Ngoại giao thượng đỉnh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế ngày nay – cả về song phương lẫn đa phương.
Ông Trump và ông Kim Jong Un gặp nhau tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, tối 26/2/2019 (Ảnh: AFP)
Cum từ “thượng đỉnh” lần đầu tiên được sử dụng – theo nhiều ý kiến là bắt nguồn từ thủ tướng Anh Winston Churchill trong thập niên 1950 – để mô tả cuộc gặp giữa lãnh đạo chính phủ các nước.
Ngày nay, ngay cả việc lựa chọn địa điểm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cũng mang ý nghĩa biểu tượng và hàm ý địa chính trị.
Cary Huang, cây viết gạo cội của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), phân tích trên tờ này rằng việc tổ chức một cuộc thượng đỉnh quan trọng như hội nghị mới đây tại Hà Nội giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (cuộc gặp thứ 2 trong vòng 8 tháng giữa hai nhà lãnh đạo) có thể được xem là một bước ngoặt ngoại giao.
Tầm quan trọng về mặt ngoại giao của hội nghị Trump-Kim đã đặt nước chủ nhà Việt Nam vào “tâm điểm chú ý” toàn cầu và đưa Việt Nam vào trung tâm của vũ đài chính trị. Điều này vẫn đúng, dù Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được thỏa thuận.
Việc chọn Hà Nội làm địa điểm đã thể hiện nhiều điều về những thay đổi bước ngoặt trong hành trình phát triển của Việt Nam.
Theo ông Huang, lý do Việt Nam được chọn trong danh sách các địa điểm tiềm năng để tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim không chỉ vì lập trường trung lập của Hà Nội trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cũng như không chỉ vì cả Mỹ và Triều Tiên đều đặt đại sứ quán ở Hà Nội. Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với tất cả các bên chủ chốt – gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Nga – cũng chưa phải là lý do chính.
Điều quan trọng là địa điểm Hà Nội đã đáp ứng được lợi ích của cả Bình Nhưỡng lẫn Washington.
Là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có thể cho chủ tịch Kim Jong Un cái nhìn về một lộ trình để vừa tạo dựng hòa bình với siêu cường số 1 thế giới, và cả bài học kinh nghiệm để phát triển thịnh vượng.
Bản thân tổng thống Trump nêu hàm ý rằng lựa chọn Hà Nội làm địa điểm thượng đỉnh nhằm chuyển tải thông điệp đến Bình Nhưỡng. Trên Twitter, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng rằng Triều Tiên có tiềm năng lớn và sẽ phát triển mạnh mẽ như Việt Nam nếu chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân, mà nếu hợp tác với Mỹ thì Bình Nhưỡng sẽ có được hai lợi ích: Kết thúc tình trạng bị cô lập, và được thịnh vượng về kinh tế.
Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế bùng nổ hàng đầu thế giới kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới hồi thập niên 1980. Và với các tính chất địa lý cũng như dân số, Việt Nam là một hình mẫu dễ tưởng tượng hơn đối với Triều Tiên về hiệu quả cải cách.
Trong khi đó, ông Huang chỉ ra, Hà Nội được hưởng lợi từ thượng đỉnh Mỹ-Triều, khi có cơ hội thể hiện thành tựu kinh tế đạt được trước đội ngũ truyền thông đa quốc gia đông đảo đổ về đây giữa “cơn sốt” ngoại giao.
“Khi đóng một vai trò nổi trội như vậy trong một sự kiện toàn cầu, [Việt Nam] sẽ gặt hái được những thành công quan trọng về chính trị và đối ngoại,” ông Huang viết trên SCMP ngày 5/3.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam đã từng bước tiến đến trung tâm trong các hoạt động của Đông Nam Á.
Tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim giúp củng cố vị thế của Hà Nội như là một trong số đối tác đáng tin cậy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, và nâng cao tiếng nói của Việt Nam trong các sự vụ khu vực.