Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhi nào tàu sân bay Anh, Pháp tuần tra tự do hàng...

Khi nào tàu sân bay Anh, Pháp tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Ngay những tháng đầu năm 2019, Anh và Pháp liên tục khẳng định sẽ điều tàu sân bay tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm để tàu sân bay của hai nước nói trên bắt đầu tuần tra ở Biển Đông còn là một ẩn số.

Tầu sân bay Charles de Gaulle của Pháp

Trong bài phát biểu ngày 11/2 về chiến lược quân sự mới tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết London sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mang theo 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Anh và Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những bên vi phạm luật pháp quốc tế trong khu vực. Được biết, ngay từ năm 2017, Ngoại trưởng Anh Vladimir Johnson đã nói rằng, tàu sân bay HMS Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi nó được triển khai. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh lần đầu tiên ra khơi thử nghiệm ngày 27/6/2017. Tải trọng tàu khoảng 65.000 tấn, dài 280m và có khả năng mang 36 máy bay F-35B Lightning và 14 trực thăng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp (22/2) thông báo sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle đến hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ tháng 3/2019.Hộ tống tàu sân bay này gồm có 3 tàu khu trục, một tàu ngầm và một tàu tiếp tế. Tàu sân bay hạt nhân của Pháp sẽ hoạt động tại khu vực trong gần 5 tháng, tập trận với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hải quân các nước Ấn Độ, Ai Cập. Bộ Quốc phòng Pháp thông báo tàu Charles de Gaulle cũng sẽ cập cảng Singapore trong đợt triển khai này. Pháp trong những năm qua đã tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cũng nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông, nơi Trung Quốc tiến hành những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp. Theo Đại tá Guillaume Thomas, phó phát ngôn viên Bộ Tham Mưu Quân Đội Pháp, theo lịch trình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle sẽ ghé Địa Trung Hải, tháng 5 tập trận “Ramsès” với Ai Cập, sau đó qua Ấn Độ Dương, tham gia cuộc tập trận “Varuna” vào tháng 7 với Ấn Độ. Bên cạnh đó, tàu sân bay Pháp cũng sẽ thao diễn với Hải Quân Nhật Bản ở Ấn Độ Dương. Đối với đại tá Thomas, các khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương nằm trong các ưu tiên của Pháp, nhưng lần này, kế hoạch hoạt động của chiếc Charles-de-Gaulle không “dự kiến” đến Biển Đông, nơi mà đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên một số đảo đá đang gây căng thẳng với các láng giềng Đông Nam Á.

Trước đó, hãng tin AFP trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (10/2018) cho biết Pháp luôn là quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế; nhấn mạnh bất cứ khi nào mà các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị vi phạm, như trường hợp hiện nay ở vùng biển phía Nam Trung Quốc (ám chỉ Biển Đông), Pháp sẽ có hành động chứng tỏ quyền tự do hành động và đi qua những vùng biển này.

Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Để phản đối lại việc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (14/2) đã hủy kế hoạch đàm phán thương mại với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond vào cuối tuần này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cảnh báo đưa tàu chiến đến Thái Bình Dương để thách thức Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (9/2018) từng bày tỏ hy vọng rằng “Anh sẽ thực thi lập trường không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và không làm xáo trộn sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (6/9/2018) đã cảnh báo tàu HMS Albion của Anh tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vi phạm luật pháp Trung Quốc và các luật quốc tế liên quan, và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Bà Hoa nói thêm tại cuộc họp báo rằng “tàu chiến Anh đã đi một cách phi pháp vào vùng biển chủ quyền mà không được phép của chính phủ Trung Quốc”. Bà cho biết hải quân Trung Quốc đã xác minh thông tin con tàu theo luật pháp và cảnh báo nó phải rời đi.

Đáng chú ý, giới chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng những động thái gần đây của Anh liên quan vấn đề Biển Đông ảnh hưởng lớn đến quan hệ Trung – Anh. Theo Giáo sư Hữa Lợi Bình, Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng những động thái gần đây của Anh là phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng kế hoạch xây căn cứ quân sự ở Đông Nam Á của Anh là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ đang ngày càng sát cánh hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc. “Đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ rất hài lòng” ông Ni nói về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp lịch sử.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc nhìn chung đang tìm cách biện minh cho hành động của mình và chỉ trích các hoạt động của Pháp ở Biển Đông, cho rằng việc Pháp tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là hành động “khiêu khích”, nhằm tìm đạt được một số “lợi ích” từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới