cửa các hải cảng để các thương thuyền của họ vào trao đổi thương mại. Một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động ngoại giao pháo hạm chính là việc thuyền trưởng Mathew Perry của Mỹ vào năm 1853 đã cho bốn tàu chiến neo trong vịnh Tokyo nhằm ép buộc chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ mở cửa các thương cảng Nhật cho các hoạt động trao đổi thương mại với nước ngoài.

Trong hai cuộc Thế chiến I và II, các chiến hạm: tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm và tàu sân bay đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc chiến. Bên cạnh các căn cứ quân sự ở nước ngoài, hải quân là cơ sở để các nước chứng minh sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình ở bên ngoài lãnh thổ. Sự ra đời của bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo không làm mất đi vai trò của các chiến hạm, mà ngược lại, các tàu mang theo vũ khí hạt nhân đã trở thành phương tiện quân sự mang tính răn đe cao của các nước lớn. Tuy nhiên, cùng với chính sách ngoại giao hạt nhân và sau đó là xu thế hòa bình, vai trò của các chiến hạm dần dần mờ nhạt đi. Hay nói đúng hơn, sự tan rã của Liên Xô (cũ) đã khiến lực lượng hải quân chính quy của Mỹ, NATO không còn một đối thủ ngang tầm. Các hạm đội của Mỹ không gặp bất cứ một trở ngại nào đáng kể trong các sứ mệnh của mình tại nước ngoài.

Ngày nay với việc luật pháp và các chuẩn tắc quốc tế phát triển, việc đe dọa sử dụng vũ lực theo đó cũng bị hạn chế. Tuy nhiên ngoại giao pháo hạm, hay ngoại giao cưỡng bức, vẫn tiếp tục là “chiếc gậy” được một số cường quốc sử dụng. Ví dụ, trong thời gian từ tháng 7 năm 1995 đến tháng 3 năm 1996, Trung Quốc đã liên tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa trong vùng biển xung quanh Đài Loan nhằm răn đe chính quyền của Tổng thống Lý Đăng Huy không được theo đuổi chính sách tìm kiếm độc lập chính thức cho hòn đảo này, gây nên cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba. Đáp lại, vào tháng 3 năm 1996, chính quyền Clinton đã cử hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence của Hạm đội 7 tới gần eo biển Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc. Động thái này của Mỹ đã góp phần khiến Trung Quốc phải xuống thang, chấm dứt các cuộc thử tên lửa và cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba đã kết thúc sau đó.

Thực tế, ngoại giao pháo hạm chỉ mang lại hiệu quả nếu như một bên có sức mạnh vượt trội so với bên kia. Trong trường hợp hai bên có sức mạnh tương đương, hoặc ít nhất là sức hủy diệt tương đương, kết quả sẽ chỉ là sự căng thẳng và mất lòng tin. Xu thế hòa bình, hợp tác vẫn đang là dòng chảy chính của quan hệ quốc tế, các hoạt động quân sự trên biển sẽ không đem đến một giải pháp khả thi nào cho các bất đồng và xung đột trong một thế giới hiện đại. Ngoại giao pháo hạm sẽ khó có thể phát huy được vai trò của mình như từng có trong lịch sử.

Chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc

Những động thái gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc thành lập thành phố Tam Sa, cải tạo phi pháp 7 thực thể nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, tăng cường tập trận quân sự trong khu vực… đã khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, dễ mất kiểm và gia tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông.

Thời gian gần đây, giới chuyên gia, học giả quốc tế đã nhiều lần cảnh báo về mức độ nguy hiểm của chính sách ngoại giao pháo hạm của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong khi đó, theo thông tin truyền thông trong khu vực, chính sách ngoại giao pháo hạm giữa thế kỷ 21 của Trung Quốc là trở ngại chính trên con đường xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trang tin South China Morning Post của Hong Kong đăng bài bình luận của ông Mark Valencia, học giả Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, Hải Nam, Trung Quốc cho rằng, ASEAN và Trung Quốc khó có thể đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Theo ông Valencia, kể từ khi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ra đời, đến nay, các bên vẫn chỉ thảo luận nguyên tắc chủ chốt chung như tăng cường lòng tin chính trị, cam kết tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, cũng như Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác năm 1976, tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi nước. Ông Valencia nhận định, còn rất nhiều trở ngại cơ bản khiến ASEAN và Trung Quốc khó đạt được COC, hay thậm chí là một văn bản có tính ràng buộc yếu hơn. Theo chuyên gia về Biển Đông này, ASEAN cần phải đoàn kết trong việc xây dựng và giải thích về COC.

Tờ Bưu điện Bangkok chỉ ra rằng, “phương pháp thông thường của Trung Quốc khi đối mặt với những bất đồng là đơn giản gạt đi và bác bỏ việc thảo luận những vấn đề này, thậm chí sử dụng vũ lực để áp chế nếu cần thiết”. Báo Thái Lan nêu rõ, “Bắc Kinh chủ ý châm ngòi tranh chấp, cụ thể là với Việt Nam” bằng kế hoạch thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương – 981. Bưu điện Bangkok gọi giàn khoan này là “một công cụ lạ lùng trong chính sách ngoại giao trên biển”, nhưng Trung Quốc lại đang dùng “thứ vũ khí độc nhất vô nhị này” để đẩy xa tham vọng của Bắc Kinh và đối đầu với những nước có liên quan. Báo Thái Lan nhận định, mục tiêu mà hình thức ngoại giao pháo hạm giữa thế kỷ 21 của Trung Quốc nhắm tới rõ ràng là Việt Nam và Philippines. Theo trang Bưu điện Bangkok, “Trung Quốc cần phải biến chính sách ngoại giao giàn khoan không khoan nhượng của mình trở thành các cuộc thảo luận thực chất”. Báo Thái Lan chỉ ra rằng, “bằng việc tham gia đàm phán với ASEAN và các thành viên ASEAN, Trung Quốc có thể đưa ra phương án giàn xếp tranh chấp hiện nay một cách thỏa đáng hơn”.

Đáng chú ý, Chu Hao – chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Nam Á thuộc Học viện Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách “ngoại giao pháo hạm” để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông với các nước láng giềng. Theo ông Chu Hao, kể từ năm 2010, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đã ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ông cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chống Việt Nam và Philippines chỉ đẩy hai nước này – và có thể tất cả các thành viên ASEAN – gần với phương Tây hơn và làm cho những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Nam Á trở thành số không. Các tranh chấp đã làm cho hình ảnh của Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm ở Đông Nam Á – mà khó khăn lắm Trung Quốc mới tạo dựng được – đã đối mặt với sự khủng hoảng lòng tin. Theo ông Chu Hao, các nước liên quan đến Biển Đông lo ngại rằng, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự cùng với tình cảm dân tộc đang gia tăng có thể khiến Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực và vì vậy, các nước phải tìm kiếm sự tham gia của ASEAN hay Mỹ. Ông Chu Hao cho rằng, Trung Quốc cần xử lý vấn đề Biển Đông cũng như quan hệ ASEAN – Trung Quốc một cách thận trọng. Ông lưu ý rằng, đang có một làn sóng dư luận ở Trung Quốc tin rằng tình hình biển Đông đang rất dữ dội, và có một số tiếng nói cực đoan đang kêu gọi sử dụng vũ lực, từ bỏ hợp tác với ASEAN. Ông nhận định, về tổng thể, “hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc”. “TQ nên tiếp tục bỏ qua những lời kêu gọi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp” – ông Chu Hao viết. Sử dụng vũ lực sẽ tạo ra môi trường đối kháng. “Trong trường hợp đó, Biển Đông sẽ thành cái bẫy trên con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc”. Ông cho rằng, từ giờ Trung Quốc nên tập trung vào quyền lực mềm trên 3 vấn đề khi giải quyết biển Đông: Tìm kiếm và duy trì nền tảng đạo lý, tăng cường lòng tin của các nước láng giềng để họ tin rằng sự nổi lên của Trung Quốc là hòa bình và xây dựng uy thế của Trung Quốc.

Sự phản pháo của Trung Quốc

Trước sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, từ năm 2009, ở Biển Đông, Trung Quốc hầu như luôn luôn đi trước một bước so với các nước tuyên bố chủ quyền khác và Mỹ. Nhưng hành động tự do đi lại của tàu khu trục USS Lassen Mỹ đã làm thay đổi tình hình, có điều chủ yếu không phải ở ý nghĩa Mỹ đưa ra “chiêu hiểm” ngăn chặn Trung Quốc. Hiện nay hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy, Mỹ sử dụng răn đe để làm suy yếu sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với các đảo đá và vùng biển, cũng không bắt buộc Bắc Kinh nhượng bộ trong yêu sách “chủ quyền lịch sử” (bất hợp pháp).

Nhưng, tàu chiến Mỹ xuất hiện ở “vùng biển tranh chấp” là đã phát đi một tuyên bố chính trị mạnh mẽ đối với quan hê Trung-Mỹ trong tương lai, cũng đã phát đi một tín hiệu hành động rõ ràng đối với các đồng minh khu vực của Mỹ. Loại ngoại giao pháo hạm này thách thức ý chí bành trướng của Bắc Kinh khi trước các hành động (của Mỹ) trên thực địa. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cáo buộc Mỹ điều động tàu chiến đã thể hiện vị thế bá chủ hải quân ở khu vực này, nhưng nói một cách nghiêm túc, nó sẽ không buộc Mỹ lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, cũng sẽ không tạo ra mối đe dọa an ninh cụ thể cho người Trung Quốc.

Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu – một phụ trang của “Nhân dân nhật báo” – đã  nói lên tất cả, khi bình luận rằng để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc “phải dám bảo vệ những nguyên tắc của mình và phải có dũng khí đương đầu với nhiều quốc gia cùng một lúc”.

Đồng thời, một số nhà bình luận quân sự của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc đã đe dọa sử dụng phương tiện quân sự để giải quyết vấn đề ngoại giao. Thiếu tướng La Viện, một bình luận viên khét tiếng, đã tái khẳng định quân đội Trung Quốc  sẵn sàng “dạy cho Philippines một bài học”. La Viện đổ lỗi cho thế lực dân tộc chủ nghĩa  bên trong và bên ngoài chính phủ Philippines về việc kích động quan hệ với Trung Quốc. “Nếu Philippines không thể kiềm chế dân chúng của họ, hãy để chúng tôi đưa họ vào khuôn phép”. Hay thời gian gần đây, ông La Viện lại kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch mạnh mẽ hơn để “tống” Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Nhật Bản, bằng cách đánh chìm hai tàu sân bay của Mỹ, gây thương vong cho khoảng 10.000 người. “Những gì Mỹ lo sợ nhất là thương vong”, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc nhấn mạnh. Ông La cho rằng việc đánh chìm một sân bay Mỹ sẽ khiến 5.000 người thiệt mạng và con số này cần phải tăng gấp đôi khi ‘tiêu diệt’ cùng lúc hai hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Trước những lời đe dọa của Trung Quốc, giới tướng lĩnh Mỹ cảnh báo Bắc Kinh “đừng có đùa với lửa”. Theo ông Jerry Hendrix, cựu đại tá Hải quân Mỹ, tuyên bố này là một sự khiêu khích rõ rệt trong ngôn ngữ của Bắc Kinh, cho thấy Trung Quốc đang thiếu hiểu biết về Mỹ. Ông Hendrix nói, có thể Bắc Kinh cho rằng tinh thần chiến đấu của Mỹ đang ở mức thấp nhưng trên thực tế nó chưa từng bị mai một mà chỉ đang ở trạng thái “ngủ đông”. “Bất cứ cuộc tấn công nào vào tàu sân bay Mỹ bằng máy bay tầm xa, tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo chắc chắn sẽ phải hứng chịu các đòn đáp trả nhằm vào các căn cứ mà các vũ khí đó được phóng đi và sau đó các hạm đội Mỹ sẽ phát huy sức mạnh”, ông Hendrix cảnh báo. Chuyên gia quân sự này vì vậy cho rằng Trung Quốc tốt hơn là nên kiểm soát giọng điệu hiếu chiến của mình và ngồi xuống bàn đàm phán với Mỹ về thương mại một cách thiện chí và cởi mở để đi tới một sự thỏa hiệp giữa 2 quốc gia thay vì đưa ra những lời đe dọa quân sự.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc, những phát biểu trong nội bộ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các nhà nghiên cứu, không phải là tuyên bố chính thức của Bắc Kinh, song cũng không thể bỏ qua những phát ngôn này. Còn John Hemmings, chuyên gia về Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson cho rằng việc các tướng lĩnh “diều hâu” (Trung Quốc) sẵn sàng đưa ra những tuyên bố nguy hiểm như vậy là dấu hiệu cho thấy những tiếng nói mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc đang dẫn dắt chính sách của Trung Quốc trong khu vực. Bryan McGrath, giám đốc điều hành của hãng tư vấn hải quân FerryBridge nhận định những lời đe dọa nhằm vào tàu sân bay Mỹ không mới. Mặc dù các tàu của Mỹ có thể sẽ phải nỗ lực để ứng phó với mối đe dọa từ các tên lửa mới của Trung Quốc, song sức mạnh của tàu sân bay Mỹ là điều không thể phủ nhận.

Theo Business Insider, mặc dù hải quân Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng tàu và quân đội Trung Quốc một ngày nào đó có thể áp đảo Mỹ về sức mạnh, nhưng ngày đó vẫn chưa đến. Các tướng Trung Quốc cũng từng công khai thừa nhận rằng điểm yếu lớn nhất của họ là sự thiếu kinh nghiệm trong chiến đấu.

Kết luận:

Trung Quốc tích cực sử dụng ngoại giao pháo hạm ở Biển Đông chỉ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực, Bắc Kinh cần chấm dứt các hành động phi pháp trên và tôn trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới